Thứ Ba, 25 tháng 8, 2020

Một Lần Gặp Cuối- Nguyễn Đạt

một lần gặp cuối

Nguyễn Đạt
Đấy là một thứ hương lạ, một loại nước hoa nào không biết. Tôi có nhiều ngày tháng sống dưới chân thang dẫn lên lầu vũ trường, cộng với nhiều ngày tháng thử nước hoa thật giả trong tiệm mỹ phẩm, vậy mà cũng không biết được. Ông ta đi theo tôi tìm ghế trống. Người đàn bà khá đẹp mất hút trong đám đông vào rạp giờ entr’acte.
– Đi xem cải lương cũng hay đấy, nào chúng ta đi.
Chúng tôi rời quán rượu La Pagode vào lúc bình thường chúng tôi chưa rời. Một tháng, đúng một tháng, tôi quen người đàn ông tôi ái mộ; ông ta đẹp đẽ không khác hình ảnh người nghệ sĩ trong mường tượng của tôi, sang trọng và đơn độc. Ông ta luôn luôn ngồi uống rượu một mình, cái bàn sát ô cửa kính của quán La Pagode, nhìn ngó lãng đãng phía ngoài đường phố. Có một lần, bên cạnh ông ta có người đàn bà nào đấy, tôi quan sát nghe ngóng cách họ nói chuyện với nhau, biết không phải vợ chồng. Người đàn bà ra khỏi quán, ông ta lại ngồi một mình, nhìn ngó lãng đãng ngoài đường phố.
Cái lần tôi buồn quá, uống rượu hơi nhiều, quá nhiều so với tửu lượng của tôi, tôi quen ông ta. Lúc ấy tôi từ toa-lét đi ra, bước đi hơi nghiêng ngả, ngã chúi vào cái bàn ông ta đang ngồi, sát cửa kính, may không đổ vỡ gì. Ông ta kéo ghế bảo tôi ngồi đấy, kêu người chạy bàn chuyển ly rượu và cái “túi dết” của tôi sang. Tôi không là gì trước một người như ông ta, tôi chưa tiện hỏi tên, và có biết tên tuổi ông ta cũng vậy thôi. Nói chuyện với ông ta thật dễ dàng, chuyện gì cũng được. Ông ta không để tôi móc túi trả tiền rượu lần nào.
– Bữa nào tôi không có tiền, thế nào chẳng có bữa như vậy, thì cậu trả.
Ông ta không tìm hiểu, hoặc ông ta không tìm hiểu cũng có thể biết tôi là loại người nào. Bởi vì ông ta không một lần hỏi tôi làm gì, ở đâu, cả cái tên của tôi ông ta cũng không hỏi. Khi tôi vào quán La Pagode, luôn luôn thấy ông ta đã ngồi ở chỗ cũ, ông ta vẫy tay thay lời nói tới đây ngồi. Một lần tôi mang theo tờ báo, ông ta giở ra đọc, mở trang trong của tờ báo và đọc khá lâu. Tôi mua tờ báo này mỗi cuối tuần, chỉ để đọc truyện ngắn ở trang trong. Tôi hỏi ông ta:
– Chú có thích đọc truyện ngắn đăng báo không?
– Truyện ngắn không đăng báo thì làm sao có để đọc? Mà thôi, xin đừng gọi anh là chú.
Tôi bật cười thích thú, không ngờ ông ta nhắc, nhớ câu nói của nhân vật chú Đạt nói với nhân vật cháu Diễm trong cuốn truyện Yêu của Chu Tử, chủ tờ nhật báo Sống nổi đình nổi đám tại Sài Gòn ngày xưa. Tôi quen đọc báo từ thuở nhỏ, cái thuở tôi bán báo dạo trên hè phố Sài Gòn. Thế là tôi quên khuấy hỏi lại ông ta có thích đọc truyện ngắn hay không, ông ta nào đã trả lời câu hỏi ấy. Rồi tôi đoán, mở trang trong khá lâu như ông ta, hẳn là ông ta đọc truyện ngắn trong đó, cái truyện ngắn tôi đã đọc trên xe buýt, nẻo đường từ khu phố Trường Đua Phú Thọ tôi cư ngụ, tới quán La Pagode. Bữa ấy tôi mua tôi mua tờ báo từ sáng, bận việc chưa đọc. Truyện viết về một cuộc chia tay, Một Lần Gặp Cuối, nhân vật người đàn bà trong truyện ngắn này xinh đẹp, tính cách khá đặc biệt. Người đàn ông đã quyết định chia tay mối tình trong chính mình, khi ông vô tình biết người đàn bà có mối quan hệ sâu đậm với một lão già, kẻ tình nhân đớn hèn mà cơn u mê tăm tối đã trì giữ, khiến người đàn bà không thể giũ bỏ để trong sạch với tính cách đáng yêu của mình. Người đàn ông không biểu lộ gì để người đàn bà biết cuộc từ giã như vậy đã xảy ra trong người đàn ông, họ vẫn gặp nhau, như bạn đồng hành trên chuyến tàu cuộc đời.
Tôi vẫn gọi ông ta là chú, tự bực mình vì không cho phép mình gọi ông ta là anh như ông ta đề nghị. Nếu tôi hồn nhiên gọi ông ta như lời ông ta đề nghị, chắc tôi sẽ thấy ông ta gần gũi hơn. Dù sao tôi cũng có niềm vui được ngồi uống rượu, nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất với ông ta. Tôi bảo ông ta giống Papa Hemingway, dám nhìn nhận thất bại, nhà văn tài ba tôi ngưỡng mộ. Ông ta nhìn tôi, cười khó hiểu, nói:
– Có thể tôi giống một nửa ông Hemingway của cậu.
Tôi định hỏi tại sao ông ta chỉ giống một nửa nhà văn Hemingway, lại thôi, nghĩ chắc ông ta muốn nói ông ta không phải nhà văn như Papa Hemingway.
Vở tuồng cải lương sắp diễn, tắt đèn trong rạp, tấm màn nhung bắt đầu được kéo ra hai phía cánh gà trên sân khấu. Chúng tôi len lỏi tìm được chỗ ngồi ổn định trên chiếc ghế nệm, chiếc ghế nệm bị con chuột khổng lồ nào đó đục khoét một lỗ lớn khiến tôi phải ngồi hơi nghiêng người, tôi chợt nhận ra mùi nước hoa lạ lùng. Đấy là mùi nước hoa đã bắt mũi tôi, mũi của một người từng có nhiều ngày tháng sống dưới chân thang dẫn lên lầu vũ trường, cộng với nhiều ngày tháng thử nước hoa thật giả trong tiệm mỹ phẩm. Mùi nước hoa thật gần mà không sực nức, người đàn bà ngồi cách tôi một ghế trống, chắc chắn mùi nước hoa tỏa ra từ người đàn bà này. Bà ta quay sang hỏi tôi:
– Anh có diêm quẹt không?
Không để lâu lắc một phút nào, tôi bật que diêm, đưa que diêm đang cháy vào đầu điếu thuốc lá người đàn bà đã ngậm sẵn trên môi. Người đàn bà, đúng là người đàn bà tôi chú ý, lẫn trong đám đông vào rạp giờ entr’acte. Khuôn mặt người đàn bà đẹp cực kỳ trước ánh lửa que diêm, bên cạnh người đàn ông già chát, có thể bằng tuổi cha của người đàn bà. Ông lão này hỏi người đàn bà, giọng Huế trọ trẹ:
– Em không mang theo chewing-gum?
Không hiểu vì khó chịu trước mùi thuốc lá, hoặc không ưa mùi nước hoa, ông ta đề nghị đổi chỗ ngồi. Chúng tôi đi lần xuống phía dưới rạp, ngồi ở hàng ghế còn vài ghế trống, gần cuối rạp.
– Chú có thấy người đàn bà vừa mồi thuốc lá quá đẹp?
– Cậu nói đúng, quá đẹp.
– Chú đâu nhìn rõ được. Que diêm mau tắt, chú lại ngồi cách xa.
Ông ta nói đều giọng, bình thường ông ta nói đều giọng như vậy, khi có cơn hứng bất tử giọng nói ông ta cũng khá sôi nổi:
– Tôi đã nhìn rõ người đàn bà này suốt mười năm trời. Bà ấy là vợ tôi.
Tôi chợt không khác người bị á khẩu, không thể nói thêm một lời nào nữa về người đàn bà, cho tới khi chúng tôi ra khỏi rạp hát cải lương. Rồi mỗi người một ngả. Trên xe buýt trở về nơi cư ngụ, tôi ở trong trạng thái xúc cảm tưởng chừng không chịu đựng nổi thêm một chút nào nữa. Nỗi xúc cảm không phải ở vở tuồng bi lụy, hoàn toàn không phải, mà vì người đàn bà liên quan tới ông ta.
Hôm sau tôi trở lại quán như thường lệ, tự thú nhận tôi rất hồi hộp. Không thấy ông ta ở chỗ ông ta vẫn ngồi. Liên tục như vậy, nhưng ngày thứ tư, sau ba ngày vắng mặt, ông ta tới. Ông ta uống xong một ly rượu mạnh, loại rượu Chivas ông ta vẫn uống, thay vì gọi thêm ly thứ hai, ông ta dợm đứng dậy, đưa tôi một phong bì khổ lớn, dày cộm, dán kín, đề tên người nhận, NgCh. Ông ta lại đưa tôi giữ tấm hình người đàn bà có tên NgCh. Gương mặt người đàn bà có tên NgCh. sáng láng, người ta có thể tin cậy hoàn toàn, không một chút nghi ngại gì về một người đàn bà như vậy. Nếu cho điểm về nhan sắc người đàn bà này, theo tôi là điểm trung bình; nhưng với vẻ sáng láng, gương mặt ấy xóa bỏ tất cả thang điểm cao thấp.
– Người đàn bà mang tên NgCh. sẽ tới đây để nhận phong bì này, chậm lắm là một tuần lễ.
Ông ta đi ra khỏi quán, tôi nhìn theo tới lúc ông ta mất dấu ở góc phố. Tôi gọi người chạy bàn để trả tiền hai ly rượu Chivas, nhưng người chạy bàn bảo ông ta đã trả tiền trước rồi.
Tôi ngồi uống rượu một mình ở quán La Pagode như đã ngồi một mình từ nhiều năm, nhưng một tuần lễ tôi ngồi một mình tại đây vì ông ta. Cuối cùng, sau mười ngày chứ không phải một tuần lễ, tôi nhờ người quản lý quán rượu làm hộ cái việc ông ta nhờ tôi. Tôi không nghi ngại ông ta sẽ buồn khi biết tôi làm vậy. Tôi không thể trở lại ngồi uống rượu ở quán với chỗ ngồi của người vắng mặt. Tôi không chịu đựng nổi sự thể như vậy. Hoàn toàn không.
Một tháng sau tôi ghé quán La Pagode gặp người quản lý, anh ta lắc đầu, chưa hề thấy người đàn bà như trong tấm hình có tên NgCh. tới quán. Tôi nghĩ về ông ta, về người đàn bà trong rạp hát cải lương, về truyện ngắn Một Lần Gặp Cuối trong số báo tôi đưa ông ta đọc. Tôi nghĩ về người đàn bà có tên NgCh. Tôi nghĩ về tất cả.
Ông ta bảo ông ta có giống Papa Hemingway thì cũng chỉ giống một nửa. Tôi nghĩ ông ta giống toàn phần. Rất có thể ông ta là nhà văn, tác giả truyện ngắn trong số báo tôi mang theo tới quán. Rất có thể ông ta, nếu chưa, thì cũng sẽ tự sát.
./.

1 nhận xét:

Thơ MP.Trường Giang Thủy : TÓC DÀI TÓC NGẮN , HOA LÒNG

  TÓC DÀI TÓC NGẮN Tóc dài xưa nợ bàn tay, Gỡ từng sợi rối thẹn ngày gió thu... Nắng hồng dính vệt sương mù Soi trên tóc ngắn bạc từ hôm qua...