Thứ Năm, 17 tháng 2, 2022

Đi lễ chùa đầu năm: 10 sai lầm lớn mà mọi người hay mắc nhất

Phương Lam 


Theo kinh điển nhà Phật, Phật không cần chút vật chất gì ở con người, mà vì sự từ bi, chư Phật muốn giang tay cứu độ con người khỏi bể khổ của lục đạo luân hồi. 
Năm mới đến, người người đi chùa lễ Phật đầu Xuân, nhưng cần biết rằng người xưa đi chùa là để thể hiện lòng kính ngưỡng đối với Phật, biết rằng điều Phật dạy con người là tu nhân tích đức, điều Phật ban cho con người không phải là tiền bạc, của cải mà là trí huệ và con đường giác ngộ đến bờ kia của Niết bàn

Theo kinh điển nhà Phật, Phật không cần chút vật chất gì ở con người, mà vì sự từ bi, chư Phật muốn giang tay cứu độ con người khỏi bể khổ của lục đạo luân hồi. Sinh lão bệnh tử, mọi sự việc ở cõi người vốn là chiểu theo luật nhân quả, ai làm điều ác sẽ kết ác duyên, ai làm điều thiện sẽ kết thiện duyên.

Sau đây là những sai lầm lớn khi đi lễ chùa mà nhiều người mắc phải. Khi làm sai, chúng ta không những không tạo được công đức, mà còn có thể mắc thêm đại tội với Phật.

1. Viết sớ và dâng sớ khi lễ chùa

Viết sớ cầu xin là điều mọi người quan tâm đến. Ai cũng rất lo lắng rằng nếu không có lá sớ đó, thì lời cầu xin không đến được Thần Phật. Nhưng có lẽ bạn sẽ bớt lo lắng hơn khi biết điều này.

Thực ra, chỉ cần tĩnh tâm suy nghĩ một lúc, một người dù không tinh thông Phật Pháp cũng có khả năng đoán định được những điều dưới đây.

Một là, không cần viết ra thì Đức Phật cũng sẽ biết trong tâm chúng ta nghĩ gì, mong muốn điều gì. Đức Phật là người đã tu luyện, khai ngộ, tu thành chính quả, có thể thi triển thần thông uy lực vô tỷ. Thần thông bao gồm cả thiên nhĩ thông, tha tâm thông - chính là khả năng đọc được suy nghĩ của người khác. Như vậy thì, bạn có nói nhỏ đến đâu Phật cũng nghe thấy, thậm chí mới chỉ động niệm trong đầu Ngài đã biết rồi. Nên nếu việc viết sớ khó khăn quá và bạn thiếu tờ sớ, bạn cũng không cần phải lo lắng quá. Phật có thể biết hết những điều bạn mong muốn trong tâm và sự thành kính của bạn khi đến cửa chùa. Vậy nên, sự thành tâm, thành kính của bạn mới là quan trọng nhất.
Không cần viết ra thì Đức Phật cũng sẽ biết trong tâm chúng ta nghĩ gì, mong muốn điều gì. 
Hai là, bạn chỉ biết đời này mình là ai, còn Phật biết cả quá khứ, tương lai và từng đời của mỗi người. Vậy nên, chúng ta có lẽ không cần phải lo lắng rằng quá đông người thế này, liệu Phật có biết mình là ai, có nhận ra sự thành kính của mình hay không?

Ba là, Đức Phật trong suốt cuộc đời thuyết Pháp chưa bao giờ dạy con người cầu xin mình ban phước. Từ Phật trong tiếng Phạn là “Buddha,” nghĩa là người đã giác ngộ. Ngài giác ngộ các nguyên lý của Pháp vũ trụ ở các tầng thứ khác nhau, trong đó có quy luật nhân quả: Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo. Vậy nên, Đức Phật khuyên bảo con người tu tâm hành thiện. Chỉ có hành thiện mới mang lại phúc báo, chứ Ngài không phải là đấng ban phúc, giáng họa.

Ấy thế mà có người lại viết đủ thứ cầu xin: nào là tiêu tai giải nạn, nào là buôn bán phát tài, gia quyến an khang… Nếu chỉ vì một người dâng sớ cầu xin và bỏ nhiều tiền dâng lễ mà Phật thực sự ban cho người ấy, thì có khác gì người thường nhận “quà biếu”?

Lễ chùa đầu năm là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt ta. Đi chùa với tâm thanh tịnh, một lòng tu tâm hướng Phật, ắt sẽ kết Thiện quả.

2. Cúng dường tượng Phật đồ mặn

Hiện nay vẫn có những người cúng dường gà xôi, vốn là đồ mặn, lên Tam Bảo. Nếu như chỉ có trái cây và hương hoa, trong tâm họ thông thường cảm thấy không yên tâm. Thực tế ai cũng biết câu “đi lễ Phật quan trọng nhất ở tấm lòng thành”, nhưng dường như con người đã quen cách nghĩ rằng dùng vật chất mà mình yêu thích để thể hiện ra “lòng thành” với Phật, cho rằng lễ càng to, càng đắt tiền mới thể hiện ra “lòng thành”.

Đây thực tế là tư duy biếu xén quà cáp - vốn để đổi lấy những thứ mà họ đang mong cầu - điều này đã ăn sâu vào tâm khảm họ. Khi con người có thói quen sùng bái vật chất kim tiền, các vấn đề đạo đức lại dường như bị xem nhẹ.

Theo kinh điển nhà Phật, vật chất ở cõi người lại là điều Phật xem nhẹ nhất, cái tâm thiện lương của con người mới là điều quan trọng, Phật chỉ nhìn vào tâm thiện của con người mà thôi.

Vật chất ở cõi người lại là điều Phật xem nhẹ nhất, cái tâm thiện lương của con người mới là điều quan trọng, Phật chỉ nhìn vào tâm thiện của con người mà thôi. 
3. Cúng dường Phật tiền lẻ, tiền địa phủ, hóa vàng mã tại chùa
Cũng như trên, tiền lẻ và tiền vàng mã, vốn hoàn toàn không phải những thứ vật chất mà con người có thể dâng lên cõi Phật. Xả bỏ tâm tham lam mê đắm vật chất tiền bạc, vốn là điều đầu tiên Thần Phật khuyên răn con người.

Tiền lẻ còn là một thứ “bẩn” hết mức đến con người cũng biết… dính đầy trên đó là vi khuẩn, vi trùng, chứ chưa nói đến sự thanh khiết. Mà người ta luôn nói, cần phải dâng lên Phật những gì tinh khiết nhất.

Tiền địa phủ (hay còn gọi là tiền âm phủ) và vàng mã, vốn tự thân nó đã nói rõ là tiền dành cho cõi âm gian, địa phủ, người chết về cõi âm gian, chúng sinh cô hồn vơ vất không nơi trú ngụ. Còn Phật ở nơi cảnh giới cao, sao lại có thể dùng tiền của cõi địa phủ? Đức Phật liệu có mong muốn nhận vàng mã và tiền địa phủ từ chúng sinh hay không, chúng ta suy ngẫm một chút sẽ thấy rõ.

4. Cầu khấn tài lộc, làm ăn phát tài, buôn một lãi mười

Trong văn hóa truyền thống, khi một năm mới tới, người ta đi chùa là để hướng lòng thành kính về đức Phật, hướng thiện. Trong kinh điển Phật gia, luôn dạy rằng Phật tại tâm, mang hàm ý mỗi chúng sinh, mỗi con người đều có Phật tính.

Tu Phật, lễ chùa là để khơi dậy thiện niệm, Phật tính của chính mình. Vậy mà ngày nay, người ta hướng ngoại cầu xin đủ thứ đã trở nên quá mạnh mẽ và phổ biến, người ta coi đó là đương nhiên. Họ đã quên mất hẳn những điều Phật dạy: tránh xa lòng tham và sự mê đắm vật chất, cần phải buôn bán làm ăn chân chính ngay thẳng.

“Tham, sân, si” là điều Phật khuyên con người từ bỏ, vậy mà tại chùa, cái “tham, sân, si” lại thể hiện rất rõ trong những ngày lễ đầu xuân. Ngay cả những phi vụ làm ăn không chân chính cũng được người ta đường hoàng lấy ra làm chủ đề cầu xin Phật. Chúng ta hãy thử tự hỏi bản thân xem “buôn năm bán mười, tiền vào như nước, tiền ra nhỏ giọt”…thì có nên “xin” Phật không?
Chúng ta hãy thử tự hỏi bản thân xem “buôn năm bán mười, tiền vào như nước, tiền ra nhỏ giọt”…thì có nên “xin” Phật không? 
5. Xoa đầu, xoa bụng tượng, nhét tiền vào tay, vào lòng tượng
Ngày nay, người ta chen nhau để nhét tiền vào tay tượng, xoa bụng, xoa chân tay, xoa đầu tượng, rồi xoa lên mặt mũi mình để mong cầu may mắn. Nhưng không biết rằng đó là những hành động bất kính và sai trái nhất mà con người vẫn hồn nhiên làm.

Vào chùa lễ Phật để tìm sự an lạc trong tâm, để khởi phát thiện tâm, nuôi dưỡng Phật tính, chứ không phải là để cầu xin danh tiếng, lợi lộc, vốn là những điều Phật luôn khuyên con người không nên chấp mê vào đó.

6. Mang tro cốt người đã mất lên chùa, cúng lễ cho người mất tại chùa

Sự việc này ngày nay đã trở nên phổ biến nhất, và người ta cũng coi là nghiễm nhiên nhất, không có gì phải suy nghĩ. Nhưng thực ra đây là một trong những sự bất kính rất lớn đối với chư Phật. Chùa là nơi thờ tự Phật, có thể nói là nơi mà Pháp thân của Phật ngự, một cách nói khác là có Phật ở đó. Vậy mà hằng bao nhiêu âm hồn người chết lại có thể ở cùng một nơi, cùng một gian, cách nơi thờ Phật có vài bước chân.

Con người vốn chỉ là chúng sinh của Thần Phật, Thần Phật ở nơi cảnh giới rất cao, tới thế gian để giúp con người gìn giữ thiện tâm, độ con người lên cảnh giới giác ngộ, vậy nên Thần Phật sao có thể ngự ở ngang hàng với chúng sinh, nhất là các âm hồn, tốt có xấu có, thậm chí cả âm hồn tội lỗi phải đọa địa ngục? Với lý do “nương nhờ cửa Phật”, con người đã tự ý sắp đặt để Phật phải “trông coi và bảo hộ cho người chết”, cho phép biến ngôi chùa thành giống như nghĩa trang với đầy tro cốt. Thiết nghĩ mỗi người cũng cần suy ngẫm về điều này.

7. Đi chùa cầu tình

Có người đồn rằng chùa là nơi để “cầu tình” rất hiệu quả, thế là đa số các bạn trẻ - “trang phục nghiêm túc, lễ lạt đầy mâm, mặt buồn rười rượi’ - tới đây cầu tình. Đó là những trường hợp “buồn vì tình”, lại có người trong trạng thái vật vã đau khổ, nước mắt đầy mặt, đó là những trường hợp “thất tình”, gây ra những tình huống dở khóc dở cười tại chùa.
Có người đồn rằng chùa là nơi để “cầu tình” rất hiệu quả, thế là đa số các bạn trẻ - “trang phục nghiêm túc, lễ lạt đầy mâm, mặt buồn rười rượi’ - tới đây cầu tình. 
Khi trong trạng thái tinh thần quá đau khổ, các bạn trẻ dường như không kìm giữ nổi, nên cũng không giữ thể diện với những người xung quanh. Đứng trước tượng Phật, nhưng người ta lại dường như kêu gào với người yêu cũ của mình.

Thật ra, tình cảm con người ai cũng biết là “duyên số”, “duyên phận”, không cầu cũng đến, hết duyên là đi, cố níu giữ cũng không được. Lụy vì tình cảm nam nữ chẳng phải là cái “si” mê mờ nhất Phật bảo chúng ta tránh hay sao?

8. Bán khoán con vào chùa
Hiện nay, có khá nhiều các bậc cha mẹ, ông bà đem con “bán khoán” lên chùa với mong muốn con ăn ngoan, ngủ sâu, ít ốm đau, thông minh và gặp nhiều may mắn.

Nhiều bà mẹ mang bầu cũng đã lên chùa hỏi về thủ tục “bán khoán”, như một thủ tục nhập học vậy. Thông thường có 2 hình thức “bán khoán” con lên chùa: “bán” tới năm 13 tuổi hoặc “bán” vĩnh viễn.

Phật độ nhân không yêu cầu điều kiện gì, chỉ nhìn nhân tâm, ai có tâm hướng Phật thì Phật độ, tu tâm, tu Phật, tiêu dần nghiệp lực, cuối cùng thoát khỏi luân hồi, vĩnh viễn không chịu khổ.

Các bạn thử ngẫm nghĩ xem chư Phật lẽ nào lại có hình thức trao đổi mua bán với con người như thế, khác nào con buôn?

9. Theo chùa “thiêng” bỏ chùa làng

Đi chùa lễ Phật là xuất phát từ việc tín ngưỡng Phật, tin rằng Phật luôn ở bên cạnh, giúp con người bảo trì được thiện tâm, tin điều thiện tránh điều dữ, tích phúc đức. Kính Phật lên chùa là việc để thể hiện kính ngưỡng, không với tâm cầu xin tài lộc.

Còn nay, nhiều người do tâm lý đám đông, nghe nói chùa nào thiêng, chùa nào nổi tiếng thì nô nức đến dâng lễ cầu xin. Điều đó là bởi vì họ tin rằng chùa thiêng thì xin gì được nấy, xin được nhiều. Tâm cầu tài lộc phải chăng đã quá mạnh mẽ? Người xưa không có cái tâm phân biệt ấy, họ tin rằng ở đâu có người thiện đức thì ở đó có Phật.

Còn nay, nhiều người do tâm lý đám đông, nghe nói chùa nào thiêng, chùa nào nổi tiếng thì nô nức đến dâng lễ cầu xin. 
10. Người xưa đi chùa: 6 điều không được cưỡng cầu
Kỳ thực, có nhiều việc là tự bản thân mình mà ra, không nên cưỡng cầu trước tượng Phật. Người xưa tin tưởng rằng, Thần Phật nhìn rõ được tâm tưởng của mình, tâm tính tốt thì tất sẽ được thuận lợi và phúc báo, giống như câu “cảnh tùy tâm chuyển”, cho nên, đi chùa sẽ không cầu những điều sau:

Cầu không ốm đau, bệnh tật: Phật gia cho rằng, bệnh tật là do nghiệp lực của mình tạo ra, hành thiện tích đức, tu thân dưỡng tính làm một người tốt mới trị khỏi tận gốc bệnh tật.
Cầu làm việc dễ dàng thành công: Muốn thành công thì phải chăm chỉ cố gắng, làm việc đến nơi đến chốn. Không thể trốn tránh khó khăn và tìm cầu sự thành công dễ dàng. Nên coi đó là động lực để tiến lên!
Cầu vụ lợi cho bản thân: Việc gì cũng cầu được vụ lợi cho bản thân mình thì sẽ đánh mất đạo nghĩa, và không thể là một người tốt được.
Làm việc thiện cầu báo đáp: Nếu làm việc thiện mà cầu báo đáp thì đó là làm việc có toan tính, có mưu đồ và sẽ sinh lòng tham, và sẽ không còn là việc thiện đúng nghĩa. Làm người, có thể buông bỏ “được mất” thì mới sống được tự tại, và những gì tốt đẹp mà chúng ta làm cũng sẽ khiến lòng người cảm động.
Cầu “lợi càng thêm lợi”: Tham lam sẽ sinh ra tính toán ngông cuồng, sẽ vì lợi ích mà hủy mất đức hạnh của bản thân mình. Mà lợi ích trên thế gian vốn chỉ là hư không, không tồn tại mãi mãi.
Cầu giành phần đúng: Khi bị người khác hiểu lầm đừng chấp nhất phải ngay lập tức giải thích cho đúng, nói cho rõ, bởi vì muốn mau chóng nói cho rõ sẽ tạo thành tranh cãi, từ đó sinh ra oán giận. Làm người cần buông bỏ chấp trước, khiêm tốn, nhượng bộ một chút không phải là cách giải quyết tốt hơn sao?
Vậy mới nói, tu tâm tu thân, tùy duyên, thuận theo tự nhiên là một loại cảnh giới. Chùa chỉ là hình thức do con người dựng nên, nên nếu ngay cả sư trong chùa có biểu hiện ham tiền của vật chất, ham tình sắc, không tuân theo những lời dạy của Phật thì ở đó chắc chắn không có Phật ngự, cho dù chùa đó to lớn thế nào, tượng Phật có lộng lẫy dát vàng dát bạc ra sao.

Vua Trần Nhân Tông một lòng hướng Phật, sau khi đánh thắng quân Nguyên, dạy bảo đào tạo con là vua Trần Anh Tông đủ đức gánh vác sơn hà, vua từ bỏ ngai vàng lên núi Yên Tử tu Phật, sau khi tu hành đắc Đạo, vua có làm bài kệ để khuyên bảo mọi người rằng:

Ở đời vui Đạo hãy tùy duyên
Đói thì ăn no, mệt ngủ liền
Báu vật trong nhà thôi tìm kiếm
Trước cảnh vô tâm chẳng hỏi Thiền

Phương Lam


 

1 nhận xét:

Chúa Giêsu – Thiên Chúa giáng sinh - Tác giả: Nguyễn Hữu Đổng

  Chúa Giêsu là gì? Vấn đề này chưa được giới học thuật hiểu rõ. Bằng tư duy lịch sử giới, tác giả lý giải làm sáng tỏ Chúa Giêsu; đồng thời...