Sâu trong lòng dãy Andes ở Ecuador,
Carlos Sánchez quan sát một trong những núi lửa hoạt động mạnh nhất thế
giới từ một ngôi nhà trên cây bé xíu, trong khi những người tìm cảm giác
mạo hiểm đánh đu ngay bên vực thẳm bên dưới.
Mỗi sáng trước khi mặt trời mọc, người đàn ông 75 tuổi cầu nguyện
trong căn lều nhỏ của mình, nhặt cái ống nhòm lên và chậm rãi trèo lên
ngôi nhà trên cây đơn độc nằm dựa chênh vênh bên rìa mỏm núi.Từ vị trí cheo leo trên cao phía trên biển sương mù phong kín dãy Andes ở Ecuador, ông chăm chú nhìn xuyên qua những mảnh ruộng nhỏ chắp vá trong thung lũng màu xanh ngọc về hướng miệng núi lửa Tungurahua ở độ cao 5.023m, một miệng núi lửa đang hoạt động dữ dội với cái tên có nghĩa là “Họng Lửa” theo ngôn ngữ của người Quechua địa phương.
Sau đó ông nhìn lướt qua những khe núi sâu và những vực đứt gãy xoắn ốc hướng thẳng xuống dốc núi Tungurahua về hướng quê nhà của gia đình ông tại Banos, cho đến khi chúng chìm khuất vào những dải mây bên dưới.
“Giờ đây nó đang ngơi nghỉ,” ông Sánchez nói, xoay người khỏi rặng đá và cẩn thận choãi đầu gối rộng và bước xuống. “Tốt nhất là nên cho gà ăn trước khi cả thế giới đổ tới đây.”
Nổi tiếng ở Baños là “người canh núi lửa”, ông Sánchez là thành viên cao tuổi nhất của Viện Địa lý Quốc gia Ecuador và là người duy nhất trên thế giới vận hành trạm quan trắc địa chấn từ trên cành cây.
Trong 18 năm qua, ông đã sống một mình ở vùng tiền phương xa xôi này, vì một lời hứa từ lâu sẽ làm tình nguyện viên không thù lao ở vị trí chỉ cách rặng núi 2,5 km từng định kỳ phun lửa, khói và nham thạch nóng chảy từ năm 1999.
Lời nguyện thiêng liêng
Nhưng trong vài năm qua, một điều kỳ lạ bắt đầu xảy ra: người người từ khắp nơi trên thế giới bắt đầu đổ về nơi từng một thời chỉ là cánh đồng cỏ yên tĩnh với những con bò, để tìm đến trạm quan sát của ông Sánchez – tất cả chỉ vì ông bắt đầu treo một xích đu bằng gỗ từ ngôi nhà trên cây với hy vọng các cháu ông sẽ ghé qua thăm.Cháu ông có tới. Ngay sau đó, vài người lạ bắt đầu xuất hiện hỏi liệu họ có thể chơi xích đu không.
Sau đó, vào năm 2014, hai thành viên của một nhóm du khách đang thay phiên nhau đu trên xích đu của ông Sánchez thì núi lửa Tungurahua thình lình phun trào.
Cả hai vội vàng chạy xuống núi, nhưng đã kịp chụp một tấm ảnh người kia đang nhìn chăm chú vào cột khói cao 8.000m khi đang đánh đu ngay trên vực thẳm ở rìa Trái Đất.
Bức ảnh được quốc tế công nhận trong một cuộc thi ảnh của tạp chí National Geographic và nhanh chóng lan truyền khắp thế giới.
Giờ đây, mỗi ngày hàng trăm người đang đi theo hành trình đến rìa của Baños, đi bộ 2,5 giờ lên phần rìa mỏng của ngọn núi và xô đẩy nhau trèo lên một vị trí cao 30m bên rìa núi nổi tiếng với tên gọi La Casa del Arbol (Nhà Trên Cây).
“Chiếc xích đu chỉ bắt đầu là ý tưởng đơn giản để gia đình tôi gần gũi nhau hơn vào cuối tuần,” ông Sánchez nói, nhìn ra chiếc chuồng gà khi nhóm du khách đầu tiên xuất hiện. “Nhưng đôi khi mọi thứ bùng nổ không lường trước được.”
Mọi chuyện xảy ra vào tháng 10/1999.
Sau 81 năm ngủ yên, núi lửa Tungurahua gầm rú sống lại với hàng loạt đợt phun trào dữ dội.
Không khí nóng, tro bụi và đá rơi xuống những ngôi làng gần đó, tổng thống Ecuador ra lệnh cho gia đình ông Sánchez và 16.000 cư dân khác của vùng Baños phải di tản, chỉ cho phép họ bốn giờ để thu gom đồ đạc và không hề cho biết liệu họ có thể trở về nhà không.
Chống lại yêu cầu của chính phủ, ông Sánchez lái xe quay lại Baños vào ngày 20/12 và thấy nơi đó như một thị trấn ma. Những tòa nhà bị bỏ hoang, đường xá ngập đầy tro bụi, nhưng kỳ diệu thay nhà ông và thị trấn hoàn toàn không bị hư hại gì.
Không chắc liệu gia súc có sống sót trong núi không, ông Sánchez lái xe chậm chạp qua con đường quanh co về phía đồng cỏ của nhà ông.
Khi tới nơi, ông thấy đàn bò vẫn đang gặm cỏ yên bình và trang trại của hàng xóm gần đó không bị hư hại gì.
Ông quỳ xuống, làm dấu Thánh và hứa với Đức mẹ Mary (vị thánh bảo hộ vùng Banos) ông sẽ ở lại đó để canh chừng núi lửa và giúp bảo vệ dân làng sống trong thung lũng cho đến khi các vụ phun trào kết thúc.
“18 năm sau, núi lửa vẫn hoạt động,” ông Sánchez nói. “Vì thế tôi vẫn còn ở đây.”
Đài quan sát khiêm tốn của ông Sánchez trên đỉnh đồi chỉ có một cặp ống nhòm và điện đàm radio hai chiều. Trước khi xây dựng căn nhà, ông thường ngủ trong lều, phủi tro khỏi nóc lều tạm bợ vào mỗi sáng và cẩn thận quan sát phần rìa đông bắc của núi lửa Tungurahua suốt cả ngày.Một nhóm các nhà nghiên cứu núi lửa chuyên nghiệp ở chân núi Tungurahua đã huấn luyện ông Sánchez cách phát thanh ngay khi nghe những âm thanh trầm đục, ngửi thấy mùi khí sulphur hoặc phát hiện dòng chảy dung nham nhanh chóng hướng về Baños.
Sau đó, một thợ điện nghỉ hưu và cựu lính cứu hỏa giúp các nhà nghiên cứu núi lửa lắp đặt thiết bị đo địa chấn, đo độ nghiêng và thiết bị quan trắc khí sulphur dioxide trên đất của ông.
Đó cũng là khoảng thời gian vợ ông Sanchez, bà Lidia, bắt đầu ngày càng nghi ngờ chồng bà đang làm gì đó trên đồng cỏ chăn bò.
Giữa những đợt hoạt động địa chấn căng thẳng, ông Sánchez cần phải có mặt 24/7 và đôi khi ông không thể trở về Baños thăm bà trong vài tuần.
Cho rằng ông đang sống với ai đó khác, bà Lidia dọn quần áo của ông, gói vào túi và đi về rìa bên kia núi để chạm mặt người đàn bà bí ẩn kia.
“Khi đến, tôi thấy ông ấy hoàn toàn một mình, chỉ sống bằng bánh mì và nước nhưng để hoàn thành lời hứa ông sẽ bảo vệ mọi người,” bà Lidia nói. “Người đàn bà duy nhất mà ông chờ đợi là Mẹ [núi lửa] Tungurahua.”
Sau nhiều năm, ông không còn cần phải đợi lâu thêm nữa.
“Trong số 1.500 núi lửa trên thế giới mà chúng tôi quan trắc, Tungurahua là một trong 10 núi lửa hoạt động mạnh nhất,” Ben Andrews, giám đốc Chương trình Núi lửa Toàn cầu của Smithsonian, nói.
“Từ năm 1999, chúng tôi đã có hơn 100 báo cáo hàng tuần về các vụ phun rào, nổ, cột tro và dòng chảy dung nham. Đó chắc chắn là lý do gây lo lắng.”
Trong thực tế, năm 2006, núi lửa Tungurahua đã khiến một dòng chảy nham thạch trôi xuống sườn núi, chôn vùi ba ngôi làng gần đó và giết chết sáu người.Nhưng ngay cả khi dòng chảy nóng bỏng trôi xuống sườn dốc, ông Sánchez vẫn không chịu rời đi. Bị ngạt khói, ông trốn trong một khe nhỏ ở bọng cây motilon khi đá đổ ào ạt xuống bên kia.
Trong hai giờ, ông Sánchez thò đầu khỏi bọng cây để cập nhật trực tiếp qua điện đài radio cho thị trưởng Baños để di tản hàng trăm gia đình.
Cây motilon đã bảo vệ ông Sánchez và thị trấn, và ông Sánchez cho rằng cái cây đủ khỏe để xây một trạm gác cao 8m từ một nhánh cây.
Chiếc xích đu được làm hai năm sau, vào năm 2008, và ngay sau đó vợ ông Sanchez, 5 đứa con và 11 đứa cháu thường xuyên đi picnic, tổ chức sinh nhật gia đình và đến thăm ông bất cứ khi nào núi lửa yên ắng.
Khi núi lửa Tungurahua gầm gừ ban đêm, ông Sánchez ngồi một mình trên ngôi nhà trên cây, nhẹ nhàng chơi kèn harmonica dưới trời sao, cố gắng ru ngọn núi quay về giấc nồng. “Chúng tôi có quan hệ rất phức tạp,” ông Sánchez nói. “Có lúc là bạn, có lúc là kẻ thù.”
Liều mạng
Ngày nay, ông Sánchez giữ lại những hòn đá núi lửa đã suýt giết chết ông trong đợt phun trào 2006 trong văn phòng nhỏ bên dưới lều, cùng với tấm bản đồ chi tiết, mẫu khói và một giấy chứng nhận từ chính phủ Ecuador ghi nhận ông Sánchez có “tấm lòng vô biên cam kết và phục vụ đất nước”.Ở Ecuador có khoảng 500 trạm quan trắc núi lửa, nhưng ông Sánchez vẫn là người duy nhất canh giữ cho thị trấn Baños từ sườn đông bắc của núi lửa Tungurahua.
“Carlos có thể thấy mọi thứ từ trên ngôi nhà trên cây mà không ai có thể thấy,” Patricia Mothes, cựu lãnh đạo của Viện Vật Lý Ecuador. “Cảnh báo sớm của ông đã giúp chúng tôi cứu được nhiều mạng người. Ông ấy là người chủ chốt.”
Từ 3/2016, khi Tungurahua rền rĩ với hơn 70 vụ nổ và dội bom nham thạch xuống khu sườn tây, “họng lửa” đã yên ắng chỉ còn là tiếng rì rầm. Nhưng cả bà Mothes và ông Sánchez cho rằng đó chỉ là vấn đề thời gian, trước khi ngọn núi lửa lại gầm rú.
Bất cứ khi nào ông Sánchez quan sát thấy nguy hiểm tiềm tàng hay nhận được cảnh báo từ các nhà nghiên cứu núi lửa, ông liền thông báo du khách hãy di tản xuống núi để giữ an toàn.
“Tôi không có đủ mũ bảo hộ cho mọi người,” ông Sánchez nói, và cúi nhìn từ ngọn cây xuống hàng dài những người khao khát mạo hiểm đang rồng rắn nhau đi quanh căn nhà của ông.
Theo cách nào đó, La Casa del Arbol trông như hai vũ trụ song song. Vào bất cứ ngày nào, hàng dài du khách lỉnh kỉnh máy ảnh xếp hàng đến 30 phút để đánh đu trên khe vực sâu, hét lên vì sự phấn khích và sự kinh hãi tột đỉnh.
Sau đó, tất cả họ đều cùng chụp một bức ảnh đăng Instagram giống nhau, trèo lên những nấc thang bộ của ngôi nhà trên cây, hoàn toàn phớt lờ người đàn ông đội nón bảo hộ màu cam đang ở đâu đó xung quanh với chiếc ống nhòm trên tay.
Khi tiếng hú hét và gào thét từ chiếc xích đu quá ồn ào, ông Sánchez từ trên tán cây đi xuống để lau dọn dụng cụ quan trắc, cho thỏ ăn hoặc dọn dẹp con đường mòn lên núi với con dao cán dài – thường ông đi cùng chú mèo trung thành Negrito theo sau ông chỉ vài bước chân.
Trong chín năm qua, ông Sánchez luôn vui vẻ cho phép bất cứ ai đi ngang qua nhà muốn trèo lên nhà trên cây và đánh đu bằng chiếc xích đu của các cháu ông.
Ông chỉ yêu cầu mọi người ký vào sổ lưu niệm cho khách. Nhưng sau khi bức ảnh của National Geographic về chiếc xích đu của ông lan truyền trên mạng hai năm trước, Sở du lịch thành phố Baños yêu cầu người quan trắc núi lửa bắt đầu quan sát thêm cả lượng du khách ghé thăm đồng cỏ của ông – và bắt đầu tính thêm phí tham quan.
“Tôi muốn tất cả gia đình ở Baños vẫn có thể thưởng thức nơi này như gia đình tôi,” ông Sánchez nói. “Vì thế tôi bảo ‘Ok tôi sẽ bắt đầu tính vé vào cửa, nhưng chỉ 1 đô la thôi, và trẻ con thì nửa giá.”
Ông Sánchez giờ đây đã có một chồng dày gồm 14 quyển sổ lưu niệm loại 200 trang đầy thông điệp từ những ngôn ngữ mà có khi ông chưa bao giờ biết tới.
Trong hai năm qua, ông đã sử dụng khoản tiền vé vào cửa khiêm tốn đó để cho mấy đứa cháu vào đại học và thuê một đội “hợp tác kinh doanh”: đó chính là gia đình ông.
Giờ đây, con trai ông Sánchez vận hành đường cáp treo nhỏ từ nhà và sau đó đã thêm vào một đường cáp nữa treo từ phần bên kia ngôi nhà. Cháu gái ông Sanchez, Mayte và Mariza, thay phiên nhau giữ vị trí thu vé vào cửa ở rìa đồng cỏ.
Một cháu gái khác, Julie, bán súp gà và món thịt heo chiên Fritada kiểu Ecuador gần nhà trên cây, và vừa hoàn thành luận văn tốt nghiệp về núi lửa Tungurahua – tất nhiên là có chút hỗ trợ từ ông nội.
Và bà Lidia mỗi sớm đều đón xe bus từ Baños lên miệng núi lửa, dành thời gian ở bên người đàn ông mà bà đã cưới hồi 50 năm trước dưới chân núi.
“Đêm xuống khi mọi người rời đi, chỉ còn lại gia đình tôi, đôi khi tôi lẻn ra chiếc xích đu và nhắm mắt lại,” cô gái Mayte nay đã 17 tuổi nói. “Nó nhắc tôi nhớ lại thời thơ ấu.”
Khi một nhóm du khách khác rời khỏi nhà, ông Sánchez đi tách khỏi đám đông đến rìa ngọn núi, nhìn từ thung lũng xuống và cởi nón bảo hộ ra.
“Đây là điểm tôi đã quỳ xuống, thề rằng mình sẽ giúp mọi người di tản đúng thời điểm, ngay cả khi điều đó có nghĩa là tôi không còn thời gian nữa,” ông Sánchez nói, cố gắng hạ đầu gối xuống như 18 năm trước.
“Lời hứa giữa con người với nhau thì phải nghiêm túc, nhưng lời thề với Thượng Đế là điều thiêng liêng.”
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.
Liều lĩnh quá
Trả lờiXóa