Vanvn- Márcia Batista Ramos, người Brazil. Cô là cử nhân ngành Triết học, Đại học Liên bang Santa Maria. Hiện nay cô làm nhà quản lý văn hóa, nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học, biên tập viên tại tạp chí Conexión Norte Sur, Tây Ban Nha; phóng viên tại các tờ báo Inmediaciones (Bolivia); Exílio; archive.e-consulta.com (Mexico); tạp chí Madeinleon (Tây Ban Nha); tạp chí Barbante (Brazil). Cô đã xuất bản nhiều sách, cũng như góp mặt trong nhiều tuyển tập với các bài luận, thơ và truyện ngắn. Cô đóng góp bài vở cho các tạp chí thuộc 22 quốc gia. Cô là Phó tổng biên tập của tờ Văn học Trung Hoa bản Quốc tế (phụ trách Liên đoàn các Hội Văn học Nghệ thuật Hồ Bắc, Trung Quốc).
Ông cha của ông cha tôi, những người thà làm kẻ hèn mà sống tiếp còn hơn trở thành những anh hùng với bộ xương khô, đã rời châu Âu trên những con tàu chật hẹp, từ chối phải bỏ mạng cho những cuộc Thế chiến không liên quan đến họ, những cuộc chiến mà họ vốn không hiểu rõ nguồn cơn, những cuộc chiến mà người ta không thèm nói rõ nguồn cơn, nhưng lại bắt họ phải hy sinh đời trai trẻ.
Can đảm của họ nằm trong va-li, với một bộ quần áo để thay và hai áo sơ mi, một tấm ảnh mẹ cha, một cuốn sổ cùng với mẩu bút chì than, chiếc lược bằng xương, vài đồng xu lẻ và cứ thế, vượt qua đại dương, để thích nghi với một ngôn ngữ mới, một xã hội mới và bảo toàn mạng sống.
Họ đội mũ và đeo cà vạt. Một số người mang theo chiếc đồng hồ bỏ túi cha cho lúc chia xa, chia xa vĩnh viễn… Một chiếc dây chuyền thánh giá vàng, hay vòng scapular1 nhỏ in ảnh của mẹ.
Họ là những thanh niên mới đôi mươi nhưng cũng là những người đàn ông trưởng thành, một mình ở đất nước xa lạ. Vĩnh viễn bị cắt rời khỏi người thân. Vậy nên, chắc hẳn có một sự mất mát chảy trong máu tôi, sự mất mát mang tên “mồ côi”…
Khi mới đến đất này, ông tôi, Cesáreo gặp bà tôi, người phụ nữ da đen xinh đẹp tên Isaltina, bà là con gái của những nô lệ đã giành lại tự do. Các cụ tôi cũng bị đoạt khỏi cha mẹ mình mà không có một cơ hội được chào tạm biệt hay nhận lời chúc thượng lộ cuối cùng… Đó là ký ức cuối cùng mà họ mang tới Brazil, nước mắt kết thành đá trong tim. Vì vậy, nỗi khát khao công lý vĩnh viễn chạy trong máu tôi…
NGÔ GIA THIÊN AN
Dịch bản tiếng Anh
—–
1.“Spacular”, từ bắt nguồn từ tiếng Latinh. Trong tiếng Latinh, từ này nghĩa là cái vai. Trong Công giáo, spacular dùng để chỉ loại vải hoặc quần áo được mặc bởi tu sĩ hoặc tín đồ Công giáo để thể hiện lòng tín
Chúa. Ngoài ra, còn có loại spacular nhỏ hơn để đeo vào cổ như chiếc vòng, gồm hai miếng gỗ, vải hoặc giấy ép to bằng khoảng hai ngón tay, được trang trí, thường có hình chữ nhật được buộc bằng vải. Khi đeo, một miếng hình chữ nhật sẽ ở trước ngực và một miếng ở sau lưng người đeo.
2..Nguyên văn: Negrita. Từ “negrita” được dùng nhiều bởi các nước Mỹ Latinh. Bắt nguồn từ các từ “Negro/negra” trong tiếng Anh, vốn là những từ đã lỗi thời để chỉ người đàn ông và phụ nữ da đen ở Mỹ. Lịch sử Mỹ có tồn tại chế độ nô lệ (thế kỷ 17-thế kỷ 19), trong đó những người da màu, nhất là da đen bị bắt phải làm nô lệ cho chủ yếu là chủ nô da trắng, và các từ “negro/negra” được sử dụng phổ biến trong thời kỳ này. Vậy nên, các từ này được hiểu là mang hàm ý xúc phạm, phân biệt chủng tộc và không còn được sử dụng. Từ “negrito/negrita” hiện nay vẫn được sử dụng với ý nghĩa nhẹ nhàng hơn, thậm chí là thân thiện. Tuy nhiên, vẫn có những tranh cãi xoay quanh việc sử dụng các từ này.
câu chuyện rất hấp dẫn
Trả lờiXóa