Thứ Hai, 28 tháng 2, 2022

KỶ NIỆM VỚI PHỐ TÂY NINH. - Trịnh thị Hảo

 
Đường phố Tây Ninh ngắn ngủn đến độ thầy Vinh ( thầy dạy ở trường Nữ trung học, hình như môn Lý ) chê rằng phố gì mà đi bộ chưa đến năm phút đã hết… Quả đúng như vậy, theo ký ức củ tôi phố xá Tây Ninh thua xa khu Tòa Thánh Cao Đài..
Trên con phố Gia Long “đi dăm phút đã về chốn cũ “ ấy, phía tay phải từ cầu đi xuống, có có một tiệm đóng xăng đan mà ba tôi vẫn dắt tôi đi đo ni đóng giày mỗi mùa nhập học. Hình như nhà cô Hạnh thì phải. Xuống chút nữa là hai tiệm chụp hình là Ngọc Dung và Kim Dung. Về sau tôi biết ở bên kia đường có một tiệm chụp ành khác là Xuân Mỹ. ( biết là do đó là nhà một bạn học Sư Phạm: Trần Thị Mai - ở San Jose - mà tôi có dịp ghé thăm. ( nhà chị có cây hồng dòn sai trĩu quả , tiếc thay khi tôi đén , trái còn xanh rất xanh !!!) .
Cuối con đường là rạp chiếu bóng Lạc Thanh. Ba tôi làm ở Ty thuế vụ nên có vé mời thường trực ở Lạc Thanh, ( mỗi phim được xem một lần, hai vé) , nhưng thỉnh thoảng chúng tôi mới được ba cho phép xem. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ phim Bạch Viên Tôn Các , có diễn viên đóng vai con khỉ leo núi thoăn thoắt, nhớ một phim cô Thẩm Thuý Hằng đóng vai Tam Tạng ngồi khóc trước bọn nữ yêu thật là đẹp. Và có phim cả nhà tôi cùng xem là phim Ben Hur… Con em tôi mê phim chưởng , thuộc vanh vách tên các tài tử Hồng Kông luôn…
Còn có một rạp để diễn cải lương nữa là rạp Thanh Sơn. Má tôi thích cải lương hơn. Mỗi khi có đoàn hát về, ba tôi cũng có vé mời. Má tôi thích kép Út Hậu. Còn tôi đi theo và biết được thêm chữ “ Vãn” gắn ở mép tấm màn nhung đỏ, có nghĩa là hết tuồng…
***
Bên kia đường có tiệm Quảng Hải mà bạn Tùng kể , tôi nhớ nó có tên chính thức là “Quảng Hải trà gia” , nơi lần đầu tiên bọn nhóc chúng tôi được ba dắt cả nhà đi ăn tiệm. Và dư vị của món ăn đầu tiên đó – mì hoành thánh - còn đọng mãi trong ký ức của tôi…, đến nỗi sau này tôi không muốn ăn món mì hoành thánh nào thêm nữa để không bị vỡ mộng về một món ăn ngon thuở ngây thơ và nghèo nàn .
Cũng tiệm ăn này, mỗi mùa Trung Thu , ba tôi hay mang về hai hộp bánh nướng : thập cẩm và đậu xanh với một hộp trà. Tôi nhớ trung thu nào bọn tôi cũng ngồi chầu hẩu ở đầu nhà ngóng trông ba đi làm về. Đám nhỏ tụi tôi hít hà ngắm nghía cái hình vẽ, săm soi mấy chữ Tàu trên hộp, tôi hỏi ba , thì ba chỉ : “Trung thu nguyệt bỉnh”. Tôi biết được mấy chữ nho đơn giản ( chữ trung và chữ nguyệt) từ đó.
Rồi sốt ruột chờ mong tối đến! Thôi thì khỏi nói, miếng bánh nhỏ tí được để trên mảnh giấy trắng tươm mỡ béo ngậy, ngọt sắc được bọn tôi trân trọng cầm trên tay ropòi lại ngắm nghía hít hà… Xong thì liếm láp từng chút một : chút hột dưa,, chút mỡ, chút lạp xưởng, chút lá chanh.. ,và cố kéo dài thời gian nhất có thể được, để thưởng thức món quà sang trọng hấp dẫn đó, nhất là khi may mắn được ba phát cho phần bánh có miếng hột vịt muối to hơn…
Nhất định không để sót lại vụn bánh nào !!!
***
Những món quà đó vào thời đó sao mà ngon, vui, tuyệt vời và đấm ấm đến như vậy? Bởi vì bây giờ no đủ hơn, có thể lựa chọn được nhiều món ngon hơn, với thương hiệu nổi tiếng hơn, vật liệu cao cấp hơn… nhưng lạ lùng là ăn gì cũng không thể tìm lại được cái hương vị của ngày xa xưa ấy !!!
***
Ngoài ra mỗi hè, các anh chị tôi học ở Sài gòn đều về nhà, khi ấy chúng tôi vui lắm. Các anh chị dắt chúng tôi ra phố ăn chè sâm bổ lượng mát rượi ví nước đá ,( lại nhớ mất trí táo tàu trong ly ) , khi về thì hai tay hai nắm mấy trái cà na gói trong miếng giấy quấn thành một dải dài, chúng tôi ngồi trên “ lầu” ( thực sự là cái nhà sàn) ngồi ăn và thả hột xuống đất , sung sướng nhìn lũ trẻ hàng xóm ganh tỵ với mình…
***
Tây Ninh còn có một con dốc cao nổi tiếng là dốc Toà, vì có tòa nhà Hành chính ở đó, ( nhưng dân vẫn gọi là dốc tà ) . Mỗi khi đi chợ, má tôi đều đi bộ trên con dốc này. Ngày đó, muốn ra phố, hay đi chợ, chúng tôi thường đi bộ, còn nếu sang hơn thì đi bằng “xe lôi”: người ta dùng một chiếc xe đạp ( gọi là xe lôi đạp) , hoặc xe gắn máy ( gọi là xe lôi máy) , gắn thêm một cái “rơ mooc” đặc biệt phía sau để chở người. Đúng nguyên tắc, xe chỉ “lôi” được hai người, nhưng để có thể chở đông khách, chủ xe thường nhận một lúc bảy nhân mạng . Ai ngồi trên tấm sắt hình tam giác ở đầu xe là phải cẩn thận , vì khi xe quẹo vòng tròn như đi ngang vòng xoay bùng binh chẳng hạn, không khéo sẽ văng khỏi xe như chơi. Má tôi thường kể có bà mặc áo dài ngồi xe vô ý để tà áo quấn vào trục xe , lãnh tai nạn rất thương tâm!
Một phương tiện di chuyển khác tôi rất thích là ngồi xe ngựa. Leng keng leng keng, chuông kêu theo nhịp ngựa chạy, vó câu khấp khểnh thong dong, mà mình ngồi trên cũng nhấp nhổm theo nhịp phi của ngựa. Ngỗi xe ngừa thích nhất là chỗ chung với bác chủ xe ( con nít thường hay đườc ngồi) , hoặc hai chỗ ngồi ở cuối, có thể thoải mái thòng chân đong đưa theo nhịp ngựa phi, vừa ngắm cảnh, chứ ngồi bó rọ bên trong thì chán chết!
***
Với dinh tỉnh trưởng ngày xưa, chị em chúng tôi cũng có một kỷ niệm: Vào dịp Trung Thu, em Út của tôi được chọn để đọc diễn văn ở dinh tỉnh trưởng, chúng tôi ra sức làm một cái lồng đèn thật đẹp cho nó xách. Lồng đèn có hình đầu lân, dán bằng giấy bóng kiếng màu đỏ với các chòm râu tua rua màu trắng. Dưới con mắt trẻ thơ, chúng tôi thấy nó thật oách, nên vô cùng hãnh diện vì nó. Trong lúc chúng tôi làm lồng đèn thì nhỏ Út luyện đọc diễn văn. Ngay mới mở đầu nó đã đọc trật trà trật trưỡng rồi. Nếu nó đọc đúng chữ Trung thì ba chữ sau biến thành “trá trỉnh trưởng”, còn nếu sửa đúng hai chữ sau thì nó lại đọc thành “Tung tá tỉnh tưởng!”. Đến bây giờ tôi vẫn còn mang chuyện đó ra ghẹo nó hoài. Nhưng sau đây mới là chuyện chính : Cái đầu lân đã xong, thì thằng em trai lấy đi rước đèn sớm trên núi Đức Mẹ cùng các bạn và bị cháy… Chúng tôi bèn trao cho Út cái đèn thô sơ của chúng tôi: ba cái vòng tròn nhỏ kết lại với nhau và dán bằng giấy bóng mờ! Con nhỏ phụng phịu nhưng cũng phải chịu thôi chứ biết làm sao được?
Vậy mà khi về, nó cười tươi roi rói: Lồng đèn của nó đạt giải ba hay giải an ủi gì đó! Ôi trời đất ơi , vì sao thế? Nó lỏn lẻn kể lại là nó ngồi kế bên ông Tỉnh Trưởng, ông thấy cái đèn của nó đơn sơ quá nên hỏi, và nó kể lể sự tình, thế là nó được giải!!! Thật sự thì với lồng đèn đầu lân, chúng tôi cũng không thể có một tia hy vọng gì, vì có rất nhiều lồng đèn đẹp đẽ, lung linh, hoành tráng do người lớn làm để dự thi như chiếc đèn con thỏ to, khắp mình bọc bông gòn trắng tinh , đẹp vô cùng của nhà Ngọc Khuê… Vậy thì mấy thứ con nít chúng tôi tự nghĩ, tự làm bì sao được? Cái đèn nhỏ xíu ấy sở dĩ được giải có lẽ do nó mang đầy nét ngô nghê vụng về trẻ con, hay do con em tôi dễ thương… hoặc do may mắn ngồi bên cạnh ông tỉnh trưởng… chăng?
***
Xin thú rằng, tuy nhà tại thị xã, nhưng vốn là đứa mù đường, ít quan sát, nên tôi không nhớ rõ nhiều về con phố Tây Ninh ngắn ngủn này. Lúc mới dạy học, ngày hai buồi đi xe lam ngang qua, cũng như khi phải khi tự đạp xe đi dạy, ký ức của tôi cũng không có nhiều. Có lẽ chỉ còn đọng lại những kỷ niệm với nó mà thôi. Nhưng hào quang của kỷ niệm thường được mình tô vẽ hơi nhiều, bởi vì khi trí óc đã bị bụi thời gian phủ dầy, thì những gì phai nhạt, mờ nhoà trong quá khứ, sẽ được nó tự động tô trát, dặm vẽ thêm trong vô thức… đến nỗi mình nghĩ nó là thật, mà té ra là trật lất… Vì thế nếu có sai lệch so với sự thật… Xin thông cảm cho tôi nhé, hỡi người Tây Ninh!
30/7/2018
***
Phụ thêm:
Đọc trên mạng tôi mới biết con đường tới nhà Thình thủơ xưa mang tên Yết Ma Lượng vốn là tên một vị sư rất nổi tiếng ở miền Nam, với pháp danh là thiền sư Minh Đạt. Ông là người sáng lập chùa Thiền Lâm cổ, một trong những ngôi chùa đầu tiên ở TP. Tây Ninh. Và vô mạng tôi mới biết bạn Lê Trung Ngân cũng có một trang hình ảnh về Tây Ninh thuở xưa…

Ảnh 1: Đường Gia Long xưa
         2; Cầu Quan xưa
Tiệm mì Quảng Hải
Rạp Lac Thanh và xe lôi xưa

 

1 nhận xét:

Thơ Ngô Kế Đang : VIỆC CHÚNG TA CẦN, LẠ LẪM , NHỮNG NGƯỜI CON (T4.2024/ 6 )

1./ VIỆC CHÚNG TA CẦN   Xâm nhập mặn đến nay hơn tháng Dân ở đây chán , ngán vô cùng Cảnh đời đói nước chưa từng Máy thì nhỏ giọt, thằn lằn ...