Thứ Bảy, 26 tháng 2, 2022

THƯƠNG CÁI BẾN BẮC LỤC TỈNH QUÊ MÌNH.

 

Người Nam Kỳ kêu những cái tàu suông đuộc hình chữ nhựt như xà lan chở xe ,người qua sông là bắc ,bắc là từ tiếng Pháp "au bac” nghĩa là tàu,thuyền
Lục Tỉnh mình là xứ sông nước,đường lộ lớn từ Sài Gòn về tới Cà Mau đi qua vô số bến bắc đếm không xuể
Ta có bắc Mỹ Thuận,bắc Vàm Cống,bắc Cái Vồn .bắc Mỹ Lợi (Cầu Nổi),bắc Đình Khao,bắc Cao Lãnh,bắc An Hòa....
“Em về đi qua bến bắc
Nhớ dòng sông sâu Bassac
Làng em chất phát thật thà”
Sau đó người Bắc sau 1975 đem từ “Phà” vô Nam Kỳ áp vô .Phà là nghĩa gì thì không rõ
“Bậu sang phà Rạch Miễu
Ngoay ngoảy về Bến Tre
Qua quyết lòng ở rể
Năn nỉ hoài không nghe”
Bài này thì xài cả bắc lẫn phà
"Anh đi xuống Tây Đô qua bắc hôm nao
Vui mua ký chôm chôm duyên dáng em trao
Chôm chôm ngọt như là tiếng rao
Anh ăn vào nghe nhiều xuyến xao
Thương con phà Mỹ Thuận làm sao"
Chuyện "bắc" thành "phà" là chuyện cũng lớn chớ không nhỏ,tỷ như Cô Bắc đổi tên thành Cô Phà thì bạn thấy nó ra sao,nhưng rồi dân Lục Tỉnh bị ép kêu riết cũng quen
Thông thường một bến bắc có hai đầu,hai đầu có hai cái cầu kiểu cầu tàu ,là một cái cầu sắt bắt de ra bến sông ,chổ xe de lên xuống bắc sẽ có một cái đầu nổi nên bắc Mỹ Lợi thành bắc Cầu Nổi là vậy
Cái cầu nổi nhỏ xíu, bằng sắt tây,nhìn ốm nhách ốm nhom,mỏng dánh.Thành ra khách và xe chỉ lên xuống được một chiều
Chiếc bắc xưa cũng nhỏ, mỗi chiếc chở có hai chiếc xe,coi phim "Người Tình" coi người ta làm chiếc bắc Mỹ Thuận xưa nơi gặp gỡ giữa cô gái Pháp và chàng công tử Sa Đéc sẽ thấy rõ hình dáng nó
Trên cái cục nổi người ta làm một bàn xoay, xe chạy xuống cầu nổi là nằm trên bàn xoay, công nhân dùng tay đòn để xoay một cái trụ quay, trụ này sẽ chuyển bàn quay làm cho chiếc xe quay đầu lại, rồi tài xế chạy lùi xe xuống bắc để khi sang bên kia bờ, xe chạy thẳng lên bờ dễ dàng
Xưa ít xe, nên có khi một, hai tiếng mới có một chuyến bắc
Nhưng cuối tuần,Tết nhứt thì kẹt xe ở cầu bắc đông nghịt ,vì cầu bắc chỉ có một chiều
Rồi những khi có chiến dịch quân sự ,bắc ưu tiên cho quân đội ,hành quân chừng 50 chiếc xe Camion là dân chờ dài cần cổ
Tại Nam Kỳ chúng ta có địa danh “Cầu Bắc” từ đó
Cầu Bắc Mỹ Tho,Cầu Bắc Cái Vồn
Bến bắc ghi đọng trong tâm khảm người Lục Tỉnh mình thật sâu đậm
Hai đầu cầu bắc lúc nào bán buôn cũng nhộn nhịp,tiếng người la nói í ới, rất là vui.Xe đò chở khách từ Sài Gòn về sắp hàng dài dài chờ giờ qua bắc ,hành khách vội vàng tìm chổ đi vệ sinh và ăn tối,những chuyến bắc đêm làm người ta nhớ mãi
Tiếng rao hàng,người bán đồ ăn như cơm tấm,nem , bánh mì,bánh ú,bánh tét,bánh lá dừa,kẹo dừa,lạp xưởng ...vang rền .Rồi người bán nước,từ trà đá,nước mía,nước chanh,nước sâm lạnh,cà phê có đủ hết
Hai đầu cầu bắc luôn có một cái chợ nhỏ mà lữ khách đi ban đêm không bao giờ đói vì nó bán không thiếu một món gì
Người lữ khách xa quê,chưa bước chưn về tới cái nhà của mình,chưa được ôm mẹ,chưa đốt cây nhang nào trên bàn thờ ông bà mình,nhưng bước tới cầu bắc là đã về nhà 1/2 rồi đó,nghe tiếng rao cái giọng quê mình chứ đâu,nghe tiếng xì xào,càm ràm,cái vui buồn của bến bắc cũng làm người ta ấm lòng
Không phải tự dưng mà ông nhạc sĩ Nhật Ngân có cảm xúc viết bài nhạc
"Chiều qua phà Hậu Giang tiếng ai hát dạo buồn thay
Tiếng ca sầu mênh mang như khơi niềm đau năm tháng xưa
Chân nạng gỗ thấp cao kéo lề đời theo dòng nhạc đưa
Mảnh chiến y phai màu khúc ca nào gợi sầu khôn nguôi"
Vì bến bắc lúc nào cũng có tiếng hát tiếng đờn của những người ăn xin Lục Tỉnh,tiếng ca ,tiếng đờn lạc lõng giữa cảnh um sùm sông nước chở theo những vui buồn bao số phận, tình người
Ai cũng tự nhủ“Anh đi mau kẻo trễ chuyến phà đêm qua bến bắc Cần Thơ” ,khi bắc cập bến thời phải đi ngay,nhưng lữ khách nào cũng nghe,cũng ngoái nhìn về người ăn xin ôm cây đờn đó
Người Lục Tỉnh mình thích nghe cải lương,vọng vổ.Kể cả những người không thích nhưng khi bước qua bến bắc mà lỡ nghe ông hành khất ôm đờn cất lên một câu vọng cổ thê lương thì chẳng bao giờ cầm lòng mình đặng,tiếng hát nức nở,lời ca sầu vô tận
Thương bài vọng cổ, buổi chạng vạng tiếng đờn nghe sao thê thiết,thương người ca,thương bến bắc,thương luôn thân phận người đang ngồi chờ bắc
Người lữ khách ngồi đó nhìn khung cảnh tù mù,khói sóng trên sông của bến bắc thấy lòng mình ray rứt tràn trề
"Hò ơ cống cống xàng xê
Mình em đứng đợi anh về bên sông
Anh giờ xa xứ bỏ quê
Cầu tre cuối xóm sông xưa hẹn hò."
 
Nguyễn Gia Việt.

1 nhận xét:

Chúa Giêsu – Thiên Chúa giáng sinh - Tác giả: Nguyễn Hữu Đổng

  Chúa Giêsu là gì? Vấn đề này chưa được giới học thuật hiểu rõ. Bằng tư duy lịch sử giới, tác giả lý giải làm sáng tỏ Chúa Giêsu; đồng thời...