TRƯƠNG DUYỆT 張說 (667-730) : Đại thần đời Đường. Tự là Đạo Tế, một tự nữa là Duyệt Chi. Người đất Lạc Dương. Đời Võ Tắc Thiên được phong làm Thái Tử Hiệu Thư, đời Đường Trung Tông giữ chức Hoàng Môn Thị Lang, đời Tuấn Tông được phong chức Trung Thư Môn Hạ Bình Chương Sự, đến đời Huyền Tông thì giữ chức Trung Thư Lệnh, rồi được truy phong Yến Quốc Công. Ông giỏi về văn từ nên được giao cho soạn thảo hầu hết các văn kiện quan trọng trong triều đình lúc bấy giờ. Thơ của ông thường làm lúc ngẫu hứng. Sau đây là những bài thơ của ông làm khi bị biếm làm Thứ Sử đất Nhạc Dương.
1. Bài thơ Tống Lương Lục Tự Động Đình Sơn Tác :
送梁六自洞庭山作 TỐNG LƯƠNG LỤC TỰ ĐỘNG ĐÌNH SƠN TÁC
巴陵一望洞庭秋, Ba Lăng nhất vọng Động Đình Thu,
日見孤峰水上浮。 Nhựt kiến cô phong thủy thượng phù.
聞道神仙不可接, Văn đạo thần tiên bất khả tiếp,
心隨湖水共悠悠. Tâm tùy hồ thủy cộng du du !
張說 Trương Duyệt
* Chú thích :
- Lương Lục 梁六 : Tức Lương Tri Vi, Thứ sử Đàm Châu, nhân về kinh đi
ngang qua Nhạc Dương, nên Trương Duyệt lúc bấy giờ là Thứ sử Nhạc Dương
mới đưa bạn đi qua hồ Động Đình.
- Động Đình Sơn 洞庭山 : Còn
gọi là Quân Sơn, nằm trong Động Đình Hồ về phía tây nam của thành phố
Nhạc Dương. Nơi có phong cảnh đẹp đẽ hữu tình.
- Ba Lăng 巴陵 : Tên Quận của Nhạc Châu, thuộc Nhạc Dương trong tỉnh Hồ Nam.
- Cô Phong 孤峰 : Đỉnh núi cô độc, chỉ đỉnh Quân Sơn lẻ loi ở giữa hồ Động Đình.
- Văn Đạo 闻道 : Nghe nói rằng, Nghe đồn rằng...
- Thần Tiên 神仙 : ở đây chỉ Tương Quân và Tương Phu Nhân hai tiên nhân
đắc đạo ở núi Động Đình nầy, nên núi còn có tên Quân Sơn là vì thế. Theo
Thập Di Ký 《拾遗记》 của Vương Gia đời Đông Tấn thì có đến tám tiên đảo
trôi nổi trên mặt sông hồ biển cả, trong số đó có Quân Sơn. Tương truyền
dưới núi Quân Sơn có đến mấy trăm gian nhà vàng tráng lệ để cho các
tiên đồng ngọc nữ ở trong đó, suốt ngày luôn có tiếng tiêu thiều tơ trúc
vang lừng các khúc nhạc tiên vẳng đến cả trên đỉnh núi. Nhưng không mấy
ai gặp được thần tiên trên núi đó.
- Du Du 悠悠 : là Dài lâu, là Dằng dặc lơ lửng mãi không thôi.
* Nghĩa bài thơ :
Làm Khi Đưa LƯƠNG LỤC Từ Núi Động Đình.
Từ đất Ba Lăng ta nhìn theo bạn đến mút con mắt trên hồ Động Đình
khi trời đã vào thu; dưới ánh nắng lắp lánh ta thấy ngọn núi Quân Sơn cô
độc như trôi nổi trên hồ Động Đình (tựa như núi Bồng lai ); Nghe nói
thần tiên rất khó mà gặp được để tiếp xúc, nên lòng ta cũng như nước hồ
trôi nổi tận xa xăm !
* Diễn Nôm :
CẢM TÁC KHI ĐƯA LƯƠNG LỤC TỪ ĐỘNG ĐÌNH SƠN
Ba lăng tiễn bạn Động Đình Hồ,
Dưới nắng Quân Sơn tựa lửng lơ.
Nghe nói thần tiên không dễ gặp,
Lòng theo hồ nước cũng dật dờ !
Lục bát :
Ba Lăng thu ngắm Động Đình,
Núi côi như nổi xinh xinh giữa hồ.
Thần tiên há dễ gặp cơ ?!
Lòng ta theo nước dật dờ xa xa !
Đỗ Chiêu Đức
Bài thơ nầy đã được thân phụ của Công Tử Bạc Liêu cho người viết
và cẩn xà cừ treo trong phòng khách trên lầu bên cạnh hai câu đối chính.
Ta thấy nội dung bài thơ diễn tả lại tâm lý tự nhiên của con người
trước cảnh chia tay, trước thiên nhiên trời nước bao la của hồ Động
Đình, trước sự nhỏ bé của núi Quân Sơn như đang trôi nổi trên mặt hồ như
tiên đảo Bồng lai; làm cho lòng người cũng lắng đọng xuống muốn đi tu
tiên để sống cảnh sống thanh nhàn của thần tiên, không xô
bồ xô bộn như cuộc đời thực tế đang diễn ra trước mắt. Nếu chịu lắng
lòng với bài thơ nầy, thì chắc Công Tử Bạc Liêu cũng sẽ bớt ăn chơi hơn.
Tiếc thay !...
2. Bài thơ Thục Đạo Hậu Kỳ :
蜀道后期 THỤC ĐẠO HẬU KỲ
客心争日月, Khách tâm tranh nhật nguyệt,
来往预期程。 Lai vãng dự kỳ trình.
秋風不相待, Thu phong bất tương đãi,
先至洛陽城。 Tiên chí Lạc Dương thành.
張說 Trương Duyệt
Giữa những năm Tiên Thụ của triều Võ Tắc Thiên (690-692), lúc đó
Trương Duyệt đang giữ chức Hiêu Thư Lang, hai lần được cử đi sứ xứ Tây
Thục. Các chuyến đi đều đã được dự tính sẵn ngày về, nhưng vì công vụ
trễ nãi nên phải về muộn. Vì thế nên mới có bài thơ nầy.
* Chú thích :
- Thục Đạo 蜀道 : THỤC là đất Thục thuộc một vùng của tỉnh Tứ Xuyên
ngày nay. Thục Đạo là đường đến nước Thục, vì là vùng cao nguyên với các
núi non hiễm trỡ nên đường đi lại khó khăn, như trong bài Thục Đạo Nan
của Lý Bạch có câu 蜀道之难,难于上青天!Thục đạo chi nan, nan vu thướng thanh
thiên ! Có nghĩa : Đường đi đến đất Thục khó khăn, gian nan như đường đi
lên trời xanh !
- Tranh Nhựt Nguyệt 争日月 : là Tranh thủ với ngày tháng.
- Dự Kỳ Trình 预期程 : là Dự tính cả hành trình ngày đi lẫn ngày về.
- Bất Tương Đãi 不相待 : là Không chờ đợi nhau.
- Lạc Dương 洛陽 : là Kinh đô của Võ Tắc Thiên lúc bấy giờ.
* Nghĩa bài thơ :
ĐƯỜNG THỤC HẸN SAU (Trễ Hẹn)
Lòng của kẻ đi đến nơi đất khách xa nhà luôn luôn tranh thủ từng
ngày từng tháng, cả chuyến đi lẫn chuyến về đều đã dự tính trước cả
rồi.( Nhưng vì đường xá khó khăn và công vụ cho nên trễ hẹn ). Còn ngọn
gió thu se sắt thì không chờ đợi ai cả, cứ đến kỳ là thổi vụt vù về đến
Lạc Dương thành trước ngay (trong khi ta vẫn còn ở đất Thục chưa kịp
quay về !).
* Diễn Nôm :
THỤC ĐẠO HẬU KỲ
Lòng khách tranh ngày tháng,
Đi về đúng lịch trình.
Gió thu không chờ đợi,
Đến trước Lạc Dương thành.
Lục bát :
Tính ngày tính tháng người đi,
Vãng lai đúng hẹn quy kỳ khích khao.
Gió thu chẳng đợi ai nào,
Một mình phe phẩy thổi vào Lạc Dương.
Đỗ Chiêu Đức
3. Bài thơ Ung Hồ Sơn Tự :
灉湖山寺 UNG HỒ SƠN TỰ
空山寂歷道心生, Không sơn tịch lịch đạo tâm sanh,
虛谷迢遙野鳥聲。 Hư cốc điều diêu dã điểu thanh.
禪室從來塵外賞, Thiền thất tòng lai trần ngoại thưởng,
香臺豈是世中情。 Hương đài khởi thị thế trung tình.
雲間東嶺千尋出, Vân gian đông lãnh thiên tầm xuất,
樹裏南湖一片明。 Thọ lý nam hồ nhất phiến minh.
若使巢由知此意, Nhược sử Sào Do tri thử ý,
不將蘿薜易簪纓。 Bất tương la bệ dị trâm anh.
張說 Trương Duyệt
* Chú thích :
- UNG HỒ 灉湖 : Còn có tên là Nam Hồ, nằm ở phía nam thành phố Nhạc Dương.
- ĐIỀU DIÊU 迢遙 : là Xa xôi diệu dợi.
- THIÊN TẦM 千尋 : Theo hệ thống đo đạc ngày xưa, cứ 8 thước vô 1 tầm,
nên Thiên Tầm là Một Ngàn Tầm, chỉ khoảng cách rất cao rất xa.
- SÀO DO 巢由 : là Sào Phủ và Hứa Do, hai ẩn sĩ cao nhã ngày xưa. Theo
Cao Sĩ Truyện : Hứa Do tự là Võ Trọng. Vua Nghiêu nghe tiếng định nhường
ngôi cho. Do thoái ẩn bên bờ sông Dĩnh Thủy ở Trung Nhạc dưới núi Cơ
Sơn. Vua Nghiêu lại cho triệu ra làm Cửu Châu Trưởng (Người đứng đầu Cửu
Châu). Hứa Do không muốn nghe lời triệu đó, nên ra bờ sông Dĩnh Thủy để
rửa tai. Nhằm lúc Sào Phủ đang dắt một con nghé con ra bờ sông uống
nước, thấy Do đang rửa tai, mới hỏi rõ nguyên nhân , Do đáp :"Vua Nghiêu
muốn triệu tôi ra làm Cửu Châu Trưởng, những lời nói về công danh đó
làm dơ tai của tôi, nên mới ra đây mà rửa tai." Sào Phủ đáp rằng :"Nếu
ông ẩn cư nơi thâm sơn cùng cốc, không người qua lại, thì ai còn gặp
được ông mà mời !? Đằng nầy ông ở cạnh bờ sông, là lòng ông còn muốn
nghe lời mời mọc của lợi danh. Như thế sẽ làm cho dơ miệng con nghé của
ta." Nói đoạn, bèn dắt con nghé lên trên thượng lưu mà uống nước, không
cho uống nước mà Hứa Do đã rửa tai, sợ làm cho ô uế miệng con nghé.
- LA BỆ 蘿薜 : hay Bệ La cũng thế, là hai giống dây leo BỆ LỆ và NỮ LA
薜荔和女萝 thường sống chùm gởi vào thân cây khác hay các vách nhà hàng rào.
Thường dùng để chỉ quần áo hoặc nơi ở của các cao sĩ ẩn cư nơi thâm sơn
cùng cốc.
* Nghĩa Bài Thơ :
CHÙA TRÊN NÚI UNG HỒ
Núi non vắng vẻ dàn trải ra trước mắt, khiến cho lòng người cũng
nảy sinh ra lòng mộ đạo. Trong sơn cốc trống vắng xa xôi nầy luôn có
tiếng chim rừng kêu hót. Thiền thất xưa nay vốn dĩ để cho người ngoài
trần thế, và đài niệm hương đâu phải là nơi cỏi tục thế tình. Ngọn núi
phía đông cao vút ngàn tầm trong mây trắng, và mặt hồ phía nam in bóng
rõ rệt của một dãy cây dài. Nếu như Sào Phủ Hứa Do mà biết được ý của ta
muốn quy ẩn nơi nầy, thì chắc cũng sẽ không đem la bệ mà đổi lấy trâm
anh ( Có nghĩa : Thà ở ẩn nơi nầy còn hơn là ra làm quan ).
* Diễn Nôm :
UNG HỒ SƠN TỰ
Núi vắng trải dài sanh mộ đạo,
Cốc không chim núi hót bên tai.
Phòng thiền vốn của người trong đạo
Đài niệm không là khách ngoại lai.
Đông lãnh ngàn tầm mây lẫn khuất
Nam hồ một dãy bóng cây dài.
Hứa Do Sào Phủ đều cao sĩ,
Chẳng đổi sô gai lấy mủ đai.
Lục bát :
Trải dài núi vắng đạo sanh,
Hư không sơn cốc mặc tình chim ca.
Phòng thiền là chốn ta bà,
Hương đài đâu phải la cà thế nhân.
Nghìn tầm mây vút núi đông,
Nam hồ in bóng cây lồng nước mây.
Sào Do nếu biết lòng này,
Chẳng đem áo vải đổi thay công hầu.
Đỗ Chiêu Đức
4. Bài thơ U CHÂU DẠ ẨM :
幽州夜飲 U CHÂU DẠ ẨM
涼風吹夜雨, Lương phong xuy dạ vũ,
蕭瑟動寒林。 Tiêu sắc động hàn lâm.
正有高堂宴, Chính hữu cao đường yến,
能忘遲暮心? Năng vong trì mộ tâm ?
軍中宜劍舞, Quân trung nghi kiếm vũ,
塞上重笳音。 Tái thượng trọng già âm.
不作邊城將, Bất tác biên thành tướng,
誰知恩遇深! Thùy tri ân ngộ thâm !
張說 Trương Duyệt
* Chú thích :
- U CHÂU 幽州 : Tễn của một châu ngày xưa, gồm có Bắc Kinh, Hà Bắc , Kế huyện của ngày nay.
- CAO ĐƯỜNG YẾN 高堂宴 : Yến tiệc được bày ở nơi nhà cao cửa rộng.
- TRÌ MỘ TÂM 遲暮心 : Cái lòng của buổi chiều đến chậm. Có nghĩa là : Cái
lòng ảm đạm thê lương của người già nua trong buổi chiều xế bóng.
- KIẾM VŨ 劍舞 : là Múa kiếm giúp vui trong tiệc rượu.
- GÌA 笳 : là Cây kèn được cuốn bằng lá của người Hồ hay thổi.
- BIÊN THÀNH TƯỚNG 邊城將 : Tướng giữ thành ngoài biên ải. Tác giả tự chỉ mình.
- ÂN NGỘ 恩遇 : Chỉ cái ân tri ngộ của nhà vua.
* Nghĩa Bài Thơ :
ĐÊM DỰ TIỆC RƯỢU Ở U CHÂU
Trong đêm mưa tối ở U Châu nầy, gió lạnh thổi rít từng cơn qua
rừng cây lá lạnh lẽo xạc xào lay động. May thay cũng là lúc trong quân
đang có buổi tiệc lớn để ủy lạo tướng sĩ. Nhưng lòng ta sao có thể quên
được nỗi thê lương buồn thảm của tuổi già trong buổi chiều xế bóng.
Trong tiệc quân thì lấy múa kiếm làm vui, còn ngoài biên tái thì lại
trân trọng tiếng kèn lá của người Hồ thổi nghe mà não nuột. Nếu không có
làm tướng trấn thủ ngoài biên thành thì sẽ không biết được cái ân tri
ngộ của nhà vua dành cho quân tướng ngoài biên ải sâu đậm biết chừng nào
!
Năm đầu Khai Nguyên của Đường Huyền Tông (713-741),
Trương Duyệt đang là Trung Thư Lệnh, vì bất hòa với Tễ Tướng Diêu Nguyên
Sùng, nên bị biếm làm Thứ Sử Tương Châu, rồi Án Sát sứ Hà Bắc. Sau
chuyển làm Hữu Vũ Lâm Tướng Quân Kiểm Hiệu U Châu Đô Đốc. Bài thơ nầy
được làm ở Kế Huyện trong phủ Đô Đốc ở U Châu, tả lại tình hình của một
buổi dạ tiệc trong quân ngũ, lời thơ bi tráng của một tướng ở biên thành
ẩn ức những nỗi bất mãn ngấm ngầm của việc bị biếm ra ngoài biên ải.
* Diễn Nôm :
U CHÂU DẠ ẨM
Lạnh lẽo đêm mưa gió,
Xạc xào rừng lá reo.
Đúng lúc bày diên yến,
Khó quên lúc xế chiều.
Trong quân vui múa kiếm,
Trên ải kèn thay tiêu.
Chẳng phải biên thành tướng,
Ân vua thấm thía nhiều !
Lục bát :
Vụt vù gió lạnh đêm mưa,
Rừng cây lạnh lẽo gió đưa xạc xào.
Tiệc bày thành lũy lầu cao,
Lòng sao quên được mối sầu chiều rơi.
Trong quân múa kiếm làm vui,
Ngoài biên tái vẳng kèn xuôi đất Hồ
Biên thành tướng ở xa đô,
Ân vua tri ngộ bao giờ cho nguôi !
Đỗ Chiêu Đức
Bài viết rất hay, xin cảm ơn
Trả lờiXóa