Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2018

Chôn đứng - Chuyện Ngắn của Khuất Đẩu


Cụ Bát đã chết hồi đêm.
Bát không phải tên cụ, Bát chỉ là bậc thứ tám trong cái thang phẩm hàm chín bậc của triều đình.
Thường, người ta chỉ mua cái cửu phẩm là đã đủ vẻ vang với làng nước rồi. Phải thực sự giàu có và háo danh như cụ thì mới không tiếc tiền để sở hữu một cái bát phẩm với thẻ ngà lóng lánh như Bắc đẩu bội tinh.
Ngày nhận cái món hàng đắt giá của triều đình, cụ đã cho hát bội ba ngày ba đêm để ăn mừng. Sau đó để tự thưởng cho mình, cụ tục huyền với một chị đàn bà, trẻ đến nỗi còn nhỏ hơn cậu út những hai tuổi.
Khác với các ông anh cứ bám vào cái chức lý trưởng chánh tổng quê mùa, cậu út đã xong cái hậu bổ, chỉ chờ ít lâu là ra chức tri huyện.
Những ngày cuối cùng của cha, luôn có mặt cậu. Như thế, cũng đã đủ trọn hiếu.
Cậu ra dấu cho lão bộc thức canh cái xác ông cụ, sau khi đã đặt một con dao phay lên ngực để ngừa mèo đen nhảy qua làm cụ sống dậy.
Cụ đã sống dậy đến những hai lần rồi, nhưng không phải vì mèo đen.
Lần thứ nhất, cụ đang nằm thẳng cẳng, sau hai ngày đêm chờ tẩn liệm, bỗng kéo chăn ngồi dậy, bình thản nhìn cái dĩa dầu chong trên đầu, bát cơm in và dĩa trứng luộc. Trong khi cả nhà sợ hết hồn, xô nhau chạy trốn, thì cụ không nói không rằng, lấy trứng chấm muối ngồi ăn với cơm, rồi lại nằm xuống ngủ ngon lành.
Sau đó cụ tiếp tục sống, khỏe mạnh như một người bình thường. Chẳng ai dám hỏi cụ đã xuống chầu Diêm vương, sao lại được trở về. Chỉ có cô vợ trẻ là hơi ớn lạnh mỗi khi gần cụ. Cô có cảm giác như mình đang ngủ với ma. Những lúc đó cô ứa nước mắt, thầm giận cha mẹ và thương cho cái nhan sắc hơ hớ xuân tươi của mình. Đã lấy phải một ông chồng già, mà lại là một ông chồng già mắc dịch, cứ chết đi sống lại mãi vì hãy còn tiếc cô vợ trẻ.
Lần thứ hai, kinh hoàng hơn. Trong khi người ta đang đóng những chiếc đinh cuối cùng lên nắp ván thiên, thì nghe tiếng dộng chân rầm rầm trong quan tài. Đành phải khui ra xem sao. Thì cụ liền ngồi bật dậy, hất tung mọi thứ trên người, bước ra khỏi hòm, mắng con mắng cháu một trận tơi bời.
Sau đó, cụ lại sống khỏe, sống dai cho đến tận hồi đêm. Chỉ có cô vợ trẻ là buồn vì chưa tin cụ chết thật.
“Lần này chết thiệt rồi đó”, cậu út nói với cô.
“Ở đó mà thiệt. Cứ cái kiểu này thì chính tôi chết thiệt chớ không phải cha anh”.
“Thiệt mà, thầy Hào y bảo mạch tắt rồi. Cẩn thận hơn, ổng còn lấy máu ở đầu ngón tay. Lạnh ngắt, chẳng có một giọt máu nào. Vạch tròng mắt ra xem thì thấy mắt trắng dã cứng đờ, vậy không chết thiệt thì là gì!”.
Nhưng cô vợ vẫn sợ và vẫn khóc (dĩ nhiên không phải khóc chồng).
Cụ được đặt nằm ở gian giữa, là gian đường bệ nhất của một ngôi nhà lá mái dài rộng đến những năm gian hai chái, đầy những hoành phi câu đối chữ đẹp như rồng bay và những bộ liễn cẩn xa cừ óng ánh. Các cửa đều đóng kín nên căn nhà trở nên âm u và càng ớn lạnh hơn khi chủ nhân nằm đó, không phải ngủ mà là chết.
Đêm đã khuya. Ông lão bộc, trời cho chỉ được thấy chứ không thể nghe, chẳng thể biết được những gì cậu út đang rì rầm dỗ dành bà chủ nhỏ trong buồng. Cái gian buồng mà mới hồi trưa đây, cụ Bát đã sờ tay lên cái bụng mát lạnh không một nếp nhăn của cô, hỏi: “Thiệt à? Có mang thiệt à? Vậy là lão bạng sanh châu, đại hỷ, đại hỷ!”. Cụ cúi xuống hôn đánh chụt vào giữa rốn để ăn mừng trong khi cô khó chịu vì những sợi râu lột nhột.
Nhớ lại những điều đó cô cảm thấy rợn người. Lão chưa chết thiệt thì lần này mình sẽ ra sao? Đem điều ấy hỏi cậu út thì cậu bảo:
“Thì sống”.
“Đâu phải chuyện sống”.
“Chuyện gì khác, tính sau. Giờ thì hãy ngủ đi”.
Định cúi xuống làm một cử chỉ gì đó, nhưng chợt nghĩ tới ông cụ, cậu liền đứng lên đi ra khỏi buồng.
***
Sáng hôm sau ông cả, lúc này đang là chánh tổng, từ làng bên thong thả cưỡi ngựa đến. Con ngựa tía chợt hếch cái miệng đang ngậm hàm thiếc, hí lên một tiếng chói tai khi ông cột nó vào cây cọc đã cắm sẵn. Ông vỗ vỗ vào cái mặt dài để bảo nó câm miệng lại. Xong, ông cẩn thận bước lên thềm.
Tiếng hí của con ngựa làm cho cậu út thức dậy nhưng ông lão bộc câm vẫn ngồi gục đầu trên hai cánh tay. Cậu phải đứng lên đi mở cửa.
“Chết thiệt rồi à?”, ông cả hỏi.
“Dạ, thưa anh cả, chết thiệt rồi. Cả đêm không thấy động tĩnh gì”.
“Mới có một đêm mà ăn thua gì. Lần này không chừng cả tháng cũng chưa chắc là chết thiệt. Thôi cứ để cụ nằm đó. Phải kiếm người khác thay lão già này. Trông lão ngủ ngồi kìa, tội nghiệp quá”.
“Dạ”.
Ông cả ghé đến cái xác đang đặt nằm trước gian thờ ông bà tổ tiên. Ông đứng một lúc lâu, nhìn tờ giấy đang đắp trên mặt. Tờ giấy nằm lặng im, như một lớp váng mỡ trên nồi thịt kho. Lần này ông cũng nghĩ là chết thiệt. Quá tam ba bận rồi.
Vậy cũng xong, chỉ tiếc là không nghe được cụ trăn trối điều gì. Lúc sống, một đôi lần cụ bảo, khi nào ta chết, chắc cũng còn lâu, thì xây một cái tháp như tháp tổ chùa Thiên Bình, dựng cái hòm có ta trong đó.
“Chôn đứng à?”.
“Thì đứng chớ sao!”.
“Các hòa thượng hỏa táng xong mới đưa tro vào tháp, cha đứng mãi như vậy không sợ con cháu nhà mình mạt sao?”.
“Sao mạt được. Không nằm trong lòng đất, không lửng lơ trên ngọn cây, chôn đứng như vậy thì một ngàn năm sau cũng chẳng ai dám động đến. Mà mồ mả không ai động đến, nếu không vượng thì thôi sao lại mạt?”.
“Con nghe nói chừng nào xương thịt kết đất thì con cháu mới ăn nên làm ra”.
“Nhà mình như thế này là tột đỉnh xưa nay chưa từng có. Bộ muốn làm vua nữa sao?”.
“Ấy là con nói vậy thôi, nếu thật ý cha muốn vậy, thì tụi con cũng phải nghe theo”.
“Ừ, ta muốn đứng như vậy đó”.
Ông lật tờ giấy, nhìn mặt ông cụ. Một khuôn mặt mới đó hồng hào mà chỉ sau một đêm đã teo tóp, nhăn nhúm như thể ông cụ đã sống hơn trăm tuổi. Thế này, thì đúng là không thể nào sống lại được.
Ông bước qua chái bên, bảo chú út cẩn thận với lũ mèo đen, còn mình thì đi ra đồng, xem lại chỗ đất mà thầy địa lý đã chọn.
Đó là một cái gò cao mới tạo, nằm giữa mênh mông ruộng nhà. Vị trí có thể nói là tuyệt đẹp, khi đứng trên gò nhìn những sóng lúa chập chờn bao quanh, trước mặt là núi An Tượng như một con voi khổng lồ, sau lưng là núi Mò O cao chót vót, bên trái là đầm Thị Nại xanh biếc, bên phải là tháp Cánh Tiên vàng rực. Nơi đây ngày trước là vũng trâu nằm, nhưng thầy địa lý bảo đó là nơi địa long và thiên long gặp nhau. Nên chi, tất cả giàu sang, quyền quý đều hội tụ ở đây. Cả đời thầy mới tìm được chỗ này, đó cũng là nhờ phúc đức của nhà cụ. Có điều phúc nhiều hay ít, thì thầy chịu, mệnh trời không sao biết trước được.
Ông cả vẫn nhớ như in những điều ấy. Ông thấy cha mình muốn chôn đứng ở đây, chắc là vẫn muốn được nhìn quang cảnh hùng vĩ và cái khối tài sản bát ngát không thể mang theo được của mình. Ông liền quay về nhà, gọi thợ ngày đêm chở đá đến để xây tháp.
Như thường lệ, các bà con gái đã bắt đầu tỉ tê khóc lóc. Có điều các bà chỉ khóc ở nhà ngang, nhà bếp, khóc trong sân, ngoài vườn chứ không ai dám đến gục đầu mà khóc bên ông cụ. Người nào, tuy ai cũng bù lu bù loa, nhưng vẫn rất tỉnh táo để có thể ;ập tức bỏ chạy nhanh nhất khi ông cụ cắc cớ lại một lần nữa ngồi dậy. Cụ đã sống lại đến những hai lần, không chừng không thành ma thì giờ đây sẽ thành quỷ nhập tràng.
Cùng lúc ấy, các bà con dâu, những người ăn cánh với nhau chụm đầu thì thầm, rằng hãy coi chừng cái con phù thủy trẻ ranh kia. Ông cụ chôn xong bữa nay thì bữa mai phải tống khứ nó đi ngay.
“Nhưng mà nghe đâu chú út nhà mình quyến luyến nó lắm kia mà. Dễ gì mà tống cổ nó ra khỏi nhà cho được”.
“Lại nghe nó đã có mang, vậy ông cụ nhà mình cũng ngon đó chớ”.
“Ngon gì mà ngon, vậy là cứt lộn đầu rồi. Ai chẳng biết cái bụng đó là của chú út nhà mình”.
“Nó đúng là hồ ly tinh”.
“Thôi, đừng nhắc chuyện đó nữa, thối quá. Nghĩ thương cho vong hồn của bà cụ”.
***
Đến ngày thứ năm, khi cái xác ông cụ trong không khí oi nồng đã chương lên như một cái bong bóng cá, thì người ta mới quyết định phát tang.
Một cái hòm gỗ sao thơm phức, chè khô và khăn áo, vải liệm được đưa tới. Người ta nấu nước thơm rửa xác, lại lau sạch bằng rượu Bầu Đá. Các thầy liệm mặc áo, đội khăn, mang tất, trước khi dùng dây vải cột hai chân và hai tay. Theo lệ thì chỉ cột lơi lơi cho khỏi xục xịch, nhưng với cụ, để ngừa một lần nữa cụ có thể ngồi dậy, người ta cẩn thận buột chặt thêm nhiều bận.
Cái hòm được đổ thủy để hàn kín các kẽ dù nhỏ nhất. Rồi lụa mỡ gà óng ánh được lót như dát vàng trước khi trịnh trọng đặt xác cụ vào. Sau đó người ta đổ đầy chè tàu, loại chè thơm ngon nhất để hút chất ẩm.
Nắp ván thiên được đặt lên.
Những cây đinh lạnh lùng được đóng xuống.
Ngoài tiếng búa gõ rất chắc và đanh xoáy vào màng nhĩ, người ta còn hồi hộp ngóng chờ những tiếng động bí ẩn từ trong hòm.
Một cái đinh, hai cái đinh, rồi đến cái đinh thứ mười mà vẫn không nghe tiếng gì khác, người ta mới thở phào, ra hiệu cho thầy lễ.
Con cháu mặc áo đại tang, tùy theo thứ bậc, quỳ thành nhiều hàng sau lưng ông cả. Ông đội mũ rơm, trên có đặt mấy cái sớ viết bằng chữ Hán. Thầy xướng “bái”, rồi xướng “hưng” đến cả trăm lần, làm đám con cháu mệt phờ vì đứng lên quỳ xuống. Mùi hôi cộng với hương trầm đặc quánh như có thể sờ nếm được, khiến mọi người gần như ngạt thở. Nhiều người muốn nôn, nhất là bà quả phụ trẻ. Dù hết sức nín nhịn nhưng cuối cùng bà cũng phải gục mặt xuống chiếu mà nôn thốc nôn tháo.
Mãi đến giữa ngọ thì lễ thành phục mới xong.
Giờ là lúc những người khóc mướn thay con cháu ngồi thành hai hàng để đón chào khách viếng. Trống kèn được dịp nổi lên ỉ eo để nâng đỡ tiếng khóc nỉ non của bọn họ.
Suốt ngày đêm, ngoài tiếng kèn lê thê kể lể còn có tiếng tum, cắc nghe như tiếng nấc. Một đám ma to hơn cả hội hè khiến bọn trẻ con được dịp hò hét phụ họa.
Nhưng để tránh ngày trùng, ngày sát chủ, chọn cho được ngày đại cát và nhất là đợi cái tháp vĩ đại kia xây xong, người ta vẫn phải quàn xác cụ lâu đến cả tháng. Mùi thối, cho dù được đổ thủy, ướp trà vẫn cứ xông ra nghẹt mũi. Các đinh đã bắt đầu nhớm lên, nước tràn qua kẽ, nhỏ từng giọt xuống những cái chậu kê sẵn.
Con cháu trong nhà không một ai dám tới quỳ lạy, cả những khách viếng cũng đứng ngoài sân. Chỉ có những người khóc mướn được nâng giá mỗi ngày đến một tạ thóc, mới cố chịu đựng mà gào lên như cha chết.
Vậy mà, cái nắp ván thiên một hôm lại bật ra nhảy dựng lên, kêu đánh rầm khi rơi xuống nền gạch.
Mọi người ù té chạy. Ban lễ nhạc cũng bỏ cả trống kèn mà kiếm chỗ trốn núp. Mùi hôi như một bầy dơi đen bay tỏa khắp nhà.
Cái bụng của cụ phồng lên hất đổ cả xác trà lúc này đã no tròn như những con nhộng. Nhưng cụ không ngồi dậy.
Thật hú hồn.
Mặc dù bị xì xầm là mang tội bất hiếu, nhưng để cái nắp ván thiên khỏi bật ra lần nữa, ông cả vẫn phải bảo thợ rèn, đánh những cái đai bằng thép để nịt lại.
Rồi cũng đến ngày di quan.
Hòm được đặt trong nhà táng lộng lẫy, có tua ngũ sắc, có hạt minh châu, có hình bát tiên. Lão chấp kích, râu tóc bạc trắng vẫn còn đủ sức để hết nhảy sang trái lại nhảy qua phải, hết ra trước lại lộn ra sau, hai cái thanh gỗ nâu bóng luôn gõ cắc cắc để điều khiển đám dân phu. Khi thì nâng cao lên khỏi đầu, khi thì khom lưng xuống sát đất, sao cho dù lên dốc hay xuống dốc, qua cống hay qua mương vẫn giữ được thăng bằng, ly rượu đặt ở trên nắp ván thiên không được đổ đi một giọt.
Để tiện việc di quan, người ta cắt hết lúa trên ruộng, san phẳng những bờ thửa, tạo thành một con đường thẳng tắp dài đến cả mấy cây số, rộng đến những năm thước. Linh cữu của cụ Bát được cả trăm dân phu và tá điền thay nhau khiêng, hì hục è ạch lội qua những đám ruộng bùn, trông như một bầy kiến đen đang đưa con mồi về hang.
Trong khi đó, những kẻ khóc mướn, cứ hết lượt này đến lượt khác, chạy đến trước đầu nhà táng, nằm lăn lộn trên bùn, đấm ngực bứt tóc, vật vã đau đớn, để cản đường những kẻ tàn nhẫn kia sao cứ cố tình đem chôn ông cụ.
Dĩ nhiên mùi hôi thối vẫn không vì thế mà bớt đi. Có điều là nhờ ngang qua cánh đồng đang mùa lúa trổ, nên cả một đám đông dân làng kéo theo sau (để xem chứ không phải đưa tiễn) vẫn không đến nỗi vì mùi xác chết mà phải khạc nhổ.
Sau cùng, thì cái hòm gỗ quý của cụ Bát cũng được dựng đứng một cách uy nghiêm trong lòng cái tháp được xây bằng đá núi thiên thu, chính giữa có tạc hình thẻ bài bát phẩm được thếp vàng óng ánh.
Từ đây, dưới ánh mặt trời mọc và lặn, cái bóng đen thẫm đồ sộ của nó ngã xuống cánh đồng như một bóng núi. Dân trong vùng mỗi khi đi ngang qua đều không dám ngước nhìn.
Mãi mãi như thế, dù dưới trời quang mây tạnh hay trong gió rét căm căm, nó vẫn đứng sừng sững.
Cho dù một trăm năm.
Cho dù một ngàn năm.
Ai cũng tin như thế.
Nhưng chưa đến một năm, trong một trận mưa giông mù mịt, cái tháp đã bị sét đánh vỡ toang.
Cụ Bát không đứng dậy bước đi như Tôn Hành Giả khi ra khỏi Ngũ Hành Sơn, mà ngã nhào xuống thành một đống bầy nhầy, đầy những thịt và xương thối hoắc.
Sau này, trong câu chuyện kể, bao giờ người ta cũng hạ một câu: “Nó nổ cái bùm, nghe thiệt sướng tai!”.

01/07/2012
Khuất Đẩu

1 nhận xét:

AI-Ngu Yên Chuyển Ngữ : Seemi PhD: A.I. định hình tương lai văn học 2024 như thế nào?

  Trong thời đại mà công nghệ dường như phát triển trong chớp mắt, thế giới văn học có thể tỏ ra tương đối tĩnh lặng, một thiên đường truyền...