Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2018

Góc Việt Cổ Thi : Lê Cảnh Tuân :NGUYÊN NHẬT..(Mai Lộc,Đỗ Chiêu Đức, Mai Xuân Thanh )

  Cùng Bạn, 
  Đọc mấy vần thơ dưới đây của Lê Cảnh Tuân, một thi nhân đời nhà Trần khiến tôi vô cùng xúc dộng thương xót cho ai trong cảnh tù tội, bị giam cầm nơi đất quân thù . Xuân năm ngoái lại về, ngày Tết, càng gợi thêm niềm nhớ quê hương da diết mà ngày về chẳng biết bao giờ.  Nhớ nhà , nhớ cội mai già ( hình ảnh mẹ già đang ngóng đợi ) chắc nó cũng cằn cỗi xác xơ vơí thời gian rồi. Xin cùng bạn chia sẻ.
Thân 
Mailoc

Nguyên nht 
Lữ quán khách nhưng tại, 
Khứ niên xuân phục lai. 
Quy kỳ hà nhật thị ? 
Lão tận cố hương mai.
            Lê Cảnh Tuân
 

 Dch nghĩa 

Vẫn làm khách ở nơi quán trọ, 
Mùa xuân năm ngoái lại trở về. 
Ngày về biết lúc nào, 
Cây mai nơi vườn cũ đã cỗi hết!
Dịch Thơ :
(1)  Ngày Đầu Năm
Vò võ bên trời nơi khách quán
Xuân năm rồi lảng đảng ngoài song.
Ngày về ai biết mà mong,
Mai già vườn cũ cõi lòng nát tan.
(2)
Bên trời nơi khách quán,
Xuân năm ngoái lại về
Bao giờ được quay gót,
Xót mai già chốn quê
              Mailoc
 
Mộng Lý Dịch Ngẫu Thành
 
Đoản trạo các tình sa,
Tiền thôn nhật dĩ tà.
Tự vô hoàn tự hữu,
Yên tế lưỡng tam gia.
Dịch Nghĩa:
 
Mái chèo ngắn gác lên bãi cát 
Nhìn về xóm trước, mặt trời đã xế chiều.
Cảnh hư ảo như không lại có,
Trong lớp khói mờ có hai ba mái nhà.
Dịch Thơ:
   Nơi Trạm Mộng Lý
(1)
Mái chèo ngắn vừa tựa trên cát,
Thôn trước mặt nắng gác non tây.
Nửa hư nửa thực cảnh nầy
Vài ba mái lá khói xây lam chiều.
(2)
Chèo vừa gác trên bãi,
Thôn trước nắng về tây.
Cảnh mơ màng thực ảo,
Mái lá khói chiều xây.
             Mailoc
Lê Cảnh Tuân sinh năm 1350 (Canh Dần) người làng Mộ Trạch, huyện Đường An, trấn Hải Dương xưa (nay thuộc xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Tuy nhiên, nguyên quán của ông lại là ở hương Lão Lạt, huyện Thống Bình, châu Ái, trấn Thanh Đô (nay thuộc huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa), sau mới dời ra nơi ấy[2].
Sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú cho biết Lê Cảnh Tuân đỗ thi Hương (cử nhân) khoảng năm Xương Phù (niên hiệu của Trần Phế Đế, ở ngôi: 1377-1388)[3].
Đến năm 1381, thì ông đỗ Thái học sinh (được xem là tương đương học vị Tiến sĩ sau này) [4].
Đầu năm 1400Hồ Quý Ly truất ngôi Trần Thiếu Đế, tự lên ngôi vua, lập nên nhà Hồ. Tức giận, ông bày mưu khuyên bạn thân là Bùi Bá Kỳ (một tỳ tướng của Trần Khát Chân) sang Yên Kinh (Bắc KinhTrung Quốc ngày nay) xin quân đánh Hồ[3].
Năm 1406nhà Minh mượn cớ "phù Trần diệt Hồ" sang xâm lược nước Việt. Do Bá Kỳ làm tiên phong dẫn đường [3], ngày 12 tháng 5 (âm lịch) năm Đinh Hợi (1407), Hồ Quý Ly và hai con (Hồ Nguyên Trừng và Hồ Hán Thương) đều bị quân đối phương bắt sống tại Kỳ La (Kỳ AnhHà Tĩnh), rồi bị áp giải về Kim Lăng (Nam KinhTrung Quốc). Kể từ đó, nhà Hồ mất, cả nước Việt rơi vào ách thống trị của nhà Minh.
Lập được công lớn, Bùi Bá Kỳ được nhà Minh cho làm chức Hữu tham nghị. Thất vọng vì biết vua quan nhà Minh không có ý định tái lập nhà Trần, năm Hưng Khánh thứ nhất (1407) đời vua Giản Định Đế, ông viết Vạn ngôn thư (Bức thư một vạn chữ) khuyên Bùi Bá Kỳ yêu cầu nhà Minh giữ lời hứa (xem bức thư ở bên dưới).
Gặp khi Bá Kỳ vì cớ khác phải tội [5], quân Minh đến khám nhà Bá Kỳ bắt được bức thư của ông, nên truy lùng bắt tác giả. Lê Cảnh Tuân phải đổi tên đi trốn một thời gian.
Năm 1411, quân Minh lập Giao Châu học hiệu tại Thăng Long, ông muốn đến xem. Nghe con ông thiết tha ngăn cản, ông nói:
Nhà ta đời đời ăn lộc (nhà Trần). Một bức thư "Vạn ngôn" đã tiết lộ không thành. Nay ta hết lòng thành báo nước, dù chết còn vinh, tiếng trung nghĩa muôn đời còn ghi ở sử xanh. Ta có sợ gì.
Nói rồi ông giả làm người khách đến chơi, nhận chức dạy học với ý định ngầm thu phục chí sĩ để tính việc phục quốc. Việc bại lộ, ông và người con là Lê Thái Điền đều bị quân Minh bắt giải về Yên Kinh (Bắc Kinh). Minh Thành Tổ hỏi ông rằng: "Mày khuyên Bá Kỳ âm mưu làm phản. Vì sao vậy?" Ông nói: "Người Nam thì mong nước Nam còn. Chó ông Trích thì cắn người không phải chủ nó. Hỏi làm gì?"[6]
Theo Lịch triều hiến chương loại chí và Đại Việt sử ký toàn thư, vua Minh tức giận, giam cha con ông vào ngục Kim Lăng (Nam Kinh), được 5 năm (1416, tức năm Bính Thân) thì đều mắc bệnh chết[7]. Tuy nhiên, Từ điển bách khoa Việt Nam lại cho rằng cha con ông mất ở Yên Kinh (Bắc Kinh).

     Đỗ Chiêu Đức xin được tham gia với các phần sau đây :

BAI 1.

1. Bản tiếng Hán cổ của bài thơ :

     元日           NGUYÊN NHẬT

 旅館客仍在,   Lữ quán khách nhưng tại,
 去年春復來。   Khứ niên xuân phục lai.
 歸期何日是?   Quy kỳ hà nhật thị ?
 老盡故園梅。   Lão tận cố viên mai !
         黎景詢                 Lê Cảnh Tuân

2. Chú thích :
  * Nguyên Nhật : là Ngày đầu, ta phải hiểu là Ngày ĐầuCủa Một Năm, như chữ Nguyên Đán.
  * Nhưng : là Vẫn, Vẫn Cứ...
  * Phục : là Lại, là Trở lại.
  * Quy Kỳ : Cái kỳ hạn trở về, là Ngày Về.
  * Lão Tận : là Già đến tận cùng, là Già khú,già chát, già khằng !

3. Nghĩa Bài Thơ :

       
         Người khách tha hương vẫn còn ở nơi quán trọ nầy, nhưng mùa xuân của năm rồi, năm nay lại trở lại. Biết ngày nào mới là ngày về đây ? Chắc cành mai già ở quê nhà đã già cỗi hết rồi !
         Não nùng thay tâm trạng của người lìa quê xa xứ trong những ngày xuân đến Tết về. Cội mai già còn cằn cỗi huống hồ chi là các đấng sanh thành chắc cũng không tránh khỏi buồn thương sầu não mà càng héo tàn lụm cụm !

4. Diễn Nôm :

              Mùng Một Tết

         Khách còn nơi quán trọ,
         Xuân năm trước lại sang.
         Biết ngày nao trở lại ?
         Cội mai đã cỗi tàn !

  Lục bát :
              Trọ nơi lữ quán khách còn
         Mùa xuân năm trước lon ton lại về
              Ngày nao mới được hồi quê ?
         Cội mai vườn cũ xuân về khẳng khiu !

                              
                 Đỗ Chiêu Đức

BÀI 2 :

濛裡驛偶成  MÔNG LÝ DỊCH NGẪU THÀNH 

短棹擱晴沙,  Đoản trạo các tình sa,
前村日已斜。  Tiền thôn nhựt dĩ tà.
似無還似有,  Tự vô hoàn tự hữu,
煙際兩三家。  Yên tế lưỡng tam gia !

Chú Thích :

 * Mông Lý Dịch : Dịch quán tên là MÔNG LÝ.
 * Ngẫu Thành : Ngẫu nhiên mà làm thành.
 * Trạo là Mái chèo; Các là Gác lên;Tình là Nắng, là Khô ráo.
 * Yên Tế : là Khói mờ ở chân trời.

Dịch nghĩa :

                       Ngẫu nhiên viết thành ở quán dịch Mông Lý

         Mái chèo ngắn vừa gác lên bãi cát khô lúc thuyền vừa cặp bến, khi ánh nắng chiều đà nghiêng chiếu xóm thôn trước mặt; ta nhìn thấy xa xa trong sương khói mơ màng mấy nóc nhà ai ẩn hiện như có như không ở phía chân trời.

       " Tự vô hoàn tự hữu ", như có lại như không; mơ hồ vô định " Sắc tức thị không, không tức thị sắc ". Bài thơ mang một ý thiền của " sắc sắc không không !"

Diễn Nôm :

                  Chèo vừa gác lên cát,
                  Xóm trên ánh nắng tà.
                  Khói mờ không như có,
                  Xa xa mấy nóc gia !

  Lục bát :

                 Chèo vừa gác bến cát khô,
           Xóm trên nắng ngã mơ hồ chiều rơi.
              Có không sương khói chơi vơi,
           Chập chờn mấy nóc bên trời nhà ai !

                              
                    Đỗ Chiêu Đức
                              
Bài của Mai Xuân Thanh
Nguyên Nhật : Ngày đầu năm

1)
Khách trọ năm qua vẫn quán này
Nay xuân trở lại cũng còn đây
Quê xưa chẳng biết khi nào tới
Vườn cũ mai già khú nhớ thay
2)
Năm qua khách trọ vẫn còn
Nay xuân lại đến héo hon ở nhà
Ngày về quê cũ đâu ta
Vườn xưa mòn mõi mai già hết hoa

Mai Xuân Thanh
Ngày 20 tháng 01 năm 2018

Ngẫu hứng Dịch quán Mông Lý

1)
Gác mái cát khô cập bến thuyền
Làng kia bóng ngã nắng tà nghiêng
Sắc không khói tỏa sương mờ lạnh
Thấp thoáng nhà ai ở dưới triền
2)
Gác mái cát nằm khô
Thôn kia thấy nắng mô
Khói sương mờ sắc biếc
Nhà mấy nóc không vô

Mai Xuân Thanh
Ngày 20 tháng 01 năm 2018

1 nhận xét:

AI-Ngu Yên Chuyển Ngữ : Seemi PhD: A.I. định hình tương lai văn học 2024 như thế nào?

  Trong thời đại mà công nghệ dường như phát triển trong chớp mắt, thế giới văn học có thể tỏ ra tương đối tĩnh lặng, một thiên đường truyền...