Hwang In-cheol (trái) cùng bố và em gái. Đây là tấm hình cuối cùng In-cheol chụp với bố trước khi ông Hwang Won bị bắt cóc trên một chuyến bay Hàn Quốc năm 1969. Ảnh: Hwang In-cheol.
|
Đây là thói quen của cả nhà. Cậu bé sẽ đứng yên ở đó, giơ hai tay ra và chỉ khi bố ôm chào tạm biệt, In-cheol mới để ông đi.
"Tôi ước rằng vào cái ngày định mệnh đó, tôi thật sự chặn lại cánh cửa, không cho bố rời nhà", cậu bé thủa nào nay đã là người đàn ông 50 tuổi, vừa nói vừa rơm rớm nước mắt.
"Tôi rất nhớ bố, suốt quãng đời tuổi thơ tôi đã không có ông bên cạnh. Mẹ tôi và em gái tôi đều chờ bố quay về. Mọi điều tôi muốn là đưa ông trở lại quê hương".
Đáng lẽ Hwang Won không có mặt trên chuyến bay của Korean Air Lines khởi hành từ phi trường Gangneung, phía bắc Hàn Quốc tới thủ đô Seoul hôm 11/12/1969. Nhưng tới phút cuối, ông được yêu cầu thay một đồng nghiệp đi dự cuộc họp quan trọng.
10 phút sau khi cất cánh, Cho Chang-hee, một người
được cho là điệp viên Triều Tiên, xâm nhập buồng lái. Cho ép phi công
bay tới Yonpo Airfield, gần thành phố Ham Hung, cách Seoul khoảng 260 km
và nằm sâu trong đất Triều Tiên.
Máy bay hạ cánh, lính vũ trang lập tức bao
vây phi cơ. 50 hành khách và tổ bay bị bịt mắt, đưa lên hai xe buýt tới
một phòng chờ ở sân bay. Không khí sợ hãi, lo lắng và căng thẳng bao
trùm căn phòng trong thời tiết - 20 độ C. Tối muộn, một tướng Triều Tiên có ba sao trên vai áo xuất hiện.
"Tôi rất vui được gặp các đồng bào của mình",
ông này nói. "Chúng ta đã bị chia cắt 25 năm qua. Vì không thể cứ ngồi
đây mà buồn bã, nên hãy cười lên nào".
Những người bị bắt cóc yên lặng, nhận thức sâu sắc
rằng hành trình đau khổ chỉ mới bắt đầu. Họ bị nhốt vào nhiều phòng, đặt
dưới sự giám sát cẩn mật tại nhà khách Hamhung. Dù bị cấm giao tiếp
nhưng họ có 10 phút truyền giấy ghi chép sau mỗi bữa ăn. Vào đêm thứ ba
sau ngày bị bắt, họ lên tàu tới Bình Nhưỡng, thủ đô Triều Tiên.
Họ bị giam giữ tại hai khách sạn Daedong và Pongyang, hỏi về tiền bạc, Bất động sản
mà họ sở hữu, cũng như dòng tộc, để xác định songbun - nguồn gốc thân
phận. Songbun là hệ thống phân cấp công dân nhằm xác định người trung
thành và kẻ thù tiềm năng được Triều Tiên đưa ra trong những năm 1950.
Theo đó, công dân được chia thành ba tầng lớp: nòng
cốt, dao động hoặc thù địch. Songbun của một người sẽ xác định hướng đi
sau này của người đó, ví dụ như nhập ngũ, lên đại học, gia nhập đảng Lao
động Triều Tiên hay sống ở Bình Nhưỡng.
"Những người thuộc tầng lớp thù địch không được phép có mơ ước, thường phải làm nông hay khai khoáng", nhà báo Michael Breen, một cựu binh từng đóng quân ở Hàn Quốc, tác giả cuốn Tân nhân Triều Tiên xuất bản năm 2017, cho biết.
Xác minh xong nguồn gốc, họ bắt đầu bị cải tạo tư
tưởng trong các lớp học kéo dài hàng giờ. Đây là thách thức tâm lý lớn
nhất với người bị bắt cóc. Ông Hwang, người thường đặt câu hỏi theo hệ
tư tưởng riêng, hay bị đàn áp nhất.
Hiếm hoi lắm họ mới được phép rời khách sạn, nhưng
không phải để đi thăm thú Bình Nhưỡng, mà sẽ được đưa đi tham quan bảo
tàng cách mạng, nông trại hoặc nhà máy, một phần của chương trình tuyên
truyền cải tạo tư tưởng.
Sau 65 ngày bị giam giữ, họ được thông báo sẽ được trả
tự do theo chỉ thị của lãnh đạo tối cao Kim Nhật Thành, ông nội của Kim
Jong-un, người đứng đầu nhà nước Triều Tiên hiện nay.
Vào 14/2/1970, 39 người được hồi hương tại Cầu Tự do, cây cầu gần làng đình chiến Panmujom giữa khu vực phi Quân sự
hai miền. Triều Tiên giữ lại máy bay, 4 thành viên tổ bay và 7 hành
khách, bao gồm Hwang. Cho tới nay, chính phủ Triều Tiên vẫn tuyên bố 11
người này tình nguyện ở lại và vì thế, phía Hàn Quốc không thể định
nghĩa sự biến mất của họ là "ép buộc".
"Điều này thật vô lý", Hwang In-cheol nói. "Hãy nhìn
vào những người họ giữ lại xem: bác sĩ, người quay camera, phi công,
giám đốc điều hành, toàn là những người có học vấn hay trình độ cao, hữu
ích trong công cuộc tuyên truyền của Triều Tiên. Dù họ thật sự tình
nguyện ở lại, tại sao không có một tổ chức giám sát độc lập để xác minh
sự thật?"
Hành trình tìm bố
32 năm sau vụ cướp máy bay, Hwang In-cheol vẫn sống mà
không biết sự thật về bố. Mẹ ông chịu quá nhiều áp lực đã liên tục
chuyển chỗ ở của gia đình và che giấu sự thật với con trai, cho đến năm
lên 10 In-cheol tình cờ biết được bố "không phải đi công tác" qua lời
bác ruột. Tuy nhiên, cậu quá nhỏ để hiểu rõ chi tiết sự việc, chỉ biết
rằng "Triều Tiên" nghĩa là sẽ không bao giờ được gặp lại bố nữa.
"Mẹ tôi lúc nào cũng sợ hãi khi chúng tôi làm những
điều bình thường nhất như đi xe đạp, leo núi hay ra biển chơi, vì bà sợ
chúng tôi xảy ra chuyện", In-cheol nói. "Bà hầu như không bao giờ nói về
bố tôi".
Hy vọng dấy lên với gia đình năm 2001, khi Hàn Quốc và
Triều Tiên đồng ý cho "các gia đình chia cắt đoàn tụ" qua hình thức lựa
chọn rút thăm. Một trong những tiếp viên hàng không bị bắt cóc là Seong
Kyeong-hee, đã được gặp lại mẹ đẻ 78 tuổi. Tại buổi đoàn tụ diễn ra ở
núi Kumgang, Triều Tiên, Seong Kyeong-hee nói rằng những thành viên khác
trong tổ bay vẫn sống sót và đang sinh sống gần nhà cô ở Bình Nhưỡng.
Còn những người khác, dù không gặp lại sau khi bị bắt cóc, nhưng cô nghe
ngóng được tin tức họ vẫn sống tốt.
Khi nghe thấy tin này, một thứ gì đó "bỗng đánh thức" tâm trí Hwang In-cheol.
"Con gái tôi khi đó mới hai tuổi, đúng độ tuổi lần
cuối tôi còn nhìn thấy bố", ông nói. "Tôi cảm nhận được sâu sắc nỗi đau
mà bố tôi phải chịu đựng và quyết tâm phải làm gì đó".
lHwang In-cheol sau buổi diễn thuyết trước Hạ viện Anh ở London. Ảnh: Hwang In-cheol.
|
Trong 15 năm tiếp theo, In-cheol đã thực hiện một
chiến dịch vận động không mệt mỏi để đưa bố hồi hương. Ông lên báo trả
lời phỏng vấn, tự đi vận động khắp đất nước, viết thư gửi các tổ chức
nhân quyền.
Tuy nhiên, In-cheol cũng phải đánh đổi nhiều thứ. Để
có nhiều thời gian, ông phải bỏ việc trong ngành xuất bản, chuyển sang
nghề lao động làm thuê theo công nhật hoặc làm việc vặt. Gia đình với vợ
và ba cô con gái là nguồn cổ vũ lớn cho ông.
"Thỉnh thoảng vợ con tôi cũng có than phiền, nhưng không có họ, tôi sẽ không thể kiên trì ngần ấy năm", ông nói.
Tia hy vọng nhỏ nhoi không đủ làm mẹ ông tỉnh táo hơn,
nhưng cõi lòng của bà và con trai đã được bình yên trong những năm gần
đây.
"Mẹ tôi bị chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer", In-cheol
nói. "Trong tâm trí mẹ tôi vĩnh viễn lưu lại hình ảnh ba người: ông bà
ngoại tôi và bố tôi. Bà luôn bảo rằng ông sẽ tự hào về tôi, dù tôi không
có công việc ổn định, cuộc sống Xã hội cũng bất thường. Mẹ thật là ngốc", ông nói đùa nhưng không giấu được nét buồn bã trên mặt.
Em gái ông là Hwang Chan-wook, đã 48 tuổi và lấy chồng người Anh. Bà sinh được hai con gái, cả gia đình đang sinh sống tại Anh.
Triều Tiên đã ký Công ước Liên Hợp Quốc về Chiếm giữ
Bất hợp pháp Tàu bay năm 1970. Hàn Quốc có trách nhiệm điều tra vụ cướp
máy bay chở ông Hwang Won, nhưng cho tới nay, chính phủ vẫn không mặn mà
với vấn đề này.
"Họ luôn nhìn nhận vụ việc là vấn đề chính trị và ngoại giao, không phải vấn đề nhân đạo", In-cheol chỉ trích.
Năm 2009, dưới thời chính quyền Tổng thống Obama, cùng
với sự giúp đỡ của cựu tổng thống Bill Clinton, hai nhà báo Mỹ là Euna
Lee và Laura Ling đã được trả tự do sau 141 ngày bị giam giữ ở Triều
Tiên. Điều này khiến Hwang In-cheol cảm thấy chính phủ Hàn Quốc đang
phớt lờ vụ việc của bố ông. Tuy nhiên, ông vẫn không từ bỏ và nhận được
một số tin đáng mừng.
Oh Kil-nam là một nhà kinh tế học người Hàn Quốc đào
tẩu sang Triều Tiên năm 1985 cùng gia đình. Năm 1986, ông Oh xin tị nạn
chính trị ở Đan Mạch đã quay về Hàn Quốc, để lại vợ và hai con gái ở
Triều Tiên. Khi Hwang In-cheol gặp Oh năm 2009, ông này cho biết từng
làm việc với Hwang Won tại một đài phát thanh ở Triều Tiên.
Hwang In-cheol nhiều lần nộp đơn tới Bộ Thống nhất để
được tới thăm bố, nhưng bị từ chối vì Triều Tiên không cho phép. Vì thế,
ông quyết định nâng vấn đề lên tầm quốc tế.
Năm 2010, ông đưa vụ việc lên Nhóm Công tác của Liên Hợp Quốc về Các vụ Mất tích do Ép buộc. Theo luật nhân quyền Quốc tế và luật nhân đạo quốc tế, vụ mất tích như của ông Hwang Won là trái phép.
"Sau vụ này, tôi gặp rắc rối với Ủy ban Nhân quyền Hàn
Quốc và chính phủ nước tôi", In-cheol nói. "Nhưng khó khăn không làm
tôi chùn bước".
Cơ hội lớn nhất và có lẽ là thất vọng nặng nề nhất đến
với gia đình ông năm 2013, khi In-cheol liên lạc được với một nguồn
đáng tin cậy. Người này cho hay bố ông đã cố quay lại Hàn Quốc qua một
con tàu Trung Quốc. Vụ trốn chạy thất bại vì sai thời điểm, khi Kim
Jong-un quyết định thử hạt nhân và mọi tuyến đường biển quanh Triều Tiên
bị thắt chặt.
Trường hợp của gia đình Hwang In-cheol được nhấn mạnh
trong báo cáo năm 2016 của Liên Hợp Quốc có tiêu đề "Chia cách", nói về
các vụ miễn cưỡng chia xa của nhiều gia đình trên bán đảo Triều Tiên.
Ông đã tới Nhật Bản, Thái Lan, Thụy Sĩ và Anh để chia sẻ câu chuyện của
gia đình, và được tổ chức TNKR có trụ sở tại Seoul chuyên hỗ trợ người
tị nạn Triều Tiên đề nghị giúp đỡ. Đó là khi chiến dịch "Đưa bố về nhà"
của In-cheol được lên kế hoạch.
"Chúng tôi cam kết đưa vụ việc của ông Hwang lên nhận
thức tầm quốc tế", Kwon Young-min, giám đốc dự án của TNKR nói về chiến
dịch. "Chúng tôi lên ý tưởng, hợp tác với các tổ chức nhân quyền, dạy
ông ấy tiếng Anh để gây thanh thế lớn hơn".
Nỗ lực
Tháng 6/2017, TNKR đã tổ chức mít tinh tại Cầu Tự do,
nơi In-cheol hát lại bài dân ca mà bố ông từng hát nhiều năm trước đó
tại nhà khách Daedong. Hôm 11/12 vừa qua, kỷ niệm 48 năm vụ cướp máy
bay, In-cheol đã đưa ra thông báo quan trọng tại Trung tâm báo chí Hàn
Quốc ở Seoul.
"Mục tiêu hồi hương vẫn còn xa tầm với của chúng tôi
vào lúc này", ông nói. "Vài ngày trước, tôi nhận được tin bố vẫn đang bị
giám sát nghiêm ngặt tại Pyongsong, gần Bình Nhưỡng. Ông nay đã 80
tuổi, thời gian đang ngắn dần, hy vọng đoàn tụ với bố của tôi cũng đang
chết dần".
"Trước khi hết cơ hội, tôi vẫn tha thiết được gặp bố.
Vì thế, tôi kêu gọi truyền thông báo chí sử dụng ảnh hưởng của mình để
yêu cầu chính phủ Triều Tiên cho phép tôi được đoàn tụ với bố, có thể là
ở quốc gia thứ ba như Thụy Sĩ hoặc bất kỳ nước nào khác theo ý họ".
Hwang In-choel (cầm biểu ngữ) và thành viên tổ chức
TNKR cùng người ủng hộ trong chiến dịch vận động chính phủ Triều Tiên
cho phép bố hồi hương tại cầu Hữu nghị ở làng đình chiến Panmujong năm
2016. Ảnh: Hwang In-cheol.
|
Đây là lần đầu In-cheol phát biểu công khai như thế này, nhưng yêu cầu của ông cho tới nay dường như không ai nghe thấy.
"Tôi vẫn còn đóng bỉm khi bố rời đi và tới nay, tôi
không có ký ức nào về ông cả", In-cheol nói. "Khi ông quay lại Hàn Quốc,
tôi muốn đưa ông đi tắm hơi, kỳ lưng cho ông như mọi đôi bố con vẫn
làm. Sau ngần ấy năm chia xa, tôi chỉ muốn được gọi ông một tiếng 'bố
ơi'".
Hồng Hạnh
Hoàn cảnh này thật đáng thương
Trả lờiXóa