Thứ Ba, 19 tháng 11, 2019

Bài CTGTT Thứ hai 18/11/19:A Phú Hản: Trốn Chạy Quân Taliban – Thân Phận Những Người Đàn Bà Không May Còn Ở Lại

    Radio FM 974 – Melbourne
Chuyện Thế Giới Trong Tuần
Thứ Hai 18/11/2019
    Tháng Mười năm 2001 Hoa Kỳ dội bom tấn công A Phú Hản {Afghanistan ) sau vụ quân khủng bố Al – Qaeda bằng cách cướp phi cơ càm tử giết gần 3000 người ở thành phố Nữu Ước. Quân hồi giáo Taliban lúc đó không chịu giao nộp tên trùm Osama Bin Laden, đã sụp đổ sau đó trong vòng vài tuần lễ nhưng cho tới hôm nay, sau những năm ẩn trốn, họ tái tổ chức và phát động cuộc chiến trở lại, hơn một thập niên qua, chiến tranh ở đây vẫn âm ỉ kéo dài và xem ra ngày càng khốc liệt hơn, quân Taliban hiện có mặt và kiểm soát hơn một phần ba lãnh thổ A Phú Hản, hòa bình đối với người dân xứ này là chỉ một giấc mơ, đời sống hàng ngày của họ đồng nghĩa với lo sợ bom nổ, súng đạn, chết chóc,  và nhất là không biết cha mẹ, anh chị em đi đâu đó có còn thấy bình yên trở lại nhà không.
    Trong một ngày lạnh buốt thấu xương, ở cuối góc phòng của căn nhà mướn tại thành phố Kabul, Tahira, người đàn bà 27 tuổi buồn thiu nhìn ra xa xăm một phía chân trời nào đó, muốn khóc, cô có chồng và ba đứa con nhưng lần cuối họ còn thấy nhau là năm 2018, ngày mà cả gia đình dắt díu nhau bỏ trốn khỏi A Phú Hản. Tahira sống tại một làng quê trong vùng tỉnh Maidan Wardak, nơi không có gì gọi là an ninh, một khi quân Taliban về quấy phá hàng đêm, người bị giết không biết là bao nhiêu, Tahira cùng chồng quyết định trốn qua Thổ Nhĩ Kỳ, xuyên ngang biên giới Ba Tư nhưng tiếc rằng, chồng và hai đứa con, một trai và một gái lên 7 tuổi thoát được nhưng cô và con gái khác, 6 tuổi, bị cảnh sát biên phòng Ba Tư bắt được tại biên giới Ba Tư – Thổ Nhĩ Kỳ, rồi họ tống hai mẹ con trở về lại A Phú Hản. Chuyện kém may xảy ra khi áo đứa con gái bị kẹt cứng trên hàng rào kẽm gai vì không chạy nhanh cho kịp thờ gian cần có để vượt qua. Không còn gì đau đớn cho bằng gia đình phải chia cách nhau trong giây phút như vậy, nhất là thằng con trai chưa được ba tuổi, nói mà Tahira khóc sướt mướt, nó cần có cô bên nó luôn luôn.
    Không thể đếm cho hết, con số người đàn ông A Phú Hản đã rời khỏi làng quê, tìm việc làm hay tìm chốn lánh nạn nhưng đời sống của những người đàn bà còn ở lại khốn khổ, không còn sự bảo vệ của chồng của con, trước hiện tình này, quân hồi giáo Taliban càng ngày càng mạnh và đe dọa đời sống người dân trong mưu đồ chiếm lại quyền hành. Một cuộc thăm dò bầu cử mới đây tìm thấy 40% người dân muốn rời khỏi A Phú Hản, một con số tỷ lệ khá cao, con số này tăng hơn 50% đối với đàn bà phụ nữ, kết quả này cho thấy nó phản ảnh một thực tế, cho phép người ta kết luận, A Phú Hản là một trong các quốc gia có cuộc sống nguy hiểm nhất của thế giới nếu là đàn bà. Bên cạnh đó, 80% đàn bà phụ nữ A Phú Hản không có việc làm và 91% chỉ học tới hết tiểu học hay it hơn hoặc không biết chữ, do đó người đàn bà A Phú Hản khó tìm được viêc làm ở bất cứ đâu nhất là cho những người muốn trốn khỏi đó.
    Một tháng sau chuyến đi vượt biên giới, xa cách chồng con, Tahari làm một lần nữa, nhất quyết cố tới Thổ Nhĩ Kỳ, cô vay một số tiền từ bà con họ hàng và lần này hai mẹ con chỉ vào được đất Ba Tư cùng với một số người khác cùng đi trên đường. Trong nhóm người này chỉ có cô là người đàn bà độc nhất, sau nhiều tiếng đồng hồ, băng qua những cánh đồng khô cằn nức nẽ, thình lình cô nhận ra rằng, tên đưa người lậu đang dẫn cô đi theo một hướng khác nhóm người kia, khi cô kêu la cầu cứu, tên đưa người bảo là, được rồi, anh ta không bắt buộc cô phải làm tình với hắn nếu cô không muốn nhưng Tahari lo sợ sẽ bị hiếp dâm, không phải chỉ tên này không mà có thể có cả nguyên nhóm đàn ông còn lại nữa, tới lúc này cô không còn sự chọn lựa nào khác hơn phải là hủy bỏ, không tiếp tục chuyến đi, và mong rằng thà bị cảnh sát Ba Tư bắt còn hơn là ở lại để bị họ hiếp dâm, hai mẹ con đã bị đưa về lại A Phú Hản khi bị cảnh sát Ba Tư tìm thấy và bắt giữ sau đó không lâu. 
    Hai mẹ con Tahira hiện đang sống thui thủi với nhau tại thành phố Kabul, thủ đô của A Phú Hản, không ai giúp đở tiền bạc, cô phải ra sức làm mọi thứ để hai mẹ con sống còn, cuộc đời quả thật bi thảm, đã vậy mọi người ở đây, dù cũng là người cùng chủng tộc nhưng họ phán xét, khinh rẻ vì cô là người đàn bà không có chồng. Hằng đêm, cô không tài nào ngủ được vì nhớ con, đang ở đâu đó bên Thổ Nhĩ Kỳ, đến khi ngủ thiếp di, Tahari mơ thấy con mình trong giấc mộng đang kêu mẹ. Cô cầu nguyện mỗi ngày cho gia đình sum họp càng mau càng tốt với mơ ước được ôm hôn con mình, ngày đó vợ chồng con cái sẽ ngồi kề bên nhau, cùng ăn cùng cười vui và đơn giản là có lại một gia đình lần nữa.
   Pari, là một người đàn bà khác, cũng là người từ tỉnh Maidan Wardak như Tahari, cũng xa cách gia đình, sống với bốn đứa con vài năm qua. Sau một thời gian,  những người láng giềng chung quanh biết được bà đang sống cô độc với con mà không có người đàn ông trong nhà, cho nên bà sợ quá, sợ có chuyện không lành xảy đến cho mấy đứa con gái của mình, rốt cuộc Pari đành phải gã chồng cho một trong mấy đứa sớm khi chưa tới tuổi vị thành niên, đứa khác vừa lên 16 đã đính hôn. Mỗi khi nhìn thấy đám con gái bằng tuổi con mình, tung tăng vui cười đến trường, tim bà đau nhói, bà mơ ước con bà có được cái may mắn như đám con gái con nhà ai đó. 
    Pari có bốn đứa con gái và một thằng con trai, chồng bà chết 6 năm trước đây.  Năm 2015, bà dẫn con bỏ trốn như cô Tahari đã làm, tới Ba Tư rối Thổ Nhĩ Kỳ nhưng cũng không may mắn chỉ có thằng con trai đi lọt tới Thổ Nhĩ Kỳ, bà và mấy đứa con gái bị bắt và bị tống xuất về lại A Phú Hản. Khi trở lại quê nhà, bà gặp phải không biết bao nhiêu là khó khăn, khốn đốn trong việc thuê mướn nhà ở vì nơi nào chủ nhà cũng đòi phải có một người đàn ông trong gia đình. Bà đã mất ngủ cả mấy tuần lễ, chỗ ở không chắc chắn nên bà luôn luôn lo sợ cho sự an toàn của mấy đứa con gái. Hiện bà kiếm tạm đủ tiền cho năm mẹ con sinh sống nhờ vào nghề thợ may nhưng hy vọng chờ, một ngày không xa đoàn tụ với đứa con trai đang ở bên Thổ Nhĩ Kỳ, có vậy nổi lo sợ cho con gái không còn đeo đẳng theo mình nữa. 
    Theo tường trình của Cao Ủy Tỵ nạn LHQ, có gần 2 triệu người ghi danh tỵ nạn là người Á Phú Hản, là nhóm tỵ nạn có số người đông nhất thứ hai trên thế giới, khi mà quân hồi giáo Taliban đang bám víu trở lại nắm giữ quyền lực và bạo động chiến tranh tiếp tục xâu xé đất nước này thì con số đó chắc sẽ còn tăng thêm nữa. Trong khi người đàn ông chiếm đa số trong số dân tỵ nạn thì ngày càng có nhiều người đàn bà phụ nữ cũng tìm cách rời bỏ nước ra đi mong tìm cuộc đời mới nhưng, những người đàn bà có chút học thức cao có nhiều dịp may hơn. 
    Nhưng những bà mẹ như cô Tahari và bà Pari còn ở lại, thường là các bà góa phụ với con cái sống rải rác đâu đó trên khắp thế giới, không có ai biết được biết đến bao giờ mới gặp lại gia đình mình lần nữa. Như nhau, họ chỉ còn biết nhìn trời, cầu nguyện trong nưc mắt ràn rụa.
Thuyên Huy
Thứ Hai 18.11.2019 
😞😞😟😟
Xem CCTG 11/11/19:FM974 Úc Châu Trung Cộng: Tashpolat Tiyip – Chết Chỉ Vì Nghe Mà Không Nhìn

1 nhận xét:

Sài Gòn, cà phê và nhạc sến - Vũ Thế Thành

  …Tách cà phê ấm môi, Mình ngồi ôn lại những phút vui trôi qua mất rồi… (Hai Mùa Mưa) Thằng bạn ở Thụy Sĩ về chơi Việt Nam, trên đư...