Thứ Hai, 3 tháng 9, 2018

‘Dạy’ buôn lậu hàng Trung Quốc ((Báo Thanh Niên )

Thâm nhập thực tế, PV Thanh Niên phát hiện cả một ‘thế giới’ nhận đào tạo, hướng dẫn thực tế, mở tài khoản rồi thông qua internet để đặt hàng lậu trực tiếp từ Trung Quốc và thanh toán từ xa, đưa hàng về VN.
Kho hàng tại Hoàng Mai (Hà Nội) của một dịch vụ trung gian - Ảnh: V.H
Kho hàng tại Hoàng Mai (Hà Nội) của một dịch vụ trung gian – Ảnh: V.H
Việc đặt mua mà thanh toán trực tiếp tất nhiên sẽ giúp giá thành rẻ hơn khi không mất phí cho trung gian. Chính vì thế, một số “tay buôn” muốn “đánh lớn” sẽ tìm cách chọn hướng này.
Qua tìm hiểu, để được “trang bị” những kỹ năng này, người viết tìm thấy trên mạng các quảng cáo về những lớp dạy “order” hàng (đặt hàng) Trung Quốc với phổ biến 3 mức giá: 1,5 triệu đồng, 4,5 triệu đồng và 6,5 triệu đồng mỗi khóa.
Sang Trung Quốc “mở thẻ” để “đánh hàng”
Tiền nào của đó, nên các khóa học trên cũng vậy! Nếu học khóa 1,5 triệu đồng, người học phải chủ động tìm được hàng, nhưng việc thanh toán sẽ phụ thuộc vào trung gian, bởi các trang bán hàng nội địa Trung Quốc chỉ chấp nhận thẻ nội địa. Việc phụ thuộc khi thanh toán sẽ khiến hàng bị chậm, ảnh hưởng lớn đến việc “săn hàng” sale. Nếu học khóa 4,5 triệu đồng, người học sẽ được mở một cổng thanh toán qua Alipay với hạn mức tối đa 300 triệu/năm hoặc 30 triệu/ngày để thanh toán trực tiếp với chủ hàng.
Đặc biệt, nếu học khóa 6,5 triệu đồng, người học sẽ được đưa sang Trung Quốc trong ngày để mở tài khoản của một ngân hàng nội địa. Với khóa học này, về việc mở thẻ ngân hàng tại Trung Quốc thì tính an toàn và thủ tục thế nào, chúng tôi nhận được cam kết từ người quảng bá rằng: “Thủ tục chị cứ để bọn em lo. Bọn em đã đưa nhiều người đi và chưa ai mất… quả thận nào cả!”.
Sau khi cân nhắc, tôi học thử khóa 1,5 triệu. Địa điểm học là một căn nhà lớn nằm trên đường Tam Trinh (Q.Hoàng Mai, Hà Nội). Nơi đây được sử dụng luôn làm kho hàng và nơi giao dịch với khách, đồng thời là cơ sở của một doanh nghiệp.
Dù là vào cuối tuần, khoảng 5, 6 bạn trẻ vẫn đang tích cực làm việc, tất cả đều thuộc thế hệ 9X. “Thầy” dạy của chúng tôi là một thanh niên sinh năm 1993, có “thâm niên” trong nghề này dù không hề biết tiếng Trung. Một bạn nữ biết tiếng sẽ hỗ trợ khách hàng mở một tài khoản để khách hàng có thể giao dịch và đặt hàng trên mọi trang bán hàng online của Trung Quốc. Sau đó, khách hàng được cài một phần mềm tên Ali…, thì có thể giao dịch với mọi chủ hàng ở mọi trang bán hàng online. Thứ hai là toàn bộ các giao dịch thanh toán đều qua ứng dụng Alipay.
Ngoài việc dạy các kỹ năng cần thiết, “nơi dạy” bao trọn gói các dịch vụ về sau như chuyển tiền vào tài khoản Trung Quốc, thanh toán hộ, đưa hàng về VN. Đáng chú ý, việc chuyển tiền qua biên giới sẽ hoàn toàn không mất phí, nhưng áp dụng tỷ giá “chợ đen” và cũng không giới hạn số lượng tiền chuyển. Tương tự, số hàng nhập về cũng rất “thoải mái”.
Cậu thanh niên mở hệ thống, chỉ cho tôi một danh sách dài những đơn hàng trị giá hàng tỉ đồng và cho biết cứ 2 ngày sẽ có một container hàng về, chủ yếu qua cửa khẩu Lào Cai và Móng Cái. Đây chỉ là lượng hàng của một đầu mối trung gian, và trên thực tế có hàng trăm đầu mối kiểu này.
'Dạy' buôn lậu hàng Trung Quốc - Ảnh 1
Poster quảng cáo của một dịch vụ “dạy” đặt hàng Trung Quốc
Poster quảng cáo của một dịch vụ “dạy” đặt hàng Trung Quốc
Bài học là “lobby” hải quan và quản lý thị trường
Theo “kiến thức” được dạy để nhập hàng, khách hàng có 2 cách thức để chọn: thứ nhất là hàng “tiểu ngạch”, có nghĩa là hoàn toàn không có hóa đơn, thuế, phí… giá chuyển về rẻ hơn (khoảng 22.000 đồng/kg), nhưng hàng thất thường hơn, có thể bị chậm do “tắc biên”. Thứ hai là “chính ngạch” – được cậu thanh niên định nghĩa là “cứ 10 sản phẩm bọn em khai 1, 2, còn lại là “lobby” hải quan”. Và cứ đều đặn 2 ngày hàng sẽ từ cửa khẩu về đến Hà Nội, nhưng giá cao hơn – khoảng 28.000 đồng/kg. Nếu khách hàng muốn lấy hóa đơn để đối phó với quản lý thị trường thì phải báo trước, doanh nghiệp này sẽ lo đủ, tất nhiên có mất phí.
Tôi hỏi liệu có loại hàng gì không nhập được về VN không, cậu thanh niên bảo: có thể đưa bất cứ hàng gì, trừ hàng cấm như công cụ hỗ trợ hoặc pháo. Thậm chí, cả công cụ hỗ trợ cũng có thể đưa về, nhưng nhỏ giọt, mỗi lần một ít, để lẫn vào trong hàng hóa. Chỉ cho chúng tôi kho hàng tràn ngập hàng của khách, cậu thanh niên nói: “Chị cứ làm đi rồi sẽ nghiện, hàng gì nó cũng có và giá rẻ vô cùng, kiếm tiền quá dễ”. Nếu đặt mua số lượng đủ lớn (khoảng từ 500 sản phẩm đối với một mẫu hàng), khách có thể gửi mẫu cho nhà sản xuất phía Trung Quốc và đặt họ sản xuất riêng, đóng logo riêng, nhãn mác riêng…
Qua tìm hiểu một số mô hình tương tự, chúng tôi thấy được hầu hết các dịch vụ này được mở ra bởi những người trẻ tuổi, thường sinh vào những năm 1990, có học hành đàng hoàng. Dịch vụ chăm sóc khách hàng, bán hàng… được tổ chức rất văn minh, chu đáo, chứ không hề lộn xộn.
Theo mô hình này, một số bạn trẻ biết tiếng Trung sẽ sang Trung Quốc tìm thuê một kho hàng hay bất cứ địa điểm nào để nhận hàng, vì các web nội địa Trung Quốc chỉ ship hàng đến các địa chỉ trong nước. Tại kho phải bố trí nhân lực nhận hàng, tập trung ra biên giới rồi vận chuyển về VN.
Căn nhà trên đường Tam Trinh, nơi được dùng làm trụ sở giao dịch, kho hàng ki
Căn nhà trên đường Tam Trinh, nơi được dùng làm trụ sở giao dịch, kho hàng kiêm nơi “dạy” đặt hàng
Bán hàng lậu có cả “đường dây nóng”
Từ thực tế trên, việc trung gian nhập hàng lậu từ Trung Quốc trở nên hoạt động rầm rộ, khi tìm kiếm trên internet có thể hiện ra hàng trăm đơn vị cung cấp. Đơn cử một dịch vụ mà chúng tôi thử tiếp cận, thì nhà order cung cấp cho khách hàng một phần mềm dạng “add on”. Sau khi cài đặt, phần mềm này sẽ chạy ẩn trong trình duyệt Chrome và tự động dịch các web bán hàng Trung Quốc sang tiếng Việt để khách chọn lựa hàng, báo tỷ giá nhân dân tệ (chợ đen) theo từng ngày, tự động tính tiền đơn hàng mà khách đặt. Khách đã có thể đặt hàng và được nhà order xác nhận đơn hàng trong vòng khoảng 2 – 5 phút. Thậm chí dịch vụ khách hàng có cả đường dây nóng, nhân viên tư vấn trực tuyến cùng nhiều dịch vụ liên quan khác.
Thông thường, các nhà cung cấp trung gian đưa cả bảng phí dịch vụ order (bao gồm việc trao đổi với chủ hàng Trung Quốc, mặc cả giá, thương lượng với chủ hàng nếu có trục trặc về chất lượng, số lượng hoàng hóa) khoảng từ 3 – 5% giá trị đơn hàng, tùy vào số lượng; dịch vụ vận chuyển khoảng 20.000 – 30.000 đồng/kg về đến Hà Nội. Khách hàng sẽ không phải bận tâm thuế, phí. Hàng được cam kết về đến kho ở VN.
Đáng chú ý, các dịch vụ này được quảng cáo công khai, rộng khắp. Hầu hết nhà order đều đăng ký thành lập doanh nghiệp, có trụ sở tại các mặt phố (một trong những khu vực tập trung nhiều nhất là quanh phố Nguyễn Viết Xuân, Nguyễn Ngọc Nại, khu vực các quận Thanh Xuân và Hoàng Mai, Hà Nội).
Rủi ro doanh nghiệp Việt bị triệt tiêu cơ hội phát triển
Trong khi đó, luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế VN, cho rằng đây vẫn là câu chuyện của việc kiểm soát biên giới thiếu hiệu quả. Tuy nhiên, điều đáng nói hơn là với sự phát triển của xã hội thì “công nghệ buôn lậu” cũng đã tiến xa hơn nhiều, trong khi các lực lượng chức năng vẫn một kiểu bất lực như cũ, thậm chí còn có dấu hiệu tiếp tay cho hàng lậu. Thất thu thuế, phí là một vấn đề rất lớn; không quản lý được việc thanh toán qua biên giới cũng là vấn đề rất lớn; các sản phẩm văn hóa xuyên tạc, sách vở sai sự thật, bản đồ… thẩm lậu vào trong nước cũng là vấn đề rất lớn. Bên cạnh đó còn là nguy cơ triệt tiêu toàn bộ cơ hội phát triển của doanh nghiệp trong nước, đồng nghĩa với triệt tiêu cơ hội phát triển của đất nước.
Thanh Niên
Nguồn: Thanh Niên

1 nhận xét:

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...