Thứ Năm, 20 tháng 8, 2020

Hàn nho mãi tự Vũ Đình Liên- Nhật Chung

Hàn nho mãi tự Vũ Đình Liên- Nhật Chung
Trong một chuyến về quê, nhà thơ Vũ Đình Liên cùng người bạn địa phương đi qua cái cầu xi măng, cầu khá dài. Nhà thơ hỏi người bạn và được biết cầu tên là cầu Trò và lai lịch của cái tên. Nguyên ngày xưa có cô nhà trò đi hát đêm, sáng sớm về qua lạch nước con thì gặp mưa gió, bị cảm lạnh và chết. Dân làng đem chôn trên bờ ngòi và lập miếu thờ. Người bạn kể chuyện thật bình thản nhưng đã để lại cho người nghe niềm xúc động, xót thương day dứt.

Tác giả bài thơ Ông Đồ nghĩ đến số phận đáng thương của những người phụ nữ nghèo khổ, có nhan sắc, có tài hoa đã phải mang tài sắc ấy mua vui cho những kẻ quyền quí giàu sang, cuối cùng phải chết một cách đau thương như Đạm Tiên trong Truyện Kiều hay Phăng-tin trong Những người khốn khổ.

Trở về Hà Nội, nhà thơ Vũ Đình Liên bị ám ảnh khôn nguôi, trăn trở với câu chuyện thương tâm về người kỹ nữ tài sắc nhưng yểu mệnh, Vũ Đình Liên đã làm bài thơ Người kỹ nữ cầu Trò:

Đường về Hà Nội, cầu Trò qua
Nghe chuyện người xưa, dạ xót xa
Đêm tiệc ai say làm phách đổ
Mai sương người thấm lớp mưa sa
Hai manh xiêm áo, khôn ngăn giá
Nửa kiếp phong trần luống rụng hoa
Ví phỏng Nguyễn Du còn bút lệ
Đoạn trường thêm mấy khúc bi ca



Bìa tập thơ chép tay Người kỹ nữ cầu Trò
do Bùi Xuân Phái trình bày
Khi đã hoàn thành xong bài thơ, Vũ Đình Liên tâm sự với các bạn hữu : “Tôi vừa đặt bút thì bỗng nhiên thấy trong lòng có một rạo rực lạ lùng như có một sự cố gì bất thường sắp xảy ra. Một cơn gió lạnh nổi lên từ phía Bắc, thổi lùa vào cánh cửa phòng, đưa theo tiếng người vừa xa, vừa gần, ngâm nga lời bài thơ như từ phương trời âm u nào vọng tới. Tôi vội vàng ghi lại và ngạc nhiên, hoảng hốt thấy bài thơ mới như họa đúng vần bài trước của tôi”. Bài thơ như sau:

Một mái liêu xiêu năm tháng qua
Bên cầu nắng dãi với mưa sa
Trăm năm chồng chất oan hồn nặng
Nửa kiếp lạnh lùng ân ái xa
Thuở mới trời nghiêng hồn xót nước
Chuyện xưa cành gãy khách thương hoa
Cõi âm bừng dậy hơi dương ấm
Lòng bắt đầu tan hận xướng ca

Ông kể, giữa đêm khuya thanh vắng khi ấy, chỉ thấy có tiếng gió nhẹ ngoài song, lại như nghe rõ tiếng nói người xưa, rồi chợt như thấy dưới ánh đèn khuya mờ ảo hình ảnh của một kỹ nữ yểu điệu ngồi trên chiếu hoa, nâng nhẹ hai chiếc dùi mở đầu một nhịp phách nửa buồn nửa vui tưởng như tiếng lệ rơi trên tà áo lụa, tiếng ngọc rơi trên mâm vàng... Một không gian mộng mị liêu trai làm lòng người xao động làm sao. Nhà thơ vội chép tiếp hai câu cuối của bài thơ:

Tạ lòng người biết nên chi được
Phách ngọc gieo thêm một nhịp vàng


Sáng hôm sau, ông dậy thật sớm và đem bản thảo bài thơ "Người kỹ nữ cầu Trò" đi bộ đến "Gác treo tám thước nhà anh Phái / Một tiếng thơ ngâm sóng gió đầy" Đó là căn gác xép của Bùi Xuân Phái, các tiên sinh thủa đó vẫn thường gọi vui là "trụ sở". Nhà thơ Vũ Đình Liên hễ làm được bài thơ nào hay là ông đến gặp Bùi Xuân Phái để đọc thơ và sau đó, nhà thơ khẩn khoản nhờ bạn vẽ minh họa bài thơ đó. Ban đầu nhà thơ Vũ Đình Liên và nhà Nhiếp ảnh Trần Văn Lưu có ý muốn đặt tên cho căn gác xép là "Đền Văn Hóa" Sau vì Bùi Xuân Phái nhận thấy có vẻ to tát quá, ngại, ông lắc đầu cười hiền lành :"Thôi các ông ạ!" Chắc là Bùi Xuân Phái ngại, không muốn gặp những rắc rối. Sau đó "Đền Văn Hóa" được đặt tên cho căn gác xép của cụ Lưu ở 11 Hàng Bông.
Nhà thơ Vũ Đình Liên cũng có làm một bài thơ về Bùi Xuân Phái, sau lần nhà thơ hỏi Bùi Xuân Phái, ban đầu đã khiến họa sĩ khá ngỡ ngàng vì tính lập trường của câu hỏi của Vũ Đình Liên :
”Anh Phái ơi, lý tưởng sống của anh là gì?” Bùi Xuân Phái cười, đáp: “Lý tưởng sống của tôi là làm cho mọi người vui”. Nghe trả lời,nhà thơ lấy làm tâm đắc và làm bài "Gửi Bùi Xuân Phái"

Người bảo tranh anh vốn sẵn buồn
Như thơ tôi vẫn cứ thương thương
Anh, tôi đâu phải không vui lắm
Nhân thế vì rằng chửa sướng luôn
Còn lẽ loài người da bọc thịt
Há như giống sói mõm phanh sườn
Thiêu thân nghệ thuật là duyên nghiệp
Đốt trái tim trầm gửi gió hương

Ngâm tranh

Tranh ngắm lòng càng rộn ý thơ,
Cả hồn qúa khứ xót ông đồ.
Ba vần thơ đã khơi nguồn nhớ,
Mấy mảnh giấy còn chắp cánh mơ.
Thanh sắc chưa phai màu lệ cũ
Ảnh hình thẫm đượm mối thương xưa
Hồn người nghiên bút nghìn năm trước
Khối hận đến giờ đã nhẹ chưa …

Tình bạn Vũ Đình Liên với Bùi Xuân Phái và Trần Văn Lưu là nhóm ba người bạn văn nghệ, rất thân với nhau, ngày đó các tiên sinh được gọi vui là kiềng ba chân Lưu-Liên-Phái. Với nhà thơ Vũ Đình Liên, duyên nợ với "ÔNG ĐỒ" đã theo cùng ông đến hết cuộc đời. Sau bài thơ đã làm ông nổi tiếng và chỉ với một bài thơ đó đủ tôn xưng ông là nhà thơ, Vũ Đình Liên có làm thêm 3 bài thơ tiếp theo chủ đề Ông Đồ nhưng không thể hay được như bài đầu tiên:

Ông đồMỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
"Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay"

Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu

Ông đồ vẫn ngồi đó
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?



Bìa vẽ tay cho tập thơ "Đốt trái tim trầm gửi gió hương" của Bùi Xuân Phái
Giữa ban ngày đốt đuốc
Tìm một tấm lòng nhân

Sinh thời bác Vũ Đình Liên hay nói câu nguyên văn bằng tiếng Pháp "Mieux vaut tard que jamais!" Khi có người cười, bình về câu thơ của ông, họ nói tìm một tấm lòng nhân trong thời buổi bây giờ khó lắm Ông bảo muộn còn hơn không bao giờ tìm.

Nhớ về nhà thơ Vũ Đình Liên, tôi thấy ông có tấm lòng bao dung và thương yêu người nghèo thật hiếm có. Thủa ấy, cá tính của nhà thơ thường bị mọi người cho là gàn, leng keng. Thời bao cấp, hễ cơ quan phân phối cho ông cân thịt hay mét vải, thế là ông cầm ngay lấy nó và hăm hở đi khắp trong thành phố tìm người hành khất đầu tiên mà ông gặp để cho. Ngày Tết, Vũ tiên sinh bỏ nhà đi, ông đem theo mấy chiếc bánh chưng đi du hành cùng với ... túi thơ, tình cờ nhà thơ gặp một người đàn bà điên đang đi ăn xin. Vũ tiên sinh bóc bánh chưng và mời người đàn bà điên cùng ăn, và rồi nhà thơ họ Vũ đề nghị được kết nghĩa chị em với người đàn bà điên ấy.

Sau đó nhà thơ có sáng tác tập thơ với tiêu đề "Người đàn bà điên ga Lưu Xá" và đem tập bản thảo đó nhờ Bùi Xuân Phái trình bày bìa và bên trong có những phụ bản minh họa đẹp tuyệt vời. Tôi có được xem cả tập thơ ấy và những tác phẩm minh họa của BXPhái. Rất tiếc là sau khi Vũ Đình Liên qua đời, tập thơ "Người đàn bà điên ga Lưu Xá" cùng với những họa phẩm minh họa độc đáo của danh họa Bùi Xuân Phái cũng đi theo "Những người muôn năm cũ", và không ai biết được tập bản thảo ấy "Hồn ở đâu bây giờ?"





Người kỹ nữ cầu Trò tranh Bùi Xuân Phái

Ông đồ tranh cắt giấy của Bùi Xuân Phái


Ông đồ Vũ Đình Liên ngồi viết câu đối,
nhiếp ảnh Trần Văn Lưu đội mũ phớt đi đôi guốc mộc ngồi xem (chữ ở câu đối : Tay với bút không già)
Qua cái nhìn hài hước của Bùi Xuân Phái
Trích từ Chữ Nghĩa Làng Văn của Ngộ Không Phi Ngoc Hùng 15/8/2020

1 nhận xét:

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...