Thứ Năm, 20 tháng 9, 2018

Mại dâm và tình dục qua góc nhìn sử học

Tạ Chí Đại Trường là nhà nghiên cứu lịch sử hiếm hoi khảo cứu về vấn đề mại dâm và tình dục trong lịch sử Việt Nam.
Khác với các sử gia khác, Tạ Chí Đại Trường luận giải chi tiết trong Đại Việt sử ký toàn thư (Quyển XIV), chép sự kiện vua Lê Hiến Tông về Tây Kinh mùa xuân năm 1501 rằng: “Vua cấm các quan không được sai quân cờ chở vợ con, cho kỹ nữ đi theo, bừa bãi tình dục”.
Trong tiểu luận Sex và triều đại, in trong tập Chuyện phiếm sử học (NXB Tri thức 2016), ông phân tích chi tiết rằng: “Chữ ‘nữ kỹ’ trong Toàn thư đã được các sử quan nhà Nguyễn thế kỷ XIX sửa thành ‘nữ nhạc’ vừa cho hợp với thể giá tầng lớp thanh cao của mình, vừa để khỏi thất kính dưới mắt đấng quân vương sắp buông lời châu phê”.
Mai dam va tinh duc qua goc nhin su hoc hinh anh 1
Sex và triều đại là một trong sáu tiểu luận in trong tập Chuyện phiếm sử học của Tạ Chí Đại Trường.
Trong tiểu luận này, nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, ở nhà nước phong kiến Đại Việt, nhà nước không bao cấp hay cùng với nhân dân tổ chức việc mua, bán dâm như ở Trung Quốc với các “hoa thất” thời nhà Tống, các “tửu gia” do bộ Công quản lý hoặc các hình thức “thanh lâu, hồng lâu, ca thất, ca kỹ thất, trà gia”.
Pháp luật thời phong kiến cũng quy định chặt chẽ và nghiêm khắc về vấn đề này, như thời vua Lê Tương Dực, năm 1511 đã soạn ra sách Trị bình bảo phạm (Nguyên tắc báu cho việc trị bình), trong đó viết: “Quan các nha môn trong ngoài… không được sai khiến người dưới quyền dắt mối gái điếm”.
Dù nhà nước cấm các hoạt động mại dâm công khai, nhưng Tạ Chí Đại Trường nhận định: “Tuy nhiên rõ ràng là có tổ chức mại dâm trong dân chúng”, với các dẫn chứng được ghi lại trong thơ văn, như người ca kỹ thành Thăng Long trong thơ Nguyễn Du. Ông cũng đưa ra kết luận rằng vấn đề mại dâm “có một khía cạnh của một tổ chức không lên đến cấp bậc trung ương, nhưng ở khu vực hành chính cấp thấp đã gây nên tai tiếng dưới mắt vua quan thấm nhuần kinh sách”, như ở các giáo phường.
Trong các ghi chép của người phương Tây từng đến nước ta, Tạ Chí Đại Trường nhận thấy có đề cập đến vấn đề bán dâm ở Đàng Ngoài, trên các làng nằm dọc La Rivière du Tonkin, nơi đón các thương khách ngoại quốc, và các cô gái hành nghề này ngày nay vẫn thường đến cầu khấn ở đền Phủ Giầy, Nam Định (dẫn từ Trần Quốc Vượng, Dặm dài đất nước, NXB Thuận Hóa 2006).
Sinh hoạt mại dâm của Đàng Trong cũng có vẻ buông thả không thua kém. Ông dẫn chứng bằng bài viết “Nhật ký du hành xứ Đàng Trong của James Beans” đăng trong tập Nghiên cứu Huế, (tập 2, 2001) về câu chuyện được ghi lại chính xác vào ngày 2/1/1765, như sau: “Một du khách tình cờ trên đường từ Hội An đến Phú Xuân để triều kiến chúa Nguyễn, gặp một cô gái đẹp, cho tiền định mua dâm, cô gái bỏ chạy thì một người đàn bà có tuổi tiến đến ‘ngỏ ý tìm hộ một cô thôn nữ nhỏ…'”.
Bên cạnh nghiên cứu về vấn đề mại dâm, trong tiểu luận này, Tạ Chí Đại Trường cũng đi vào phân tích về tình dục trong cung đình Đại Việt, khảo sát về tầng lớp hoạn quan cũng như những ghi chép về các trường hợp đồng tính luyến ái, chuyển đổi giới tính trong lịch sử nước ta.
TS Trần Trọng Dương đánh giá: “Tạ Chí Đại Trường đã đi vào vấn đề sex (tình dục) tại các triều đại với con mắt của nhà khoa học. Ông lạnh lùng với những điều cấm kỵ, để từ đó, ông lật ra được những diễn ngôn lịch sử, xâu chuỗi những ghi chép rời rạc, lẩn khuất đằng sau những câu chữ được ghi lại”.
GS Phan Huy Lê cũng nhận xét: “Tạ Chí Đại Trường là một nhà sử học có tính độc lập và phong cách riêng trong nghiên cứu lịch sử”.
Tạ Chí Đại Trường (1938 – 2016) quê gốc Bình Định nhưng sinh tại Nha Trang trong một gia đình trí thức (cha là cử nhân Hán học). Ông tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Lịch sử tại Đại học Văn khoa Sài Gòn năm 1964. Ông sang định cư tại Mỹ từ năm 1994.
Ông bắt đầu nghiên cứu lịch sử Việt Nam từ trước 1975 với nhiều công trình được giới sử học trong và ngoài nước đánh giá cao bởi những kiến giải quan trọng và mới mẻ, khoa học và khách quan về lịch sử Việt Nam.
Từ cuối thập niên 2000, một số tác phẩm của Tạ Chí Đại Trường bắt đầu được in và phát hành trong nước như Thần, người và đất Việt, Những bài dã sử Việt, Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802, Người lính thuộc địa Nam Kỳ…
Ngoài nghiên cứu về sử học, Tạ Chí Đại Trường còn là một người sưu tầm, nghiên cứu tiền cổ và là một nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam đáng vị nể. Ông được trao giải thưởng Văn hóa Phan Chu Trinh năm 2014.
Nguồn: Zing

1 nhận xét:

AI-Ngu Yên Chuyển Ngữ : Seemi PhD: A.I. định hình tương lai văn học 2024 như thế nào?

  Trong thời đại mà công nghệ dường như phát triển trong chớp mắt, thế giới văn học có thể tỏ ra tương đối tĩnh lặng, một thiên đường truyền...