Sừng sững trên một đỉnh đồi cao,
Borobudur khiến người ta trầm trồ vì vẻ ngoài uy nghi, đồ sộ nhưng rất
cổ kính và tôn nghiêm. Được xây dựng theo mô hình một Mạn đà la
(Madala), tức là một mô hình về vũ trụ hoàn hảo theo quan niệm của Phật
Giáo Đại Thừa hay Kim Cương Thừa (tương tự Phật Giáo Mật Tông ở Tây
Tạng), Borobudur có 4 lối lên xuống Đông, Tây, Nam, Bắc, trong đó cổng
chính nằm ở hướng Đông.
Mặc dù là niềm tự hào của Phật Giáo
Java, nhưng Borobudur đã từng bị chôn vùi dưới lớp tro bụi núi lửa và
rừng rậm trong nhiều thế kỷ. Vào năm 2012, Tổ chức Kỷ lục thế Giới
Guinness đã công nhận đây là công trình đền tháp Phật giáo lớn nhất thế
giới.
Tên gọi Borobudur có gốc từ Vihara
Buddha Ur trong tiếng Phạn, có nghĩa là “ngôi Phật tự trên ngọn đồi”.
Cao 42m, với kết cấu 3 lớp rõ rệt, tượng trưng cho Tam giới trong cõi Ta
bà, bao gồm Kamadhatu (Dục Giới), Rupadhatu (Sắc Giới) và Arupadhatu
(Vô Sắc Giới), đền Borobudur giống như một đài sen khổng lồ, ẩn chứa vô
vàn nội hàm thâm sâu của Phật gia về kết cấu vũ trụ.
Cấu trúc Borobudur gồm 9 tầng chồng lên
nhau, tầng trên nhỏ hơn tầng dưới. Theo Phật giáo, kết cấu của tam giới
bao gồm 9 tầng trời. Ở mỗi hướng (Đông-Tây-Nam-Bắc) đều có 92 tôn tượng
Phật và 1460 bức họa hình tạc đá nghệ thuật theo kiến trúc Phật giáo. Ở
tầng thấp nhất có 160 bức phu điêu theo nhân quả và những câu chuyện
khác nhau về cuộc đời của Đức Phật.
Lớp chân đế (gồm 2 tầng dưới cùng) có
bình đồ hình vuông, bốn cạnh hướng về bốn hướng. Đây là lớp phản ánh Dục
Giới, bao gồm 160 mảng phù điêu mô tả hoạt cảnh của cuộc sống trần tục,
những hoạt động trong đời sống hàng ngày, cũng như dục vọng tầm thường
của chúng sinh trong tam giới.
Lớp thứ hai (gồm 4 tầng ở giữa) cũng có
bình đồ hình vuông, với các hành lang thông nhau tứ phía. Dọc các hành
lang ấy là 1,300 mảng điêu khắc nối tiếp nhau mô tả các tích truyện về
cuộc sống của con người và tu sĩ, sự tích Đức Phật…
Ngoài ra, bốn tầng giữa của Borobudur
còn có 1.212 mảng điêu khắc trang trí vô cùng tinh tế với các hoa văn
mang dấu ấn bản địa, khiến du khách không khỏi mê mẩn và choáng ngợp khi
dạo bước quanh những hành lang đá xám của ngôi đền đồ sộ này.
Lớp cuối gồm 3 tầng trên cùng, cũng là
lớp Vô Sắc Giới được thể hiện bằng 3 vòng tròn đồng tâm, mang ý nghĩa
nơi đây không có điểm khởi đầu và cũng không có điểm kết thúc. Theo Phật
Giáo, đây là cõi Niết Bàn, cảnh giới cao nhất của sự tu luyện.
Trên mỗi tầng có kết cấu vòng tròn
gồm 92 tôn tượng Phật được đặt trong những bảo tháp và trong mỗi tôn
tượng này đều có thủ ấn (Mudra) cho biết tôn tượng này thuộc về hướng
nào.
Hướng đông với thủ ấn của trái đất kêu
gọi làm chứng, phía nam với thủ ấn phước lành, phía tây với thủ ấn của
thiền định, phía bắc với thủ ấn của sự can đảm.
Ngoài các phù điêu, còn có trên 400 tượng Phật được đặt trong các bảo tháp và 4 mặt của Borobudur.
2.760 bức phù điêu ở Borobudur mô tả
nhiều cảnh của cuộc sống hàng ngày ở Java vào thế kỷ thứ 8, từ thường
dân cho tới hoàng tộc, tu sĩ. Ngoài ra, chúng cũng mô tả các huyền thoại
trong Phật Giáo như Atula, các vị thần, Bồ Tát, cuộc đời Đức Phật…
Để thăm hết 9 tầng của Borobudur và quan
sát kết cấu bên trong và bên ngoài tam giới qua hàng ngàn bức phù điêu,
du khách phải đi bộ tổng cộng 5km trên những hành lang đá xám.
Theo ước tính, nếu trèo lên từng tầng một và đi dọc chu vi của tất cả 9 tầng thì quãng đường tổng cộng sẽ là 5 km.
6 tầng dưới của Borobudur có bình đồ
hình đa giác với 20 cạnh, trong khi 3 tầng trên có bình đồ hình tròn –
là phần tinh túy nhất của công trình.
Tổng chiều dài các bức điêu khắc là hơn 4km. Để cảm nhận được hết nội dung của tác phẩm đồ sộ này sẽ phải mất đến 2 ngày.
Theo tính toán của các nhà khảo cổ thì công trình vĩ đại này phải mất 100 năm để xây dựng hoàn thành.
Sau khi vương triều Phật giáo Syailendra sụp đổ, Borobudur đã bị bỏ hoang và lãng quên trong suốt 10 thế kỷ.
Khi đó Borobudur đã đổ nát nhiều và nằm dưới một vùng cây cối um tùm.
Người ta tin rằng ngôi đền tháp đã bị chôn vùi sau vụ phun trào lớn của núi lửa Merapi tại vùng này vào thế kỷ thứ 14.
Đây có thể là một điều may mắn, khi tro bụi đã phủ kín Borobudur, giúp hạn chế sự hủy hoại của thời gian và con người.
Sau đó, chính quyền thuộc địa đã cho dân
địa phương khai quật Borobudur, và sự kì vĩ của công trình khi hiện lộ
đã khiến tất cả những người chứng kiến kinh ngạc.
Vào năm 1970, chính phủ Indonesia phải
kêu gọi UNESCO giúp đỡ để phục hồi toàn diện Borobudur. 600 nhà phục chế
có tên tuổi trên thế giới đã tiến hành trùng tu lại ngôi đền trong suốt
12 năm trời và tiêu tốn mất 50 triệu đôla Mỹ.
Ngày nay, Borobudur đã trở lại với dáng dấp gần như ban đầu và trở thành một trong những kì quan nổi tiếng của thế giới.
Ảnh trong bài: pinterest.com
Hoàng Lâm (T/H)
Ngôi đền này rất đẹp
Trả lờiXóa