Thứ Ba, 23 tháng 1, 2018

Khảo Sát Về Phép Đối - Nguyễn Cang

   Bây giờ xin đi vào vấn đề chính là phép đối  ngẫu trong bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Vậy định nghĩa đối là gì? Đối là những câu văn đi sóng đôi với nhau từng cặp. Xét 3 phép đối căn bản được áp dụng hiện hành, những cách  phân loại khác khá phức tạp như: liên châu đối, song nghĩ đối, sự đối v.v. ta không bàn ở đây, các bạn có thể tham khảo ở sách báo hay trên internet. Ba phép đối căn bản là đối thanh, đối ý và đối từ. Cái khó khi làm bài thơ thất ngôn bát cú Đường Luật là bạn phải đạt 3 yếu tố cơ bản trên đồng thời phải giữ đúng luật bằng trắc theo quy định của thơ Đường trong mỗi câu mỗi chữ của bàì thơ. Việc chọn ý lựa vần đã là khó huống chi phải sắp xếp như thế nào để có đối nữa. Nhưng một khi bạn quen tay rồi thì nó trở nên dễ dàng, đó là điều chắc chắn!

  Trong bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật thì 2 câu thực (3&4) và 2 câu luận (5&6) bắt buộc phải đối, còn cặp đề (1&2) và kết (7&8) không bắt buộc. Quy định như vậy ta phải theo để có một bài thơ Đường đúng luật, còn hay hay dở là vấn đề khác. Một bài thơ thất ngôn bát cú Đường Luật mà không có đối thì kể như hỏng, dù bài thơ đó ý có hay cở nào cũng bị loại chẳng khác nào ăn phở mà thiếu ngò gai!


Tóm lại đối là đặc điểm để nhân biết một bài thơ Đường luật, cũng là  tinh hoa của thơ Đường và sau cũng là tiêu chuẩn để đo trình độ làm thơ Đường của tác giả.


Xin lưu ý trong hai câu đối thì câu trên câu dưới phải có số chữ bằng nhau, nghĩa là câu trên có 7 chữ thì câu dưới cũng phải 7 chữ, chứ không thể câu nầy 7  chữ câu kia 6 chữ được.


Đối thanh: tức đối về luật bằng trắc , thì mỗi chữ tương ứng với vị trí câu trước và câu sau, nếu chữ của câu trên mà bằng thì chữ của câu dưới phải trắc, và ngược lại. Ví dụ:     


       Có phải thuyền em e bến lạ


       Hay là trần thế vắng người quen.


* "phải" (trắc) câu trên, đối với "là" (bằng) câu dưới.


* "em" (bằng) câu trên, đối với "thế" (trắc) câu dưới


* "bến lạ" (trắc) câu trên, đối với "người quen" (bằng) câu dưới...


v.v...


Trong câu đối 7 chữ, chữ cuối vế trên là thanh trắc thì chữ cuối vế dưới phải là thanh bằng. Như vậy câu đối 7 chữ cũng có 2 bảng luật trắc và bằng như sau:


           * Bảng luật trắc:      


           T-T-B-B-B-T-T


           B-B-T-T-T-B-B


Thí dụ:


          Ngũ phụng thư danh lưu sử sách


         Thập cơ bát thạch giúp giang sơn


           *Bảng luật bằng:


          B-B-T-T-B-B-T


          T-T-B-B-T-T-B


Thí dụ:


          Sau nhà chậu cúc vừa đơm nụ


          Trước ngõ cành mai mới trổ hoa.


Chú thích: + Các chữ 2,4,6,7 phải theo đúng luật bằng trắc. Nếu tiếng thứ 2,4,6 câu trên mà bố trí B-T-B thì chữ thứ 2,4,6 tương ứng câu dưới phải làT-B-T và ngược lại, nếu chữ 2,4,6 câu trên được bố trí T-B-T thì chữ tương ứng của câu dưới phải là B-T-B. Còn chữ thứ 1,3,5 thì sao? Chữ thứ 1,3 nói bất luận thì được chứ chữ thứ 5 mà nói bất luận thì dễ rơi vào khổ độc (khó đọc).  Do đó nếu tiếng thứ 7 thuộc nhóm trắc thì tiếng thứ 5 phải thuộc nhóm bằng và ngược lại để cho lúc nào tiếng thứ 5 và 7 cũng phải đối nhau qua tiếng thứ 6, chỉ khi nào đối mà làm hại cả câu thơ thì lúc đó ta mới sử dụng luật "bất luận" chữ thứ 5 nầy, nghĩa là bằng trắc gì cũng được, nhưng những  tiếng đáng trắc (chữ thứ 5  của  những câu có vần)  mà đổi ra bằng thì được , còn những tiếng đáng bằng (chữ thứ  5 của  những câu 3,5,7) mà đổi ra trắc thì không nên vì dễ bị rơi vào khổ độc như đã nói ở trên. Thí dụ cho trường hợp thứ nhứt nói trên: "Giữa núi non nầy ai cố tri?"


    [(chữ "ai"( bằng) đối với "tri" (bằng) qua chữ thứ 6 là "cố". Chữ "ai" là chữ thứ 5 (câu có vần) theo lẽ thanh trắc mới đúng, nhưng ở đây áp dụng luật "bất luận", biến trắc thành bằng].


      [Tới đây tôi xin mở dấu ngoặc để giải thích thêm về trường hợp thứ hai nói trên. Chữ thứ 5 (câu khôngcó vần) là thanh bằng thì không nên (chớ không phạm luật vì chữ 1,3,5 cho phép tùy chọn) đổi sang thanh trắc. Tại sao luật "bất luận" cho phép mà bảo là không nên? Vì đổi như thế sẽ dễ rơi vào khổ độc (khó đọc). Vài bạn làm thơ Đường lâu năm mà vẫn lấn cấn chỗ nầy. Bạn cho rằng thanh bằng nầy không thể chuyển sang trắc vì chuyển như vậy là phạm luật! Phạm sao được khi luật "bất luận" cho phép thì tự nó hóa giải được rồi. Khi rơi vào khổ khổ độc thì khó đọc nhưng vẫn chấp nhận được. Trường hợp nào cho phép ta làm như vậy? Đó là khi gặp tên riêng, hoặc địa  danh v.v. Xin đưa ra một ví dụ để minh hoạ cho trường hợp nầy.


                         Mùa Xuân Mới


                 1, Mậu Thân đón Tết chốn quê nhà             (v)


                2.  Đất nước Thanh bình ước hiện ra            (v)


                 3. Cửa cửa chưa mời Hạnh phúc đến


                 4.  Đường đường đã thấy chiến chinh qua (v)


                 5.  Pháo xuân thưa tiếng đì đùng nổ


                  6. "Pháo chuột" mở mùa tành tạch ca      (v)


                  7. Xuân mới cái chi?  Xuân mới lạ


                  8. Bao giờ xuân mới thật đơm hoa          (v)


                                              ( HD)


   Trên đây là bài thơ thất ngôn bát cú Đường Luật, luật bằng vần bằng.


     Xét chữ thứ 5 câu 3 (câu không có vần): "Cửa cửa chưa mời Hạnh phúc đến", chữ "Hạnh" theo lẽ phải thanh bằng nhưng ở đây tác giả đổi thành trắc (sử dụng luật "bất luận") vì muốn nhấn mạnh Hạnh phúc thì không thể nói "Hành" phúc được.


      Xét chữ thứ 5 câu 5 (câu không có vần): "Pháo xuân thưa tiếng đì đùng nổ", chữ "đì" thanh bằng tác giả giữ nguyên.


      Xét chữ thứ 5 câu 6 (câu có vần): "Pháo chuột mở mùa tành tạch ca", chữ "tành" theo lẽ thanh trắc nhưng đổi thành bằng (áp dụng luật "bất luận") , vì tác giả không muốn dùng điệp từ "tạch tạch", mà dùng từ láy "tành tạch", đọc lên, âm điệu nghe hay hơn.


  Kết luận bài thơ nầy không sai luật.]


  Đối ý : nghĩa là ý câu trên và ý câu dưới hoặc là chống đối nhau hoặc bổ sung ý nghĩa cho nhau, hoặc  khác nhau . Ví dụ:


     * Ý chống nhau:


                Đi đầu năm chốt bò từng bước


                Cản hậu hai xe tiến tới sang


       * Ý bổ sung nhau:


                Tường rào nghiêm gác chòi dăm trạm


                 Bờ lũy giăng gai thép mấy vòng 


          * Ý khác nhau:


              Lìa Ngô bịn rịn còm mây bạc


              Về Hán trau tria mảnh má hồng


                (Trích bài xướng của Tôn Thọ Tường)


Đối từ loại:
  Danh từ đối  với danh từ: danh từ riêng-----danh từ riêng, danh từ chung-----danh từ chung; tính từ đối với tinh từ; động từ ----động từ; trạng từ----trạng từ; số lượng -----số lượng; tên người -----tên người; tên nước ----tên nước; từ Hán Việt -----từ Hán Việt; từ nôm ----từ nôm v.v...


           Ví dụ danh từ riêng đối với danh từ riêng:


                  Liễu Thăng tặc tướng, đầu sa ngựa


                  Phương Chính hàng quân, lũ mất hồn


    Đối từ loại, thoạt trông có vẻ đơn giản nhưng thực tế nó rất phức tạp và khó làm. Cần nhớ nếu mỗi chữ câu trên  là  danh từ thì câu dưới, tương ứng với vị trí, cũng phải danh từ (không thể tỉnh từ hay động từ), thông thường là chiếu thẳng từng từ, từ ngữ, trên xuống dưới. Một vài trường hợp đặc biệt ta sẽ nói sau.


    Lấy ví dụ 2 câu đối của Bà Huyện Thanh Quan:


        Lom khom dưới núi tiều vài chú


        Lác đác bên sông rợ mấy nhà


"Lom khom" đối với "Lác đác" ; "dưới"----"trên" ; "núi"------"sông" ; "tiều"-----     "rợ" ; " vài"------"mấy" ; "chú" -----"nhà".


Đối như vầy thật chỉnh và điêu luyện.


** Vài trường hợp đặc biệt:


    * Chữ đồng âm dị nghĩa:


 Ví dụ:


                Hai mái trống tung đành chịu dột


                Tám giờ chuông đánh phải nằm co


                          (Tú Xương/ Hà nam tức sự)


Câu trên chữ "trống" nghĩa là trống trải, đồng âm với "trống" là cái trống để đối với chữ "chuông" ở câu dưới.


      * Phép đối lưu thủy:


 Ví dụ:


                Còn chăng lời hẹn bên trang sách


                Hay đã tàn theo ánh lữa đèn


Nếu theo cách chiếu chữ thì hai câu nầy bất đối, nhưng xét về cấu trúc ngữ pháp thì 2 câu trên đều có cấu trúc giống nhau, và nghĩa câu trên chảy một mạch tràn xuống câu dưới làm trọn nghĩa ý câu trên nên đối được.


    Vậy nếu câu trên là: còn chăng, nếu biết... và câu dưới tương ứng là: hay đã, trời ơi... thì liên thơ đó đã theo phép đối trên .


* Phép "cú trung đối":


      Ví dụ:


          Màn trời chiếu đất con người khổ


          Nước vật thuyền xơ cá biển nghèo 


Nếu lấy câu trên câu dưới chiếu từng chữ lên nhau thì hai câu nầy không có đối. Nhưng xét nội bộ từng câu thì ta thấy từ ngữ "màn trời" đối với "chiếu đất", "nước vật" đối với "thuyền xơ", nhóm từ "con người khổ" đối với "cà biển nghèo" Như vậy lấy câu có nội đối để đối nhau thì rất cân bằng. Vậy chấp nhận có đối.


  * Phép đối chéo.


        Ví dụ:


             Chân bước vững, đường chiều khấp khểnh


             Rừng cây rậm rạp, trúc vươn cao


  Nếu lấy câu trên câu dưới chiếu từng chữ lên nhau thì hai câu nầy bất đối, nhưng ta thấy nhóm từ "Chân bước vững" lại đối chéo  với "trúc vươn cao"; và "vườn cây rậm rạp" đối chéo với "đường chiều khấp khểnh". Kết luận cặp nầy đối nhau.


Cuối cùng xin trích ra hai bài thơ của bạn hữu để so sánh về phép đối từ đó rút kinh nghiệm khi làm bài thơ Đường Luật sao cho có được một bài thơ hay.      


                         Hạnh Phúc Tuổi Thọ


               "Nhân sinh thất thập cổ lai hy"


               Thấm thoát nào hay tuổi quá thì*


                Mái tóc chòm xanh chòm trắng bạc


                Hàm răng cái rụng cái  đen chì


                Ngày hai buổi hết ăn rồi ngủ


                Đêm chín giờ ôn phú tác thi**


                Ví  phỏng cuộc đời như thế mãi


                 Trăm năm hưởng thọ khó khăn gì!  


                *ghi chú: *thì: thời, ** tác thi: làm thơ 


                               ( Khánh Trần)    


                          Nam Giớí Thì Thầm


                  Con cà chưa hết, tới con kê,


                  Lớn tuổi, lắm lời sợ bị chê.


                  Chức Nữ đòi chồng, xin xuất giá,


                  Ngưu Lang muốn vợ, cưới đem về.


                  Thấy bông không hái, người cho dốt,


                  Gặp gáí làm ngơ, họ bảo quê.


                   Bảy bó xuân tình đâu đã hết,


                   Làm sao tránh khỏi thú đam mê.


                                ( Nguyên Khôi)


** Nhận xét phép đối trong bài thơ của Khánh Trần:


          * Xét 2 câu thực:              


                Mái tóc chòm xanh chòm trắng bạc


                Hàm răng cái rụng cái đen chì


 "Mái tóc" đối với "hàm răng" (rất chỉnh: danh từ đối với danh từ); "chòm" đối với "cái" (danh từ đối với danh từ, chú ý "cái" là đại danh từ thay thế  "răng"); "xanh" đối với "rụng" (xanh: tĩnh từ, rụng: động từ nên hai từ nầy không đối với nhau được); từ ngữ "trắng bạc" đối với "đen chì" (rất chỉnh về ý và từ).


   Hai câu trên đối nhau rất chỉnh, nếu như không có sai sót, bất đối ở hai từ "xanh" (danh từ) và "rụng" (động từ).


         * Xét hai câu luận:


                Ngày hai buổi hết ăn rồi ngủ


                Đêm chín giờ ôn phú tác thi


"Ngày" đối với "Đêm" (danh từ đối với danh từ); "hai".... "chín" (số từ đối với số từ); "buổi"...."giờ" (danh từ đối với danh từ); từ "hết"/"ôn" (không đối về từ loại); "ăn"/ "phú"(không đối về từ loại);  "rồi"/ "tác" (không đối được về từ loại); "ngủ"/ "thi" (không đối được về từ loại). Kết luận cặp nầy không đối.


    Tóm lại 2 câu thực, có đối nhưng không chỉnh. Hai câu luận hoàn toàn hỏng, đưa đến suy ỵếu cả bài thơ, khác với ý định ban đầu của tác giả là muốn phác họa ra một khoảnh khắc nhàn nhã hạnh phúc của một người cao tuổi, nay chính cách đối không chỉnh và sự dùng từ ngữ không khéo đã làm bài thơ trở nên nhợt nhạt, bịnh hoạn, thiếu sinh khí, thật đáng tiếc.


** Nhận xét về phép đối trong bài thơ của Nguyên Khôi:


         * Xét 2 câu thực:


             Chức Nữ đòi chồng, xin xuất giá,


             Ngưu Lang muốn vợ, cưới đem về.


"Chức Nữ" đốí với "Ngưu Lang" rất chỉnh (danh từ riêng đối với danh từ riêng); "đòi" (động từ) đối với "muốn" (động từ); "chồng" đối với "vợ" (danh từ); "xin xuất giá" đối với "cưới đem về" (rất chỉnh).


 Tóm lại 2 câu nầy đối rất chỉnh về thanh, ý, từ . Hai câu thơ tình gợi tả nhưng lại đằm thắm mà không sỗ sàng. KN sử dụng phép đối rất nghiêm để được hiệu quả.


        * Xét 2 câu luận:


              Thấy bông không hái, người cho dốt,


              Gặp gáí làm ngơ, họ bảo quê.


"Thấy" (động từ) đối   với "gặp" (động từ); "bông" (danh từ, chỉ người con gái đẹp)----- "gái" (danh từ); " không hái"-----"làm ngơ" (từ ngữ) rất chỉnh;  "họ bảo quê"---- "người cho dốt" (nhóm từ) rất chỉnh.


  Hai câu nầy đối nhau  rất chỉnh về thanh, ý, từ.  Cặp đối chính danh nầy rất chặt chẽ như thấy bóng dáng chàng trai đang chinh phục cảm tình cô gái vậy.


    Tóm lại NK sử dụng phép đối khá điêu luyện: đối chan chát, đứt khoát, tự tin .


    Một chút thô thiển bài viết, hy vọng sẽ đóng góp vào tài liệu tham khảo để các bạn nghiên cứu thêm hầu sáng tác được nhiều bài thơ hay, thất ngôn bát cú Đường luật.
Mong thay !!!
Nguyễn Cang 




1 nhận xét:

AI-Ngu Yên Chuyển Ngữ : Seemi PhD: A.I. định hình tương lai văn học 2024 như thế nào?

  Trong thời đại mà công nghệ dường như phát triển trong chớp mắt, thế giới văn học có thể tỏ ra tương đối tĩnh lặng, một thiên đường truyền...