Thứ Ba, 26 tháng 11, 2019

26/11/1941: FDR lập Lễ Tạ Ơn hiện đại ( Nghiên Cứu Quốc Tế )


Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng




Vào ngày này năm 1941, Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã ký phê chuẩn một đạo luật nhằm chính thức chọn ngày thứ Năm thứ tư trong tháng 11 là Lễ Tạ ơn (Thanksgiving Day).

Truyền thống tổ chức Lễ Tạ ơn vào thứ năm bắt nguồn từ lịch sử thuộc địa Plymouth và Massachusetts Bay, khi các ngày lễ sau thu hoạch được tổ chức vào ngày thường trong tuần, gọi là “Lecture Day,” một cuộc họp tại nhà thờ vào giữa tuần. Một trong những Lễ Tạ ơn nổi tiếng là vào mùa thu năm 1621, khi thống đốc Plymouth, William Bradford, mời người da đỏ bản địa tham gia với những người hành hương (Pilgrims) trong một lễ hội kéo dài ba ngày được tổ chức để tạ ơn vì mùa màng bội thu.

Lễ Tạ ơn đã trở thành một phong tục được tổ chức hàng năm trên khắp New England trong thế kỷ 17, và vào năm 1777, Quốc Hội Lục địa đã tuyên bố tổ chức Lễ Tạ ơn đầu tiên trên toàn nước Mỹ sau chiến thắng của phe Ái quốc (Patriot) tại Saratoga. Năm 1789, George Washington trở thành Tổng thống đầu tiên tuyên bố một ngày Lễ Tạ ơn chính thức, khi, theo yêu cầu của Quốc Hội, ông tuyên bố chọn thứ năm, ngày 26/11, làm lễ tạ ơn quốc gia dành cho Hiến pháp Hoa Kỳ. Tuy nhiên, phải đến năm 1863, khi Tổng thống Abraham Lincoln mới tuyên bố Lễ Tạ ơn chính thức là ngày thứ năm cuối cùng của tháng 11, ngày lễ mới được tổ chức trên toàn nước Mỹ.

Trừ một vài ngoại lệ, tiền lệ đặt ra bởi Lincoln đã được tiếp nối hàng năm bởi các tổng thống kế nhiệm cho đến năm 1939. Năm 1939, Franklin D. Roosevelt thay đổi truyền thống bằng cách tuyên bố ngày 23/11, ngày thứ Năm kế cuối của tháng 11, là ngày Lễ Tạ ơn. Đã có tranh cãi đáng kể xung quanh sự sai lệch này, và một số người Mỹ từ chối chấp nhận tuyên bố của Roosevelt. Trong hai năm tiếp theo, Roosevelt lặp lại tuyên bố không được ủng hộ của mình, nhưng vào ngày 26/11/1941, tổng thống đã thừa nhận sai lầm của mình và ký một đạo luật chính thức chọn ngày thứ Năm cuối cùng của tháng 11 làm ngày Lễ Tạ ơn.

1 nhận xét:

VỠ MẢNH TRĂNG THỀ _ Thơ Songquang và Bài Họa Của Các Thi Hửu

VỠ MẢNH TRĂNG THỀ (cho nhớ ngày giỗ lần 2 hiền thê) Thu nao em đã bỏ anh rồi! Một mảnh trăng thề vội lẻ đôi Tình đó đã sâu giờ cách biệt Ngh...