Thứ Sáu, 12 tháng 1, 2018

Về Bài Thơ "KÝ HỬU " Của NGUYỄN TRÃI

Thời gian qủa vô tình và tàn nhẫn với tuổi già, không buông tha một ai cả !
      Chỉ trong khoảng 6 tháng cuối năm Đinh Dậu nầy, Houston đã phải khóc giả biệt đến 4 Thầy và Đồng môn niên trưởng...
      Mời tất cả cùng đọc lại bài KÝ HỮU của Nguyễn Trãi do thầy Phạm Khắc Trí tuyển dịch hồi 02/11/2015 để thấm thía hơn với lời chia xẻ của Thầy :
       ...Cuối năm, ở tuổi 82, tôi chép lại bài Ký Hữu của Cụ Ức Trai Nguyễn Trãi kèm theo phần cảm dịch mấy năm trước đây (trích trong Mây Tần 2012) để chia sẻ cùng mọi người thân quí nỗi xúc động, không dấu ít nhiều chua xót ngậm ngùi , trong hy vọng mùa xuân mới sắp về ,sẽ mang lại niềm cảm thông ,để mọi người có thể hiểu nỗi đau của nhau hơn mà thương nhau hơn ...
TẢN MẠN CUỐI NĂM Ở TUỔI 82


        Người xưa ,sau cơn khói lửa ,tuy thân bằng quyến thuộc ly tán , lạc lõng góc trời, đêm ngày đau đáu nỗi quê, nặng tình , nặng nghĩa ,vẫn còn có cơ hội bày tỏ phân trần . Không như ai bây giờ, sống sót , cô đơn , ngơ ngẩn trước đổi đời , trước thân quen mà ngỡ như xa lạ ,khôn nói nên lời . Cuối năm, ở tuổi 82, tôi chép lại bài Ký Hữu của Cụ Ức Trai Nguyễn Trãi kèm theo phần cảm dịch mấy năm trước đây (trích trong Mây Tần 2012) để chia sẻ cùng mọi người thân quí nỗi xúc động, không dấu ít nhiều chua xót ngậm ngùi , trong hy vọng mùa xuân mới sắp về ,sẽ mang lại niềm cảm thông ,để mọi người có thể hiểu nỗi đau của nhau hơn mà thương nhau hơn . PKT 02/11/2015  

KÝ HỮU

Nguyễn Trãi  (1380  -  1442)



Loạn hậu thân bằng lạc diệp không

Thiên biên thư tín đoạn thu hồng

Cố viên quy mộng tam canh vũ

Lữ xá ngâm hoài tứ bích trùng

Đỗ Lão hà tằng vong Vị Bắc 

Quản Ninh do tự khách Liêu Đông

Thành trung cố cựu như tương vấn

Vị đạo thiên nhai nhậm  chuyển bồng

CẢM DỊCH : Gửi Bạn

PKT 02/11/2015



         Sau cơn lửa loạn, thân bằng như lá rơi tan tác. Ven trời, mòn mỏi ngóng đợi cánh chim hồng. Tiếng mưa rơi rả rích nửa khuya lẫn tiếng côn trùng râm ran bốn vách sương nơi quán trọ suốt đêm trường đã ru hồn người ly hương vào mộng về lại vườn cũ nhà xưa.  Biết gửi về đâu nỗi nhớ. Đỗ Phủ, đời Đường, thuở Vị Bắc nhớ Lý Bạch ở Giang Đông. Vị Bắc xuân thiên thụ/ Giang Đông nhật mộ vân. Cây trời xuân Vị Bắc / Áng mây chiều Giang Đông. Biết gửi về đâu nỗi buồn.  Quản Ninh, đời Tam Quốc, tướng nhà Hán, không chịu thần phục nhà Nguỵ, tự lưu đầy vất vưởng trên ba mươi năm ở Liêu Đông. Ngày tháng vô tình lặng trôi. Cuối năm ngẩn ngơ nhìn lại. Phố xưa bạn cũ ai còn nhớ đến. Thưa đã cuối đời cỏ bồng phơ phất, cố nhân ơi .



GỬI BẠN

PKT 02/11/2015



Hết loạn tin nhà những ngóng trông,

Ven trời mòn mỏi bặt tin hồng.

Vườn xưa, mưa đổ, ba canh mộng,

Quán khách, trùng kêu, bốn vách sương.

Đỗ Lão thẩn thơ trời Vị Bắc,

Quản Ninh vất vưởng đất Liêu Đông.

Phố xưa, bạn cũ ai thăm hỏi,

Thưa chút sinh nhai đã cỏ bồng.

Đỗ Chiêu Đức tham gia với các phần sau đây :


1. BẢN CHỮ HÁN CỔ CỦA BÀI THƠ :



                         寄友

                  亂後親朋落葉空,
                 
天邊書信斷秋鴻。
                 
故園歸夢三更雨,
                 
旅舍吟懷四壁蛩。
                 
杜老何曾忘渭北,
                 
管寧猶自客遼東。
                  
越中故舊如相問,
                 
為道生涯似轉蓬。


2. PHIÊN ÂM:

             Loạn hậu thân bằng lạc diệp không,
             Thiên biên thư tín đoạn thu hồng.
             Cố viên quy mộng tam canh vũ,
             Lữ xá ngâm hoài tứ bích cùng.
             Đỗ lão hà tằng vong Vị Bắc,
             Quản Ninh do tự khách Liêu Đông.
             Việt Trung cố cựu như tương vấn,
             Vị đạo sinh nhai tự chuyển bồng.

                                      Nguyễn Trãi  


3. CHÚ THÍCH:



    a) THIÊN BIÊN: là Bên trời, chỉ xa xôi cách trở.
    b) THU HỒNG: HỒNG
ở đây là HỒNG NHẠN 鴻雁 : Loài chim chuyên dùng để đưa thư. THU HỒNG là Cánh hồng nhạn đưa thư trong mùa Thu.
    c) CỐ VIÊN QUY MỘNG: Mơ về vườn cũ, tức là Mơ về quê cũ.
    d) LỮ XÁ NGÂM HOÀI:  là Lòng trầm ngâm ở nơi quán trọ.
    e) TỨ BÍCH CÙNG: TỨ BÍCH là Bốn bức vách tường, CÙNG là Loài Côn Trùng như Dế, Bù Cào, Châu Chấu... TỨ BÍCH CÙNG: là Bốn bề đều có tiếng côn trùng kêu ra rả.     
    f) Đỗ Lão :

       (hay Lão Đỗ) Thi thánh Đỗ Phủ đời Thịnh Đường, đồng thời với Thi Tiên Lý Bạch, được mệnh danh Lão Đỗ để phân biệt với nhà thơ trẻ đời Tàn Đường Đỗ Mục (gọi là Tiểu Đỗ).
    g) Vị Bắc :

        Bờ bắc sông Vị.  Sông này phát nguyên từ núi Điểu Thử, huyện Vị Nguyên, tỉnh Cam Túc, chảy qua tỉnh Thiểm Tây rồi đổ vào sông Hoàng Hà. Tác giả ngụ ý tình bạn giữa Đỗ Phủ và Lý Bạch, dựa theo hai câu thơ sau đây của Đỗ trong bài Xuân Nhật Hoài Lý Bạch: "Vị Bắc xuân thiên thụ, Giang Nam nhật mộ vân" (Cây cảnh trời xuân bờ Vị Bắc, Ánh mây chiều muộn đất Giang Nam) ý nói có thần giao cách cảm, Đỗ nhìn bờ Vị Bắc nhớ Lý, hẳn Lý cũng nhìn mây đất Giang Nam mà nhớ Đỗ.
    h) Quản Ninh :

        Tác giả đề cập khí phách của Quản Ninh, dân đất Ngụy thời Tam Quốc. Thiếu thời, đang cùng ngồi học chung chiếu với bạn là Hoa Hâm, bỗng một hôm Hoa Hâm bỏ chạy ra đường nhìn xem kẻ giàu sang cưỡi ngựa đi qua nên Quản Ninh cắt đôi chiếc chiếu, không chịu ngồi chung nữa. Cuối đời Hán, Quản Ninh tỵ loạn 37 năm ở Liêu Đông, từ chối mọi quan chức do hai vua Văn Đế và Minh Đế ban cho ông.
    i) Việt Trung :

       Kinh đô nước Việt ngày xưa thuộc tỉnh Triết Giang (Trung Quốc), sau bị nhà Hán thôn tính. Tác giả ngụ ý nhắc đến quê hương Việt Nam lúc bấy giờ.

    j) VỊ ĐẠO : là Hãy nói rằng, Hãy đáp rằng.
    k) TỰ CHUYỂN BỒNG: Xoay chuyển giống như là cỏ bồng, dật dờ vô định.



4. DỊCH NGHĨA :

      Sau loạn lạc bà con bạn bè thưa thớt như những chiếc lá mùa Thu rơi rụng.
      Chân trời góc bể dứt hẵn bóng chim hồng nhạn mùa Thu đưa thư. (Chữ ĐOẠN ở đây làm ta nhớ đến câu thơ của NGUYỄN DU trong Kiều: Cạn dòng là thắm DỨT đường chim xanh!)
      Canh ba nửa đêm mưa rả rích làm mộng hồn cứ luôn mơ về quê cũ. 

      Trong quán trọ lòng cứ trầm ngâm mãi giữa bốn bức vách luôn vang dậy tiếng côn trùng.    
      Lão Đỗ đâu có khi nào quên được bờ bắc của sông Vị đâu.
      Quản Ninh vẫn còn là thân đất khách của xứ Liêu Đông.
      Giá có bạn bè thân quen cũ ở đất Việt Trung xưa hỏi thăm.
      Xin hãy đáp rằng cuộc sống còn xoay chuyển giống như là cỏ bồng, dật dờ vô định.



5. DIỄN NÔM:


                       
 GỞI BẠN 



            Sau loạn bạn bè tựa lá rơi,
            Ngút trông tin nhạn biệt bên trời.
            Nửa đêm quê cũ lòng luôn nhớ,
            Bốn phía côn trùng dạ chẳng nguôi.
            Vị Bắc Đỗ già hằng khoắc khoải,
            Liêu Đông chàng Quản luống bồi hồi.
            Việt Trung thân hữu như thăm hỏi,
            Hãy đáp cuộc đời lắm nổi trôi !


                           
                       Đỗ Chiêu Đức


GỬI BẠN
Chiến tranh chấm dứt bạn bè đâu...
Hồng nhạn bặt tăm cảnh bể dâu
Quán trọ ly hương mưa rả rích
Côn trùng sát vách tiếng âu sầu
Giang Đông - Vị Bắc cùng nhau nhớ
"Ninh Quản" - Liêu Đông vất vưởng lâu (*)
Thăm hỏi thân nhân bằng hữu cũ
Cỏ bồng thấp thoáng mấy canh thâu

Mai Xuân Thanh
Ngày 10 tháng 01 năm 2018
(*)Quản Ninh hay Ninh Quản,







   

1 nhận xét:

AI-Ngu Yên Chuyển Ngữ : Seemi PhD: A.I. định hình tương lai văn học 2024 như thế nào?

  Trong thời đại mà công nghệ dường như phát triển trong chớp mắt, thế giới văn học có thể tỏ ra tương đối tĩnh lặng, một thiên đường truyền...