Census at Bethlehem” (Tạm dịch: Điều
tra dân số ở Bethlehem) là một kiệt tác của danh họa Pieter Bruegel
(bố), vẽ vào năm 1566. Bruegel đã mô tả lại một câu chuyện trong kinh
Thánh bằng những thuật ngữ ở thời đại của ông, với những chi tiết rất
đỗi thường nhật của một ngôi làng ở Hà Lan – Bỉ vào mùa đông, lúc xế
chiều.
Ấn tượng đầu tiên đối với “Điều tra dân
số ở Bethlehem” là một vùng đất đầy tuyết, nơi người dân lao động kiếm
sống. Những cảnh sinh hoạt hiện lên thật đa dạng và phong phú. Sự cân
bằng về bố cục, màu sắc và những chi tiết nhỏ khiến người xem tranh
không khỏi thú vị, cảm thấy như thể mình đang đứng dựa vào cửa sổ của
một ngôi nhà nào đó để ngắm nhìn buổi chiều tà của một ngày đông ở xứ sở
Hà Lan – Bỉ.
Giống như một cú lia máy nhanh, Bruegel
nắm bắt sự hối hả của ngôi làng trong một buổi chiều chạng vạng. Mỗi
nhân vật được khắc họa trong một trạng thái khác nhau.
Người đồ tể đang làm thịt một con lợn.
Hay một người mẹ đang kéo kéo tay con đi vào căn nhà.
Cùng lúc lại có thể thấy mấy chú gà đang mổ thóc.
Lũ trẻ đang say mê ném tuyết.
Người đàn ông đang buộc giày trượt tuyết bên bờ sông…
Người ta đang bắt đầu chất các bao tải hạt giống lên xe ngựa.
Ở một góc khác, một vài người đang sưởi ấm bên đống lửa.
Đứa trẻ tay dang rộng, dọa nạt những chú chim ngay trước tòa lâu đài đổ nát.
Dường như toàn bộ các nhân vật trong
tranh đều ở trong trạng thái vận động, không có gì tĩnh tại ngoại trừ
một người đàn ông đang ở tư thế quay lưng, hai tay đút túi quần, lặng
ngắm trời chiều. Một quả bóng tuyết in hằn trên vai người đàn ông, càng
làm cho ông ta có một dáng đứng cô liêu tách biệt khỏi khung cảnh bận
rộn xung quanh.
Với mong muốn mô tả sát nhất về cuộc
sống đương đại trong thực tế hàng ngày, Bruegel đã vẽ chi tiết từng khía
cạnh cuộc sống. Từ ống quần và áo lễ của những người đàn ông cho tới
tạp dề và những chiếc mũ bê rê đội đầu của những người phụ nữ; từ xe bò
xe ngựa cho tới xà lan trên sông; từ chiếc bình cho tới những chiếc giỏ
liễu gai; tác phẩm của Bruegel cho ta cánh cửa sổ nhìn xuyên thấu vào
cuộc sống của người ta vào thế kỷ 16.
Bruegel đã khéo léo sắp đặt các hoạt
cảnh trong tranh theo một đường chéo từ phía trên bên trái xuống đáy bên
phải, chia bức tranh thành hai mảng. Việc chia chéo bức tranh, giữa
không gian cận cảnh ở đáy trái với khoảng không gian xa xôi phía trên
bên phải là phong cách thừa kế từ các bậc thầy hội họa về tranh phong
cảnh theo trường phái Flemish, như Joachim Patinir và Herri met de Bles.
Con đường mòn trải rộng từ quán trọ nhỏ ở
góc dưới cùng bên trái, hướng tới những công trình là tàn tích còn lại
của một thời hoàng kim ở đầu cuối phía xa của ngôi làng, tạo thành một
đường chéo khác.
Hai đường chéo cắt nhau tại trung tâm bức tranh, nơi đặt một chiếc bánh xe, lấy ra từ một chiếc xe bò.
Sự cân đối giữa kích thước hình học của
các tòa nhà và hình dáng của hàng trăm nhân vật trong tranh thật hoàn
hảo. Các đường thẳng đứng do các thân cây tạo ra càng nhấn mạnh thêm cho
bố cục và tạo ra cảm giác về góc độ.
Mỗi chi tiết và mỗi nhóm có thể trở
thành một tác phẩm nghệ thuật độc lập, riêng biệt. Sự chuyển động các
nhân vật ngược sáng được khắc họa một cách chính xác. Ngay cả những chi
tiết nhỏ nhất cũng được vẽ thật sống động, và độc đáo.
Điều đặc biệt trong tuyệt tác này của
Bruegel là, người xem có thể lấy rất nhiều phần trong tranh ra thưởng
thức riêng, mà vẫn có thể trân trọng nó như một tác phẩm độc lập, có bố
cục độc lập. Những yếu tố tưởng chừng như rời rạc thực ra lại không thể
được sắp xếp trật tự hơn được nữa. Thủ pháp khôn ngoan này được ẩn giấu
bằng việc kết nối với thiên nhiên, khiến người xem nhất thời không cảm
giác được.
Sự cân bằng trong bố cục được củng cố
bằng việc phân bổ màu sắc một cách hài hòa. Bruegel đã sử dụng một kỹ
thuật màu gọi là “alla prima” hay còn gọi là “ướt trên ướt” để thu được
cường độ đậm nhạt khác nhau trong phối cảnh, từ đó có một hiệu quả ánh
sáng như ý muốn. Kỹ thuật này ngược với kỹ thuật của trường phái Flemish
nguyên thủy, vốn tập trung vào lối vẽ phủ nhiều màu dày. Cũng chính nhờ
kỹ thuật “alla prima” mà Bruegel trở thành một bậc thầy mô tả mặt đất
phủ đầy tuyết và bầu trời mùa đông.
Quay lại với chủ đề của tác phẩm, câu chuyện về cuộc điều tra dân số ở Bethlehem được miêu tả trong Phúc âm Luke như sau:
…và một sắc lệnh
được Caesar Augustus (hoàng đế La Mã thời bấy giờ) ban hành rằng tất cả
thế giới cần phải được đăng ký… Vì vậy, mọi người đều đi đăng ký vào
thành phố của mình. Joseph cũng đi từ Galilee, ra khỏi thành phố
Nazareth, tới Judea, tới thành phố của David mang tên Bethlehem, bởi vì
Joseph mang dòng dõi David. Joseph cũng đăng ký cùng Mary (Đức mẹ đồng
trinh), vợ chưa cưới của mình, người đang mang thai (Chúa Jesus)…
Trong khi tất cả các nhân vật trong làng
đều bận rộn túi bụi với công việc của mình, không màng tới những gì ở
xung quanh, thì đột nhiên người xem giật mình phát hiện một con bò ở vị
trí nổi bật, giương đôi mắt tròn nhìn ngó, như muốn thu hút sự chú ý.
Con bò đang đi cùng với một người thợ mộc và một phụ nữ đang cưỡi lừa,
toàn thân bà cuốn một chiếc khăn màu xanh. Không khó để nhận ra rằng đây
chính là Joseph và Mary, đang theo lệnh của hoàng đế La Mã tới đăng ký
dân số.
“Điều tra dân số ở Bethlehem” là một
trong những kiệt tác tiêu biểu nhất của Pieter Bruegel bố. Ông vẽ bức
tranh này khi còn sống ở Bỉ, thời kỳ các nhà họa sỹ ưu tiên nghệ thuật
vẽ tạo hình. Đó cũng là thời điểm tài năng hội họa của Bruegel nở rộ,
chín muồi. Phong cách nghệ thuật trong bức tranh này của Bruegel sau đó
đã trở nên hết sức nổi tiếng sau khi ông qua đời vào năm 1569.
Ảnh sử dụng trong bài viết thuộc Public Domain
Lê Anh (Từ trithucvn)
Các bức tranh này rất độc đáo
Trả lờiXóa