1.
Năm 1980. Vâng 1980, có nghĩa là tôi đã ở Mỹ 5 năm chưa kể gần 2 năm du học trước kia, tôi bị cú lừa đầu tiên ở thành phố Oakland, California.
Đó là
một buổi xế chiều, ngày tôi tốt nghiệp college. Tôi về nhà trong tâm trạng cao
hứng mà nhà tôi đi làm không có ở nhà. Đang ngồi trong nhà thì nghe gõ cửa. Ra
mở cửa thấy một thanh niên Mỹ đen, mắt láo liêng ngó quanh ngó quẩn trước sau,
kề tai tôi nói nhỏ:
– Tao có cái TV mới toanh, chưa bóc hộp, thằng bạn tao chôm trong chỗ làm Walmart, giá rất rẻ, mầy mua không?
Tôi nhìn nó đầy nghi ngờ. Có lẽ nó hiểu được nên lại ngó lức láo chung quanh trước khi kề tai nói nhỏ:
– Mầy ra xe coi đi. Xe tao đậu bên hông nhà.
Nói xong nó đi trước tôi theo sau ra xe. Đến xe nó lại ngó trước nhìn sau đầy vẻ bí hiểm của lũ ăn trộm, mở nắp sau xe… quả nhiên một thùng đựng TV Sony mới toanh, to lớn chật thùng, có nhãn hiệu đàng hoàng. Tôi xoay trở khó khăn để xem thêm vài bên khác nhau của thùng, đúng là chưa có dấu vết bị bóc. Ngay lập tức nó đóng sập cốp xe và hỏi tôi tính sao?
– Mầy muốn bán bao nhiêu?
– $300 tiền mặt.
Thời đó với TV cỡ đó đã có giá cả ngàn đồng, trong khi nhà thuê của tôi chưa có. Thấy giá quá rẻ nên cũng ham.
– Tao không có sẵn tiền mặt.
– Vậy thì đành thôi.
– Mầy
chờ tao một lát, tao chạy tới nhà bank gần đây lấy tiền được không?
– Tao không tiện chờ lâu; mầy đi bao lâu?
– Khoảng 10 phút thôi!
– Okay, tao chạo loanh quanh chờ mầy. Nhớ nhé, nếu lâu hơn 15 phút là tao không bán nữa.
Xong tôi lại lo nếu nó ở quanh nhà mình, biết mình đi thì đập cửa vào nhà ăn trộm thì sao:
– Hay là mầy chạy theo tao đi.
Nó có vẻ ngần ngừ rồi gật đầu:
– Nhưng khi tới nhà bank tao đứng xa chờ mầy nha.
Nghe nó
nói vậy vững lòng tin, lấy xe chạy tới nhà bank chỉ cách nhà hơn dặm đường. Lấy
đúng $300 rồi chạy về nhà. Tôi và nó đồng ý làm chớp nhoáng. Có nghĩa là nó đậu
xe ngay cửa nhà chờ tôi mở cửa xong nó sẽ mở cốp mang thùng TV vào nhà, lấy
tiền và chạy đi ngay.
Mọi sự diễn tiến êm xuôi, nhanh chóng; nó chạy biến đi và tôi khoá cửa hào hứng mở thùng để rồi… sững sờ nhìn bên trong là một chiếc TV hư hỏng, cũ kỹ bất khả dụng! Có kêu trời thì cũng chỉ nghe ông trời bật cười! Tôi vội vàng đem vất thùng rác trước khi nhà tôi đi học về, và nhất định sẽ không hé môi cho vợ nghe chuyện cười của một gã to đầu còn dại.
2.
Khoảng đầu thế kỷ 21, tôi bỗng nghĩ tới một lúc nào đó, không xa lắm, khi mấy đứa con đã khôn lớn xa rời tổ ấm, hai con khỉ già chắc sẽ thấy đời rất thênh thang. Rồi một ngày, chắc có lẽ trời đẹp lắm, tình lắm tôi nổi hứng nhận lời mời, rủ vợ đi tới một “Resort” để nghe thuyết trình về “Làm cách nào để đi du lịch đó đây ít tốn kém nhất.” Nghĩ chỉ còn 5, 10 năm nữa mình cũng đã tới lúc về hưu, con cái đứa nào cũng sẽ có gia đình riêng, trong lúc bàn chân có nốt ruồi của tôi càng lúc càng ngứa ngáy nên nghe đề tài cũng rất hợp lý. Giấy mời có ghi rõ là người tham dự không bị bắt buộc mua bất cứ thứ gì. Đi để tìm hiểu về những dịch vụ hữu ích thiết thực và sẽ được tặng quà gồm những món quà giá trị tuỳ ý chọn một, trong đó có cả tặng vé máy bay cho hai người đi chơi ở Las Vegas. Họ chỉ đòi hỏi ở người tham dự là cần phải đi cả hai vợ chồng.
Biết rằng ở đất nước nầy không có gì cho không; khi họ cho mình một cái gì chắc chắn đã tính toán xác suất rất kỹ. Dù vậy, tôi cũng thuyết phục vợ, “Kể như tới ‘resort’ xem chơi cho vui vậy mà, biết đâu cũng học hỏi được những điều hay.” Vợ ngần ngừ dặn, “Đi cũng được nhưng với điều kiện là anh không mua bất cứ thứ gì họ rao bán nha.”
Giờ hẹn xế chiều. Cách nhà hơn một tiếng lái xe về hướng tây bắc của khu rừng Kingwood. Vào một resort rộng mênh mông, hoa lá, nhà cửa dinh thự rất đẹp. Có rất đông người, dĩ nhiên phần đông là Mỹ trắng; vài ba cặp anh chị Mỹ đen chen lẫn Mỹ nâu và Mỹ vàng là chúng tôi, đủ mọi hạng tuổi từ những cặp vợ chồng rất trẻ đến các ông bà đã nghỉ hưu. Người ta tiếp đã rất lịch sự; cà phê, nước uống thoải mái có mặt khắp nơi; có vài ba máy bắp rang để rải rác. Rất đông nhân viên ăn mặc lịch sự, còn khách mời trang phục đủ loại… Giống như buổi họp chợ cao cấp. Chúng tôi ghi tên theo lời hướng dẫn cùng với giờ mời ghi trên giấy hẹn. Xong được đưa vào một phòng họp đông người ngồi, cùng nhau như chờ đợi “giảng viên” đến lớp. Người người thân thiện bắt tay nhau, cười nói làm quen kiểu lịch sự qua đường. Lúc nầy thì chúng tôi biết buổi họp mặt hôm này là để nghe giới thiệu về “TimeShare”. Và đây cũng là lần đầu tiên biết về Timeshare.
“Timeshare” ra đời ở Vương quốc Anh vào đầu thập niên ’60; du nhập vào Mỹ năm 1974. Và nở rộ trên đất nước nầy. Đó là một chương trình chia sẻ phòng trọ trong khu nghỉ dưỡng (vacation home) cao cấp. Xây cất hàng loạt theo lối khách sạn. Mỗi một căn nhà sang trọng với đầy đủ tiện nghi, ở những nơi nghỉ dưỡng nổi tiếng trên thế giới được bán ra từng phòng, từng tuần cho nhiều người trong giới hạn.
Chia sẻ thời gian là một hình thức sở hữu theo phân đoạn, trong đó người mua có quyền chiếm giữ một đơn vị bất động sản trong những khoảng thời gian xác định. Ví dụ: mua một tuần chia sẻ thời gian có nghĩa là người mua sở hữu 1/52 đơn vị. Mua một tháng tương đương với quyền sở hữu một phần mười hai. Chia sẻ thời gian là phổ biến trong ngôn ngữ kỳ nghỉ. Các loại tài sản bao gồm nhà ở, chung cư và khu nghỉ dưỡng.
Người có quyền sở hữu có thể sử dụng bất cứ thời gian nào khi nó khả dụng. Có nghĩa là ai ghi danh trước được dùng trước và thay phiên. Nếu không đi được chỗ nầy thì đi nơi khác, luân phiên các mùa trong năm, theo khế ước mua bán của từng sở hữu chủ. Vì vậy, mỗi sở hữu chủ đều được hưởng các mùa chính như nhau ngoại trừ những ai là nhân viên trực thuộc các công ty đang quản trị nhà đấtcủa cơ sở trực thuộc.
Sau khi nghe thuyết trình riêng, nhân viên của họ chia nhau họp riêng với từng gia đình. Ở lần họp nầy, người ta cố gắng tối đa giảng giải, chiêu dụ người mua. Nghe rất hấp dẫn, rất dễ cho những ai yếu lòng. Họ sẽ đưa ra một giá, khi mình lắc đầu thì họ mời một người cao cấp hơn để cho mình một giá dễ chịu hơn; không được nữa thì họ bớt đi một vài chi tiết rồi cho một giá thấp nhất… Vì đã quyết định với nhau trước khi tới đây nên chúng tôi “lắc đầu” cho mọi mời mọc. Họ đành gửi chúng tôi qua phòng nhận quà… Quà từ những món cần thiết trong đời sống hằng ngày, là những giấy chứng nhận các bữa ăn giá trị cho hai người ở các nhà hàng sang trọng trong vùng và sau cùng là vé máy bay đi/về Las Vegas cho hai người. Chúng tôi chọn vé máy bay. Hai người mất gần nửa ngày ngồi nghe họ nói rã họng mà không bán được lại mất cho mình hai vé máy bay nghĩ cũng không bõ công. Tôi âm thầm nghĩ vậy.
Khi đã nhờ được chị vợ, nhà gần bên, giúp chăm sóc ba đứa con đang đi học, cả hai xin được phép nghỉ làm mấy hôm, nhà tôi liên lạc lấy vé máy bay theo chỉ dẫn trong giấy chứng nhận. Trong tiến trình điền chi tiết, có một chỗ nói rằng, qua Las Vegas có thể được ở khách sạn 5 sao miễn phí 3 hôm nếu chúng tôi đồng ý ghi tên tham dự một buổi thuyết trình có đề tài tương tự nhưng bảo đảm hay hơn nhiều. Vẫn không ai bắt buộc mua bán bất cứ thứ gì. Tôi bàn với nhà tôi, “Có lẽ cũng là ‘bổn cũ soạn lại’ là cùng, và như vậy mình cũng sẽ say NO như đã; cứ nhận lời để khỏi tốn chi phí khách sạn. Một chuyến đi chơi vui ở Las Vegas mà không tốn tiền máy bay, không tốn tiền khách sạn thì tại sao không.” Nhà tôi nghe bàn cũng xuôi tai. Thế là chúng tôi chuẩn bị đi Las Vegas để… hấp hôn.
Mọi sự diễn ra như hứa hẹn. Phòng khách sạn tuyệt vời, nằm ngay đại lộ chính, trong một khách sạn sòng bài rất sang trọng. Trong phòng có cả cà phê, nước ngọt thừa dư, nằm trên tầng 10 ngó bao quanh khu Las Vegas. Nhất là về đêm, trăng sao vằng vặc. Còn nữa, lúc ghi danh lấy phòng lại được chiêu đãi hai vé ăn buffet đồ biển miễn phí tại nhà hàng lầu. Chúng tôi thuộc dạng không ham bài bạc nên chẳng đoái hoài. Buổi tối sau khi ăn, chúng tôi đi dạo chơi mải miết tới rã chân mới về phòng ngủ. Trong lòng thoải mái, vui vẻ lắm, nghĩ rằng mình hên quá là hên.
Buổi sáng ngủ vùi trong chăn êm nệm ấm, mãi tới 9g mới đi ăn sáng và chuẩn bị tới nơi hẹn. Ánh nắng dịu dàng như tấm lụa mỏng trải đều trên các biệt thự, hoa lá đó đây; cảnh trí thơ mộng, người người với quần là áo lượt tấp nập dọc hai bên đại lộ. Tôi nắm tay nhà tôi hoà nhập cùng dòng người và lòng tôi cảm thấy phơi phới trong niềm vui chứa chan.
Nơi hẹn cũng là một căn phòng sang trọng, rộng rãi. Có rất đông người tham dự. Chúng tôi gi danh và biết đúng Timeshare, y hệt hình thức cũ… chỉ khác chương trình ở đây hấp dẫn hơn nhiều. Những chỗ Timeshares cao cấp hơn, ở những thắng cảnh nổi tiếng thế giới. Giá cuối cùng họ cho chúng tôi chọn lựa là 15 năm, mỗi năm 3 tuần, bất cứ chỗ nào trong 10 địa điểm trong danh sách có sẵn. Nhìn vào thấy hơn chục địa điểm khác nhau trên thế giới, mùa nào cũng được tuỳ lúc ghi danh, giá $2,995 cộng chi phí quản trị $395/năm, trả trước $595, phần còn lại trả góp trong vòng 5 năm với phân lời 5.25% và năm đầu không tính tiền lời; hoặc 40 năm, 4 tuần/năm, bất cứ mùa nào, nơi nào trong 20 danh lam thắng cảnh trong danh sách, giá $9,995 và chi phí quản trị $550/năm, có thể gia tăng chút đỉnh theo vật giá. Trả trước $1,595; phần còn lại trả góp với phân lời vẫn 5.25%. Cũng vậy, nếu trả hết trong vòng 1 năm không tính tiền lời. Tất cả những chi tiết vừa kể nếu so với văn phòng Texas thì thuận lợi hơn nhiều. Cả hai chọn lựa đều có thể sang nhượng cho con hoặc người thụ hưởng đặc biệt nào đó.
Trước khi chúng tôi quyết định, thấy có rất nhiều cặp đã mua. Mỗi lần có ai đó ký giấy mua thì cả hội trường vang lời chúc mừng. Tôi thầm nghĩ, “Không lẽ những ông bà lịch sự thế kia mà nhẹ dạ sao.” Cuối cùng chúng tôi quyết định chọn một trong hai giải pháp.
Chúng tôi xin được thảo luận riêng với nhau một lúc. Người hướng dẫn lịch sự
đứng dậy ra khỏi phòng. Chúng tôi đồng ý với nhau rằng, không bao lâu nữa chúng
tôi sẽ nghỉ hưu, sẽ có nhiều thì giờ rộng rãi để du lịch đó đây. So hai giải
pháp, chúng tôi chọn giải pháp thứ hai vì tính ra với giá trung bình $800 gồm
chi phí bảo trì cho 4 tuần lễ/năm; vị chi mỗi tuần nghỉ chỉ tốn có $200 ở những
nơi sang trong tột bực thì cũng không cần phải đắn đo gì cho lắm. Về phần tiền
lời trả góp, chúng tôi không bận tâm vì quyết định sẽ trả hết trong vòng một
năm. Khi người salesman trở lại, chúng tôi quyết định ký giấy tờ, dùng thẻ tín
dụng để trả số tiền đặt cọc. Lúc nầy người hướng dẫn mới nói cho biết là tiền
bảo trì phải trả cùng lúc khi ký giấy mua. Có nghĩa là chúng tôi phải trả ngay
$2,145. Nhà tôi đưa mắt nhìn tôi như thăm dò ý kiến; với chỉ mấy giây ngần ngừ,
tôi gật đầu đồng ý… Và chúng tôi được tuyên dương ầm ĩ trước hội trường là cặp
Á châu đầu tiên tham dự chương trình. Người hướng dẫn chúc mừng chúng tôi với
câu nói, “Chúc mừng các bạn, ngay từ lúc nầy các bạn có thể bắt đầu cho những
chuyến du lịch thú vị mà các bạn đã từng mong đợi.”
Kết thúc
chuyến đi vui vẻ, chúng tôi trở lại nhà đi cày tiếp. Thỉnh thoảng công ty
Timeshares lại gửi email giới thiệu những khu du lịch sang trọng trong danh
sách đang không có ai cư ngụ; thế nhưng, chúng tôi đang đi làm đâu có muốn đi
lúc nào thì đi… nên tiếp tục làm lơ; dự định sẽ sử dụng đến “sở hữu chủ” nầy
khi có cơ hội.
Tôi vốn không thích nợ nần khi mình có thể. Dù một năm không tiền lời nhưng tôi nghĩ trước sau gì cũng trả, mang nợ trong người khó chịu lắm, tôi quyết định trả dứt nợ bằng thẻ tín dụng; mà trả bằng thẻ cũng sẽ phải trả dứt cho họ vào đúng hạn kỳ nhưng bù lại mình lại được điểm bonus.
Rồi cơ hội nghỉ cũng đã đến, đó là dịp kỷ niệm ngày cưới của chúng tôi. Nhà tôi liên lạc tìm kiếm nơi muốn đi nhưng khi ghi tên đặt cọc lại không hữu dụng. Hết chỗ nầy tới chỗ khác đều trả lời giống nhau, phải đặt cọc trước, vì có rất nhiều sở hữu chủ nên ai ghi tên trước người đó sẽ được. Và họ cho biết thời gian tới chỗ nầy chỗ kia sẽ hữu dụng, nhưng thời gian họ có thì chúng tôi lại không thể đi. Tình trạng nầy cứ lặp đi lặp lại vài ba lần nữa, tôi nổi sùng cự nự thì họ biểu xem lại trong khế ước có nói, “…đi bất cứ lúc nào, chỗ nào cũng được trên căn bản ghi trước được trước…” (first come first serve basis). Biết rằng nếu có trách thì phải tự trách mình vì đã không chịu đọc kỹ khế ước có hàng tá điều khoản với chữ li ti – mà điều nào cũng dành cái lợi cho người bán – trong môi trường áp lực mua bán rất căng thẳng của cuộc họp mặt.
Không mấy chốc, giấy nợ trả cho việc bảo trì đã tới, chúng tôi lại phải móc túi gửi chi phiếu $550 đi mà vẫn chưa có cơ hội sử dụng “sở hữu chủ” của mình. Sau bao nhiêu lần hụt, cuối cùng chúng tôi cũng đi được tới New York trong một dịp rất tình cờ. Thấy họ gửi giới thiệu vài chỗ đang hữu dụng, dù không dự định trước nhưng cũng muốn thử một lần xem sao. Chúng tôi vội ghi danh liền, dù chỉ một tuần nhưng… vẫn chậm chân hơn người khác, chỉ còn chỗ New York. Chúng tôi có thể dùng 4 tuần lễ như trong khế ước; tuy nhiên, vì thời gian không cho phép nên chỉ xin lấy hai phòng đôi cho một tuần vì là dịp nghỉ hè nên các con cùng đi với chúng tôi.
Phải công nhận phòng ốc quá sang trọng. Tiếc là chúng tôi ở chỉ có thể nghỉ một tuần thôi vì ngày nghỉ không còn nhiều. Sau một tuần rong chơi đây đó với sinh hoạt quá đắt đỏ của thành phố nổi tiếng nầy, chúng tôi trở về lại với công việc.
Làm sao
chúng tôi có thể biết được đây là lần đầu và cũng là lần duy nhất chúng tôi
dùng tới sở hữu chủ Timeshares của mình! Vì thay đổi công việc làm ăn, thay đổi
nơi ăn chốn ở, con cái đua nhau lớn, đứa nhập trường, đứa tốt nghiệp… Những cơ
hội nghỉ dưỡng sức mà hai vợ chồng có thể sắp đặt xin nghỉ việc cùng lúc, các
con không bận trường lớp rất hiếm; thế nhưng những lần thu xếp được lại không
thể tìm được những chỗ muốn đi vì không ghi tên giữ chỗ đủ sớm. Dù rất mệt mỏi
và bất mãn nhưng chúng tôi vẫn nghĩ thời gian làm chủ của Timeshares còn dài
nên bền lòng chờ đợi đến lúc nghỉ hưu thì sẽ dùng tối đa cũng không mất mát gì
nhiều lắm.Và cứ như thế hết năm nầy tới năm khác mà chi phí bảo trì mỗi năm cứ
tăng lên. Lần sau cùng chúng tôi phải trả gần $1,000 thì đã gần 10 năm!
Đến lúc nầy thì chúng tôi không còn đủ sức theo nữa! Tính ra đã mất gần trọn $20,000 mà chỉ có vỏn vẹn dùng được 1 tuần lể ở New York thì đau quá! Chúng tôi tìm cách bán lại. Khi tìm kiếm “nguồn cội” trên internet thì mới biết rằng có hàng hà sa số người cũng ở tình cảnh như chúng tôi nhưng ít ai đã trả dứt và vô số người cũng đang tìm cách sang nhượng. Các công ty lo cho việc nầy thì lại đòi phải trả phí tổn quảng cáo từ $400 đến cao hơn. Hoặc phí luật sư can thiệp cũng không ít… Trước tình cảnh nầy, chúng tôi không dám tin vào ai nữa nên nhắm mắt bỏ liều…
Dĩ nhiên, mỗi năm đáo hạn giấy nợ bảo trì vẫn đến, chúng tôi vẫn không trả. Vài năm sau thì nhận giấy “collection”, hăm doạ đưa ra toà… nghe cũng rét nên lại phải tìm tòi học hỏi. Thấy nhiều người cũng không trả nợ hàng tháng, cũng bỏ cuộc giữa chừng, cũng bị hăm doạ collection đầy rẫy trên net. Chúng tôi bèn làm mặt lì, chấp nhận thêm một cái ngu đáng giá!
Bài học không đọc những hàng chữ “fine prints” (chữ li ti) trong tất cả mọi giao kèo, khế ước không phải chấm dứt ở đó và cũng không phải chỉ có chúng tôi. Sự cả tin, khờ dại cộng với tham lam cũng không phải chỉ riêng chúng tôi độc chiếm mà là nhan nhản ngoài xã hội. Thế cho nên sự lừa lọc vẫn sống mạnh, sống hùng trong thế giới loài người cho đến hôm nay và không chắc có bao giờ chấm dứt. Cũng không biết bao giờ hầu hết kẻ mua người bán mới “chậm lại… slow down” để đọc thiệt kỹ trước khi đặt bút ký!
3.
Tháng 6/2020, sau khi lệnh Thống Đốc Texas cho phép các cơ sở thương mại có thể mở cửa trở lại sau mấy tháng dài bị phong toả vì Covid19. Tôi vui mừng gửi email thông báo tin vui đến cha mẹ học trò. Một số cha mẹ rất vui và cũng có nhiều cha mẹ còn ngại chưa muốn cho con trở lại. Chuyện nầy cũng dễ hiểu và đáng được du di dù hầu hết học trò đều có khế ước một năm, nhưng cha mẹ có quyền không trả tiền, hoặc huỷ bỏ hợp đồng, vì lý do dịch bệnh mà trường không làm gì được trong hoàn cảnh chung. Dù vậy, tôi cũng phải trả đầy đủ tiền thuê cơ sở, tiền điện nước như thường lệ mà không được nhà nước trợ giúp vì không đủ tiêu chuẩn quy định hoặc tôi không biết cách điền đơn. Vì thế khi được tin cho mở cửa tôi mừng lắm, nếu kéo dài có lẽ tôi phải đóng cửa vĩnh viễn.
Tôi tới
trường, liên lạc bằng điện thoại, cố thuyết phục những phụ huynh còn lưỡng lự.
Tôi nói với họ, trường lớp sẽ áp dụng tối đa luật giản cách xã hội, có máy thử
nhiệt độ khi các em tới lớp, có nước rửa tay an toàn cho mọi người, và các em
cần phải mang khẩu trang, chia ra nhiều lớp, mỗi lớp chỉ một ít em… Thế nhưng,
số người còn lưỡng lự vẫn lưỡng lự, chỉ có một số nhỏ đồng ý cho con trở lại.
Đang lúc không vui, điện thoại reo vang, có khách hàng mới xưng tên Alan Thunderbold, muốn ghi tên cho con đi học. Tôi cũng tự giới thiệu tên và trao đổi thể thức ghi danh, điều kiện gia nhập, giá cả… và mời ông ta đem con đến trường để làm thủ tục nhập học. Ông Alan cho biết ông đang làm việc ở Georgia, đã ly dị vợ; con của ông đang ở với người thân gần trường. Ông tin tưởng tôi là một người thầy giỏi, ông bảo ông có xem kỹ tiểu sử và những điều lệ nghiêm ngặt của trường trên trang nhà của môn phái. Và cách giảng dạy của tôi theo như ông đọc thấy, rất thích hợp cho con ông, một đứa trẻ 15 tuổi cần có người hướng dẫn thay ông ta trong thời gian ở xa nó; tiền bạc không thành vấn đề, ông có thể trả hơn số tiền học phí bình thường, miễn là tôi để ý đến con ông nhiều hơn một chút; ông bằng lòng trả trước một năm học – $1,800 – cộng thêm $700 bonus (tiền thưởng) với một điều kiện – ông nói một yêu cầu đúng hơn – tôi giúp ông trả tiền mặt $2,500 cho người đưa đón con ông ngay ngày đầu tiên người đó đưa con ông tới trường. Ông ta còn nói tôi yên tâm, sau khi tôi lấy được $5,000 qua thẻ tín dụng của ông xong thì ông sẽ nói người ta đưa con ông tới nhập học.
Đang cần tiền để trả chi phí mà nghe ông khách sộp nói vậy nên trong lòng rất vui. Nhất là được ông Alan khen về cách dạy dỗ nghiêm ngặt của mình mà từ khai mở môn phái đến giờ tôi rất tự hào. Tôi vẫn nghĩ trong cái xã hội kim tiền nầy, môn võ thuật đã bị thương mại hoá rất nhiều nên phẩm chất không đâu vào đâu; trường nào, thầy nào cũng học nhau cách màu mè, kiểu “xanh xanh đỏ đỏ cho em nhỏ nó mừng”, còn cha mẹ thì phần đông không biết gì nhiều về sự khai thác triệt để nầy. Chỗ nào cũng tìm đủ mọi cách để moi tiền cha mẹ mà kết quả chẳng ra làm sao cả.
Tôi bằng lòng điều kiện của ông ta. Ông ta cho tôi chi tiết thẻ tín dụng, mọi chuyện đều xảy ra suôn sẻ. Tôi hỏi ông làm sao ký hợp đồng, ông nói điều đó không cần thiết, vì nếu tôi nhận được tiền và làm theo đề nghị của ông trong vòng một năm kể từ ngày con ông tới lớp là tốt rồi, sau đó tính tiếp. Ông hẹn tôi ngày hôm sau sẽ gọi lại để biết kết quả và tiếp tục công việc.
Thật là khó tin chuyện xảy ra như vậy. Đúng là một người khách hàng quá đặc biệt. Suốt trong buổi dạy lòng tôi cứ phân vân. Buổi tối, khi trường đóng cửa tôi mới chợt nghĩ ra… Tất cả những ai học tập tại trường đều phải ký giấy giao kèo; vì là học võ là một môn học có nhiều rủi ro thương tích, nên trường nào, thầy nào, xứ sở nào cũng đều có giao kèo trước khi vào lớp. Đó là phụ huynh, người thân của học trò phải đồng ý không được thưa gửi nếu xảy ra tai nạn, bất hạnh ngoài ý muốn trong lúc tập luyện. Trong trường hợp nầy… rủi xảy ra chuyện, rất nguy hiểm cho sự nghiệp của tôi. Tôi bấm điện thoại gọi lại ông ta thì được báo rằng số điện thoại không sử dụng được. Tưởng bấm sai, coi lại kỹ, gọi lần nữa cũng được. Tôi bắt đầu hoang mang, có chút nghi ngờ nhưng không thể làm gì hơn, chờ ngày mai ông ta gọi lại sẽ thảo luận tiếp, nhất là xem thử tiền đã vào trương mục của trường chưa.
9g sáng hôm sau, coi sổ nhà bank thấy đã có số tiền ông ta trả, tôi tạm yên tâm; nghĩ có thể ông ta làm việc gì đặc biệt lắm, có thể làm cho chính quyền cho nên điện thoại của ông người ngoài không thể gọi. Dù gì khi liên lạc với ông tôi cũng phải đòi hỏi ông ký vào giấy cam kết.
Buổi chiều, trước khi trưởng mở cửa, ông Alan gọi đến. Ông nói liền là hãng tín dụng đã báo tiền tôi đã lấy tốt. Tôi xác nhận là đã có và nói những ưu tư của tôi về việc cần ký giao kèo. Tôi yêu cầu ông ta cho xin số fax để tôi gửi hợp đồng cho ông ta ký. Ông nói không cần làm như vậy. Tôi nói quy luật hành chánh của tất cả trường võ đều phải làm như thế để tránh tối đa những rắc rối bất ngờ. Ông nói nơi ông làm việc rất khó để làm như vậy, kể cả người ngoài muốn liên lạc bằng điện thoại. Tôi nói nếu không làm vậy thì tôi sẽ trả tiền lại cho ông. Ông nói tôi có thể cho con ông ta vào học rồi ít lâu sau ông sẽ tìm cách ký giấy tờ như tôi muốn được không. Tôi trả lời giấy tờ cần ký trước khi nhập học. Ông than phiền tôi làm khó ông ta quá, rằng, ông ta đã trả ngay cho tôi cả năm ngàn đồng mà không cần điều kiện gì hết trong khi chỉ vì chữ ký mà khiến ông phải điên đầu. Ông còn nói, ở đất nước nầy dù có ký hàng trăm chữ ký nhưng khi người ta muốn thưa kiện vẫn có thể thưa kiện, thiếu gì luật sư hành nghề ngoài xã hội đang chờ chực. Tôi nói cám ơn lòng tin của ông, cám ơn sự tử tế của ông, ông quả nhiên là một khách hàng vô cùng đặc biệt nhưng tôi bắt buộc phải làm đúng thủ tục hành chánh. Ông Alan tỏ vẻ không hài lòng nhưng hứa vài hôm nữa sẽ tìm cách, và cúp điện thoại.
Thật ra cách hành xử và những lý lẽ của ông Alan nghe rất đáng tin; tôi cố gắng đặt niềm tin vào ông ta nhưng sao trong lòng cứ thấy bất an. Sau khi cúp điện thoại với ông ta, tôi ngồi suy tư một lúc rồi quyết định gọi Jeffery, Giám đốc ngân hàng thương mại để xin ý kiến. Vì tôi là khách hàng của ngân hàng nầy hơn hai mươi năm qua nên quen biết tất cả nhân viên của họ. Jeff cho tôi cái hẹn hơn một tiếng sau. Tôi giao lớp cho học trò lớn để đi gặp Jeff.
Sau khi nghe tôi trình bày đầu đuôi sự việc, Jeff cười nói, “Too good to be true!” (tốt quá đến khó tin).
– Jeff, bộ anh có nghi ngờ?
– Tôi chắc anh cũng đã nghi ngờ nên tới hỏi tôi, phải không?
– Xin anh cho tôi ý kiến.
– Theo cách nghĩ của tôi, đó là một việc đáng nghi ngờ (it kinds of fishy).Tiền đã có trong công băng của anh không có gì chắc chắn là họ không rút lại được. Về thương mại, người ta có thể huỷ bỏ những khoản chi bằng thẻ tín dụng bất cứ lúc nào. Người ta có nhiều cách, dù nguỵ tạo, để huỷ bỏ hợp đồng một cách dễ dàng. Hãng tín dụng nào cũng một sách như nhau, bảo vệ quyền lợi khách hàng của họ là trên hết, cùng lắm anh có thể đi thưa, nhưng phần thắng về với anh không có nhiều.
– Vậy số
tiền tôi trả tiền cho người tài xế họ gửi tới thì kể như mất?
– Nếu anh trả bằng chi phiếu thì có cơ hội đòi lại được nhưng phải đem họ ra toà. Mà nếu họ cố tình lừa anh thì chắc anh tìm họ không ra đâu. Nếu anh trả bằng tiền mặt thì vô phương. Chẳng những vậy, khi người ra rút lại tiền thẻ tín dụng, anh là người phải trả chi phí dịch vụ cho ngân hàng. Điều đó có nghĩa là anh sẽ mất trắng $2,500 và tiền lệ phí 3%.
– Anh nghĩ tôi phải làm sao?
– Nếu là tôi, huỷ bỏ ngay dịch vụ nầy, trả tiền lại cho họ để tránh những hối tiếc. Không ai biết chắc được cách nào tốt hơn nhưng tôi thật sự nghi ngờ có thể đây là một vụ lường gạt (scam).
Tôi cám
ơn Jeff trở về trường. Vừa bước vào cửa đã thấy có một gã trung niên da màu,
đầy vết xăm trên hai bắp tay, cùng một thiếu niên cũng da màu, ăn mặc sạch sẽ
như ông chủ nhỏ, đang ngồi đợi. Hắn tự giới thiệu tên Javon, sẽ là tài xế đưa
đón Nathan – chỉ chú thiếu niên – đi học 3 lần một tuần theo chỉ thị của ông
Thunderbold, ba của Nathan.
Tôi đã dự định huỷ bỏ dịch vụ nầy như lời khuyên của Jeff. Dù vậy, cũng muốn biết thêm cách hành xử của họ ra sao.
– Ông Alan còn dặn gì anh nữa không?
– Ông Thunderbold nói đã trả cho ông số tiền ông ấy trả công cho tôi chuyên chở Nathan tới trường trong một năm.
– Ông ấy nói tôi phải trả cho anh bao nhiêu?
– $2,500
và tôi chỉ lấy tiền mặt mà thôi vì đang lãnh trợ cấp.
– Hợp đồng chưa ký thì không nhập học được?
– Không nghe ông ấy nói gì về việc nầy.
– Ai học võ cũng phải ký hợp đồng trước khi vào lớp. Chưa vào lớp thì tôi chưa thể trả tiền cho anh. Anh về nói với ông Thunderbold, khi nào ông ấy ký xong hợp đồng tôi sẽ thanh toán tiền bạc cho anh mà không trở ngại gì.
– Không được! Tôi phải bỏ ngang công việc để làm theo chỉ thị của Alan đưa Nathan nhập học hôm nay.
– Anh về đi! Tôi chờ ông Thuderbold liên lạc trước khi chúng ta đi bước kế tiếp.
Thằng Javon thấy tôi cương quyết nên nó dành dẫn Nathan ra khỏi lớp. Nhìn vẻ bậm trợn của nó và rồi khi thấy nó lên chiếc xe không bảng số thì niềm tin còn sót lại trong tôi biến mất. Tôi liên lạc ngay Merchant Services – nhà bank thương mại của tôi để hoàn lại số tiền $5,000 vào tài khoản của thẻ tín dụng như cũ và yêu cầu huỷ bỏ dịch vụ nầy vì nghi ngờ bị lừa đảo. Họ có hỏi chuyện và tôi cũng cho họ biết tiến trình công việc xong họ cũng nói là tôi đã làm một quyết định đúng đắn.
Ngày hôm sau xem lại tài khoản của tôi đã bớt đi không những $5.000 mà còn thêm $1,327.69 bị IRS giữ lại cho tiền thuế. Tôi liên lạc Merchant Services thì được cho biết là IRS tự động giữ lại chứ không phải họ. Tôi nói tôi đã hoàn trả và huỷ bỏ dịch vụ nầy rồi mà. Họ nói IRS tự động giữ khi số tiền $5,000 vào trong tài khoản của tôi và tôi cần liên lạc cơ quan IRS để trình bày cho họ biết. Gọi IRS không bao giờ là chuyện dễ dàng. Tôi đã gọi và tiếp tục gọi mà không thể nào nói chuyện được với ai dù đã bấm hết những lựa chọn (option) họ có, chỉ mong nói chuyện được với ai nhờ chuyển tới chỗ tôi cần nói. Thế nhưng mãi cho đến nay, hơn 1 năm rồi, trường cũng đóng cửa – vì số thu không trở lại được bình thường – mà tiền mất tật vẫn cưu mang… Tôi có nhờ văn phòng CPA của tôi nhưng họ nói phải có giấy tờ chứng minh từ IRS mới có thể giúp tôi được. Và Mr. Alan Thunderbold cũng biệt tăm từ ngày đó!
4.
Chuyện chỉ vừa xảy ra mấy tuần qua.
Chúng tôi mua căn nhà đang ở từ 1993. Nhà có hai lầu đều lát thảm; chỉ có phòng bếp và 3 phòng tắm lát gạch. Ngoài việc siêng năng lau chùi, hút bụi hàng tuần, hàng năm đều mướn công ty chuyên nghiệp tới giặt thảm và làm tổng vệ sinh, vì lũ con khi còn ở chung nhà hay bị dị ứng với bụi bặm. Khoảng 10 năm sau, thảm dưới nhà cần thay, sẵn dịp tân trang sàn nhà hầu hết bằng gỗ thẻ, loại đắt tiền dù tốn kém nhưng nghĩ sàn gỗ dễ chăm sóc và sẽ bền cả đời.
Thế nhưng tháng 5/2021 vừa qua, ống nước phòng tắm bị vỡ nửa đêm, đến lúc biết được thì nước đã ngập tới mắt cá chân! Dĩ nhiên hãng bảo hiểm chịu đền bồi, dù vậy vẫn không đủ vào đâu sau khi khấu trừ phần trách nhiệm của gia chủ. Sẵn dịp chúng tôi quyết định bỏ thêm tiền thay thảm mới trên lầu và lát gạch đặc biệt cho phần dưới nhà. Chúng tôi thương lượng với hãng bảo hiểm để có sự đồng thuận. Dĩ nhiên, họ chỉ trả theo sự đánh giá của người chuyên môn của hãng họ, khấu trừ phần trách nhiệm chủ nhà; và phần chúng tôi phải mất thêm mấy chục xấp nữa để… có nhà mới! Công ty bảo hiểm muốn nhờ công ty sửa chữa quen biết của họ để sửa sang, chúng tôi chỉ lo trả phần trách nhiệm của mình. Nhưng giá cả của họ quá cao chúng tôi không thể lo được. Tôi đành nhận việc tự lo phần sửa chữa và họ trả phần của bảo hiểm đền. Họ đồng ý nhưng sẽ giữ lại 1/4 tổng số tiền đền (depreciation) cho tới khi tôi làm xong, nộp tất cả chi tiết sửa chữa cho họ; nếu nhiều hơn tổng số tiền họ cần trả, chúng tôi chịu, nếu ít hơn tiền họ đã trả thì số tiền giữ lại sẽ không được tháo ngân!
Sau một thời gian tìm kiếm, chúng tôi đã tìm ra nhiều công ty có thể sửa hết nhà cũng chỉ hơn chút đỉnh số tiền họ trả. Như vậy kể như số tiền họ giữ không có cơ hội được tháo ngân. Đâu có chọn lựa nào tốt hơn nên đành vậy.
Khổ nỗi, sau cơn bão tuyết thế kỷ xảy ra ở Houston vào tháng 3/2021, rất khó để mua vật liệu và tìm hãng sửa chữa. Mọi thứ đều tăng giá đến chóng mặt trong khi hãng bảo hiểm họ lại đền bồi rất giới hạn. Cũng đành nhắm mắt đưa chân. Vì thế, từ tháng 5/2021 đến lúc nầy, đã nửa tháng 11/2021, mà nhà cửa còn bề bộn, đồ đạc phần lớn dưới lầu đã được dọn đi chứa ở Public Storage (kho chứa cho thuê); và phần dưới lầu đã tạm xong, chỉ có việc thay thảm trên lầu bất ngờ bị trục trặc.
Khi ký hợp đồng làm thảm, công ty lát thảm đưa nhân viên tới đo đạc và định giá sau khi chúng tôi đã chọn mẫu và đồng ý với giá tiền. Họ bảo đảm sẽ giúp dọn những giường tủ bàn ghế nặng mà không nói gì về cái bàn bi-da nằm giữa phòng giải trí. Đợi khi hẹn được ngày cuối tháng 9 họ tới thì mới biết hãng không chịu trách nhiệm việc di chuyển vì quá nặng (sức võ sư của tôi không thể giở nổi một góc). Thế là họ bỏ về; họ bảo đợi khi nào tôi sẵn sàng thì cho họ biết để lên lịch trở lại. Vì nóng lòng muốn làm cho xong mà gặp phải rắc rồi nầy thật là bực mình. Chúng tôi thảo luận với nhau tìm cách giải quyết.
Muốn di
chuyển bàn bi-da phải nhờ đến một công ty chuyên nghiệp. Kiếm tìm trên net,
khảo giá mọi nơi; tối thiểu phải tốn gần $800 để gỡ ra xong ráp lại. Tiền gỡ ra
chỉ bằng 2/3 tiền ráp lại, vì khi ráp lại họ phải điều chỉnh độ bằng phẳng của
mặt bàn. Nhà tôi nhất định bằng mọi cách phải bỏ đi, không muốn tốn thêm tiền
lại chật nhà.
Tôi gọi vòng vòng những người quen biết kể cả các chú em trai… không một ai muốn mua dù rất rẻ, cho không cũng không muốn rước về nhà. Gạ bán rẻ cho mấy người sơn sửa nhà cửa cũng thế! Cuối cùng đăng lên rao vặt… đề giá $1,000 tiền mặt hoặc ngân phiếu cho mọi thứ (complete set) kể cả bàn pingpong.
Chiếc
bàn nầy tôi mua lại sau khi dọn vô nhà mới một thời gian. Tình cờ đọc báo rao
vặt thấy một người trong vùng muốn bán bàn bi-da chuyên nghiệp, mới mua không
đầy một năm, còn giấy chứng minh, giá trọn bộ (complete set) $4,000+. Giá bán
chỉ có $1,500 trọn bộ, tặng luôn bàn pingpong, loại để trên mặt bàn bi-da khi
muốn đánh pingpong. Người chủ muốn bán gấp vì mới ly dị vợ, dọn nhà đi tiểu
bang khác. Tôi đọc thấy bắt mắt quá vì vốn thích bi-da từ nhỏ lại thêm lũ con
đang tuổi lớn nên muốn mua giải trí lành mạnh tại nhà. Tôi liên lạc hỏi mua, họ
đồng ý bán nhưng tôi phải mướn người chuyên nghiệp tháo gỡ đem về ráp lại. Tôi
tới nhà xem qua, thấy quả nhiên còn mới toanh với đầy đủ giấy tờ chứng minh.
Trong lòng vui thích, nghĩ rằng mình mua được giá hời; dù vậy tôi vẫn gạ gẫm
thêm, ai ngờ chủ nhân chịu tiền tháo gỡ mang đi, tôi chịu tiền ráp lại; họ biết
công ty chuyên ngành nên khảo giá và nói tôi chỉ trả thêm cho họ $400. Nghĩa là
chưa bằng phân nửa giá mua; quá tuyệt vời!
Tôi và các con rất vui mừng khi thợ ráp xong trong phòng sinh hoạt trên lầu. Thời gian đầu cả nhà đều háo hức tận dụng; kể cả đánh pingpong. Từ bạn bè tôi cho tới bạn bè lũ nhỏ… rồi từ từ phai nhạt dần, cho đến khi lũ nhỏ lớn khôn, rời tổ ấm thì cái bàn bi-da chỉ còn là vật để trang trí. Đã hơn 15 năm qua, chiếc bàn vẫn trơ gan cùng năm tháng cho đến hôm nay cần thay thảm thì nó trở thành vật cản!
Đăng rao
vặt lên Craigslist buổi sáng – nơi buôn bán mọi thứ thượng vàng hạ cám – buổi
trưa đã có dồn dập tin nhắn muốn mua. Người muốn mua nguyên giá nhưng tôi phải
chi tiền tháo gỡ, người muốn mua nửa giá, người nói đang ở xa muốn đặt cọc để
giữ lại một thời gian ngắn; người khác nói chỉ có thể trả bằng thẻ tín dụng… Dĩ
nhiên chưa có ai đáp ứng nhu cầu cấp thiết của tôi. Qua trưa có một người xưng
là cựu Thuỷ Quân Lục Chiến Mỹ, đang làm việc ở xa muốn mua về dùng. Anh ta chỉ
dùng tin nhắn để dễ liên lạc. Anh ta đòi tôi chụp hình đủ mọi khía cạnh gửi cho
anh ta, nói trên trang Rao Vặt không thấy đủ góc cạnh muốn thấy, và tiếp tục
hỏi rất chi tiết về chiếc bàn bi-da. Tôi đáp ứng mọi đòi hỏi và yêu cầu anh ta
nếu chịu mua phải đến lấy ngay. Vài tiếng sau anh ta nhắn lại là đồng ý mua
nhưng chỉ muốn trả qua Paypal; yêu cầu tôi hứa chắc bán cho anh ta và lấy quảng
cáo ở tờ Rao Vặt xuống. Thấy anh ta nói chắc chắn nên tôi đồng ý cho anh ta số
tài khoản vì nghĩ Paypal cũng bảo đảm. Thế nhưng một lúc sau anh ta nhắn lại,
“Không gửi được,” nhờ tôi xác nhận lại có đúng tài khoản hay không. Tôi xác
nhận đúng và chờ đợi.
Trong
khi đó, nhiều tin nhắn muốn mua vẫn xuất hiện liên tục trên điện thoại của tôi
nhưng vẫn chưa một ai đáng tin cậy như anh chàng TQLC. Thế rồi vài tiếng sau
anh lại báo vẫn không gửi được. Tôi nói với anh ta tôi chưa bao giờ có trục
trặc gì nhận và gửi tiền qua tài khoản nầy. Anh ta nói anh chịu thua, vậy để
anh gửi chi phiếu; tôi không đồng ý, chỉ nhận tiền mặt hoặc ngân phiếu (money
order), cùng lắm là ngân phiếu nhà bank (cashier check). Anh ta đồng ý trả bằng
cashier check, gửi bằng phương tiện USPS ưu tiên, có bảo đảm cho chắc ăn và
nhanh, sẽ nhắn cho tôi số tracking để tiện theo dõi; và nói thêm, anh ta sẽ gửi
tổng cộng $1,450, sau khi tôi báo với anh ta rằng đã đổi được ra tiền mặt, nhắn
cho anh ta biết để dàn xếp cho người tới mang đi ngay và nhờ tôi trả giùm cho
người đó $450 chi phí. Đọc tin nhắn tôi hơi khựng lại một chút… sao nghe có vẻ
quen quen? Nhưng suy đi nghĩ lại thấy cách giao tế của anh ta cũng đáng tin cậy
và rằng cashier check chắc không thể giả mạo được.
Tôi nói cho nhà tôi biết tiến trình mua bán với anh chàng nầy. Nhà tôi cũng đồng ý với tôi rằng tay này có vẻ tin được. Dù vậy tôi vẫn chưa gỡ mẫu quảng cáo xuống, định bao giờ bán được mới bỏ. Và mấy hôm nay cũng không thấy tin nhắn nào muốn mua nữa. Tôi có thử email vài chỗ muốn mua nhưng chẳng đâu vào đâu, đành chờ kết quả của tay nầy vậy.
Ngày hôm sau, tôi nhận được số tracking; thử lên trang nhà bưu điện xem thử thì thấy 3 ngày sau, 28/10 thư sẽ đến.
Vâng, buổi sáng ngày 28/10 nghe tiếng chuông gọi cửa, khi tôi ra mở cửa thì thấy anh chàng phát thư đã để thư trước cửa đang quay lưng ra xe trở lại. Tôi nói với theo “cám ơn,” đem thư vô bàn viết, thấy gửi đi từ Minnesota, khui ra… trong thư là một chi phiếu của công ty (business check) có trị giá $2,000 của một công ty ở Florida. Vâng, hai ngàn đồng! Nhà tôi nói, “Người mua ở Minnesota mà công ty lại ở Florida?” Tôi nói, “Đâu có gì quan trọng. Quan trọng nhất là tại sao anh ta đồng ý gửi Cashier Check $1,450 mà lại gửi Business Check $2,000 mà không hề báo trước cho mình biết.” Lấy làm lạ và đầy nghi ngờ, tôi tìm trên google, thấy công ty thật sự đang hoạt động ở Florida. Tôi nhắn tin hỏi anh ta tại sao không là cashier check mà là business check? Tại sao $2,000 thay vì $1,450 như đã nói… nhưng chờ mãi vẫn không thấy hồi đáp. Tôi mang check đi nhà bank đổi tiền không có vấn đề gì nhưng lòng vẫn không yên ổn. Tôi đem thắc mắc hỏi một banker đang ngồi ngáp vặt:
Business check (hình tác giả cung cấp)
– Người
ta dùng business check để mua hàng tôi bán. Với business check liệu người ta có
thể huỷ bỏ sau khi đã nhận hàng được không?
– Hoàn toàn được!
– Nếu mình có bằng chứng người ta lấy hàng của mình thì sao?
– Nếu người ta có ý định lừa gạt thì họ có rất nhiều cách kể cả nguỵ tạo bằng chứng. Họ là một công ty và bạn là một cá nhân, phần thiệt hại sẽ là bạn.
– Vậy Cashier check thì sao?
– Cũng vậy, người ta có tới 7 năm để huỷ bỏ nó và người nhận phải chịu trách nhiệm về số tiền đó cộng thêm tiền phạt.
– Vậy
nếu tôi đem chỗ khác lấy tiền thay vì dùng nhà bank của tôi thì sao?
– Bạn sẽ phải trả một số lệ phí và họ cũng sẽ lấy chi tiết cá nhân như bằng lái xe của bạn. Nếu người mua quyết định huỷ bỏ cái chi phiếu đó thì bạn lại phải đối diện với nhiều rắc rối của luật pháp mà phần thắng của bạn cũng rất gian nan.
Nghe nói tôi càng thêm bất an. Dù vậy, tôi cám ơn anh chàng banker, đem tiền về nhà nói chuyện với vợ. Nhà tôi nhất định bắt tôi đi nhà bank lấy lại cái check và huỷ bỏ giao dịch.
Sau khi
cầm cái check về, tôi nhắn tin với người mua:
– Anh đã
hứa với tôi gửi cashier check sao lại gửi business check?
– Cả hai
đều có giá trị ngang nhau. Đằng nào bạn cũng lấy tiền được mà.
– Nhưng tôi đem đi đổi tiền mặt thì phải trả 3% lệ phí và người ta nói người gửi có thể huỷ bỏ cái check bất cứ lúc nào?
– Cái chi phiếu là để bạn gửi vào tài khoản của bạn chứ không phải để lấy tiền mặt ra ngay.
– Không!
Tôi hoàn toàn không yên tâm với sự giao dịch nầy.
Không thấy thêm một tìn nhắn nào nữa…
Cuối cùng thì chúng tôi cũng vui mừng “get rid” bán được chiếc bàn bi-da với giá $500 tiền mặt. Dù vậy cũng đã không lấy gì làm chắc cho tới khi cầm tiền trong tay và người ta tới tháo gỡ mang đi. Vui hơn nữa là thảm đã được thay và việc sửa chữa nhà cửa đã hoàn tất. Bây giờ thì chỉ còn nhức đầu vì đồ đạc hàng mấy trăm thùng carton sẽ phải đem về từ nhà kho thuê mướn.
Nghĩ cho cùng, rất có thể hai trường hợp kể trên không tệ như tôi lo sợ; họ có thể là những người giàu có, rộng rãi muốn giao dịch mua bán theo phương cách đặc biệt của họ mà mình không biết chắc một trăm phần trăm; chỉ là chúng tôi thật sự không muốn dây dưa với những rắc rối vô hình. Chúng tôi như một con chim đã bị bắn hụt bao lần trong đời, giờ mỗi lần thấy cành cong đâm ra e ngại, lo sợ. Cẩn tắc vô ưu vậy. Đời người cuối cùng ai cũng sẽ về không, có thêm một số tiền để phải chuốc lấy những ưu tư, lo lắng quả là không đáng chút nào./.
Yên Sơn
Rừng Vua, 15/11/2021
đúng là lừa ngoạn mục
Trả lờiXóa