Thứ Hai, 28 tháng 2, 2022

KỶ NIỆM VỚI PHỐ TÂY NINH. - Trịnh thị Hảo

 
Đường phố Tây Ninh ngắn ngủn đến độ thầy Vinh ( thầy dạy ở trường Nữ trung học, hình như môn Lý ) chê rằng phố gì mà đi bộ chưa đến năm phút đã hết… Quả đúng như vậy, theo ký ức củ tôi phố xá Tây Ninh thua xa khu Tòa Thánh Cao Đài..
Trên con phố Gia Long “đi dăm phút đã về chốn cũ “ ấy, phía tay phải từ cầu đi xuống, có có một tiệm đóng xăng đan mà ba tôi vẫn dắt tôi đi đo ni đóng giày mỗi mùa nhập học. Hình như nhà cô Hạnh thì phải. Xuống chút nữa là hai tiệm chụp hình là Ngọc Dung và Kim Dung. Về sau tôi biết ở bên kia đường có một tiệm chụp ành khác là Xuân Mỹ. ( biết là do đó là nhà một bạn học Sư Phạm: Trần Thị Mai - ở San Jose - mà tôi có dịp ghé thăm. ( nhà chị có cây hồng dòn sai trĩu quả , tiếc thay khi tôi đén , trái còn xanh rất xanh !!!) .
Cuối con đường là rạp chiếu bóng Lạc Thanh. Ba tôi làm ở Ty thuế vụ nên có vé mời thường trực ở Lạc Thanh, ( mỗi phim được xem một lần, hai vé) , nhưng thỉnh thoảng chúng tôi mới được ba cho phép xem. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ phim Bạch Viên Tôn Các , có diễn viên đóng vai con khỉ leo núi thoăn thoắt, nhớ một phim cô Thẩm Thuý Hằng đóng vai Tam Tạng ngồi khóc trước bọn nữ yêu thật là đẹp. Và có phim cả nhà tôi cùng xem là phim Ben Hur… Con em tôi mê phim chưởng , thuộc vanh vách tên các tài tử Hồng Kông luôn…
Còn có một rạp để diễn cải lương nữa là rạp Thanh Sơn. Má tôi thích cải lương hơn. Mỗi khi có đoàn hát về, ba tôi cũng có vé mời. Má tôi thích kép Út Hậu. Còn tôi đi theo và biết được thêm chữ “ Vãn” gắn ở mép tấm màn nhung đỏ, có nghĩa là hết tuồng…
***
Bên kia đường có tiệm Quảng Hải mà bạn Tùng kể , tôi nhớ nó có tên chính thức là “Quảng Hải trà gia” , nơi lần đầu tiên bọn nhóc chúng tôi được ba dắt cả nhà đi ăn tiệm. Và dư vị của món ăn đầu tiên đó – mì hoành thánh - còn đọng mãi trong ký ức của tôi…, đến nỗi sau này tôi không muốn ăn món mì hoành thánh nào thêm nữa để không bị vỡ mộng về một món ăn ngon thuở ngây thơ và nghèo nàn .
Cũng tiệm ăn này, mỗi mùa Trung Thu , ba tôi hay mang về hai hộp bánh nướng : thập cẩm và đậu xanh với một hộp trà. Tôi nhớ trung thu nào bọn tôi cũng ngồi chầu hẩu ở đầu nhà ngóng trông ba đi làm về. Đám nhỏ tụi tôi hít hà ngắm nghía cái hình vẽ, săm soi mấy chữ Tàu trên hộp, tôi hỏi ba , thì ba chỉ : “Trung thu nguyệt bỉnh”. Tôi biết được mấy chữ nho đơn giản ( chữ trung và chữ nguyệt) từ đó.
Rồi sốt ruột chờ mong tối đến! Thôi thì khỏi nói, miếng bánh nhỏ tí được để trên mảnh giấy trắng tươm mỡ béo ngậy, ngọt sắc được bọn tôi trân trọng cầm trên tay ropòi lại ngắm nghía hít hà… Xong thì liếm láp từng chút một : chút hột dưa,, chút mỡ, chút lạp xưởng, chút lá chanh.. ,và cố kéo dài thời gian nhất có thể được, để thưởng thức món quà sang trọng hấp dẫn đó, nhất là khi may mắn được ba phát cho phần bánh có miếng hột vịt muối to hơn…
Nhất định không để sót lại vụn bánh nào !!!
***
Những món quà đó vào thời đó sao mà ngon, vui, tuyệt vời và đấm ấm đến như vậy? Bởi vì bây giờ no đủ hơn, có thể lựa chọn được nhiều món ngon hơn, với thương hiệu nổi tiếng hơn, vật liệu cao cấp hơn… nhưng lạ lùng là ăn gì cũng không thể tìm lại được cái hương vị của ngày xa xưa ấy !!!
***
Ngoài ra mỗi hè, các anh chị tôi học ở Sài gòn đều về nhà, khi ấy chúng tôi vui lắm. Các anh chị dắt chúng tôi ra phố ăn chè sâm bổ lượng mát rượi ví nước đá ,( lại nhớ mất trí táo tàu trong ly ) , khi về thì hai tay hai nắm mấy trái cà na gói trong miếng giấy quấn thành một dải dài, chúng tôi ngồi trên “ lầu” ( thực sự là cái nhà sàn) ngồi ăn và thả hột xuống đất , sung sướng nhìn lũ trẻ hàng xóm ganh tỵ với mình…
***
Tây Ninh còn có một con dốc cao nổi tiếng là dốc Toà, vì có tòa nhà Hành chính ở đó, ( nhưng dân vẫn gọi là dốc tà ) . Mỗi khi đi chợ, má tôi đều đi bộ trên con dốc này. Ngày đó, muốn ra phố, hay đi chợ, chúng tôi thường đi bộ, còn nếu sang hơn thì đi bằng “xe lôi”: người ta dùng một chiếc xe đạp ( gọi là xe lôi đạp) , hoặc xe gắn máy ( gọi là xe lôi máy) , gắn thêm một cái “rơ mooc” đặc biệt phía sau để chở người. Đúng nguyên tắc, xe chỉ “lôi” được hai người, nhưng để có thể chở đông khách, chủ xe thường nhận một lúc bảy nhân mạng . Ai ngồi trên tấm sắt hình tam giác ở đầu xe là phải cẩn thận , vì khi xe quẹo vòng tròn như đi ngang vòng xoay bùng binh chẳng hạn, không khéo sẽ văng khỏi xe như chơi. Má tôi thường kể có bà mặc áo dài ngồi xe vô ý để tà áo quấn vào trục xe , lãnh tai nạn rất thương tâm!
Một phương tiện di chuyển khác tôi rất thích là ngồi xe ngựa. Leng keng leng keng, chuông kêu theo nhịp ngựa chạy, vó câu khấp khểnh thong dong, mà mình ngồi trên cũng nhấp nhổm theo nhịp phi của ngựa. Ngỗi xe ngừa thích nhất là chỗ chung với bác chủ xe ( con nít thường hay đườc ngồi) , hoặc hai chỗ ngồi ở cuối, có thể thoải mái thòng chân đong đưa theo nhịp ngựa phi, vừa ngắm cảnh, chứ ngồi bó rọ bên trong thì chán chết!
***
Với dinh tỉnh trưởng ngày xưa, chị em chúng tôi cũng có một kỷ niệm: Vào dịp Trung Thu, em Út của tôi được chọn để đọc diễn văn ở dinh tỉnh trưởng, chúng tôi ra sức làm một cái lồng đèn thật đẹp cho nó xách. Lồng đèn có hình đầu lân, dán bằng giấy bóng kiếng màu đỏ với các chòm râu tua rua màu trắng. Dưới con mắt trẻ thơ, chúng tôi thấy nó thật oách, nên vô cùng hãnh diện vì nó. Trong lúc chúng tôi làm lồng đèn thì nhỏ Út luyện đọc diễn văn. Ngay mới mở đầu nó đã đọc trật trà trật trưỡng rồi. Nếu nó đọc đúng chữ Trung thì ba chữ sau biến thành “trá trỉnh trưởng”, còn nếu sửa đúng hai chữ sau thì nó lại đọc thành “Tung tá tỉnh tưởng!”. Đến bây giờ tôi vẫn còn mang chuyện đó ra ghẹo nó hoài. Nhưng sau đây mới là chuyện chính : Cái đầu lân đã xong, thì thằng em trai lấy đi rước đèn sớm trên núi Đức Mẹ cùng các bạn và bị cháy… Chúng tôi bèn trao cho Út cái đèn thô sơ của chúng tôi: ba cái vòng tròn nhỏ kết lại với nhau và dán bằng giấy bóng mờ! Con nhỏ phụng phịu nhưng cũng phải chịu thôi chứ biết làm sao được?
Vậy mà khi về, nó cười tươi roi rói: Lồng đèn của nó đạt giải ba hay giải an ủi gì đó! Ôi trời đất ơi , vì sao thế? Nó lỏn lẻn kể lại là nó ngồi kế bên ông Tỉnh Trưởng, ông thấy cái đèn của nó đơn sơ quá nên hỏi, và nó kể lể sự tình, thế là nó được giải!!! Thật sự thì với lồng đèn đầu lân, chúng tôi cũng không thể có một tia hy vọng gì, vì có rất nhiều lồng đèn đẹp đẽ, lung linh, hoành tráng do người lớn làm để dự thi như chiếc đèn con thỏ to, khắp mình bọc bông gòn trắng tinh , đẹp vô cùng của nhà Ngọc Khuê… Vậy thì mấy thứ con nít chúng tôi tự nghĩ, tự làm bì sao được? Cái đèn nhỏ xíu ấy sở dĩ được giải có lẽ do nó mang đầy nét ngô nghê vụng về trẻ con, hay do con em tôi dễ thương… hoặc do may mắn ngồi bên cạnh ông tỉnh trưởng… chăng?
***
Xin thú rằng, tuy nhà tại thị xã, nhưng vốn là đứa mù đường, ít quan sát, nên tôi không nhớ rõ nhiều về con phố Tây Ninh ngắn ngủn này. Lúc mới dạy học, ngày hai buồi đi xe lam ngang qua, cũng như khi phải khi tự đạp xe đi dạy, ký ức của tôi cũng không có nhiều. Có lẽ chỉ còn đọng lại những kỷ niệm với nó mà thôi. Nhưng hào quang của kỷ niệm thường được mình tô vẽ hơi nhiều, bởi vì khi trí óc đã bị bụi thời gian phủ dầy, thì những gì phai nhạt, mờ nhoà trong quá khứ, sẽ được nó tự động tô trát, dặm vẽ thêm trong vô thức… đến nỗi mình nghĩ nó là thật, mà té ra là trật lất… Vì thế nếu có sai lệch so với sự thật… Xin thông cảm cho tôi nhé, hỡi người Tây Ninh!
30/7/2018
***
Phụ thêm:
Đọc trên mạng tôi mới biết con đường tới nhà Thình thủơ xưa mang tên Yết Ma Lượng vốn là tên một vị sư rất nổi tiếng ở miền Nam, với pháp danh là thiền sư Minh Đạt. Ông là người sáng lập chùa Thiền Lâm cổ, một trong những ngôi chùa đầu tiên ở TP. Tây Ninh. Và vô mạng tôi mới biết bạn Lê Trung Ngân cũng có một trang hình ảnh về Tây Ninh thuở xưa…

Ảnh 1: Đường Gia Long xưa
         2; Cầu Quan xưa
Tiệm mì Quảng Hải
Rạp Lac Thanh và xe lôi xưa

 

Âm đức nghĩa là gì? Vì sao lại gọi là “âm”?

 

An Hòa


Các ghi chép khuyến thiện thời xưa thường xuyên nhắc đến các từ như “âm phúc”, “âm đức”, “âm công” để chỉ việc hành thiện tích đức, đắc thiện quả, phúc báo. Tuy nhiên vì sao một điều tốt đẹp như vậy lại gọi là “âm”? Những từ ngữ này được hiểu như thế nào trong văn hóa truyền thống?

Cổ ngữ có câu: “Người có âm đức, tất sẽ có âm báo”. Từ “âm” ở đây không mang nghĩa của “âm” trong âm phủ, số âm hay âm dương. Từ “âm” trong “âm công”, “âm đức”, “âm phúc” mang ý nghĩa là thầm lặng, ngầm, kín đáo, không hiển lộ ra bên ngoài, giống như ý nghĩa trong từ “âm thầm” vậy. Nó có nghĩa rằng người làm việc thiện chân chính là xuất phát từ nội tâm, họ không cầu danh, không cầu hồi đáp, do đó việc đại thiện thì thường được làm một cách âm thầm, kín đáo, lặng lẽ, không phô trương. “Người có âm đức, tất sẽ có âm báo” ý nói rằng người đại thiện sẽ tích được phúc đức, và Thượng Thiên cũng sẽ thầm lặng mà ban thiện quả cho họ. Việc nhân đức của họ vì vậy mà được gọi là “âm công”, phúc của họ do đó được gọi là “âm phúc”.

Ngày nay, con người khi gặp chuyện tốt đẹp hay xấu tệ thì đều cho đó là ngẫu nhiên, nhưng cổ nhân không cho là vậy. Văn hóa truyền thống cho rằng hết thảy danh vọng, tài vận, phúc lộc của một người đều là do đức và nghiệp tích từ nửa đời trước hoặc là các đời trước mà sinh ra. Người nào có được “âm đức” thì làm gì cũng thông thuận, hoặc nếu có khó khăn thì cũng là “hữu kinh vô hiểm”. Còn người nào có “ác nghiệp” thì làm gì cũng trắc trở, khó khăn, mà nếu không từ thủ đoạn đạt được thành công thì hậu quả lại là thân bại danh liệt, thậm chí tổn hại đến sinh mệnh của bản thân.

Có thể nói rằng “âm đức” là một trong những khái niệm cốt lõi của văn hóa truyền thống, không chỉ thể hiện tâm hướng thiện, mà còn thể hiện lòng kính sợ Trời đất Thần linh, tin vào “thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”.

Khái niệm đầu tiên về “âm đức” có thể truy ngược đến cuốn “Thượng thư”. Trong đó viết rằng: “Duy Thiên âm chất hạ dân”, ý là Trời ở cõi u minh, thầm lặng định đoạt để an dân, giúp đỡ bảo vệ cho cuộc sống của họ được hòa hợp. “Âm chất” ở đây có cùng ý nghĩa với “âm đức”. Lý niệm về “âm đức” này là tư tưởng mộc mạc, thẳng thắn và chân thành nhất của con người cổ đại đối với Thiên mệnh. Người xưa tin rằng, mệnh của một người là do Thượng Thiên an bài và Thượng Thiên sẽ luôn ở trong âm thầm mà che chở, bảo hộ cho họ.

Trong cuốn “Âm đức văn”, “âm đức” còn mang ý nghĩa Thiên nhân cảm ứng. Con người khi hành thiện thì không cần khoa trương, chỉ cần lặng lẽ mà làm, bởi vì Thượng Thiên là tràn ngập trí huệ, tự có thể “cảm ứng” được lòng người. Cho dù một người làm việc thiện mà không ai biết thì Trời đất cũng sẽ âm thầm phù hộ và ban phúc lộc cho người ấy.

Vậy thì khi làm việc thiện mà thể hiện ra cho mọi người cùng biết thì có tích được “âm đức” không? Kỳ thực muốn biết có tốt hay không thì cần phải xét xem cái tâm của người ấy ra sao. Đây cũng là một hàm nghĩa khác của chữ “âm”, đó là người ngoài thì khó mà biết được một người đang chân chính làm việc thiện từ nội tâm, hay chỉ làm để người khác tôn kính mình hơn, coi trọng mình hơn, để xã hội tán dương mình hơn. Có những hành động trông thì là việc thiện, nhưng lại không hề tích được âm đức, bởi vì việc làm ấy đã phần nào trở thành phương tiện để truy cầu “danh” và “lợi” cho bản thân.

“Âm đức” là thiêng liêng, cho nên nếu làm việc thiện mà có tư tâm thì hiệu lực của “âm đức” sẽ tự nhiên mất đi, không tích được “âm công”, cũng không khởi được tác dụng chân chính của hành thiện.

Thời cổ đại, người ta ca ngợi đức của Thương Thang, vị vua khai quốc của nhà Thương, bởi ông là người có lòng nhân hậu lớn. Tương truyền một lần, ông thấy một nông phu giăng lưới bắt động vật, mà Đông Nam Tây Bắc đều quây lại, lại còn khấn xin trời đất cho tất cả các loài vật mắc lưới. Thương Thang bèn lệnh cho thuộc hạ tháo ba mặt lưới, chỉ để lại một phía, gọi là “Võng khai nhất diện” (lưới chỉ giăng một mặt mà thôi). Sau đó ông cầu rằng: “Chim bay trên trời, thú chạy dưới đất, muốn trốn thoát hãy cố gắng trốn thoát, nếu không nghe lời thì mới sa vào lưới này!”

Rất nhanh sau đó câu chuyện “Võng khai nhất diện” của Thương Thang được lưu truyền rộng rãi khắp chư hầu. Chư hầu thấy Thương Thang đối với chim thú cũng nhân từ như vậy đều lũ lượt quy thuận ông.

Câu chuyện của Thương Thang đã cho thấy rằng người ta chỉ cần khởi niệm đại Thiện là tự nhiên có được “âm đức” rồi. Đây cũng là chuyện “phóng sinh” rất ý nghĩa. Ngày nay, có những người mà tay phóng sinh, miệng niệm Phật, nhưng trong tâm thì lại cầu tài cầu lộc, hoặc giả cầu may mắn, cầu an lành, cũng không để ý đến chuyện phóng sinh là gì, làm thế có khiến nhiều con vật bị bắt, bị mua đi bán lại hay không, làm thế có khiến môi trường sinh thái bị phá hủy hay không. Nói một vài lời là đủ thấy “âm đức”, “thiện quả” sẽ không tới với họ rồi.

An Hòa

 

CHIA BUỒN : HT.NGUYỄN VĂN ĐÔI QUI VỊ (27.2.2022 )

 

CHIA BUỒN

        Chúng tôi nhận tin buồn:

                                  Hiền Tài NGUYỄN VĂN ĐÔI

                        HIỀN TÀI KHÓA 2 NĂM ĐINH MÙI (1967)

                   CỰU GIÁO SƯ TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC TÂY NINH

     Đã quy vị vào lúc 4 giờ 30 phút, ngày 27 tháng Giêng  năm Nhâm Dần

                        (DL: 27-02-2022) tại Thị Xã Tây Ninh, Việt Nam

                          Hưởng Trung Thọ: 79 tuổi

          Chúng tôi xin thành thật chia buồn cùng gia đình, tang gia hiếu quyến.

Cầu nguyện Đức CHÍ TÔN, Đức PHẬT MẪU và các Đấng Thiêng liêng độ dẫn Chơn linh Cố Hiền Tài NGUYỄN VĂN ĐÔI siêu thăng tịnh độ.

                        THÀNH KÍNH CHIA BUỒN

                                Ngày 28 tháng Giêng năm Nhâm Dần

                                                   (DL: 28-02-2022)

                           - HT.Hồ văn Xưa và gia đình (San Jose, Cali)

                           - HT.Nguyễn Chánh Giáo và gia đình (Úc Châu)

                           - HT.Lê văn Muộn (Tây Ninh, Việt Nam)

                           - HT.Phạm Xuân Hòa (Tây Ninh, Việt Nam)

                           - HT.Phan Hữu Trí (Tây Ninh, Việt Nam)              
                           - CGC Pham Thị Hòa  (Saigon-VN)
     
                    

 Được Tin :
Anh Nguyễn Văn Đôi 
 cựu học sinh THCL- TN niên khoá 1956-63
Qui vị lúc 4g30AM ngày 27-2-2022 ( ÂL 27-1 Nhâm Dần ) tại TN, hưởng trung thọ 79 tuổi.
 
Lễ di quan lúc 2gPM ngày 1-3-2022, an táng tại cực lạc Thái Bình
Hội Cựu Học sinh  Trung Học Công Lập  Tây Ninh  thành kính phân ưu cùng tang quyến
Cầu nguyện chơn linh người quá cố về cỏi vĩnh hằng
 
TM hội chs THCL- TN
 
Nguyễn Ngọc Ẩn
Lê Kim Hoàn
Hồ Khánh Dũng
    

VIẾT CHO MỘT NGƯỜI,CHUYỆN QUAN GIÀ - Ngô Kế Đang

 

Một đời nham hiểm bao người ghét

Giờ chết nằm im có biết chi !
Có được bao người, ai thương tiếc ?
Đến nơi hỏa táng , mấy người đi ?
Tro cốt mai này quăng xuống biển
Thôi thì cay đắng ráng cho qua !
Ta đến cốt là ta đưa tiễn
Ai người biết chuyện trách gì ta ?
Mai về cát bụi coi như hết
Chẳng nợ nần chi , chẳng nhắc tên
Thế giới âm dương đà cách biệt
Mình ta ôm chặt những ưu phiền.
10g17 . 26/02/2022.

 
 
CHUYỆN QUAN GIÀ
Già rồi để chẳng ích gì !
Ông Trời chỉ mới lấy đi đôi phần !
Mắt mờ nên chẳng lẹ làng
Quơ tay "bóc lủm" sỗ sàng của dân
Tai thì điếc lác khó khăn
Không nghe rõ chuyện, chuyện cần phải nghe
Mũi thì thính rượu hơn chè
Đánh mùi thịt cá lè nhè tới lui
Miệng thì chẳng được bải buôi
Tây chân quờ quạng, người cười già tham
Già rồi mà vẫn còn ham
Ông Trời xem lại đời tàn đó quan !
8g45 . 27/02/2022.
 

Cổ nhân thường nói “tích đức, thất đức” – Đức ấy là gì?

Thanh Trúc 


Những người lớn tuổi thường hay dặn dò con cháu như thế này: “tích đức, làm việc tốt”. Khi có người làm việc thương thiên hại lý, cổ nhân thường có câu rằng: “thất đức, tổn đức”. Vậy đức ấy là gì?

Người xưa có câu: “Đức phối thiên địa, thiên tất hữu chi”, có nghĩa là đạo đức của người ta mà hài hòa với trời đất thì trời đất ắt sẽ phù trợ. Phong thủy lớn nhất của đời người chính là đức, chỉ khi nào có đạo đức tốt, nhân ái, lương thiện thì hạnh phúc thật sự mới tìm đến gõ cửa.

Chữ “德” (đức) được tạo thành từ 5 bộ, bao gồm: “彳”, “十”, “罒”, “一” và “心”. Ý nghĩa như sau:

Bộ “彳” (xích) có nghĩa là bước đi chậm rãi, cũng có nghĩa là đức cần phải tích lũy lâu dài. Muốn tích đức thì cần luôn giữ thiện tâm, không phải là nhất thời hứng chí. Phúc đức là kết quả nỗ lực liên tục của cả một đời người.
Bộ “十” (thập) có nghĩa là nhiều, là đầy đủ, thập toàn thập mỹ, mười phân vẹn mười, ngụ ý là bất cứ lúc nào hay bất cứ nơi đâu cũng đều phải có thiện tâm, phải đức độ, khoan dung với mọi người.
Bộ “罒” (võng) thực chất là bộ mục (con mắt) nằm ngang, nhấn mạnh người có đức có thể nhìn thấy rõ những điều không chân chính, có thể nhận biết được đâu là đúng đâu là sai, đâu là tốt đâu là xấu.
Bộ “一” (nhất) là tổng thể, ý rằng người luôn có tầm nhìn bao quát, không ích kỷ, luôn chính trực, lý trí, trung thành, trong lòng không có tạp niệm, không lo lắng mới là người có đức.
Bộ “心” (tâm) là nói đến nội tâm, bồi dưỡng “đức” cần phải dựa vào tu ở tâm, chân tâm, thành thâm, chung tâm. “Tâm” nằm ở vị trí cuối cùng của chữ “đức” cho thấy đức là ở tận đáy lòng.
“Đức” có nghĩa là đạo đức, phẩm đức, phẩm hạnh. Những tính tốt như chân thành, kiên trì, nhẫn nại, vị tha, v.v. đều được gọi là “đức tính”. Người hay làm điều thiện, tấm lòng bao dung lại được gọi là người “đức độ”. Trong xã hội xưa kia, dù là bình dân bá tánh, quan lại hay kẻ làm vua đều phải biết “tu dưỡng đạo đức”. Điều đó đủ để thấy rằng một chữ “đức” đã gồm thâu lại tất cả những phẩm chất tốt đẹp của con người.

Có một câu nói rằng: “Âm dương phong thủy hữu thiện chủ, thử đạo tà dâm nan hữu phúc. Cực thiện chi gia hữu dư khánh, đức phối thiên địa thị chân đồ.” Có nghĩa là phong thủy âm dương chỉ dành cho người sống thiện, những kẻ gian tà mưu mô dâm loạn thì khó mà có phúc. Những người ở lành thì sẽ dư dả, đức hòa hợp với trời đất là con đường đúng đắn nhất.

Mặc dù ngày nay đức không được coi trọng như trước kia, nhưng điều đáng quý là, thỉnh thoảng chúng ta lại có dịp thốt lên một câu rằng: “tài đức vẹn toàn”. Có tài mà không có đức thì sẽ gây họa loạn cho xã hội. Có người nói rằng có đức mà không có tài thì cũng vô dụng thôi. Nhưng không phải thế, có đức thì tất sẽ có tài. Nếu không phải cái tài ở phương diện kỹ thuật thì sẽ là cái tài khiến người khác mến phục tin tưởng, bởi vì đức chính là tiêu chuẩn để nhân loại nhận định tốt xấu, phân biệt đúng sai. Chính vì thế, có đức là có tất cả!

Thanh Trúc



 

Thẻ Sinh Viên GS Châu Kim Lang (1960-1961)


Chủ Nhật, 27 tháng 2, 2022

Tạp Ghi và Phiếm Luận : NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ BẤT NGỜ (6)

Tạp Ghi và Phiếm Luận :  

                       NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ BẤT NGỜ  (6)


                                                      Nàng rằng: Thiên tải nhất thì,
                                                        Cố nhân đã dễ mấy khi bàn hoàn .
                                                       Rồi đây bèo hợp mây tan,
                                                       Biết đâu hạc nội mây ngàn là đâu ?!

      Khi Thúy Kiều vừa báo ân báo oán xong xuôi, thì sư trưởng "Giác Duyên vội vả gởi lời từ quy", và Thúy Kiều đã cầm bà ta ở lại bằng 4 câu thơ nêu trên :

                  Nàng rằng: THIÊN TẢI NHẤT THÌ,
                  CỐ NHÂN đã dễ mấy khi BÀN HOÀN.
                     Rồi đây BÈO HỢP MÂY TAN,
                 Biết đâu HẠC NỘI MÂY NGÀN là đâu?!

THIÊN TẢI NHẤT THÌ 千載一時 : THIÊN là Một ngàn; TẢI là Năm; NHẤT là Một; THÌ là Lúc, là Thuở. Nên THIÊN TẢI NHẤT THÌ 千載一時 ta nói là "Ngàn Năm Một Thuở" để chỉ cơ hội nào đó hoặc chuyện gì đó rất hiếm khi xảy ra, họa hoằn lắm mới có được hay gặp được. 


      CỐ NHÂN 故人 : CỐ là Cũ; NHÂN là Người. Nên CỐ NHÂN là "Người cũ". Người cũ ở đây có nghĩa là "Người quen cũ, Người yêu cũ, Bạn cũ...". Theo tập quán ngôn ngữ khi chữ CỐ được đặt trước chức vụ nào đó thì có nghĩa là QUÁ CỐ là đã chết. Ví dụ : 
       - CỐ 故 Tổng Thống là Tổng thống đã qua đời, đã chết. Còn...
       - CỰU  Tổng Thống là Tổng Thống tiền nhiệm, Tổng Thống cũ, vẫn còn sống.

     BÀN HOÀN 盤桓 : BÀN là Cái mâm; HOÀN là Cây Nêu để cắm trên nhà, thành, mồ mả. Hai Danh từ nhập lại thành Tính từ BÀN HOÀN 盤桓 : Có nghĩa là lòng vòng quanh co, không tiến lên được; là Bồi hồi, lưu luyến không nở rời nhau. Nghĩa phát sinh là Nấn ná ở lại chưa muốn đi. Nên hai câu thơ :
                   Nàng rằng: THIÊN TẢI NHẤT THÌ,
                  CỐ NHÂN đã dễ mấy khi BÀN HOÀN.
Có nghĩa :
     Thúy Kiều nói với vãi Giác Duyên rằng : Ngàn năm một thuở, khó có dịp lắm những cố nhân như chúng ta mới có cơ hội gặp gỡ nhau đây, thôi thì bà hãy nấn ná trì huỡn ở lại chơi vài hôm nữa đi rồi hãy đi. Vì :
                       Rồi đây BÈO HỢP MÂY TAN,
                 Biết đâu HẠC NỘI MÂY NGÀN là đâu?!

      BÈO HỢP MÂY TAN do câu nói chữ Nho là BÌNH TỤ VÂN TÁN 萍聚雲散. Có nghĩa : Bèo trôi nổi trên mặt nước hiếm khi tụ họp được với nhau cùng một chỗ, cũng như mây bay tứ tán trên bầu trời, thấy hợp đó bèn liền tan đó; nên BÈO HỢP MÂY TAN dùng để chỉ sự tụ hợp hay gặp gỡ hiếm có và không bền bỉ vững chắc, mạnh ai nấy trôi nổi hoặc bay đi ngay sau đó. Còn...

      HẠC NỘI MÂY NGÀN là Hạc ngoài đồng nội và Mây bay trên ngàn; chữ Nho gọi là CÔ VÂN DÃ HẠC 孤雲野鶴 đều là những thứ phiêu lưu nổi trôi vô định; nên không biết đâu mà tìm, không biết đâu mà kiếm (Biết đâu HẠC NỘI MÂY NGÀN là đâu?!) Không nói HẠC NỘI MÂY NGÀN thì nói là MÂY BAY HẠC LÁNH như khi đã lập am xong, Thúy Kiều cho người đi tìm Giác Duyên thì :

                                 Sư đà hái thuốc phương xa,
                           MÂY BAY HẠC LÁNH biết là tìm đâu?

Bốn câu thơ THIÊN TẢI NHẤT THÌ... ở trên là lời cầm cọng rất thành khẩn chân tình của những người bạn thân thiết  với nhau lâu ngày mới được gp lại. Bốn chữ THIÊN TẢI NHẤT THÌ 千載一時  còn là câu đố chiết tự để ghép thành một chữ mới : Lấy chữ THIÊN  trong Thiên Tải, ghép với chữ NHẤT   trong Nhất Thì, ta có được chữ NHÂM  壬 là Ngôi thứ 9 của Thiên Can, cũng là chữ NHÂM của năm NHÂM DẦN 寅 là năm nay đây.

        Khi Hoạn Thư cho Khuyển Ưng đi bắt Thúy Kiều về Vô Tích để làm Hoa Nô cho mình rồi, và khi Thúc Sinh "Chạnh niềm nhớ cảnh gia hương, Nhớ quê chàng lại tìm đường thăm quê". Về đến nhà, sau khi "Nhà hương cao cuốn bức là, Buồng trong truyền gọi nàng ra lạy mừng" để cho hai người không dám nhận nhau trong cảnh ngỡ ngàng chủ tớ rồi, Hoạn Thư lại bày tiệc rượu "Tẩy trần mượn chén giải phiền đêm thu" và khi :

                         Vợ chồng CHÉN TẠC CHÉN THÙ,
                      Bắt nàng đứng chực TRÌ HỒ hai nơi.

     CHÉN TẠC CHÉN THÙ : THÙ 酬 là chén rượu của chủ nhân rót mời khách. Còn 酢 : TẠC là chén rượu của khách rót mời lại chủ nhân. Nên THÙ TẠC là Chủ và khách cùng mời qua mời lại khi uống rượu với nhau; Sau dùng rộng ra chỉ thân quyến hay bạn bè cùng vui chơi uống rượu với nhau thì gọi là "cùng nhau THÙ TẠC" hay "cùng THÙ TẠC với nhau". Ở đây chỉ vợ chồng Thúc Sinh và Hoạn Thư cùng "CHÉN TẠC CHÉN THÙ" tức là cùng mời qua mời lại nhau uống rượu. 
TRÌ HỒ 持壺 : TRÌ là Cầm, nắm, giữ. Như DUY TRÌ 維持 là Cứ giữ như thế. HỒ là cái Bình, ở đây chỉ Bình rượu; nên TRÌ HỒ có nghĩa là "Cầm bình rượu" để chờ rót. Hai câu thơ trên nói :
     "Khi vợ chồng Thúc Sinh cùng uống rượu với nhau thì bắt Thúy Kièu phải đứng đó cầm bình rượu rót cho hai người cùng mời qua mời lại để uống vui với nhau". Và Hoạn Thư đã không ngừng ở đó, mà còn hành hạ Thúy Kiều đủ điều :

                              Bắt khoan bắt nhặt đến lời,
                          Bắt quì tận mặt bắt mời tận tay !

     Chữ THÙ 酬 ngoài nghĩa là chén rượu của chủ rót mời khách ra, còn có nghĩa là đền công hay bù đắp cho ai về việc gì đó hoặc về cái gì đó, như :
    - THÙ LAO 酬勞 : là Trả công hay bù đắp cho sự lao nhọc của ai đó, nên Tiền Thù Lao là tiền trả công cho sức lao động đã được bỏ ra.
    - THÙ KIM 酬金 : KIM ở đây là Kim Tiền, nên THÙ KIM là Tiền Lương.
    - THÙ TẠ 酬謝 : Dùng tiền bạc, tài vật hay quà cáp để cám ơn ai đó.

    Ngoài ra, chữ THÙ còn có nghĩa làm việc gì đó theo phép lịch sự, xã giao, buộc phải làm chiếu lệ, như :
    - THÙ KHÁCH 酬客 là Tiếp đãi khách khứa theo phép lịch sự, vì chả lẽ khách đến công ty mà mình không tiếp đãi.
    - ỨNG THÙ 應酬 là phải giao tiếp qua lại; chả lẽ người ta hỏi thăm mình mà mình không hỏi thăm lại; bánh ít đi thì phải có bánh quy lại; Hòn bấc ném đi thì hòn chì phải ném lại... Đó là phép Ứng Thù.

      Cũng trong Truyện Kiều, khi sư Giác Duyên đưa mọi người đến gặp Thúy Kiều ở thảo am để rước nàng về cùng đoàn tụ với gia đình. Thúy Kiều đã không chịu về, lấy cớ là "Mùi thiền đã bén muối dưa, Màu thiền ăn mặc đã ưa nâu sồng" và nại cớ sư Giác Duyên đã cứu mạng mình nên không nở bỏ bà mà đi :"Trùng sinh ơn nặng biển trời, Lòng nào nở dứt nghĩa người ra đi". Vương Viên Ngoại đã phải khuyên bảo và lý luận :

                     Ông rằng: BỈ THỬ NHẤT THÌ,
               Tu hành thì cũng phải khi tòng quyền.
                    Phải điều cầu Phật cầu Tiên,
                  Tình kia hiếu nọ ai đền cho đây ?

   BỈ THỬ NHẤT THÌ 彼此一時 là câu nói gọn lại của "BỈ NHẤT THÌ, THỬ NHẤT THÌ 彼一時,此一時". BỈ là Kia, là Cái kia; THỬ là Này, là Cái nầy. Câu nói có nghĩa :"Cái nầy một lúc, Cái kia một lúc". Đây là câu nói của Công Tôn Sửu trong sách Mạnh Tử 孟子公孫丑, ý muốn nói là : Cái thời cơ của lúc đó là như thế ấy, còn cái thời cơ của hiện tại là như thế nầy; Ý chỉ : Việc đời mỗi lúc mỗi khác; lúc xưa thì như thế kia, còn bây giờ thì như thế nầy, tức là phải biết "Tùy cơ ứng biến" chớ không chấp hành một cách cứng ngắt, không linh động. Như Vương Ông đã nói "Tu hành thì cũng phải khi TÒNG QUYỀN". 
      NGỘ BIẾN TÒNG QUYỀN 遇變從權 là Hễ có biến động thay đổi bất thường, thì phải biết tùy theo hoàn cảnh tình huống lúc đó mà hành xử cho hợp lẽ tự nhiên, chớ không chấp hành quy tắc một cách máy móc trái với nhân tính.

     Trong phần đầu của Truyện Kiều qua phần triết lý giáo đầu của cụ Nguyễn Du, ta còn gặp thành ngữ BỈ SẮC TƯ PHONG 彼嗇茲豐 qua hai câu thơ :

                                   Lạ gì BỈ SẮC TƯ PHONG,
                         Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen !

       Như ta đã biết ở phần trên BỈ 彼 là Cái Kia; THỬ 此 là Cái Nầy. Ở đây TƯ 茲 cũng có nghĩa là Này, là Cái Này nữa. Đây là cái Lý học nói lên lẽ tự nhiên của tạo hóa : Phong vu thử sắc vu bỉ, vạn vật lý cố nhiên 豐于此嗇于彼,萬物理固然。Có nghĩa : Đầy ở cái nầy, thì sẽ cạn ở cái kia, đó là lẽ cố nhiên của vạn vật. Như trong phần kết thúc Truyện Kiều cụ cũng đã viết :

                    ...Trời kia đã bắt làm người có thân.
                       Bắt phong trần phải phong trần,
                   Cho thanh cao mới được phần thanh cao.
                        Có đâu thiên vị người nào,
                     Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai,

      Trở lại với chữ TƯ 茲 và chữ THỬ 此 đều có nghĩa là Này, là Cái Này. Một chữ có thanh BẰNG (TƯ), một chữ có thanh TRẮC (THỬ) để cho tiện lợi và dễ sử dụng trong thi ca, như trong truyện "Trang Tử Cổ Bồn Ca 莊子鼓盆歌" của quyển truyện Kim Cổ Kỳ Quan  今古奇觀 được kết thúc bằng bài thơ :

                  從茲了卻冤家債,  TÒNG TƯ liễu khước oan gia trái,
                  你愛之時我不愛。  Nễ ái chi thời ngã bất ái. 
                  若重與你做夫妻,  Nhược trùng dữ nễ tố phu thê,
                  怕你斧劈天靈蓋!  Phạ nễ phủ phách thiên linh cái !

TÒNG TƯ 從茲 có nghĩa : Từ rày về sau; Từ nay trở đi...
Diễn Nôm :
                 Từ nay đã dứt nợ oan gia,
                 Ta hết yêu người người yêu ta.
                 Tiếp tục vợ chồng như trước nữa,
                 Có ngày búa bổ vỡ đầu ra !
   Lục bát :
                 Từ nay dứt nợ oan gia,
                 Người yêu ta hết thiết tha người rồi.
                 Vợ chồng tiếp tục chẳng thôi,
                 Có ngày búa bổ cho lòi óc ra !
                 
      Còn trong bài thơ "Tặng Khứ Tỳ 贈去婢" của Thôi Giao 崔郊 đời Đường thì ta sẽ gặp từ "TÒNG THỬ 從此" như sau :

                 公子王孫逐後塵,  Công tử vương tôn trục hậu trần,
                 綠珠垂淚濕羅巾。  Lục châu thùy lệ thấp la cân.
                 侯門一入深如海,  Hầu môn nhất nhập thâm như hải,
                 從此蕭郎是路人。  Tòng thử Tiêu Lang thị lộ nhân !
TÒNG THỬ 從此 cũng có nghĩa là : Từ rày về sau; Từ lúc này trở về sau; cũng có nghĩa là : Từ đó về sau...

Diễn Nôm :
                 Công tử vương tôn ruổi bụi xa,
                 Lục Châu nhỏ lệ ướt khăn là.
                 Cửa hầu tựa bể sâu thăm thẳm,
                 Từ đó chàng Tiêu kẻ xứ xa !...
    Lục bát :
                 Vương tôn công tử theo sau,
                 Lục Châu nhỏ lệ ướt bao khăn là.
                 Cửa hầu sâu tợ biển xa,
                 Chàng Tiêu từ đó kẻ qua bên đường !...

      Trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du đã mượn ý nầy để cho Kim Trọng thuyết phục Thúy Kiều khi KIM KIỀU tái hợp :

                         Có còn chi nữa mà ngờ,
               Khách qua đường dễ hững hờ chàng Tiêu !

      Hẹn bài viết tới !

                                                                            杜紹德
                                                                        Đỗ Chiêu Đức



Lâm Bình Duy Nhiên: Suy nghĩ vụn về một cuộc xâm lược

                                Nhân Dân Tự Vệ Ucraina
 
Ngày nghỉ Đông cuối cùng, tôi cố tình ghé thăm một nhà hàng Ukraine duy nhất tại Lausanne.
Đó là một nhà hàng rất nhỏ, không xa nhà lắm. Hai vợ chồng Ihor, Maryna và chị Svetlana là những người chủ. Họ chỉ mới sang Lausanne từ năm 2016 để làm việc cho một tập đoàn thuốc lá nổi tiếng. Sau khi vợ sinh con gái, Ihor quyết định mở nhà hàng. “Một giấc mơ của anh ta”, Maryna nói.
Với Svetlana là bếp trưởng, nhà hàng nhỏ bé này trở nên một địa chỉ quen thuộc, không chỉ cho cộng đồng người Ukraine, mà còn cho tất cả những ai muốn khám phá ẩm thực của Ukraine.
Tôi ghé uống tách cà phê và hỏi thăm cậu con trai lớn. Gia đình ai cũng buồn và lo âu. Người thân của họ vẫn ở Ukraine và từ cả tuần nay, ngày nào họ cũng liên lạc để theo dõi tình hình.
Sau khi Nga chính thức tấn công Ukraine, Maryna đã treo hai lá cờ Thuỵ Sĩ và Ukraine bên ngoài nhà hàng. Một cái bảng đen với dòng chữ “Hãy ngưng cuộc xâm lược của người Nga vào Ukraine”.
Đơn giản thế thôi. Không khó để hình dung sự căng thẳng nơi họ.
Tôi xin phép Svetlana để chụp một tấm hình bên ngoài nhà hàng làm kỷ niệm.
Ảnh chụp hai lá cờ Thuỵ Sĩ và Ukraine bên ngoài nhà hàng, phía dưới là bảng đen với dòng chữ “Hãy ngưng cuộc xâm lược của người Nga vào Ukraine”. Nguồn: Lâm Bình Duy Nhiên
Có nhiều người qua lại, dừng chân, tặng một bó hoa hay đơn giản nói lời động viên. Tất cả trong một bầu không khí cảm động và thông cảm lẫn nhau. Ai cũng không hiểu vì sao lại có cuộc chiến này…
Ra về, tôi cảm thấy cay nơi khoé mắt. Một dân tộc bên bờ chiến tranh, bên bờ của sự tan vỡ…
Cách nhà hàng của họ chỉ vài phút đi bộ là Sứ quán của Bélarus. Một quốc gia chư hầu của Putin mà dấu vết của sự phẫn nộ về việc giam cầm nữ nhà báo bất đồng chính kiến, Natallia Hersche, vẫn còn chưa phai trên bảng tên.
Băng qua kia đường là một nhà hàng của người Géorgie. Một quốc gia từng bị Putin tấn công vào năm 2008 cũng chỉ vì muốn vào NATO để thoát khỏi sự kiểm soát của Nga.
Một sự ngẫu nhiên quái lạ, tôi tự nhủ!
Xem tin tức, thấy cảnh phố phường các thành phố Ukraine bị tàn phá, chợt thấy trong sự tàn bạo của một cuộc chiến gây ra bởi một tên độc tài, là sự anh dũng của một dân tộc đơn độc, trong một cuộc chiến không cân sức.
Hơn 24 giờ trôi qua, Ukraine vẫn chưa rơi vào tay Nga. Điều đó chứng tỏ quân đội Ukraine đã thay đổi nhiều so với năm 2014.
Trên truyền hình, có lời phát biểu của một thiếu nữ, làm thông dịch. Cô cảm động nói với các nhà báo rằng không bao giờ người Ukraine cam chịu thất bại.
“Kẻ thù hùng mạnh hơn, họ muốn chiếm đóng Ukraine, được thôi, nhưng lâu dài, dân tộc này sẽ không cam chịu. Đàn ông, phụ nữ, thậm chí trẻ em cũng sẵn sàng cầm súng bảo vệ Ukraine!”
Giọng cô quả quyết và dứt khoát.
Cô giải thích rằng người dân Ukraine sẽ chiến đấu đến cùng. Đơn giản vì không ai tại mảnh đất này muốn sống lại cái quá khứ tàn bạo dưới thời Liên bang Xô Viết của thế hệ cha ông.
Dường như dân tộc này đang chiến đấu không chỉ dành lại Tự do cho chính họ. Đâu đó, người Ukraine còn chiến đấu cho những giá trị phổ quát của châu Âu và của nhân loại.
Trong khi đó, phương Tây vẫn chưa tìm được một tiếng nói chung để trừng phạt Putin một cách thích đáng. Ít ra như những điệp khúc, hứa hẹn, lập đi, lập lại từ cả tuần lễ qua!
Hình ảnh ông Tổng thống Ukraine cảm ơn lòng dũng cảm của quân đội và người dân trong cuộc chiến cho ta thấy sự không cân đối ngay từ hai nhà lãnh đạo. Một người được bầu cử một cách dân chủ. Người kia bằng mọi cách thâu tóm quyền lực, thậm chí sửa đổi Hiến pháp để có thể cầm quyền lâu dài.
Một người, cách đây 3 năm còn là một danh hài kịch nổi tiếng với những khái niệm chính trị xa vời. Số phận đẩy đưa ông thành Tổng thống và một Tổng chỉ huy quân đội thời chiến.
Người kia, xuất thân từ mật vụ KGB khét tiếng, quá quen thuộc với quyền lực tối cao, thanh trừng chính trị hay đàn áp đối lập. Chẳng có gì có thể qua mặt được ông ta trên bàn cờ chính trị quốc tế.
Một Zelenskiy mong muốn đưa Ukraine thoát khỏi sự ảnh hưởng chính trị của nước Nga láng giềng.
Một Putin luôn ôm giấc mộng một Đế chế Nga hùng mạnh như thời hoàng kim của Liên bang Xô Viết.
Hai dòng đời, hai định mệnh khác nhau gắn liền với vận mệnh của hai quốc gia láng giềng vốn mang nhiều duyên nợ trong lịch sử.
Một cuộc chiến không cân đối trên nhiều phương diện. Nhưng chắc chắn một điều, Putin đang bị toàn thế giới lên án.
Chính nghĩa không phải lúc nào cũng thuộc về kẻ mạnh.
Chắn chắn Putin thừa hiểu bài học đớn đau ấy.

Đám cháy trong khu vực được cho là căn cứ không quân của Nga. Ảnh: Twitter


Xem Thêm :Người lính Ukraine tự nổ tung mình để đánh sập cây cầu chặn đoàn xe tăng Nga

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...