Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2019
TÌNH THÂM - Chuyện Ngắn của Đào Anh Dũng
G iờ tan sở, nhóm đi làm chung xe chúng tôi gồm bốn người ngụ cùng thành phố bước ra bãi đậu xe, nhìn nhau lắc đầu. Tiết tháng Ba. Trời còn lạnh và đang đổ tuyết lẫn mưa đông đá. Chị Katie
lẩm bẩm:
“Lại tuyết nữa! Mà sao cứ giờ cao điểm là đổ. Tôi nản cái tiểu bang này quá rồi!”
Chúng tôi, ba người còn lại,cười trừ, im lặng, không ngạc nhiên. Katie than phiền cũng phải. Chị là dân Nam Cali, vì công việc làm
mới trôi dạt đến tiểu bang miền cực Bắc nầy. Jerry là dân bản xứ; Annan, gốc Ấn Độ, và tôi, người Việt, cư ngụ tại Minnesota hơn 25
năm nay. Nếu nói chúng tôi đã quen với thời tiết khắc nghiệt của Minnesota thì không đúng. Chính Jerry có lần bảo rằng anh không
hiểu sao anh chịu nổi những ngày 40, 50 độ F âm ở đây.Nói chúng tôi đã chai lì có lẽ đúng hơn.
Hôm nay đến phiên tôi làm tài xế. Vừa quẹo vào con đường trơn trợt dẫn ra xa lộ tôi thấy mình đã lầm lẫn,nói ngay:
“Phải chi mình đi đường nhỏ hén.”
Annan ngồi bên, an ủi:
“Tôi nghĩ cũng không khá hơn đâu!”
Tuyết và những hạt mưa đá li ti rơi tới tấp, đập vào kính xe, rồi đông lại. Nếu không có cái quạt nước đang chạy nhanh và hệ
thống sưởi đang thổi thật mạnh thì đành bó tay tấp vào lề. Xa lộ như một bãi đậu, xe nối đuôi dài dài. Tôi mở radio. Tin tức chú trọng đến thời tiết và tình trạng các xa lộ. Annan nói đúng.
Ngõ ngách nào cũng kẹt xe hết. Tôi nghĩ ngay đến đoạn đường về nhà chiều nay. Cầm chắc là hai tiếng đồng hồ. Tôi bấm nút radio
đổi sang đài công cộng.Tiếng nhạc cổ điển êm dịu trổi lên, phá tan cái không khí căng thẳng của bản tin thời tiết và đường sá. Tôi
đề nghị:
“Quý vị cứ tự tiện làm một giấc nghe.”, rồi nói đùa:
“Quý vị cứ giao sinh mạng cho tôi. Mở mắt ra sẽ thấy cái bãi đậu park and ride (1), hay không chừng là bệnh viện!”
Không ai hưởng ứng lời nói đùa của tôi. Di chuyển trên xa lộ trong lúc trời đổ tuyết,tài xế hay hành khách,không ít thì nhiều, ai cũng
căng thẳng.
Vào xa lộ, tôi chớp đèn xin xỏ một lát mới có một người tốt bụng cho tôi lách xe vào luống đường, rồi đứng đó,nhích đi được vài thước, lại đứng, rồi lại đi. Đoàn xe chậm chạp bò trên băng, trên tuyết. Mưa đá và tuyết cứ rơi. Chiếc SUV (2) trước mặt chợt chồm
lên, rồi thắng gấp. Đuôi xe đùa sang bên phải một chút rồi dừng hẳn lại. Tôi cẩn thận bò từ từ và để một khoảng trống an toàn trước xe nên không cần phải thắng gấp. Tôi nói trong đầu: “Chắc thằng nhóc nào đó muốn thử chiếc SUV,” rồi nhớ đến nhóc con của mình.
Thằng Lực con tôi bay đi Denver từ sáng sớm hôm nay. Trường đang nghỉ winter break (3),nó cùng đứa bạn đi Colorado trượt tuyết.
Chuyến đi làm cho vợ chồng chúng tôi lo lắng không ít. Lực đã 21 tuổi,rất bồng bột, thích mạo hiểm, cảm giác mạnh,thuộc loại “work hard and play hard” (4), như một thằng Mỹ con chính cống. Rocky Mountains là rặng núi lý tưởng cho dân mê trượt tuyết. Đẹp,ngoạn mục nhưng rất nguy hiểm với những dốc cao đầy dẫy ngõ ngách và chướng ngại.
Vợ chồng tôi cố gắng thuyết phục con mình đổi ý định với đủ lý do.
Tôi bảo, Minnesota có nhiều khu trượt tuyết sao không chơi mà bỏ
tiền máy bay đi đến tận Colorado, rồi lại tốn tiền mướn xe, khách sạn nữa,thì Lực nói mấy năm qua nó đi hết mọi khu trượt tuyết Minnesota rồi. Tôi nêu lên sự nguy hiểm thì nó nói đó không
phải nguy hiểm mà là một thử thách. Cuối cùng Lực bảo đây là một
chuyến trượt tuyết “một lần trong đời” thì tôi hết ý.Tôi nhìn đồng hồ. Năm giờ bốn mươi lăm. Chắc Lực đã đến khách sạn.
Lúc còn trong sở tôi đã lên mạng xem thời tiết.Vệt trắng trên radar
bao phủ từ Colorado qua Minnesota, đến miền Đông Bắc Wisconsin.
Hai thằng nhóc định mướn một chiếc SUV rồi lái từ Denver đến
Breckenridge, nằm lưng chừng trên triền rặng Rocky Mountains.
Tôi chợt nghĩ đến chiếc SUV lúc nãy rồi lo lắng,đường đèo ngoằn ngoèo lại trơn trợt, không biết con mình đi có đến nơi đến chốn hay không, rủi ro có tai nạn thì sao. Rồi tôi tự an ủi, Lực đã 21 tuổi, tuổi trưởng thành,tất nhiên nó phải biết tự lo lấy bản thân lúc gặp
bất trắc chứ. Ừ, tuổi đã trưởng thành, nhưng con người có trưởng
thành hay không là chuyện khác. Như tôi,lúc 21 tuổi, tôi đã trưởng
thành đâu, nếu không có một sự việc làm cho tôi sáng mắt ra.
o O o
Năm ấy, 1971, tôi vừa tròn 21 tuổi nhưng đã rời mái trường, bỏ Sài Gòn về quê Tây Ninh gần ba năm. Tôi làm công chức, lại đèo bòng thêm một việc bán thời gian cho sở Mỹ để có thêm lợi tức phụ cha mẹ nuôi mấy đứa em đông đúc. Ngoài giờ làm việc tôi đi chơi với bè bạn bất kể giờ giấc. Tôi vẫn còn cố tìm cách quên mối tình đầu dang dở ở thành phố. Tiền lương mỗi tháng tôi trao hết cho mẹ, rồi thỉnh thoảng xin bà lại vài trăm ăn xài lặt vặt. Làm vậy tôi
tự phong cho mình là một đứa con có hiếu. Từ thuở nhỏ anh em chúng tôi được cha mẹ dạy dỗ “Đi thưa, về trình.”
Nhưng lúc ấy, tôi nghĩ mình đã lớn nên không xin phép cha mẹ mỗi khi đi chơi nữa, nói chi đến việc thông báo đi sớm,về trễ.
Quê tôi vào thời buổi ấy tình hình rất là sôi động,bị cộng sản tấn công nơi nầy, pháo kích chỗ nọ hầu như hàng ngày. Lằn tên, mũi đạn không ai biết đâu mà tránh. Vì vậy mà cha mẹ tôi rất lo lắng cho từng đứa con.
Vắng nhà đứa nào là lo cho đứa nấy. Có nhiều lần tôi về nhà trễ, thấy mẹ tôi một mình lặng lẽ đợi ở cổng rào. Tôi về thì bà mừng, không rầy một câu, chỉ nhắc có về trễ thì nhớ nói trước hay
nhắn về nhà, chớ má trông, má lo. Vậy mà tôi dửng dưng, lại cố ý
không thưa, không gởi,tính để riết rồi bà già cũng quen, thôi chờ, thôi đợi, thôi lo. Tôi nghĩ đàn bà ai cũng lo lắng quá đáng.
Tôi nào biết cái lo của cha mẹ!
Một buổi chiều Thứ Bảy năm ấy tôi đang sửa soạn ra về thì anh Dũng gọi máy. Sở tôi làm có ba người tên Dũng.Một người gốc Bắc, một người gốc Trung, và tôi là người địa phương,gốc Nam. Anh Dũng gốc Trung tính tình hiền hòa và sống rất tốt, hết
tình với bạn bè. Anh là người hướng dẫn tôi trong bước đầu của nghề phiên dịch. Anh gọi về tìm một người bạn đồng nghiệp khác và rủ tôi đi nhậu ở Phước Ninh,một quận lỵ cách thị xã khoảng sáu, bảy cây số.
Người bạn nầy đi công tác ở đâu đó, còn tôi thì không hiểu sao tự nhiên tôi từ chối, mặc dầu bình thường tôi hay lẹ làng hưởng ứng các buổi nhậu chiều Thứ Bảy. Tôi nhớ lúc chạy chiếc Honda ra
cổng sở làm, anh Dũng lái xe Jeep về đến, rủ tôi thêm một lần nữa. Tôi lại lắc đầu, không đi.
Cả nhà dùng cơm chiều xong, má tôi đi xuống nhà dì ba của tôi ở mé Chợ Cũ để bàn tính đám giỗ ngoại vào tuần tới.
Tôi phụ ba tôi tưới các gốc kiểng, rồi ngồi trên mé thềm trước nhà nhìn mấy đứa em nô đùa hồn nhiên. Tôi không quen ngồi một chỗ, nên thấy nản, mong có một đứa bạn ghé rủ đi chơi,nhưng đợi mãi không ai đến. Tôi tiếc sao không nhận lời đi nhậu với anh
Dũng. Tôi đi qua nhà cô Út của tôi bên kia đường,định rủ Nguyên con cô đi cà phê Thủy. Gặp nó đang xem TV đài Mỹ lúc ấy chiếu Combat, tôi tấp vào vì cũng say mê loại phim chiến tranh đó.
Xem xong chương trình Combat, tôi rủ Nguyên đi uống cà phê, nó lắc đầu, nói có bài vở. Tôi chán nản ra về.
Trời đã nhá nhem tối,tôi băng qua đường,thấy bóng ai chạy hớt
hơ hớt hải từ phía Chợ Cũ. Nhìn kỹ thì thấy mẹ tôi. Tôi từ từ đi lại gặp bà trong lúc bà chạy bổ đến ôm chầm lấy tôi,vừa khóc, vừa nói, giọng run run:
“Con tôi, con ... con đây rồi! Lạy Trời, lạy Phật.
Đội ơn Trời Phật! Đội ơn Trời Phật!”
Tôi bỡ ngỡ, không hiểu chuyện gì xảy ra, trong đầu nghĩ không lẽ mẹ mình mất trí. Nhưng tôi cũng ôm mẹ, vuốt nhẹ vai bà. Bà nói tiếp, giọng nghẹn ngào, đứt đoạn:
“Má tưởng con... con...chết rồi!”
Tôi còn đang sững sờ thì dượng Út tôi chạy chiếc Suzuki trờ tới, thắng gấp, dượng la lên:
“Trời ơi! Mầy đây mà!
Vậy mà ngoài chợ người ta đồn mầy bị Việt cộng bắn chết trên đường Phước Ninh, thây kéo về nhà xác. Tao quýnh đít chạy về đây!”
Lúc ấy tôi mới vỡ lẽ,người ta lầm tôi với anh Dũng bạn tôi. Trách
cũng không được, họ đồn đại nói tên Dũng, đâu rõ Dũng nào. Té ra ... Tôi vội buông mẹ tôi, chạy về nhà, vừa chạy vừa la:
“Anh Dũng! Trời ơi, anh Dũng làm cùng sở với con đó má!”
Tôi dắt chiếc Honda,đạp nổ máy, định chạy lên nhà xác thăm bạn
nhưng không được vì mẹ tôi đã chận đầu xe, giọng bà cương quyết:
“Không, con không đi đâu hết! Má không cho con đi đâu hết!”
Tôi dìu mẹ tôi ngồi xuống mé thềm trước nhà. Thấy mẹ tôi vẫn
còn thút tha thút thít khóc tôi cũng khóc theo luôn. Tôi khóc cho người bạn vừa nằm xuống và tôi cũng khóc vì bây giờ tôi mới thấm thía tình thương vô bờ bến của mẹ tôi. Chính lúc ấy tôi mới thấu hiểu được cái lo của bậc cha mẹ. Nó không đến từ một nỗi lo sợ bất
trắc thường tình, mà từ một tình thương bao la,vô điều kiện. Thương con, cha mẹ lo cho con được một cuộc sống yên lành, hạnh phúc. Làm con người không ai dám đo lường tình thương của ông bà cha mẹ. Dẫu có muốn cũng vô ích vì nó vô biên, bất tận. Sau
cơn xúc động ấy, tôi nhỏ nhẹ hỏi mẹ:
“Má, má cho phép con lên nhà xác thăm lo cho bạn con nghe má. Tội nghiệp anh quê ở tận Đà Nẵng, ngoài vợ con, bè bạn, không có ai là thân thuộc.”
Mẹ tôi nhè nhẹ gật đầu.
Từ đó mỗi lần đi đâu tôi cẩn thận xin phép cha mẹ. Ăn chơi với bạn bè,đến giờ là tôi về. Chúng nó có giữ cách mấy, có chọc quê đến độ nào tôi cũng ra về, không cần biết. Tôi sợ mẹ tôi lo.
o O o
Đầu óc tôi còn mê man với kỷ niệm xưa chợt có tiếng reo từ chiếc điện thoại di động. Một tay tôi mở máy, đặt vào tai,tay kia lái xe. Annan lo lắng:
“Cẩn thận nghe Dũng!”
“Dũng đây!”
“Ba, con tới rồi!”
Tôi khẽ thở phào, giấu nỗi vui mừng.
“Trên đó đường có trơn trợt không con?”
“Dạ cũng trơn, nhưng không sao, tụi con lái xe cẩn thận lắm. Phải chi có ba má với anh hai ở đây.
Phòng con nhìn ra rặng Rocky Mountains. Tuyết đang rơi. Đẹp lắm!”
“Ừ, ở đây cũng tuyết.Ba đang trên xa lộ nên nói chuyện nhiều không được. Ngày mai đi chơi,cẩn thận nghe con.”
“Dạ. Thôi nghe ba.”
“Ừ, nhớ cẩn thận đó! ”
Giọng chị Katie nghe nhừa nhựa, có lẽ bị tiếng điện thoại reo đánh
thức.
“Ai vậy Dũng?”
“Con tôi. Nó gọi về báo tin đã tới Colorado bình an vô sự.”
“Hả? Cái gì? Nó đi chơi mà gọi về hả. Hồi ở đại học tôi đi chơi xa không bao giờ gọi về nhà báo tin gì hết. Lũ bạn nó cười cho mà quê xệ!”
Anh Jerry, ngồi băng sau với Katie, lên tiếng,giọng than van:
“Hai đứa con gái tôi, có đi đâu cũng chả thèm gọi về!”
Annan nhìn tôi, khẽ nheo mắt, nhếch mép mỉm cười. Tôi đi guốc
trong bụng anh chàng Ấn Độ vốn rất cực đoan nầy. Đối với chàng, cái gì của Ấn Độ nói riêng,Á đông nói chung đều là số một, còn Mỹ thì vô số điều bậy - gia đình đổ nát, xã hội băng hoại, trò không kính thầy, con hỗn hào với cha mẹ.
Đọc trong ánh mắt, tôi biết Annan thầm bảo rằng: “Có gì lạ đâu!” Anh ta đâu có biết câu chuyện người bạn cùng tên Dũng mà tôi đã kể cho con tôi nghe vào lúc hai giờ sáng lần đầu tiên nó đi chơi
về quá nửa đêm, lúc nó còn ở trung học. Tôi biết con tôi gọi về vì nó hiểu được cái lo của cha mẹ nó.
Tôi nhìn Annan, khẽ cười, rồi buột miệng nói bằng tiếng Việt: “Phụ mẫu thâm tình!” Không màng anh ta có hiểu ý tôi muốn nói gì hay không vì lúc ấy lòng tôi đang sung sướng, khoan khoái vô
ngần.
Đào Anh Dũng
(1) Bãi đậu xe dành cho những người đi làm bằng xe buýt hoặc đi
chung xe.
(2) Sport utility Vehicle - loại xe thể thao chạy bốn bánh.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
VỠ MẢNH TRĂNG THỀ _ Thơ Songquang và Bài Họa Của Các Thi Hửu
VỠ MẢNH TRĂNG THỀ (cho nhớ ngày giỗ lần 2 hiền thê) Thu nao em đã bỏ anh rồi! Một mảnh trăng thề vội lẻ đôi Tình đó đã sâu giờ cách biệt Ngh...
-
CON MỂN VÀ ĐIỀM BÁO KHÔNG MAY MẮN Con thú rừng có tên “ Mển ” hay“ Mang” , còn gọi là hoẵng , kỉ , là mộ...
-
Năm nào cũng vậy, do thức dậy sớm đi chợ sớm, nên má là người đầu tiên mở ngày ba mươi Tết ra. Không biết có phải số má cực, vía má cực kh...
-
Bối cảnh lịch sử: Nguyễn Du (chữ Hán: 阮攸; sinh ngày 3 tháng 1 năm 1766–1820), tên tự Tố Như (素如), hiệu Thanh Hiên (清軒), biệt hiệu Hồ...
Câu chuyện rất hấp dẫn bạn đọc
Trả lờiXóa