Thứ Hai, 25 tháng 11, 2019
Khuất Đẩu: NGHĨ VẨN VƠ, CUỐI ĐỜI – TÌNH GIÀ
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc trong khi bàn về cái gọi là già sao cho sướng, có đưa ra một lời khuyên: hãy bắt chước ông già lấy le bà già/ chiều chiều dắt ra bờ sông. Lãng mạn thật đấy! Nhưng hai người cũng sẽ rớt xuống sông là cái chắc. Xe cấp cứu sẽ hú còi inh ỏi và thiên hạ sẽ xầm xì rằng, đã già mà sao còn dại!
Dù được thân thiết gọi là bạn già, nhưng tôi chẳng dám đâu. Hãy để cái chuyện dắt ra bờ sông dành cho nhà văn Kiệt Tấn, thưở 17, đã cùng một em tên Tuyết lăn lóc đến nỗi rớt xuống sông (ướt cái quần ni lon) mà vẫn tỉnh queo đèo vespa đưa em về nhà, dọc đường còn tí tởn yêu nhau chút chút.
Vẫn bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc kể lể rằng, nhà âm nhạc học Trần Văn Khê, ở thì tít trên tầng cao của một chung cư, mà ăn thì lấy cơm từ trong tủ lạnh ra hấp trong lò điện, mặc dù tiếng tăm lừng lẫy nhưng giữa lòng Paris hoa lệ mà sống quạnh hiu như vậy, rất là đáng thương.
Nhưng bác sĩ Thân Trọng Minh lại bảo, tuy vậy, ông vẫn sống rất hạnh phúc vì cuối đời còn có một người yêu ông. Chỉ vào bức ảnh nằm lọt thỏm giữa những chồng sách đụng tới trần nhà, bậc trưởng thượng bảo rằng, đây là mối tình già của hai người, bà yêu ông từ lâu nhưng chỉ sống với ông được vài tháng, rồi mất vì bệnh ung thư. Đương nhiên ông yêu bà không phải vì tóc em ướt mắt em ướt mà vì bà là kẻ tri âm, và hơn thế nữa, ông đã có những bữa ăn với cơm nóng canh sốt rất ấm áp nghĩa tình.
Thưở còn lang thang, có một dạo tôi sống với một đôi vợ chồng già ở Tùng Nghĩa. Hai người không con cháu, sống trong một căn nhà gỗ ọp ẹp tận bìa rừng xa hút.
Ông trước kia, con một điền chủ ở đồng bằng Bắc bộ, theo lời bà, chỉ có mỗi một việc là ăn và chơi. Còn bà là con một vị quan đầu tỉnh ở Thanh Hóa, mẹ mất sớm, rất được cưng chiều.
Những lúc rảnh rỗi bà kể, ông nhà tôi ngày trước ghen đáo để. Được bố mẹ chồng mua cho một căn phố, tôi ra đó nấu cơm tháng. Có một anh làm quan huyện còn trẻ đến ăn, thế là ông uống rượu rồi thuê xe kéo chạy quanh suốt buổi, đợi khi anh ta đến, ông bảo phu xe dừng lại trước nhà, rồi nằm gác cẳng lên mà nhìn vào. Anh quan huyện hoảng quá không đến ăn nữa và tôi cũng dẹp tiệm luôn.
Khi di cư vào Nam, nhất định không chịu sống ở thành phố, bảo rằng đến đâu cũng phải bỏ giày dép ngoài cửa, mất tự do, nên mua một cái rẫy và chôn chân từ đó đến giờ.
Bà cụ hồi ấy 60, hơn ông những 6 tuổi, vẫn đẹp ngời ngời và rất mực quý phái, khi đi ăn cưới, trang điểm vào trông như người 40, nhưng ông cụ không ghen nữa, chỉ đứng ngắm vợ và cười.
Cái mối tình vừa già vừa nghèo ấy, tình không ở đầu mày cuối mắt mà là ở những bữa ăn, đúng hơn là những bữa nhậu. Gọi là nhậu, chứ thực ra chỉ có nửa góc chai rượu, nửa trái cật hay vài trái chuối già, được bà chế biến rất khéo. Ông ngồi nhậu một mình, thỉnh thoảng hát chèo và đánh trống miệng thì thùng.
Bà tôi, cũng yêu ông tôi bằng cái bánh tráng nướng, mấy miếng bánh hỏi mua về cho ông sau khi bán được cau, chuối trong vườn. Trong những đêm đông lạnh, chẳng những bà nhường cho ông tấm mền duy nhất trong nhà, mà còn đốt than ủ tro lót dưới gậm giường cho ông nằm. Khi còn sống bà thường càm ràm ông để râu nhúng vào canh và hay bỏ quên khăn ở nhà người khác khi đi chúc Tết.
Vậy thì, xem ra cái tình của những người già ở xứ mình, nhất là những người đã thuộc về người của muôn năm cũ, nó tĩnh đến nỗi tưởng chừng họ là những kẻ xa lạ, chẳng những đã không lấy le đưa nhau ra bờ sông mà cũng chưa hề thốt ra một lời nào âu yếm. Chỉ có cằn nhằn và cằn nhằn!
Không như ở Mỹ sáng ông I love you, bà me too, rồi chiều có thay đổi chút ít, bà I love you và ông me too! Ở mình mà ỏn ẻn như vậy thế nào cũng bị mắng cho “biết rồi! khổ lắm! nói mãi!”
Bồ Tùng Linh có viết một truyện với cái nhan đề tình già, rất ngồ ngộ như sau: có một ông cụ nọ chết đi chưa kịp chôn đã sống lại, hỏi sao, cụ bảo trên đường xuống âm phủ, nghĩ thương bà vợ già, sống lủi thủi với đám con cháu, thế nào chẳng bị chúng nó tiếng nặng tiếng nhẹ, buồn lắm!. Thế là đòi quỷ dẫn về và gọi vợ ra cùng chết. Cả nhà ai cũng che miệng cười, bà cụ thì mắc cỡ vì trước mặt con cháu mà lại nằm chung giường với chồng coi sao được. Nhưng thấy ông cụ nghiêm sắc mặt, đành phải nằm kế bên. Thế là xuôi tay đi luôn.
Hóa ra, cái chữ tình của người già ít nhiều đều gắn với cái chết. Sống bên nhau mà bảo là oan gia, nhưng khi một người chết đi, người còn lại mới thấm thía thế nào là cái lẻ bóng.
Thật khác xa với cái xứ Macondo ở Nam Mỹ. Có
một ông già đã 90 tuổi, ham sống đến nỗi muốn rằng, trong đêm sinh nhật thứ chín mươi của mình phải là một đêm nhớ đời với một em hãy còn trinh. Và nhà chứa đã cho ông qua đêm với một con bé mà theo lời bà chủ, là hãy còn mang tã lót. Thấy cô bé có dáng nằm của đứa bé còn nằm trong bụng mẹ, đang ngủ say vì được bà chủ cho uống hợp chất đồng với lá cây gì đó để em khỏi hoảng sợ, thế là ông không hề động đến, chỉ hát ru cho em ngủ. Sau nhiều đêm như thế, ông mới nhận ra rằng dù đã chung giường với hơn 500 người đàn bà, nhưng ông chỉ ăn bánh trả tiền chứ chưa hề biết đến tình yêu là gì. Giờ ông mới thực sự yêu em, biết ghen tuông như trai 17 và nguyện đem hết của cải và những ngày còn lại để làm cho em hạnh phúc.
Ở xứ mình mà còn sung đến thế sẽ bị mắng cho là già mất nết, hay già dịch, già dê.
Mà thôi, nói chơi vậy thôi, chứ già cúp bình thiếc như tôi mà nói tới chữ tình, nó lụp cụp giống như nhai bắp rang vậy.
Khuất Đẩu
Khuất Đẩu do Đinh Cường vẽ theo trí nhớ
10/2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024
Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...
-
CON MỂN VÀ ĐIỀM BÁO KHÔNG MAY MẮN Con thú rừng có tên “ Mển ” hay“ Mang” , còn gọi là hoẵng , kỉ , là mộ...
-
Năm nào cũng vậy, do thức dậy sớm đi chợ sớm, nên má là người đầu tiên mở ngày ba mươi Tết ra. Không biết có phải số má cực, vía má cực kh...
-
Bối cảnh lịch sử: Nguyễn Du (chữ Hán: 阮攸; sinh ngày 3 tháng 1 năm 1766–1820), tên tự Tố Như (素如), hiệu Thanh Hiên (清軒), biệt hiệu Hồ...
Câu chuyện rất hấp dẫn
Trả lờiXóa