Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2020

Đám cưới kiến.the ant’s wedding (TC.Da Màu )


♦ Chuyển ngữ: 

Nhà văn Ý gốc Do Thái Primo Levi chào đời năm 1919 tại Turin, Ý, chuyên ngành Hóa. Là một trong những thành viên của tổ chức chống Phát-xít, ông bị đưa vào trại tập trung Auschwitz và được tự do năm 1944. Kinh nghiệm chết người trong trại tập trung và những chuyến đi của ông qua các vùng Đông Âu sau đó đã trở thành đề tài cho hai quyển hồi ký: Survival in Auschwitz và The Reawakening; ngoài ra là Moments of Reprieve, The Drowned And The Saved, If Not Now, When?, The Tranquil Star, The Monkey’s Wrench, The Sixth Day And Other Tales… Ông được cho là đã tự sát ngày 11.04.1987 ở chính nơi ông được sinh ra sau một thời gian u uất trầm cảm. Thực ra Primo Levi đã “chết” 40 năm trước đó trong thời gian bị giam cầm ở Auschwitz.
hần lớn các truyện ngắn của ông trong tập The Mirror Maker (1989, Schocken Books Inc., bản dịch tiếng Anh của Raymond Rosenthal), đều thuộc thể loại khoa học viễn tưởng nhưng là một kết hợp tuyệt vời giữa tình yêu khoa học và những cảm nhận của riêng ông về bản chất và tính chất con người. Đám Cưới Kiến nằm trong số này. Với óc tưởng tượng cực kỳ phong phú, Primo Levi lôi cuốn người đọc bằng một giọng kể vừa khôi hài dí dỏm, vừa sâu sắc ý nhị.

🌸🌸🌸🌸

Nhà báo: Kính chào Bà. Tôi thấy Bà bận quá. Hi vọng tôi không quấy rầy Bà: quả là cơ hội hiếm có cho một kẻ như tôi.
Kiến Chúa: Là cái mà ngươi gọi là tin sốt dẻo chứ gì? Ư mà trước hết ngươi nên đứng tránh xa ra. Ý ta là nhích chân qua một bên. Ngươi đang làm hỏng cái mái vòm kìa; phải mất ít nhất ba ngàn giờ đời kiến để sửa chữa thiệt hại do ngươi gây ra. Các mái vòm của bọn ta hoặc là toàn hảo hoặc là không gì cả. Đó là cung cách của bọn kiến nhà ta, đặc biệt là chính ta. Đấy, thế mới là gái ngoan. Giờ mình tiếp tục. Được, ngươi có thể ghi âm. Mà này, sao không thưa bẩm gì cả? Các ngươi xưng hô như thế nào với Nữ Hoàng của mình?
Nhà báo: Xin Bà lượng thứ, ý tiện nữ là xin Bệ Hạ tha lỗi cho thần, do tưởng rằng….
Kiến Chúa: Có gì đâu mà tưởng với nghĩ. Xưng hô như vậy có lẽ vì ta là một góa phụ mà lại đang đẻ trứng chứ gì? Đúng không? Hẳn là vậy rồi. Ngươi tìm đâu ra một Nữ Vương ở loài người có khả năng làm được như ta? Bệ Hạ! Thì rành rành ta là một Bà Chúa. Ngươi có biết cho đến nay ta đã sản sinh ra được bao nhiêu cái trứng không? Một triệu rưỡi, mà ta chỉ mới mười bốn tuổi, và vỏn vẹn một lần chăn gối thôi đấy nhé.
Nhà báo: Xin Bệ Hạ cho đám tiện dân chúng tôi biết đôi điều về hôn lễ của Ngài.
Kiến Chúa: Đó là một buổi trưa tuyệt vời, đầy màu sắc, hương thơm và thơ mộng: một trong những khoảnh khắc mà dường như cả thế giới đều ca hát. Trời vừa dứt mưa, mặt trời đã ló dạng trở lại, và ta cảm thấy một niềm khao khát, một thôi thúc không cưỡng lại được, cơ cánh của ta căng cương đến nỗi như sắp vỡ tung. Vậy đó, khi người ta còn thanh xuân ấy mà….Đức phu quân của ta, xin Trời phù hộ cho chàng, rất cường tráng và khả ái: ngay lập tức ta ưa thích cái mùi của chàng và chàng say đắm hương thầm của ta. Chàng theo đuổi ta có đến nửa giờ, một cách kiên trì, và, thế là, ngươi biết phụ nữ chúng ta như thế nào rồi, ta vờ như mệt mỏi để cho chàng bắt kịp, dù rằng ta là một tay bay lượn tầm cỡ. Đúng thế, thật khó quên, ngươi tha hồ muốn viết thế nào thì viết cho tờ báo của ngươi: từ trên cao nhìn xuống các ngươi không thể thấy được tổ kiến của ta cũng như của chàng. Và chàng, tội gì đâu, sau khi trao cho ta cái gói nho nhỏ liền gieo mình xuống lìa đời: thậm chí không kịp nói lời giã biệt.
Nhà báo: …cái gói nho nhỏ?
Kiến Chúa: Loại quà cáp mà các ngươi không thường thấy, chứa li ti hơn 4 triệu sinh linh. Kể từ lúc đó, ta giữ chúng ngay trong bụng mình. Ta làm việc với ống bơm và vòi, bởi vì bọn ta phối hợp cả hai: mỗi trứng chứa 3 hoặc 4 tinh trùng, nếu ta muốn có con trai, ta chỉ cần ngắt đường dẫn. Nói thật, dân kiến cánh của ta chẳng thể nào hiểu nổi cơ chế của loài người. Ý ta là, trăng mật thì cũng được đi, nhưng việc gì mà phải lặp đi lặp lại hoài cái chuyện mây mưa chứ? Mất không biết là bao nhiêu giờ công lao động. Rồi các người sẽ thấy, theo thời gian rốt cuộc các người cũng sẽ đạt tới trình độ của bọn ta đây, giống như đã làm được việc phân công lao động: đối với loài người việc sinh sản chỉ là chuyện rác rưởi và mị dân. Các người phải chia nhau mà phụ trách, có vua chúa, nữ hoàng nữ vương rồi, hoặc thậm chí chỉ có tổng thống thôi thì cũng phải để họ lo phần sinh sản, thợ thuyền chỉ phải làm việc của thợ thuyền.
Mà vì sao phải có nhiều đàn ông đến thế? Kiểu 50-50 đủ nếp đủ tẻ của các người thật là cổ lỗ sĩ, để ta nói cho mà nghe; chẳng phải dưng không mà thể chế của loài kiến nhà ta đã tồn tại được 150 triệu năm, trong khi của các người chỉ non một triệu. Đường lối tổ chức của loài kiến được thử nghiệm và kiểm nghiệm, và nó đã ổn định như thế kể từ thời Mesozoic, trong khi loài người thay đổi mỗi 20 năm, thế đã là may lắm. Này, ta không có ý muốn xen vào chuyện của các người đâu nhé, và ta biết rằng cơ thể học với lại sinh lý học khó thể canh tân trong một thời gian ngắn, nhưng theo cái cách mà các vấn đề hiện vẫn còn tồn tại nơi các người, thì một đàn ông cho 50 đàn bà là quá phủ phê rồi. Ngoài ra làm vậy các người còn giải quyết được vấn đề đói kém của địa cầu.
Nhà báo: Vậy 49 người đàn ông kia để làm gì, thưa Bệ Hạ?
Kiến Chúa: Tốt nhất là bọn đó không nên được sinh ra. Nếu không có lúc sẽ thấy cái cảnh phải xử tử chúng, hoặc thiến phắt, hoặc bắt lao động khổ sai, không thôi thì, do chúng có khuynh hướng giết chóc, cứ để cho chúng nó tàn sát lẫn nhau. Nói chuyện với nhà xuất bản của ngươi về vấn đề này đi, hãy viết một bài xã luận; đó là một đạo luật cần được đệ trình lên quốc hội.
Nhà báo: Chắc chắn thần sẽ bàn bạc với nhà xuất bản, nhưng tâu Bệ Hạ, có bao giờ Ngài hồi tưởng về buổi trưa hôm ấy, lần thăng hoa ấy, khoảnh khắc yêu đương ấy?
Kiến Chúa: Khó nói lắm. Nhà ngươi biết đấy, đối với loài kiến cái đẹp là ưu tiên hàng đầu; và tuy vậy, khi lời đã thốt ra và việc đã làm xong, ta cảm thấy khá là dễ chịu vui sống ở đây, trong bóng tối, trong sự ấm áp và an bình, được vây quanh bởi hàng trăm ngàn đứa con gái cứ nhõng nhẽo với ta suốt ngày. Việc gì cũng phải đúng lúc của nó, nhiều thế kỷ trước ai đó trong các người đã đưa ra một ý khiến ta hiểu rằng dường như ông ấy muốn khuyên loài người hãy bắt chước loài kiến. Đối với thần dân ta, đây là một qui luật nghiêm nhặt, có thời gian dành cho trứng, lúc khác cho ấu trùng, và một giai đoạn khác nữa dành cho nhộng; có ngày và đêm, hè và đông, chiến tranh và hòa bình, lao động và sinh sản: nhưng trên hết là có Đất Nước và không gì khác ngoài tổ quốc.Còn về hoài niệm ư, tất nhiên là có chứ. Ta đã nói với ngươi ta đã từng là một tay bay lượn cự phách: có lẽ vì thế mà đức phu quân của ta đã chọn ta trong đám công chúa công nương tụ tập lúc hoàng hôn. Các cô đông đến nỗi che rợp cả mặt trời: từ xa trông như một cột khói bốc lên từ tổ kiến, nhưng chính ta là cái kẻ bay cao hơn tất cả cái đám đó. Ta có cấu trúc cơ của một vận động viên. Và chàng đuổi theo ta, giúi vào người ta cái món quà gói ghém tất cả tương lai của loài kiến, rồi tiếp liền đó chàng gieo người xuống: giờ ta vẫn còn có thể hình dung chàng vừa rơi vừa xoay vòng như một chiếc lá.
Nhà báo: Thế còn Bệ Hạ, Ngài ra sao?
Kiến Chúa: Gói quà đó là trách nhiệm, rất nặng nề, ở cả nghĩa đen, ta quay trở lại, đúng ra ta buông mình xuống: phần vì mệt mỏi, phần vì buồn đau. Không còn là một nữ phi công trinh trắng mà là một người mẹ góa bụa, mang nặng đẻ đau hàng triệu sinh linh. Việc đầu tiên khi trở thành mẹ là dẹp bỏ đôi cánh: chúng mỏng manh, phù phiếm, và không còn cần thiết nữa trong bất cứ tình huống nào. Ta lập tức xé nát chúng đi, rồi đào một hốc lõm cho riêng mình, điều vẫn được làm từ ngàn xưa. Ta đã có ý muốn giữ đôi cánh lại để làm kỷ niệm nhưng rồi nghĩ ôi hư ảo vô ích quá đi, thế là ta để cho gió cuốn đi. Ta cảm nhận được những cái trứng đang lớn dần trong người, chúng rắn như đá. Khi giờ đã điểm, các cơ mà trước đây dùng cho đôi cánh, bỗng trở nên mầu nhiệm trong một chức năng khác. Ta chuyển hóa, tiêu thụ và hợp nhất chúng để biến chúng thành dưỡng chất nuôi trứng, các thần dân tương lai của ta. Vì điều này, ta hi sinh cả sức lực và tuổi trẻ, và ta hãnh diện vì nó. Ta, và chỉ một mình ta thôi. Có những loài kiến khác giữ trong tổ nhiều đến 20 Bà Chúa: điều nhục nhã này không bao giờ xảy ra ở bọn ta. Thử để cho một kiến thợ của ta sinh sản đi, rồi cô nàng sẽ bết đá biết vàng.
Nhà báo: Thần lĩnh hội rồi ạ. Duy trì nòi giống là một dâng hiến toàn diện. Thần hiểu Bệ Hạ muốn khẳng định độc quyền của mình đối với trách nhiệm đó. Ngài biết chăng, đối với loài người, tình mẫu tử cũng rất thiêng liêng. Những trang báo của chúng thần đăng toàn tin tức về những tội ác kinh hoàng nhưng hễ kẻ nào làm hại đến trẻ nhỏ thì lập tức bị mọi người nguyền rủa ngay.
Kiến Chúa: Đúng. đúng, không được ăn mấy cái trứng, không nên làm như thế. Nhưng trong một số tình huống người ta phải nghe theo tiếng gọi của tổ quốc, đó cũng là lẽ thường tình. Khi đang thiếu ăn mà trứng lại dư thừa, thì không còn chỗ cho đạo đức nữa. Bọn ta ăn trứng, và ta là kẻ đầu tiên chứ ai – xơi cả ấu trùng và nhộng. Mấy thứ này bổ dưỡng, và nếu trứng không được chăm sóc – vì kiến thợ đói lả không còn làm việc nổi – chúng sẽ hư thối đi, đến nước chỉ còn làm mồi cho bọn sâu bọ, rồi bọn ta cũng tàn đời. Thế thì sao? Thiếu logic thì không có chính phủ chứ sao.
04.1986

Xem Thêm :  Có được là người (TC.Tia Sáng )

1 nhận xét:

Thơ MP.Trường Giang Thủy : TÓC DÀI TÓC NGẮN , HOA LÒNG

  TÓC DÀI TÓC NGẮN Tóc dài xưa nợ bàn tay, Gỡ từng sợi rối thẹn ngày gió thu... Nắng hồng dính vệt sương mù Soi trên tóc ngắn bạc từ hôm qua...