Thứ Ba, 19 tháng 11, 2019

Xưởng đóng tàu Bason

Trong “Gia Định thành thông chí”, Trịnh Hoài Đức viết: “Xưởng Chu Sư – ở cách phía Đông thành độ một dặm dọc theo bờ sông Tân Bình quanh theo sông Bình Trị, nhà làm gác để hải đạo thuyền cùng là dụng cụ thủy – chiến xưởng dài đến 3 dặm”. Trên bản đồ tỉnh Gia Định năm 1815 của Trần Văn Học ghi rõ: “xưởng Thủy nằm phía Đông thành Bát Quái. Nơi sản xuất, sửa chữa mọi loại chiến thuyền”.
Cổng chính vào xưởng đóng tàu Ba Son (Ảnh Tài liệu)
Cũng tại vị trí này, ngày 28/4/1863 chính phủ Pháp đã ký nghị định chính thức thành lập Thủy xưởng (Arsenal) Ba Son, trực thuộc Bộ Hải quân Pháp. Trong “Sài Gòn năm xưa” tác giả Vương Hồng Sển viết: “Theo quyển “Promenades dans SaiGon”, bà Hilda Arnold ghi: buổi đầu người Pháp đã xuất ra trên 7 triệu quan thời ấy để lấp đất và xây các ụ tàu “bassin de radoub” này, để có thể sửa chữa các thứ tàu chiến, tàu buôn tại đây khỏi đem về tận Pháp quốc. Thời ấy, cuộc chuyển vận đều do đường thủy nên cái “bassin de radoub” giúp họ nắm vận mạng xứ này trong tay”.
Tính ra, từ ngày Nguyễn Ánh chạy vào Gia Ðịnh cho xây cất thủy xưởng Chu Sa đến nay hơn 300 năm. Sau đó đến người Pháp thiết lập hãng Ba Son đã làm không ít những người muốn tìm rõ ngọn nguồn cái tên Ba Son xuất xứ từ đâu.
Một thuyết cho rằng “Ba Son” do danh từ Pháp “Mare aux poissons” gọi tắt lại. Trước kia, giữa Arsenal (có từ năm 1864, là nhà của viên giám đốc sở Ba Son, góc đường Cường Ðể – Nguyễn Du. Dinh này xây từ năm 1877) có một con kinh đào tay, nhỏ, nhưng rất nhiều cá tôm, thuở ấy người Pháp thích đi câu cá ở đây, về sau xẻo nhỏ lấp đi nhưng danh vẫn còn. Thuyết khác lại cho rằng “Ba Son” do danh từ Pháp “Bassin de radoub” mà có. “Bassin” = Ba Son. Còn trong Tìm hiểu lịch sử chữ Quốc ngữ của Hoàng Xuân Việt giải thích: “Hãng Ba Son Xưởng đóng tàu của hải quân Pháp. Danh từ Ba Son có lẽ phiên âm chữ poisson (cá) trong mấy tiếng “mare aux poisson” (ao cá) hay Việt hoá cụm từ “bassin de radoub” (ụ sửa tàu), bởi vì trong hãng có con rạch do người Pháp đào dùng để thiết kế máy móc đóng tàu”. (Kết hợp giữa hai thuyết trên).
Tàu Pháp neo đậu tại xưởng Ba Son để sửa chữa năm 1930 (Ảnh: Manhhaiflicks)
Biết chơi như vậy thôi chứ tiếng Quốc ngữ ngày xưa của ta có rất nhiều từ xuất xứ từ tiếng Hán, tiếng Pháp, tiếng Khmer, tiếng Xiêm La… do vậy Ba Son thì cứ hiểu là xưởng Arsenal theo đúng tên Pháp là xưởng đóng tàu lớn của Hải quân từ thời Pháp không chỉ có tàu quân sự mà cả tàu thương mại phục vụ cho các cuộc khai thác thuộc địa Nam Kỳ bên cạnh hệ thống hỏa xa sớm nhất Ðông Dương. Arsenal Sài Gòn hồi năm 1864, khởi đầu với các bến tàu làm bằng bê tông cốt sắt.
Trong Niên giám Nam Kỳ năm 1910 viết: “Arsenal là một cơ sở quan trọng nhất của thuộc địa Nam Kỳ. Với trang bị hoàn chỉnh, hiện đại, Arsenal Sài Gòn có thể chế tạo những công trình hàng hải hoàn chỉnh cũng như những hạng mục sửa chữa tinh tế nhất. Arsenal Sài Gòn có thể chế tạo tất cả các bộ phận của tàu phóng lôi loại 1 với giá tiền thấp hơn và trong thời gian ngắn hơn, so với các xưởng chế tạo ở chính quốc. Xưởng có hơn hai ngàn thợ An Nam và người Hoa, dưới sự giám sát của các đốc công người Pháp. Diện tích Arsenal khoảng 22 héc-ta, chu vi 2km, đường kính (ở nơi dài nhất) là 850m”.
“Một bộ phận quan trọng của Arsenal là bể sửa tàu (bassin de radoub) đáp ứng tốt những yêu cầu sửa chữa hiện đại nhất. Chi phí xây dựng bể sửa tàu lên đến 7 triệu francs, bắt đầu xây từ năm 1884, khánh thành năm 1888. Bể này sâu 9m50, dài 160m (dài hơn Arsenal ở cảng Toulon 12m). Ngoài bể lớn nói trên, Arsenal còn có một bể khác với kích thước nhỏ hơn, dành cho các pháo hạm (canonnières), các tàu phóng lôi và các tàu có trọng tải nhỏ”.
Ụ tàu nổi được mang từ Pháp sang Sài Gòn để thành lập xưởng Ba Son (Ảnh: LIFE)
Ðến năm 1930, theo tác giả Martini, “những tàu buôn qua lại cảng Sài Gòn đều có thể sửa chữa tại Arsenal Sài Gòn hoặc ở một số cơ sở kỹ nghệ khác ngay trong thành phố Sài Gòn. Lúc này, Arsenal Sài Gòn đã có 2 bể sửa tàu, một bể dài 155m và một bể dài 70m. Xưởng nổi (ụ nổi) cũng được nâng cấp, tàu 350 tấn có thể vào bể sửa chữa”.
Trong một bài viết nhan đề “L’Arsenal de Saigon, Établissement industriel”, tác giả M.S viết: Arsenal thành lập năm 1884 dài 150m với đủ các phân xưởng nhưng chưa đủ điều kiện để sửa chữa các tàu lớn. Người Pháp thành lập Arsenal Sài Gòn không chỉ nhằm mục đích sửa chữa các tàu qua lại mà còn có thể chế tạo tàu biển. Arsenal trực thuộc Hải quân, có 2,500 thợ, trong đó có 60 người Âu. Xưởng có trường học nghề (gồm các ngành điện, nguội, mộc, đúc…). Ngoài việc sửa chữa và đóng tàu, Arsenal Sài Gòn còn nhận sửa chữa máy móc cho các nhà máy (như nhà máy đường Hiệp Hòa), cho nhà ga Sài Gòn v.v.”.
Tất nhiên tác giả mô tả Arsenal Sài Gòn trong đoạn văn trên xác định vào 1884 khi xưởng này bắt đầu xây dựng 2 bể sửa tàu lớn chứ trước đó, Arsenal vẫn còn là một bến cảng sửa chữa các tàu nhỏ (do chưa có ụ nổi). Bên cạnh đó các xưởng có trường học nghề điện, mộc, đúc, nguội cũng được tổ chức tại đây để nhanh chóng đào tạo công nhân làm việc cho xưởng.
Bể sửa chữa tàu trong hãng Ba Son (Ảnh: Manhhaiflicks)
Tuy vậy, với chức năng của một xưởng sửa tàu trực thuộc Hải quân, nên Arsenal Sài Gòn vẫn có những hạn chế khi tham gia đóng và sửa chữa tàu thương mại trong khi nhu cầu đường thủy và đường biển cần phát triển nhanh tại Nam Kỳ. Chính vì thế, công ty vận tải đường thủy Larrieu et Roque thành lập cơ sở sửa chữa và đóng tàu vào năm 1875. Sơn Nam viết trong Bến Nghé xưa: “Sau sở Ba Son của nhà nước thì công ty này bấy giờ đứng bậc nhất về kinh doanh tư nhân (nhiều lần thay đổi, trở thành hãng C.A.R.I.C ở Thủ Thiêm, xã An Lợi)”. (Phía bên kia sông Sài Gòn góc xéo với hãng Ba Son).
Do nhu cầu thiếu công nhân tại hãng Ba Son nên xưởng lập trường đào tạo tại chỗ như nói ở trên, về sau khi trường Cơ khí Á châu, (nay là Kỹ thuật Cao Thắng) thành lập (1906), nguyên là một trường dạy nghề do Pháp lập ra ở Nam Kỳ để đáp ứng nhu cầu cấp thiết lúc đó. Ban đầu ngôi trường kỹ thuật này là gian nhà mái lợp tôn dạy về cơ khí tại góc đường De Lattre de Tassigny (Công Lý đoạn từ đường Gia Long xuống Bến Chương Dương) và De la Somme (Hàm Nghi). Sau khi mở rộng trường mặt tiền hướng về đường Huỳnh Thúc Kháng, trường dạy thêm nhiều môn kỹ thuật, nên dân chúng Sài Gòn gọi là trường Bách nghệ. Trường cung cấp nhân viên kỹ thuật có tay nghề cho hãng Ba Son.
Sau 1954, quân Pháp rút khỏi Ðông Dương nhưng vẫn để lại một số chuyên viên người Pháp giúp đỡ chính phủ Nam phần cho đến năm 1956 thì mới chấm dứt sứ mệnh. Ngày 14/9/1956 lá cờ Tam tài (cờ Pháp) trên cột cờ của hãng Ba Son chính thức được hạ xuống thay thế bằng cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam. Chính quyền TT. Ngô Ðình Diệm cho đổi tên thành Hải quân Công xưởng chuyên đóng mới và sửa chữa các loại tàu hải quân.
Sau năm 1975, Hải quân Công xưởng đổi tên thành Xí nghiệp Liên hợp Ba Son. Từ đây tên Ba Son xuất phát từ cách gọi của dân chúng trước đây (giống như Thành Ông Dèm tức Thành Cộng Hoà) chính thức được xuất hiện trên các văn bản. Tuy vậy, hãng Ba Son hiện nay đã không còn nữa, phần đất này nhường chỗ cho một công trình hiện đại xây dựng cao ốc và thương mại.
TN
(Fort Worth, TX)
(Hoa Huỳnh chuyển)

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...