Thứ Ba, 15 tháng 2, 2022

Ông thị trưởng người Việt ở Genève (Báo Thanh Niên )

13 năm làm thị trưởng và đưa thị tứ Confignon thành điển hình phát triển bền vững của châu Âu, ông Uông Đình Mạnh nhớ nhất là lần tiếp đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam thăm tìm hiểu mô hình nhà nước Thụy Sĩ.

Đoàn 5 người của Quốc hội Việt Nam được chính quyền liên bang ở thủ đô Bern giới thiệu xuống thị tứ Confignon gặp ông thị trưởng người Việt để có thể thoải mái trò chuyện, tìm hiểu về cách thức vận hành bộ máy nhà nước các cấp của nền “dân chủ trực tiếp” chẳng giống ai. “Điều mà các vị ấy hỏi tôi nhiều lần là làm sao các anh có thể làm việc được trong bộ máy có 3 người thì thuộc 3 đảng chính trị khác nhau”, người thị trưởng về hưu chưa lâu kể lại với nụ cười hiền hậu.



Vừa làm thị trưởng, vừa làm chuyên viên máy tính

Cuộc viếng thăm diễn ra vào đầu năm 2010. Khi đó, ông Mạnh mới vô “ngạch thị trưởng” được hơn 2 năm. Confignon là một trong 45 commune của bang Genève. Commune có thể là thành phố Genève với hơn 200.000 dân, cũng có thể là một hạt bé như Gy chưa tới 500 người. Confignon của ông Mạnh có diện tích chưa đầy 3 km², dân số chỉ hơn 2.000 người khi ông mới chuyển về.

Cũng giống mô hình Chính phủ Liên bang gồm 7 bộ trưởng luân phiên giữ ghế Tổng thống, 3 ủy viên hành pháp của Confignon luân phiên làm thị trưởng mỗi năm. “Thành phố Genève lớn thì có đến 5 ủy viên làm việc toàn thời gian với mức lương 200.000 franc (5 tỉ đồng)/người/năm. Confignon nhỏ, ngân sách hạn chế, nên cả 3 chúng tôi chỉ làm việc bán thời gian, trong khi ai cũng có công việc chuyên môn khác”, ông Mạnh nói.

Ông làm việc cho commune 30% thời gian, 70% còn lại làm kỹ sư IT, quản lý hệ thống máy tính của chính quyền bang Genève. Mô hình công dân vừa làm việc chuyên môn, vừa tham gia quản lý chính quyền ở Thụy Sĩ được gọi là Milice.

Tưởng Genève là thủ đô

Tháng 2.1975, sinh viên 19 tuổi Uông Đình Mạnh ngưng chương trình cử nhân sư phạm năm nhất để đi Thụy Sĩ du học. Sinh trưởng trong gia đình người Bắc di cư vào Sài Gòn, bố đi lính, mẹ nội trợ với 5 đứa con, Mạnh đến Thụy Sĩ “với hai bàn tay trắng”. “Thời điểm đó, nhà cầm quyền miền Nam chỉ cho phép thanh niên đi du học ở Anh, Bỉ và Thụy Sĩ. Tôi không đi đâu khác được nên đành tới Thụy Sĩ, chứ thật sự lúc đó chẳng biết gì về đất nước này, cứ tưởng Genève là thủ đô”, ông hóm hỉnh kể.

Qua sắp xếp của người anh ruột đang học tại Đức, Mạnh được một người Thụy Sĩ ở thành phố Basel bảo lãnh việc du học.

Sang đến nơi, Mạnh chỉ nhận hỗ trợ từ tiền làm thêm của người anh để chi tiêu mấy tháng đầu, sau đó tự kiếm sống bằng đủ thứ việc ngoài giờ học. Sau nửa năm ôn thi, Mạnh trúng tuyển vào ngành Khoa học kinh tế và xã hội tại Đại học Fribourg. Nhờ học giỏi và dễ mến, Mạnh được nhà dòng Foyer St. Justin gần trường cấp học bổng cho ở miễn phí suốt thời gian học. May mắn hơn, cũng tại mái ấm này, Mạnh gặp Xuân Hường, nữ sinh Việt Nam sang trước anh một năm và cũng học ngành kinh tế tại Đại học Fribourg, để sau đó nên vợ nên chồng trên đất khách.

Xong cử nhân kinh tế, Mạnh học tiếp 2 năm lấy bằng thạc sĩ công nghệ thông tin cũng ở Đại học Fribourg, rồi đi làm cho một người Việt mở công ty phát triển quảng cáo trên máy tính ở Genève được 3 năm. Sau đó, Mạnh ứng tuyển vào làm quản lý hệ thống máy tính của Văn phòng đòi nợ và giải quyết phá sản, thuộc Sở Tư pháp và An ninh của bang Genève.



Thị trưởng, kỹ sư IT nghỉ hưu Uông Đình Mạnh tại Genève tháng 11.2021

Thục Minh

Cơ duyên với chiếc ghế thị trưởng

Từ Văn phòng đòi nợ, Mạnh chuyển qua quản lý máy tính của vài sở khác trước khi bang Genève quy tập toàn bộ máy tính về một đầu mối. Tại đầu mối này, kỹ sư trung niên Uông Đình Mạnh thân với sếp của mình là Gabriel Praz, đảng viên Dân chủ Thiên Chúa giáo (PDC) và là thị trưởng Confignon. Khi ông Mạnh chuyển về sống ở Confignon, vị sếp đã rủ ông tham gia chính trị. “Người

Á Đông, nhất là người Việt mình, ở nước ngoài rất giỏi về chuyên môn, nhưng ngại tham chính. Tuy nhiên, ông Praz nói một câu khiến tôi thay đổi: Nếu anh muốn hòa nhập vào đời sống tại địa phương, cách tốt nhất là tham gia vào hoạt động chính trị tại đó”, ông Mạnh kể. Là người theo đạo Thiên Chúa, ông Mạnh ghi danh vào đảng PDC và ứng cử vào Hội đồng lập pháp Confignon năm 2003. Năm 2007, Praz đề cử Mạnh đại diện PDC tranh cử vào Ủy ban Hành pháp để thay thế mình. “Tôi tranh cử chỉ mong được vào ủy ban, không ngờ lại được số phiếu cao nhất”. Hỏi nhờ đâu, ông Mạnh trả lời có lẽ nhờ cử tri đã biết ông qua 4 năm ở hội đồng. “Với cả, chắc họ cũng muốn thử xem sao”, ông nói vui.

Nhưng cử tri Confignon đã không chọn một ứng viên gốc châu Á để “thử xem sao”, mà họ đã tái bầu ông với số phiếu cao nhất cho hai nhiệm kỳ nữa. Tổng cộng, ông Mạnh “ngồi” ghế ủy viên và luân phiên làm thị trưởng Confignon đến 13 năm, trọn 3 nhiệm kỳ liên tục cho tới ngày nghỉ hưu ở tuổi 65.

Dung hòa và thỏa hiệp

Suốt thời gian làm ủy viên, ông Mạnh phụ trách mảng quy hoạch, tài chính và phát triển bền vững của Confignon.

Từ số dân hơn 2.000 vào những năm 2000, đến cuối 2019 Confignon có hơn 4.600 người, và dự kiến có 12.000 người năm 2035; từ chỗ chỉ có 1 ngôi trường đến nhu cầu phải xây thêm 2 trường và nhiều nhà trẻ; từ một thị tứ chỉ có người giàu sống nhà biệt thự hoặc nông dân trồng nho, Confignon đang hướng thành một đô thị vệ tinh có khu công nghiệp liên thông với thị trấn Plan-les-Ouates nổi tiếng nhờ ngành chế tạo đồng hồ… Tất cả là những thử thách lớn và cũng là thành công của ông Mạnh.

Ông cũng là người có công chính trong việc đem về cho Confignon giải vàng “Cité de l’énergie” (Thành phố tiết kiệm năng lượng) của Cộng đồng châu Âu năm 2018 bằng việc thúc đẩy giảm thiểu mức tiêu thụ năng lượng và phát thải carbon trên mỗi đầu người.

Những công dân nổi tiếng của Confignon

Ông Uông Đình Mạnh luôn tự hào vì thị tứ nhỏ xíu của ông có 2 người rất nổi tiếng. Thứ nhất là đồng khôi nguyên giải Nobel vật lý năm 2019 Didier Queloz. Ông Queloz từng tham gia Hội đồng lập pháp Confignon và thường trao đổi với ông Mạnh về vấn đề phát triển bền vững của địa phương. Thứ hai là cô Tim Aline Rebeaud, người đã đến Việt Nam du lịch năm 1993 và ở lại lập cơ sở thiện nguyện Ngôi nhà May mắn Việt Nam được thế giới biết đến hiện nay.

 Tưởng cũng cần biết, thể chế “dân chủ trực tiếp” của Thụy Sĩ cho phép cử tri nước này có thể lật ngược mọi quyết định của chính quyền liên bang lẫn địa phương qua các cuộc trưng cầu dân ý (referendum) và kiến nghị (initiative). Trong khi đó, bộ máy lãnh đạo tại ủy ban lại mỗi người một đảng phái.

Đó là những thách thức không hề nhỏ đối với bất cứ ủy viên nào, đặc biệt là người nắm khâu quy hoạch và tài chính như ông Mạnh. Thế nhưng, ông đã nhẹ nhàng vượt qua hết.

Có năng lực, quyết đoán, khả năng thuyết phục, đồng thời biết lắng nghe, dung hòa và thỏa hiệp khi cần thiết chính là chìa khóa thành công của ông Mạnh. Và đó cũng là câu trả lời của ông với các đại biểu Quốc hội Việt Nam.

Ngày ông về nghỉ hưu, tháng 8.2020, tờ Tribune de Genève đăng bài về ông với tựa đề chơi chữ từ chính cái tên ông: Sức mạnh âm thầm của Confignon (La force tranquille de Confignon).

 

Ảnh 1: Bài về ông Mạnh trên báo Tribune de Genève ngày 3.8.2020

 

1 nhận xét:

Chúa Giêsu – Thiên Chúa giáng sinh - Tác giả: Nguyễn Hữu Đổng

  Chúa Giêsu là gì? Vấn đề này chưa được giới học thuật hiểu rõ. Bằng tư duy lịch sử giới, tác giả lý giải làm sáng tỏ Chúa Giêsu; đồng thời...