Thứ Hai, 24 tháng 9, 2018

Độc Lão Tử - Bạch Cư Dị (772-846) (PKT,Mai Xuân Thanh,Đỗ Chiêu Đức )

Theo sách vở lưu truyền, bộ Đạo Đức Kinh do Lão Tử (?) viết ,khoảng thế kỷ thứ tư trước Công Nguyên, bên Tàu.  Bộ kinh này gồm có 81 chương, trên dưới 5000 chữ, nói về Đạo (mặt tĩnh), Đức (mặt động) của nguồn gốc tạo vật, và học thuyết Vô Vi khuyên bảo loài người nên sống thuận theo sự sinh hoá của thiên nhiên.  Bài thơ sau đây bàn về hai câu mở đầu chương 56 : "Tri giả bất ngôn / Ngôn giả bất tri ", theo ngữ nghĩa của từng chữ một: " Người biết không nói / Người nói không biết"  ̣  

Độc Lão Tử
Bạch Cư Dị (772-846)

Ngôn giả bất tri tri giả mặc
Thử ngữ ngô văn ư Lão quân
Nhược đạo Lão quân thị tri giả
Duyên hà tự trước ngũ thiên văn 

Dịch Xuôi : Người đã nói nên được thành lời (ngôn giả) là người không hiểu biết gì về Đạo , còn người đã hiểu biết về Đạo (tri giả) thì lại phải làm thinh vì không thể dùng lời để nói về Đạo được/  Câu này tôi đã nghe được từ Lão Tử / Nhưng như vậy nếu cho rằng Lão Tử là bậc tri giả, biết mà không nói ra đưọc / Thì duyên cớ gì  Người đã phải ngồi viết ra năm ngàn câu cho bộ Đạo Đức Kinh ?

Đọc Lão Tử
PKT 09/20/2018

Không biết mới nói, còn biết làm thinh,
Biết hay không biết, rành rẽ phân minh. 
Nếu nói Lão Tử là người hiểu biết, 
Thì ai ngồi viết năm ngàn câu kinh ?

Lời Thêm : Đã là một chút đùa với chữ nghĩa, chuyển dịch từng chữ một cho vui, trong phút cao hứng trà dư tửu hậu của người xưa, hay còn là một bài học nào cho hậu thế chúng ta ?  PKT 09/20/2018

Tri Khac Pham
Phamid1934@gmail.com
 Đọc Lão Tử
(Qua diễn Nôm của thầy Trí Khắc Phạm)
MXT xin góp vui vào VTT như sau :
“Đạo” Khó Biểu Đạt Từ Ngàn Xưa

Nếu nói nên lời “Đạo” ở đâu
Làm thinh, hiểu biết rõ hơn nhau
Ngàn xưa Lão Tử : “năm ngàn chữ”
Thông thái bộ kinh sách sở cầu

Lý luận gì đây... hà tất “biết”
Không nghe lặng lẽ...viết ngàn câu
“Bất tri” chớ thốt lời chưa thấu
“Biết” rõ, im thin thít bắt rầu !

Mai Xuân Thanh
Ngày 20/09/2018
 Đỗ Chiêu Đức tham gia với các phần sau đây :
1. Nguyên bản chữ Hán cổ của bài thơ :

     讀老子                      Độc Lão Tử
言者不如知者默,   Ngôn giả bất như tri giả mặc,
此語吾聞於老君。   Thử ngữ ngô văn ư Lão Quân. 
若道老君是知者,   Nhược đạo Lão Quân thị tri giả,
緣何自著五千文?   Duyên hà tự trứ ngũ thiên văn ?

              白居易                               Bạch Cư Dị
                       
2. Chú Thích :
    - Độc Lão Tử : Là Đọc sách của Lão Tử viết.
    - Ngôn Giả : là Người nói. Bất Như : là Không bằng.
    - Tri Giả : là Người biết. Mặc : là Trầm mặc, là im lặng.
    - Thử Ngữ : là Câu nói nầy. Ngô Văn Ư : là Ta nghe ở ...
    - Lão Quân : là Thái Thượng Lão Quân, tức là Lão Tử,
                       Ông tổ của Đạo Giáo.
    - Nhược Đạo : là Nếu nói rằng, Nếu bảo rằng.
    - Duyên Hà : là Duyên cớ làm sao ..., Tại làm sao ...?
    - Tự Trứ : là Tự mình trứ tác, là Tự mình viết ra.

3. Nghĩa bài thơ :
                    Đọc Tác Phẩm của Lão Tử
      " Người nói không bằng người biết mà im lặng không nói." Câu nói nầy ta nghe được ở Thái Thượng Lão Quân. Nếu bảo Thái Thượng Lão Quân là người hiểu biết, thì cớ sao ông ta còn tự tay viết nên năm ngàn chữ của quyển Đạo Đức Kinh ?

       Chương thứ 56 của Đạo Đức Kinh 道德經 mở đầu bằng câu : " 知者不言,言者不知 Tri giả bất ngôn, ngôn giả bất tri " Có nghĩa : "
Người hiểu biết là người không nói, còn người hay nói là người chả biết gì ". Vì câu nói nầy mà Bạch Cư Dị làm bài thơ tứ tuyệt trên để chất vấn Lão Tử :
       Ông nói là " Người biết không nói, Người nói là người không biết ". Nếu nói ông là người biết ( thì ông phải lặng thinh ), chứ cớ sao ông lại viết ra đến 5 ngàn chữ ? ( Thế thì ông có phải là người hiểu biết chăng ?). Ý nói là : Ông nói một đàng, làm một nẻo; Nói xong rồi tự đưa tay lên vả miệng mình luôn !

4. Diễn Nôm :
                             
                     Người nói không bằng biết lặng câm,
                     Lời nầy ta nghe tự Lão Quân.
                     Nếu bảo Lão Quân là người biết,
                     Sao còn viết đến năm ngàn hơn ?!

       Có một giai thoại mà Bạch Cư Dị không hề biết, là : Đạo Đức Kinh không phải do Lão Tử 老子 viết nên, mà là do Doãn Hỉ 尹喜 viết thành theo như tiểu truyện sau đây :

       Lão Tử vốn họ Lão, tên Nhĩ, tự là Bá Dương, sanh khoảng 655-622 trước Công Nguyên, đời Châu Huệ Vương. Khoảng 20 tuổi, vì chiến loạn nên về sống với chú là Châu Thái Sử. Vì chú không có con, nên ba bốn năm sau, vào năm thứ 31 đời Châu Tương Vương, tiếp nhận chức Thái Sử của chú và giữ chức vụ nầy đến 32 năm. Sau thấy khí số của nhà Châu đã suy vi, bèn từ quan mà đi. Khi đến ải Hàm Cốc, có quan giữ ải là Doãn Hỉ, bấy lâu đã mộ tiếng Lão Tử, bèn cùng từ quan mà theo về ở núi Chung Nam, rồi cùng về quê của Doãn Hỉ ở Thiên Thủy mà định cư.
     Khi nhà Tây Châu mất, vương thất của Đông Châu phái người đến tìm Doãn Hỉ ra làm quan, thấy có một ông già tiên phong đạo cốt ngồi một bên, mới hỏi là ai và định mời ra làm quan luôn, nhưng vì Lão Tử đã chán ngán với cảnh quan trường, nên mới nói thác đi mình mang họ Lý, vì thấy có cây Lý trước cửa. Từ đó mọi ngừơi mới gọi ông là Lý Nhĩ.
     Sau khi Doãn Hỉ ra làm quan, lúc rảnh rổi mới ngồi chép và biên soạn lại những gì mà lúc còn ở chung đã hỏi và đã được Lão Tử giải thích cặn kẽ, viết lại thành quyển Đạo Đức Kinh. Nên trong Đạo Đức Kinh ta chỉ thấy câu trả lời mà không hề thấy câu hỏi bao giờ, vì Đạo Đức Kinh là do Lão Tử khẩu đáp và do Doãn Hỉ hệ thống lại mà thành.
    
 Nhưng,
                Mặc dù không phải của ông viết, nhưng vẫn là lời của ông nói như thường !

                                                         Đỗ Chiêu Đức

1 nhận xét:

AI-Ngu Yên Chuyển Ngữ : Seemi PhD: A.I. định hình tương lai văn học 2024 như thế nào?

  Trong thời đại mà công nghệ dường như phát triển trong chớp mắt, thế giới văn học có thể tỏ ra tương đối tĩnh lặng, một thiên đường truyền...