Thứ Ba, 25 tháng 9, 2018

Con quạ trong văn hóa Đông Tây kim cổ

Con quạ xuất hiện trong nhiều điển cố, điển tích ở cả hai nền văn hóa Đông Tây, nhưng quan niệm về loài vật này lại khác nhau rất lớn. Trong khi ở phương Tây, quạ được xem như một biểu tượng của linh hồn, của ranh giới sống – chết; thì ở phương Đông, những vương giả của loài vật này lại xuất hiện trong nhiều truyền thuyết và thậm chí được thờ phụng…

Con quạ trong văn hóa Đông Tây kim cổ
Hình ảnh con quạ trong một bức tranh Triều Tiên.

Trong thần thoại Hy Lạp, quạ là sứ giả của thần Apollo trong thế giới loài người, tuy nhiên nó lại là kẻ báo hiệu điềm gở.
Trong Kinh thánh Hebrew của người Do Thái hay cũng là Kinh Cựu ước của Cơ đốc giáo, quạ là loài vật đầu tiên được nhắc tới. Sách Sáng thế mô tả rằng sau Đại hồng thủy, Noah đã cử một con quạ ra ngoài thuyền để xem nước đã rút cạn hay chưa. Sau đó, quạ cũng được nhắc tới nhiều lần, đôi khi người ta không được phép cho quạ thức ăn, nhưng đôi khi nó lại là sứ giả của Chúa trời. Sau này trong một số truyền thuyết của Cơ đốc giáo, quạ còn đóng vai trò bảo vệ cho một số vị Thánh trong thế giới con người, khi họ gặp tai họa.
Trong thần thoại Bắc Âu, quạ là loài vật thân cận của Odin, vị thần đứng đầu trong thế giới thần thoại Bắc Âu và cũng là vua của “thị tộc” thần thánh Aesir. Ông là vị thần chiến tranh, có khả năng quyết định chiến thắng trong những trận chiến và cũng là thần của sự khôn ngoan.

Con quạ trong văn hóa Đông Tây kim cổ
Con quạ đứng hai bên vai của thần Odin.

Trong thần thoại Celtic, nữ thần chiến tranh Morrigan hiện thân dưới hình tượng quạ trong chiến trận.
Trong một số sử thi phương Tây, quạ còn là loài vật báo hiệu cái chết của các vị anh hùng trong những trận đánh lớn. Chúng thường đi thành cặp, và thường xuất hiện trước người phụ nữ là mẹ hoặc vợ của các anh hùng để đưa tin dữ.
Ngày nay, người phương Tây vẫn thương xem quạ là hiện thân của điềm gở. Người Pháp tin rằng quạ là linh hồn của các linh mục xấu xa. Người Đức coi con quạ là hiện thân của linh hồn bị nguyền rủa. Còn đối với người Thụy Điển, quạ kêu vào ban đêm báo hiệu cho linh hồn của người chết không được an táng đầy đủ.
Tuy là loài ăn xác thối và thường báo hiệu sự chết chóc, nhưng quạ lại là loài chim quốc gia của Bhutan. Nó đại diện cho Jarog Dongchen, một trong những vị thần bảo hộ quyền lực nhất đất nước này. Ở văn hóa phương Đông, những vương giả của loài quạ còn xuất hiện trong khá nhiều truyền thuyết, mang màu sắc huyền bí và cao quý hơn.
Trong thần thoại Triều Tiên, quạ ba chân được gọi là Samjok-o. Trong giai đoạn của vương quốc Goguryeo, Samjok-o được coi là biểu tượng của mặt trời. Người Goguryeo cổ đại nghĩ rằng một con quạ ba chân sống trên mặt trời, trong khi một con rùa sống trên mặt trăng. Samjok-o là một biểu tượng của quyền lực được đánh giá cao, được cho là mạnh hơn cả rồng và bonghwang (phượng hoàng) của Triều Tiên.

Con quạ trong văn hóa Đông Tây kim cổ
Con quạ trong văn hóa Triều Tiên đã dẫn lối cho Thiên hoàng.

Trong thần thoại Nhật Bản, quạ hoặc chim ác đen được gọi là Yatagarasu, quạ tám thước. Yatagarasu là hiện thân của sứ giả, được Thiên Đàng gửi xuống để chỉ dẫn hoặc can thiệp vào xã hội loài người.
Một vị giác giả là Bhusunda trong thế giới của đạo Hindu thường xuất hiện dưới hình tượng là một con quạ, đã vượt qua nhiều lần đại kiếp nạn của thế giới, và sống ở một cái cây trên núi Meru. Quạ cũng là linh vật của một số vị thần khác tại Ấn Độ.

Con quạ trong văn hóa Đông Tây kim cổ
Quạ trong văn hóa Ấn Độ.

Ở Trung Hoa, hình tượng quạ ba chân (tam túc ô) đại diện cho mặt trời, được truyền tụng rộng rãi qua truyền thuyết Hậu Nghệ bắn mặt trời. Người Hán thì xem quạ như một dấu hiệu thần kì để tái lập trật tự xã hội. Ngoài ra trong quan niệm dân gian, con quạ còn là biểu tượng của “đức hiếu thảo”. Trong Tây Du Ký, Đường Tăng được một vị Bồ tát là Ô Sào thiền sư tu trên ổ quạ truyền cho tâm kinh; tâm kinh cũng có vai trò không nhỏ giúp Đường Tam Tạng kiên định tới Tây phương thỉnh kinh Phật.

Con quạ trong văn hóa Đông Tây kim cổ
Tam túc kim ô bị Rồng và Phượng tấn công hoặc vây quanh.
Con quạ trong văn hóa Đông Tây kim cổ
Bức tranh trên là một phần của các bích họa trong quần thể lăng mộ Cao Câu Ly.

Còn ở Việt Nam, con quạ là kẻ tham ăn, vì thế nó đã phải mang bộ lông màu đen suốt đời, là biểu tượng của điềm dữ, thường gắn liền với những bất hạnh của con người. Tuy thế, đôi khi con quạ cũng xuất hiện trong các câu truyện cổ tích vì trí thông minh của nó vượt hơn so với các con vật khác, mà đây là một điều có thật.


Dựa theo bài viết cùng tên trên Facebook Sử Văn Các

1 nhận xét:

Tạp Ghi và Phiếm Luận: Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ (Dỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :                Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ                                       Ăn x ổi  ở th ì,...