Chủ Nhật, 7 tháng 1, 2018

Ngôi làng nơi lưng chừng núi ở Iran



Arterra/Getty Images
Để đối phó với triền dốc khắc nghiệt, cư dân Masouleh phải tìm những cách rất sáng tạo để tối ưu hóa diện tích đất họ có

Tôi liếc ra ngoài cửa sổ nhìn vào một dãy những ngôi nhà bằng gạch bùn màu vàng được xây trên một sườn đồi mà bao quanh là những ngọn đồi xanh mướt được bao phủ bằng một lớp màn sương mù cuộn lên. Ở ngôi làng Masouleh vốn nằm sâu trong dãy núi Alborz ở miền bắc Iran này, nhìn từ đâu cũng là nhìn từ trên cao.

Vườn trên mái


Làng Masouleh được xây dựng một phần ở phía trên một sườn núi dốc để giữ cho ngôi làng tránh khỏi nạn lụt lội ở thung lũng phía dưới cũng như giúp che chở cho ngôi làng khỏi những cơn gió lạnh thấu xương vốn dập vào đỉnh núi phía trên. Tuy nhiên, để thích ứng với địa hình rất dốc, dân làng phải nghĩ ra những cách sáng tạo để tối ưu hóa không gian. Thật ra, kiến trúc của ngôi làng gần 1.000 năm tuổi này được thiết kế làm sao để cho khu vườn phía trước của mỗi ngôi nhà – cũng như của các nhà hàng, các quán cà phê ngoài trời và thậm chí một phần khu thương mại – đều đặt trên mái của ngôi nhà bên dưới.
Trong hàng thế kỷ, mái của những ngôi nhà này, được làm nên từ đất sét, đá và gỗ, đã phải không những chịu được thời tiết ẩm ướt (khu vực này có lượng mưa và tuyết vào khoảng 150 cm mỗi năm) mà còn chống đỡ được sức nặng của những bước chân đi lại liên tục – những người phụ nữ phơi quần áo và những người bán hàng bán những chiếc khăn choàng cổ nhiều màu sắc và những con búp bê làm thủ công ở những cửa tiệm nhỏ dọc theo những con hẻm.
Nhà khách nơi tôi ở trọ, cũng giống như những ngôi nhà khác ở Masouleh, có cửa sổ lớn rộng ở mặt trước của ngôi nhà để ánh sáng và hơi ấm tràn vào nhà – một trong những kỹ thuật truyền thống để đối phó mùa đông lạnh giá (nhiều ngôi nhà cũ ở Masouleh còn có một căn phòng mùa đông ở phía sau nhà có những bức tường đất sét dày để giữ cho cái lạnh không thấm vào trong).

Phát triển du lịch

Với một tách trà trên tay, tôi liếc nhìn xuống lối đi hẹp được tạo thành bởi những mái nhà đan vào nhau. Tôi bắt gặp một người đàn ông mang hàng hóa từ khu chợ đi lên một chiếc cầu thang ngoằn ngoèo giữa hai ngôi nhà để đến nhà của ông ấy nằm ở tầng trên.

Shervin Abdolhamidi
Vườn trước của mỗi ngôi nhà thường chính là mái của căn nhà bên dưới
“Không ai cảm thấy chán trước quang cảnh này,” chủ nhà của tôi, ông Safayee, nói khi ông đến bên cạnh tôi ở cửa sổ.

Masouleh từ lâu đã là một đầu mối giao thương; trong hàng thế kỷ, mọi người đến đây từ khắp nơi trong khu vực để bán hàng hóa của họ. Vào đầu thế kỷ 20, ngôi làng này đã được Phong trào Jangali dùng như một cứ điểm để chống lại Đế quốc Ottoman, quân Anh và quân Nga chiếm đóng Iran. Nhưng trong lúc chúng tôi đang nhấm nháp tách trà, ông Safayee than thở với tôi về việc dân làng cứ dần dần ra đi đến những khu vực đô thị hóa nhiều hơn ở Iran.

“Khi tôi còn nhỏ, ở đây từng có một trường tiểu học. Dân số ở đây chưa bao giờ đông, tuy nhiên tất cả chúng tôi đều rất gần gũi với nhau,” ông nói. “Giờ đây, thanh niên rời bỏ làng để lên các thành phố tìm việc. Chúng tôi bây giờ thậm chí còn không có trường tiểu học.”
Những người ở lại tận dụng cơ hội từ du lịch. “Nó cho phép chúng tôi có cuộc sống tốt và có thể sửa những căn nhà cũ thành như hiện nay,” ông Safayee nói.
Với sự vươn lên của Masouleh thành một điểm đến rất được du khách ưa thích, những con phố hẹp đôi khi có cảm giác giống như là một thành phố lớn hơn là một ngôi làng yên bình. Với những khách sạn lớn nằm ở các tầng thấp gần cổng vào làng, nhiều du khách dường như hài lòng khi họ ở gần khu chợ vốn được bao quanh bởi những quán cà phê và nhà hàng trên mái nhà. Tuy nhiên, càng lên các tầng cao thì không khí lại càng tĩnh lặng.

Xúc tuyết đổ lên mái nhà


AGF/Getty Images
Các cửa hàng báo hoa quả khô, mứt gia công và các loại thảo mộc hái từ trên núi
Tôi uống xong tách trà và lên đường khám phá Masouleh. Khi tôi leo lên đỉnh của ngôi làng, tôi lướt nhìn xuống dưới thung lũng nơi có một chiếc xe buýt du lịch đang di chuyển chầm chậm trên con đường dốc thoai thoải đến chân làng. Tại điểm này, du khách sẽ phải đi bộ do xe cộ không thể đi lại trong những ngõ ngách của Masouleh.
Cách xa nơi náo nhiệt, tôi dạo bước dọc theo khu vực Barf-Andaz, vốn có nghĩa là ‘nơi để ném tuyết’. “Ở ngôi làng Masouleh này, chúng tôi xúc tuyết đổ lên mái nhà của vị hàng xóm ở phía dưới,” ông Safayee trước đó đã nói với tôi như thế và cười khúc khích khi thấy tôi ngạc nhiên. Bởi vì khu vực 1-2 mét ở phía sau mỗi mái nhà là phần gần nhất với sườn núi, đó cũng là khu vực bền chắc nhất của phần mái. Đó là nơi phần tuyết xúc được dồn lại trong mùa đông, nhờ đó mà hạn chế nguy cơ sập mái nhà.
Tôi đi xuống vào làng đến khu chợ, một lối đi chật hẹp với đầy những quầy hàng bán những con dao được làm thủ công, những chiếc sừng dê núi và nhiều loại vòng đeo tay khác nhau. Du khách ngắm nghía những món hàng trong khi dân địa phương vẫn làm công việc chợ búa mỗi buổi chiều. Họ dừng bước bên những người bán hàng đang chào mời những chiếc bánh nướng, hoa quả sấy khô, mứt làm tại nhà và các loại thảo mộc trên núi như lá bạc hà. Tôi bước qua một bà lão đang cuộn tơ thành hình một con búp bê để thêm vào bọc hàng đầy màu sắc bên cạnh bà.
“Cậu có thích búp bê không?” bà lão hỏi trong lúc các ngón tay của bà cuộn các sợi tơ một cách điêu luyện để tạo thành hình một cái đầu. Bà nói với tôi rằng sau khi các con gái của bà chuyển đến thành phố Rasht nằm cách đó 70 km thì giờ đây bà làm những con búp bê mà bà từng làm cho các con gái của bà để bán cho du khách. Tôi từ chối một cách lịch sự, và bà ấy chào tạm biệt.
Tôi theo lối cầu thang để lên tầng trên khu chợ, ngồi vào một chỗ ở sân trong của một nhà hàng và gọi món mirzah ghasemi, một món ăn Ba Tư nhiều hương vị bao gồm bí, cà tím, tỏi và trứng được phục vụ cùng nhau trong một món hầm. Ở đó, tôi thưởng thức bữa tối sớm trong lúc sương chiều bắt đầu xuống một lần nữa, thấm đẫm các con đường và bao trùm lên ngôi làng trong một lớp sương mù.
Bản tiếng Anh bài này đã được đăng trên BBC Travel.


Posted by

1 nhận xét:

ÂN CHÚA NHIỆM MẦU - Nguyễn Kim Trân

  ÂN CHÚA NHIỆM MẦU Đức Thánh Chúa giáng sinh nơi máng cỏ Chốn trần gian nào hiểu rỏ ngọn ngành Lại chẳng nghe lời Đức Chúa giảng sanh Nên b...