Thứ Sáu, 7 tháng 1, 2022

HOA SỮA HÀ NỘI Ở PARIS Thẩm Hoàng Long (Diển Đàn Forum )

Lạ lùng thật, không thể tin ở mình nữa. Tại sao lại có mùi hoa sữa ở Paris ?

Một đêm mùa hè, thả bộ dọc con phố yên tĩnh ở ngoại ô Tây Nam Paris, một mùi thơm nhè nhẹ, dịu dàng, phảng phất và thân thuộc quá… Đúng rồi ! Đúng mùi hoa sữa Hà Nội.

... Bố tối ngày xưa bảo, nhà mình không có quê vì năm đời đã ở Hà Nội rồi. Vậy quê mình là Hà Nội.

Nhà tôi ở phố Cửa Nam, bà ngoại ở phố Trần Hưng Đạo, cô bạn gái ở phố Hàm Long. Đạp xe chầm chậm qua những phố ấy vào tối mùa thu man mát, se lạnh của Hà Nội, dưới bóng đèn vàng mờ mờ và sương mù nhè nhẹ, mùi hoa sữa dịu dàng mà hơi hăng hắc... Biết bao nhiêu kỷ niệm từ tuổi ấu thơ đến trưởng thành đã gắn với mùi hoa sữa. Thế mà ở Paris lại được ngửi mùi hoa sữa !?!

Mừng quá, vội thông báo cho bạn bè, người gật gù, người thì nghe tai này qua tai kia như nghe bản tin thời sự nhàm chán...  Thôi, mỗi người một cảm xúc riêng, có sao đâu. Được ngửi mùi hoa sữa của Hà Nội tại Paris, ngay con phố mình ở, là một hạnh phúc lắm rồi !

Hè 1998, sau chục năm xa Hà Nội, lần đầu tiên trở về, gặp lại các bạn bè cũ, tôi tâm sự là trước đó, sự trở về chỉ là giấc mơ trăn trở hàng đêm. Thằng bạn thời sinh viên bảo : Thì mày đã về với chúng tao bây giờ rồi đây. Chúng tôi ngồi uống bia ở quán “Ông già” cạnh nhà nhà thơ Phùng Quán và vợ là chị Vũ Bội Trâm – giáo viên Văn trường trung học phổ thông Chu Văn An, bên bờ Hồ Tây. Anh chị giờ đã không còn nữa.

Hà Nội thay đổi rất nhiều, mình là người Hà Nội gốc mà ra ngoại thành là lạc đường. Năm 2013, một tối đến phố Hàng Quạt, nhà cô bạn học cũ, đèn đường tối mờ mờ, phải hỏi đường thì một giọng Nghệ An nặng chỉ dẫn rất tận tình nhưng không nghe rõ được. Mình tự nhủ, ngày xưa phố phường Hà Nội thuộc như  trong lòng bàn tay.

Mượn chiếc xe máy, mình phóng xe, hoà vào dòng người, cũng luồn lách như ai và tự nhủ : mình lại... thành “người Hà Nội” rồi.

Ngủ đêm ở nhà ông anh, đường Hoàng Quốc Việt, nghe tiếng rao : “Ai bánh khúc nào… tôi bán bánh khúc đây…”. Mình chợt nghĩ ở Paris làm sao mà nghe được những tiếng rao này.

Trở về Paris, không còn còi xe ầm ĩ, mùi khói xăng nồng nặc và những tiếng rao đêm nữa… nhưng mùi hoa sữa Hà Nội thì vẫn phảng phất, dịu dàng... và rất đỗi thân quen.

Nhà tôi ở ngoại ô Tây Nam của Paris. Cứ mỗi mùa Hè đến, loài “hoa sữa” Paris mọc bên hàng rào, lại nở rợp trắng li ti suốt ba tháng 6, 7, 8. Đúng dịp có vợ chồng Đoàn Khắc Thuân, Trần Kha sang Pháp thăm gia đình em trai (hoạ sĩ Trần Trọng Vũ và vợ là nhà văn Thuận), tôi đưa cho chị Kha (con gái thi sĩ Trần Dần) những bông hoa sữa này, chị xác nhận : đúng mùi hoa sữa Hà Nội. Mùi hương gợi hình, gợi tầng tầng ký ức về Hà Nội của tôi. Từ cửa sổ phòng tôi nhìn xuống đường là vườn hoa công cộng, làm tôi nôn nao về vườn hoa cửa Nam trước nhà tôi thuở nào.

Năm 1951, tôi được sinh ra tại Nhà Hộ sinh 18 phố Quán Sứ. Bố tôi đang làm Thị trưởng Hà Nội (Dược sĩ Thẩm Hoàng Tín (1909-1991)), đặt tên con út là Long với ý nghĩa trong từ “Thăng Long”, tên cũ của kinh thành này. Lúc ở Việt Nam, tôi chỉ xa Hà Nội hai đợt. Lần đầu, năm 1968, tôi sang Từ Sơn học Đại học Thể dục Thể thao, chuyên khoa Điền kinh (4 năm). Năm 1972, tôi nhập ngũ, vào Quảng Trị, bộ đội Sư đoàn 304. Năm 1974, tôi được điều ra Hà Nội làm giáo viên trường Thể dục Thể thao quân đội, thuộc Cục Quân huấn, Bộ Tổng tham mưu. Phục viên năm 1980, tôi về làm việc tại Sở Thể dục Thể thao Hà Nội, phụ trách bộ môn Cờ vua cho đến khi sang Pháp năm 1988 định cư. Là chuyên gia về máy ảnh Nikon, Pentax, Fusi, tôi không thể phục hồi được hết ảnh cũ trong album của gia đình đông con, trong đó có 4 chị em ở Pháp. Chị thứ hai, Thẩm Đôn Thư, 84 tuổi sống ở Cachan, Paris nhiều năm, nay đang ở Hamburg, Đức với con trai, chị đã yếu sau mấy lần cấp cứu. Đến như nhạc sĩ Nguyên Lê (Lê Thành Nguyên, SN 1959), cháu gọi tôi là cậu ruột, bố mẹ là người Việt, sinh ra ở Pháp cũng không nói được tiếng Việt, dù vẫn gặp họ hàng, về nước và vẫn biểu diễn cho cộng đồng trong và ngoài nước. GS. Lê Thành Khôi (1923), học giả có mấy bằng tiến sĩ từ kinh tế đến luật học đến văn chương, lấy chị cả của tôi Thẩm Thị Hồng Anh (1930). Anh chị đều sinh trưởng ở Hà Nội phố cổ, định cư ở quận 15 Paris, với tình yêu quê hương đã dành tài sản lớn về tinh thần và vật chất : tặng hơn 330 hiện vật là tượng, đồ gốm sứ cổ sưu tập khắp thế giới cho Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Tháng 10/2015, tôi gặp Nguyên Lê tại Bảo tàng này khi cháu thay mặt bố tặng bộ sưu tập.

Cuộc đời tôi may mắn được sống hai nửa ở hai thành phố Thủ đô đều ngàn năm tuổi. Dù là nhiếp ảnh gia, tôi chẳng thể chụp hết được mọi vẻ đẹp của Paris và Hà Nội. Và tôi tin, không một nhiếp ảnh gia tài ba nào trên thế giới này chụp hết, chụp lại được ký ức. Bởi đâu phải tất cả đều hiện ra, hiện lại cho chúng ta. Nhớ quá ngôi nhà xưa ở 11-13 phố Cửa Nam. Hiệu thuốc Cửa Nam của gia đình tôi ở số 5-7 Cửa Nam, còn có phòng thí nghiệm, bào chế lớn và một cửa hàng thuốc Tây nữa ở đường Đồng Khánh (nay là phố Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm). Từ lâu, Nhà nước đã trưng dụng, vẫn mở bán thuốc – hiệu thuốc Cửa Nam mang tên 8-3 (Tám tháng Ba, có vẻ đầy tinh thần ưu tiên phụ nữ). Mỗi lần qua đó, tôi lại thấy như thấp thoáng hình ảnh bố mẹ. Bố tôi – Dược sĩ Thẩm Hoàng Tín (1909-1991) sau khi du học ở Pháp về đã mở hiệu thuốc này. Mẹ tôi, dược sĩ Phạm Thị Thành (1921-1969), quản lý và làm việc tại đây. Tôi là con chung duy nhất của bố mẹ, cũng là con út của hai người. Hiện ở Hà Nội chỉ còn anh ruột tôi Thẩm Vũ Can, từng công tác tại Vụ Mẫu giáo, Bộ Giáo dục, sống ở số 3, phố Phan Đình Phùng. Anh Thẩm Võ Hoàng (SN 1935), nhà quay phim tài liệu đang sống tại Pháp. Anh sang Pháp từ 1950, học quay phim rồi trở về tham gia điện ảnh Việt Nam từ ngày đầu, công tác tại Xưởng Phim truyện Việt Nam. Anh là quay phim, cùng đạo diễn Đặng Nhật Minh tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh từ đầu tháng 4/1975 đến khi tiếp quản Dinh Độc lập. Tại LHP Việt Nam lần thứ VI tổ chức vào năm 1977 tại TP Hồ Chí Minh, phim “Tháng 5 - những gương mặt” ra đời sau chuyến đi ấy, nhận được Giải Bông Sen Bạc. Nhớ quá kỷ niệm vô giá : năm 1970, tôi tham gia đoàn làm phim Luống khoai xanh, cảnh quay dưới chân núi Tam Đảo (Vĩnh Phúc) tôi vào vai nhỏ : lính liên lạc tên là Hai, chị Thụy Vân đóng vai chính là chính trị viên, anh Thẩm Võ Hoàng quay phim này, hoạ sĩ Vi Ngọc Linh thiết kế mỹ thuật, đạo diễn Bắc Xuyên. Phim huy động 200 học viên trường Đại học Quân sự gần đó đóng bộ đội. Hai năm sau, tôi thành bộ đội thật, một chàng trai Hà Nội xông pha ở mặt trận ác liệt nhất. Dòng họ Thẩm nhà tôi cũng có đóng góp cho điện ảnh bằng kỷ niệm nhỏ này. Sau 1954, chú ruột tôi là nhạc sĩ Thẩm Oánh (tác giả Tôi bán đường tơ) đã khuyên thiếu nữ Nguyễn Minh Phụng (SN 1940) đang học nghệ thuật hãy theo học điện ảnh, cô nghe theo và thành công. Cô đã lấy nghệ danh Thẩm Thuý Hằng để tri ân nhạc sĩ đã cho một lời khuyên tuyệt vời.

Tôi thăm anh Hoàng đầu tháng 3 vừa rồi (*). Định cư ở quận 13, Paris từ 1983, nay anh tôi đã yếu, nhớ mà chẳng thể về dự ngày hội Điện ảnh Việt Nam 15/3, trở lại cơ quan cũ. Mỗi lần về, mỗi lần gặp lại, ai trong chúng ta chẳng vơi đi bạn bè, người quen biết. Ba đứa con tôi mang quốc tịch Pháp, song luôn tự hào là người Hà Nội, nói chuyện với bố mẹ bằng tiếng Việt. Cháu gái đầu Thẩm Yến Linh (SN 1989 tại Hà Nội) là Thạc sĩ, kiến trúc sư, sang Pháp từ khi 2 tuổi vẫn nói tốt tiếng Việt. Con trai Thẩm Hoàng Việt (1995) đang là sinh viên Đại học Paris 1 và con gái út Thẩm Mỹ Linh (1997) là sinh viên Đại học Luật Paris.

Mùa Đông Paris thường không có tuyết, cái lạnh càng làm tôi nhớ đến mùa Đông Hà Nội, tuy Hà Nội chẳng khi nào xuống âm 2°C - âm 5°C. Năm 2011, tuyết rơi khiến Paris bị kẹt xe. Tôi rời khỏi hãng lúc 15h30 mà 5h sáng hôm sau mới về tới nhà. Mỗi khi nhìn những cây cầu nhỏ, đều làm tôi liên tưởng tới cầu Thê Húc, dù hình dáng và chất liệu không giống nhau.

Không giống nhau, các đời lãnh đạo thành phố đã làm thay đổi Hà Nội. Thủ đô bây giờ to, rộng mà không còn vẻ đẹp nên thơ thanh lịch như xưa. Không phải bởi là thân phụ mà tôi ngợi ca: như bố tôi, một người Tây học, cả đời giữ phong thái lịch lãm, tinh tế, mặc đúng mốt và ăn uống tinh sành, ưa giao du với các nghệ sĩ, trí thức, chính trị gia đã truyền thụ cho chúng tôi tư duy về cái đẹp và giữ cho Hà Nội đẹp từ cách nói năng đi đứng ăn mặc đến phong cảnh không gian.

Dược sĩ Thẩm Hoàng Tín và dược sĩ Phạm Thị Thành (ảnh chụp năm 1951)

Thoáng thế mà đã 64 năm, kể từ khi cầu Thê Húc bị sập. Do nhân dân du Xuân Tết Nhâm Thìn 1952 vãn cảnh quá đông, chen lấn trên cầu gỗ không lan can, Thị trưởng Hà Nội Thẩm Hoàng Tín đã cho phá bỏ cầu cũ, xây cầu mới. Để tìm thiết kế đẹp, ông Tín tổ chức cuộc thi thiết kế mẫu. Hơn 30 mẫu của các kiến trúc sư cả Pháp lẫn Việt tham gia, mẫu của KTS Nguyễn Ngọc Diệm được chọn. Thiết kế cong hơn để cầu khỏe hơn, nổi hơn, vẫn giữ lại dáng cong cầu vồng xưa, giữ nguyên 16 hàng cọc tròn, các đầu trụ được vuốt nhọn hơn, nhằm gợi nhớ chiến thắng quân Nam Hán của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng năm 938. Dầm ngang, dầm dọc, mặt và thành cầu đều làm bằng gỗ. Bố tôi đã ban hành Quy chế đặt tên các phố Hà Nội giai đoạn trước 1954. Nhưng năm 1979, ông lại phải xa Hà Nội để sang Pháp chữa bệnh tim, dưỡng già và qua đời tại đây. Hiện tro cốt cha tôi yên nghỉ tại Trúc Lâm thiền viện, nơi một số trí thức cùng thời nằm lại đó như học giả Hoàng Xuân Hãn...

Hơn 50 năm sau khi ông nội cho xây lại cầu Thê Húc, cháu nội Thẩm Yến Linh - con gái cả của tôi về Hà Nội năm 2015 để thực hiện luận án Tiến sĩ Kiến trúc sư với dự án cải tạo, thiết kế bãi cát giữa sông Hồng vào năm 2030 - 2040 và trở về viết tại Pháp.

Gần 30 năm sống trên đất Pháp, hễ thấy hoa nào trắng như hoa sữa đều làm tôi nhớ Hà Nội. Hoa sữa được trồng nhiều thành phố khắp Việt Nam, riêng mùi hương đã thành biểu tượng của thành phố 1.006 tuổi.


Hà Nội của tôi cất giữ mọi hương thơm kỷ niệm đẹp nhất cuộc đời.


THẨM HOÀNG LONG

Paris

NGUỒN : Bài và ảnh do tác giả cung cấp.

(*) Bài viết năm 2016. Nhà điện ảnh Thẩm Võ Hoàng đã từ trần ngày 28.12.2021 (chú thích của Ban biên tập).

Giai Phẩm Xuân Ất Mùi


1 nhận xét:

LONG ĐONG NỔI CHỮ - Truyện Ngắn của Trần Doãn Nho

Long đong nỗi chữ (*) • Trần Doãn Nho Chưa từng làm điều ác, nhưng chữ nghĩa làm cho lòng người bỗng dưng nhiễm đầy vết thương. Nhờ một ít k...