Thứ Hai, 28 tháng 2, 2022

Âm đức nghĩa là gì? Vì sao lại gọi là “âm”?

 

An Hòa


Các ghi chép khuyến thiện thời xưa thường xuyên nhắc đến các từ như “âm phúc”, “âm đức”, “âm công” để chỉ việc hành thiện tích đức, đắc thiện quả, phúc báo. Tuy nhiên vì sao một điều tốt đẹp như vậy lại gọi là “âm”? Những từ ngữ này được hiểu như thế nào trong văn hóa truyền thống?

Cổ ngữ có câu: “Người có âm đức, tất sẽ có âm báo”. Từ “âm” ở đây không mang nghĩa của “âm” trong âm phủ, số âm hay âm dương. Từ “âm” trong “âm công”, “âm đức”, “âm phúc” mang ý nghĩa là thầm lặng, ngầm, kín đáo, không hiển lộ ra bên ngoài, giống như ý nghĩa trong từ “âm thầm” vậy. Nó có nghĩa rằng người làm việc thiện chân chính là xuất phát từ nội tâm, họ không cầu danh, không cầu hồi đáp, do đó việc đại thiện thì thường được làm một cách âm thầm, kín đáo, lặng lẽ, không phô trương. “Người có âm đức, tất sẽ có âm báo” ý nói rằng người đại thiện sẽ tích được phúc đức, và Thượng Thiên cũng sẽ thầm lặng mà ban thiện quả cho họ. Việc nhân đức của họ vì vậy mà được gọi là “âm công”, phúc của họ do đó được gọi là “âm phúc”.

Ngày nay, con người khi gặp chuyện tốt đẹp hay xấu tệ thì đều cho đó là ngẫu nhiên, nhưng cổ nhân không cho là vậy. Văn hóa truyền thống cho rằng hết thảy danh vọng, tài vận, phúc lộc của một người đều là do đức và nghiệp tích từ nửa đời trước hoặc là các đời trước mà sinh ra. Người nào có được “âm đức” thì làm gì cũng thông thuận, hoặc nếu có khó khăn thì cũng là “hữu kinh vô hiểm”. Còn người nào có “ác nghiệp” thì làm gì cũng trắc trở, khó khăn, mà nếu không từ thủ đoạn đạt được thành công thì hậu quả lại là thân bại danh liệt, thậm chí tổn hại đến sinh mệnh của bản thân.

Có thể nói rằng “âm đức” là một trong những khái niệm cốt lõi của văn hóa truyền thống, không chỉ thể hiện tâm hướng thiện, mà còn thể hiện lòng kính sợ Trời đất Thần linh, tin vào “thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”.

Khái niệm đầu tiên về “âm đức” có thể truy ngược đến cuốn “Thượng thư”. Trong đó viết rằng: “Duy Thiên âm chất hạ dân”, ý là Trời ở cõi u minh, thầm lặng định đoạt để an dân, giúp đỡ bảo vệ cho cuộc sống của họ được hòa hợp. “Âm chất” ở đây có cùng ý nghĩa với “âm đức”. Lý niệm về “âm đức” này là tư tưởng mộc mạc, thẳng thắn và chân thành nhất của con người cổ đại đối với Thiên mệnh. Người xưa tin rằng, mệnh của một người là do Thượng Thiên an bài và Thượng Thiên sẽ luôn ở trong âm thầm mà che chở, bảo hộ cho họ.

Trong cuốn “Âm đức văn”, “âm đức” còn mang ý nghĩa Thiên nhân cảm ứng. Con người khi hành thiện thì không cần khoa trương, chỉ cần lặng lẽ mà làm, bởi vì Thượng Thiên là tràn ngập trí huệ, tự có thể “cảm ứng” được lòng người. Cho dù một người làm việc thiện mà không ai biết thì Trời đất cũng sẽ âm thầm phù hộ và ban phúc lộc cho người ấy.

Vậy thì khi làm việc thiện mà thể hiện ra cho mọi người cùng biết thì có tích được “âm đức” không? Kỳ thực muốn biết có tốt hay không thì cần phải xét xem cái tâm của người ấy ra sao. Đây cũng là một hàm nghĩa khác của chữ “âm”, đó là người ngoài thì khó mà biết được một người đang chân chính làm việc thiện từ nội tâm, hay chỉ làm để người khác tôn kính mình hơn, coi trọng mình hơn, để xã hội tán dương mình hơn. Có những hành động trông thì là việc thiện, nhưng lại không hề tích được âm đức, bởi vì việc làm ấy đã phần nào trở thành phương tiện để truy cầu “danh” và “lợi” cho bản thân.

“Âm đức” là thiêng liêng, cho nên nếu làm việc thiện mà có tư tâm thì hiệu lực của “âm đức” sẽ tự nhiên mất đi, không tích được “âm công”, cũng không khởi được tác dụng chân chính của hành thiện.

Thời cổ đại, người ta ca ngợi đức của Thương Thang, vị vua khai quốc của nhà Thương, bởi ông là người có lòng nhân hậu lớn. Tương truyền một lần, ông thấy một nông phu giăng lưới bắt động vật, mà Đông Nam Tây Bắc đều quây lại, lại còn khấn xin trời đất cho tất cả các loài vật mắc lưới. Thương Thang bèn lệnh cho thuộc hạ tháo ba mặt lưới, chỉ để lại một phía, gọi là “Võng khai nhất diện” (lưới chỉ giăng một mặt mà thôi). Sau đó ông cầu rằng: “Chim bay trên trời, thú chạy dưới đất, muốn trốn thoát hãy cố gắng trốn thoát, nếu không nghe lời thì mới sa vào lưới này!”

Rất nhanh sau đó câu chuyện “Võng khai nhất diện” của Thương Thang được lưu truyền rộng rãi khắp chư hầu. Chư hầu thấy Thương Thang đối với chim thú cũng nhân từ như vậy đều lũ lượt quy thuận ông.

Câu chuyện của Thương Thang đã cho thấy rằng người ta chỉ cần khởi niệm đại Thiện là tự nhiên có được “âm đức” rồi. Đây cũng là chuyện “phóng sinh” rất ý nghĩa. Ngày nay, có những người mà tay phóng sinh, miệng niệm Phật, nhưng trong tâm thì lại cầu tài cầu lộc, hoặc giả cầu may mắn, cầu an lành, cũng không để ý đến chuyện phóng sinh là gì, làm thế có khiến nhiều con vật bị bắt, bị mua đi bán lại hay không, làm thế có khiến môi trường sinh thái bị phá hủy hay không. Nói một vài lời là đủ thấy “âm đức”, “thiện quả” sẽ không tới với họ rồi.

An Hòa

 

1 nhận xét:

NHẠT NHÒA -Thơ Thái Huy và Thơ Họa (14 Bài )

  NHẠT NHÒA Ngó kìa cánh tuyết lửng lơ rơi Phủ ngập không gian cả đất trời Hơi gió lùa vô làm tái lạnh Nỗi buồn ập tới khiến chơi vơi Đang c...