Chủ Nhật, 27 tháng 2, 2022

Lâm Bình Duy Nhiên: Suy nghĩ vụn về một cuộc xâm lược

                                Nhân Dân Tự Vệ Ucraina
 
Ngày nghỉ Đông cuối cùng, tôi cố tình ghé thăm một nhà hàng Ukraine duy nhất tại Lausanne.
Đó là một nhà hàng rất nhỏ, không xa nhà lắm. Hai vợ chồng Ihor, Maryna và chị Svetlana là những người chủ. Họ chỉ mới sang Lausanne từ năm 2016 để làm việc cho một tập đoàn thuốc lá nổi tiếng. Sau khi vợ sinh con gái, Ihor quyết định mở nhà hàng. “Một giấc mơ của anh ta”, Maryna nói.
Với Svetlana là bếp trưởng, nhà hàng nhỏ bé này trở nên một địa chỉ quen thuộc, không chỉ cho cộng đồng người Ukraine, mà còn cho tất cả những ai muốn khám phá ẩm thực của Ukraine.
Tôi ghé uống tách cà phê và hỏi thăm cậu con trai lớn. Gia đình ai cũng buồn và lo âu. Người thân của họ vẫn ở Ukraine và từ cả tuần nay, ngày nào họ cũng liên lạc để theo dõi tình hình.
Sau khi Nga chính thức tấn công Ukraine, Maryna đã treo hai lá cờ Thuỵ Sĩ và Ukraine bên ngoài nhà hàng. Một cái bảng đen với dòng chữ “Hãy ngưng cuộc xâm lược của người Nga vào Ukraine”.
Đơn giản thế thôi. Không khó để hình dung sự căng thẳng nơi họ.
Tôi xin phép Svetlana để chụp một tấm hình bên ngoài nhà hàng làm kỷ niệm.
Ảnh chụp hai lá cờ Thuỵ Sĩ và Ukraine bên ngoài nhà hàng, phía dưới là bảng đen với dòng chữ “Hãy ngưng cuộc xâm lược của người Nga vào Ukraine”. Nguồn: Lâm Bình Duy Nhiên
Có nhiều người qua lại, dừng chân, tặng một bó hoa hay đơn giản nói lời động viên. Tất cả trong một bầu không khí cảm động và thông cảm lẫn nhau. Ai cũng không hiểu vì sao lại có cuộc chiến này…
Ra về, tôi cảm thấy cay nơi khoé mắt. Một dân tộc bên bờ chiến tranh, bên bờ của sự tan vỡ…
Cách nhà hàng của họ chỉ vài phút đi bộ là Sứ quán của Bélarus. Một quốc gia chư hầu của Putin mà dấu vết của sự phẫn nộ về việc giam cầm nữ nhà báo bất đồng chính kiến, Natallia Hersche, vẫn còn chưa phai trên bảng tên.
Băng qua kia đường là một nhà hàng của người Géorgie. Một quốc gia từng bị Putin tấn công vào năm 2008 cũng chỉ vì muốn vào NATO để thoát khỏi sự kiểm soát của Nga.
Một sự ngẫu nhiên quái lạ, tôi tự nhủ!
Xem tin tức, thấy cảnh phố phường các thành phố Ukraine bị tàn phá, chợt thấy trong sự tàn bạo của một cuộc chiến gây ra bởi một tên độc tài, là sự anh dũng của một dân tộc đơn độc, trong một cuộc chiến không cân sức.
Hơn 24 giờ trôi qua, Ukraine vẫn chưa rơi vào tay Nga. Điều đó chứng tỏ quân đội Ukraine đã thay đổi nhiều so với năm 2014.
Trên truyền hình, có lời phát biểu của một thiếu nữ, làm thông dịch. Cô cảm động nói với các nhà báo rằng không bao giờ người Ukraine cam chịu thất bại.
“Kẻ thù hùng mạnh hơn, họ muốn chiếm đóng Ukraine, được thôi, nhưng lâu dài, dân tộc này sẽ không cam chịu. Đàn ông, phụ nữ, thậm chí trẻ em cũng sẵn sàng cầm súng bảo vệ Ukraine!”
Giọng cô quả quyết và dứt khoát.
Cô giải thích rằng người dân Ukraine sẽ chiến đấu đến cùng. Đơn giản vì không ai tại mảnh đất này muốn sống lại cái quá khứ tàn bạo dưới thời Liên bang Xô Viết của thế hệ cha ông.
Dường như dân tộc này đang chiến đấu không chỉ dành lại Tự do cho chính họ. Đâu đó, người Ukraine còn chiến đấu cho những giá trị phổ quát của châu Âu và của nhân loại.
Trong khi đó, phương Tây vẫn chưa tìm được một tiếng nói chung để trừng phạt Putin một cách thích đáng. Ít ra như những điệp khúc, hứa hẹn, lập đi, lập lại từ cả tuần lễ qua!
Hình ảnh ông Tổng thống Ukraine cảm ơn lòng dũng cảm của quân đội và người dân trong cuộc chiến cho ta thấy sự không cân đối ngay từ hai nhà lãnh đạo. Một người được bầu cử một cách dân chủ. Người kia bằng mọi cách thâu tóm quyền lực, thậm chí sửa đổi Hiến pháp để có thể cầm quyền lâu dài.
Một người, cách đây 3 năm còn là một danh hài kịch nổi tiếng với những khái niệm chính trị xa vời. Số phận đẩy đưa ông thành Tổng thống và một Tổng chỉ huy quân đội thời chiến.
Người kia, xuất thân từ mật vụ KGB khét tiếng, quá quen thuộc với quyền lực tối cao, thanh trừng chính trị hay đàn áp đối lập. Chẳng có gì có thể qua mặt được ông ta trên bàn cờ chính trị quốc tế.
Một Zelenskiy mong muốn đưa Ukraine thoát khỏi sự ảnh hưởng chính trị của nước Nga láng giềng.
Một Putin luôn ôm giấc mộng một Đế chế Nga hùng mạnh như thời hoàng kim của Liên bang Xô Viết.
Hai dòng đời, hai định mệnh khác nhau gắn liền với vận mệnh của hai quốc gia láng giềng vốn mang nhiều duyên nợ trong lịch sử.
Một cuộc chiến không cân đối trên nhiều phương diện. Nhưng chắc chắn một điều, Putin đang bị toàn thế giới lên án.
Chính nghĩa không phải lúc nào cũng thuộc về kẻ mạnh.
Chắn chắn Putin thừa hiểu bài học đớn đau ấy.

Đám cháy trong khu vực được cho là căn cứ không quân của Nga. Ảnh: Twitter


Xem Thêm :Người lính Ukraine tự nổ tung mình để đánh sập cây cầu chặn đoàn xe tăng Nga

1 nhận xét:

Chúa Giêsu – Thiên Chúa giáng sinh - Tác giả: Nguyễn Hữu Đổng

  Chúa Giêsu là gì? Vấn đề này chưa được giới học thuật hiểu rõ. Bằng tư duy lịch sử giới, tác giả lý giải làm sáng tỏ Chúa Giêsu; đồng thời...