Thứ Năm, 21 tháng 11, 2019

Tiểu hòa thượng bán đá và bài học về giá trị trong cuộc đời.

“Chính mình” là gốc rễ của mọi vấn đề. Để thay đổi mọi thứ, trước tiên phải thay đổi chính mình! Học hỏi là nền tảng để thay đổi bản thân.

Một ngày nọ, một tiểu hòa thượng chạy đến và hỏi Thiền sư: “Thưa Thầy, giá trị lớn nhất trong cuộc sống của con là gì ạ?”.
Thiền sư trả lời: “Con đi ra khu vườn sau nhặt một hòn đá và mang nó ra chợ bán. Nếu có ai hỏi giá, con không cần nói gì, chỉ giơ hai ngón tay. Nếu người ta đồng ý mua, con đừng bán, chạy về đây, thầy sẽ nói cho con biết rốt cục giá trị lớn nhất trong cuộc đời là gì”.
Sáng sớm hôm sau, tiểu hòa thượng mang tảng đá đến chợ bán.
Ở chợ người qua lại rất nhiều, mọi người đều rất tò mò, một bà nội trợ đến hỏi: “Tảng đá giá bao nhiêu tiền?”.
Hòa thượng giơ hai ngón tay ra, bà nội trợ hỏi: “Hai đồng à?”. Tiểu hòa thượng lắc đầu, bà nội trợ lại hỏi: “Vậy là 20 đồng à? Được, tôi mua, tôi đang cần nó để nén dưa”.
Tiểu hòa thượng nghĩ: “Một hòn đá không có chút giá trị nào mà có thể bán được 20 đồng! Trên núi chẳng phải đầy sao”.
Ảnh minh họa: Eva.

Nhớ lời Thiền sư, tiểu hòa thượng không bán, vui vẻ chạy về gặp Thiền sư: “Thưa Thầy, hôm nay có một bà sẵn sàng trả 20 đồng để mua tảng đá đó, bây giờ thầy có thể cho con biết, giá trị lớn nhất trong cuộc sống của con là gì được không?”.
Thiền sư chậm rãi nói: “Chà, đừng vội, sáng mai con hãy mang hòn đá này tới viện bảo tàng. Nếu ai hỏi giá, con vẫn giơ hai ngón tay ra. Nếu có người muốn mua, con cũng đừng bán, mang nó về đây, chúng ta lại nói chuyện”.
Sáng hôm sau, trong bảo tàng, một nhóm người tò mò theo dõi và thắc mắc không biết tảng đá của tiểu hòa thượng có giá trị gì. Nhiều người đoán: “Vì viên đá này đặt trong bảo tàng, chắc hẳn nó phải có giá trị, chỉ là chúng ta chưa biết mà thôi”.
Lúc này, một người bước ra khỏi đám đông và nói to: “Tiểu hòa thượng, hòn đá anh bán bao nhiêu?”.
Tiểu hòa thượng không nói gì, chỉ giơ hai ngón tay ra. Người đàn ông hỏi: “200 đồng?”. Tiểu hòa thượng lắc đầu. Người đàn ông lại trả giá: “2.000 đồng đi, tôi đang cần để khắc một bức tượng”.
Tiểu hòa thượng nghe thấy điều này lùi lại một bước, vô cùng kinh ngạc!
Cậu vẫn nghe theo lời dặn của Thiền sư, bê tảng đá chạy một mạch lên núi, đến gặp Thiền sư: “Thưa Thầy, hôm nay có người trả 2.000 đồng để mua tảng đá của con. Thầy nói cho con đi, con muốn biết giá trị lớn nhất của cuộc sống là gì?”.
Thiền sư cười và nói: “Ngày mai con lại mang tảng đá ra cửa hàng đồ cổ để bán, sau đó, vẫn như mọi lần con lại mang về đây. Lần này nhất định ta sẽ cho con biết giá trị lớn nhất của cuộc sống là gì”.
Vào ngày thứ ba, tiểu hòa thượng mang tảng đá đến cửa hàng đồ cổ. Một số người tò mò đến xem. Một số người đến hỏi: “Đây là hòn đá gì? Nó được khai quật ở đâu? Triều đại nào? Và để làm gì?”.
Cuối cùng, có người đến hỏi giá: “Tiểu hòa thượng, tảng đá của anh bán bao nhiêu?”.
Tiểu hòa thượng vẫn giữ im lặng và giơ lên hai ngón tay.
“20.000 đồng?”. Tiểu hòa thượng mắt chữ O, miệng chữ A, hét lên vì ngạc nhiên: “A?!”.
Vị khách nghĩ rằng anh ta đã trả giá quá thấp khiến tiểu hòa thượng nổi điên, nên vội vàng sửa lại: “Không! Không! Không! Tôi sai, tôi sẽ trả 200.000 đồng!”.
“200.000 đồng!”. Tiểu hòa thượng nghe vậy, ngay lập tức bê hòn đá lên, chạy một mạch về núi gặp Sư phụ. Cậu thở hổn hển và nói: “Sư phụ, sư phụ, chúng ta phát tài rồi, hôm nay có người đã trả 200.000 đồng để mua tảng đá của chúng ta! Thầy có thể cho con biết giá trị lớn nhất của cuộc đời là gì không ạ?”.

Ảnh minh họa: YouTube.
Thiền sư xoa đầu tiểu hòa thượng, nhẹ nhàng nói:
“Con à, giá trị lớn nhất của cuộc đời con giống như hòn đá này. Nếu con đặt nó ở chợ, con chỉ có giá trị 20 đồng; nếu con đặt nó vào bảo tàng, con sẽ có giá trị 2.000 đồng; nếu con đặt mình vào một cửa hàng đồ cổ, con trị giá 200.000 đồng! Các nền tảng khác nhau, vị trí khác nhau, giá trị của cuộc sống sẽ hoàn toàn khác nhau! Không sợ người khác coi thường con, chỉ sợ con coi thường chính mình. Ai nói con không có giá trị? Không ai có thể định nghĩa cho cuộc đời của con, trừ khi con tự coi mình như một hòn đá vỡ trong bùn. Con đường con chọn sẽ quyết định cuộc sống của con.
“Chính mình” là gốc rễ của mọi vấn đề. Một người không biết bơi, có thay bao nhiêu bể bơi cũng không thể bơi được. Một người không có năng lực, dù thay đổi công việc nào đi nữa cũng không thể cải thiện được khả năng của người đó. Một người không hiểu về tình yêu, dù có đổi bao nhiêu người yêu cũng vẫn vậy. Một người không biết quý trọng gia đình, thay đổi bạn đời không thể giải quyết vấn đề. Một ông chủ không học hỏi sẽ không bao giờ thành công.
Vậy nên, để thay đổi mọi thứ, trước tiên con phải thay đổi chính mình! Học hỏi là nền tảng để thay đổi bản thân.
Trong thực tế, người con yêu là do chính con, những gì con thích cũng ở chính con. Những gì con yêu, những gì con ghét đều chính con quyết định. Khi con thay đổi, mọi thứ sẽ thay đổi.
Thế giới của con là do con tạo ra. Con là Mặt Trời, thế giới của con sẽ tràn ngập ánh nắng. Con là tình yêu, con sẽ sống trong bầu không khí của tình yêu. Con vui vẻ, cuộc sống của con sẽ tràn ngập tiếng cười.
Còn nếu mỗi ngày con đều phàn nàn, kén chọn, đổ lỗi, oán giận, con sẽ sống trong địa ngục. Một niệm lên thiên đàng, một niệm xuống địa ngục. Tốt hay xấu, tất cả ở một niệm ấy. Tâm con ở đâu thì con sẽ ở đó”.
Lời dạy của vị Thiền sư đối với tiểu hòa thượng thật đáng để chúng ta phải suy ngẫm.

(Hoa Huỳnh chuyển)

1 nhận xét:

NHẠT NHÒA -Thơ Thái Huy và Thơ Họa (14 Bài )

  NHẠT NHÒA Ngó kìa cánh tuyết lửng lơ rơi Phủ ngập không gian cả đất trời Hơi gió lùa vô làm tái lạnh Nỗi buồn ập tới khiến chơi vơi Đang c...