Thứ Năm, 13 tháng 8, 2020

Phan Tấn Hải: NGƯỜI TỚI NHƯ MỘNG

Soi bóng – Tranh: Hòang Thanh Tâm
Tôi đã gặp những người như thế. Những người như mộng, như thật. Những người đã tới để cho tôi thấy đời này như mộng, như thật. Họ tới để nói rằng cõi đời này là bất khả nghĩ bàn, nói mộng cũng hỏng, mà nói thật cũng sai.
Có những người đã bước vào trần gian này, mà tôi có cơ duyên gặp được nơi này hay nơi kia, và rồi biến dạng như những làn khói lẩn khuất, hư ảo. Để rồi chỉ còn thoảng trong trí nhớ của tôi những nụ cười như hoa nở, một giọng nói dịu dàng như gió sớm, hay như một tà áo phủ mát những giấc mộng đêm hè. Và rồi, người hiện ra như thật, và biến đi như sương khói, để những bàn tay nắm lấy chỉ còn là một cảm giác run rẩy mỗi khi nhớ tới, và rồi lại buông ra để đi thật xa.
Với những người bạn ở cõi này, Diệu My là một người như thế trong trí nhớ của tôi. Thực ra, nhóm bạn chúng tôi quen gọi một cô bé ở Thủ Dầu Một thế cho tiện, chứ tên đời và tên đạo đều không phải thế. Nhưng có sao đâu. Có ai bảo tên là thực, để rồi cân nhắc xem là phải gọi thế nào. Cũng đâu có ai bảo thân này là thật, để rồi cứ mãi tìm trong trí nhớ bóng người của nhiều thập niên trước.
*
Diệu My đẩy nhẹ tôi ra, lùi vài bước, đưa tay phải lên vẫy chào trong khi nở nụ cười trẻ thơ trông hệt như thời của nhiều thập niên trước, và quay lưng bước đi. Tôi còn đứng ngẩn ngơ với mùi hương tóc rất lạ còn phảng phất, nhìn Diệu My bước hẳn vào sương mù nơi chiếc cầu trên đường State Street, nơi vào phố chính của thị trấn Santa Barbara, rồi mới bước về ga xe lửa Amtrak, chờ về lại Quận Cam.
Ngồi trên xe lửa, tới gần trạm Anaheim, trước mắt tôi vẫn thấy vài sợi tóc của Diệu My bay trong gió biển Santa Barbara. Tôi đưa hai bàn tay mình lên, nhìn ngắm. Cảm giác nơi tay vẫn còn rung động như điện chạy, cảm giác khi nắm tay nàng và buông ra. Y hệt như nhiều thập niên trước đã tình cờ chạm tay nhau.
Và lần này, cảm giác nơi tay vẫn còn trong vòng ôm từ biệt, khi vòng qua bờ vai nàng, xiết nhẹ và bàn tay áp lên lằn ngấn áo nịt ngực sau lưng của nàng. Người tôi run rẩy. Khi nàng đẩy nhẹ ra, tôi thâý như mắt nàng có tia nhìn tinh nghịch.
Tinh nghịch như câu nói rộn tiếng cười của nàng qua điện thoại tuần trước: “Anh à, anh nói anh 60 tuổi sống đơn độc, chỉ biết sách vở, chưa biết gì tới bạn tình nào… chỉ có Diệu My này tin thôi. Chỉ vì, huyền thoại bao giờ cũng đáng tin, kể cả huyền thoại trong năm 2012 này, phải không?”
Tôi cũng không ngờ Diệu My đã sang Hoa Kỳ, sau nhiều thập niên xa cách. Luôn luôn, cô bé vẫn là nhỏ út của chúng tôi, một nhóm bạn tu học nơi sân Chùa Tây Tạng, Bình Dương, từ những năm của thập niên 1970s. Và rồi bây giờ gặp lại, thì mới biết cô nàng đang về tìm việc ở thị trấn miền trung California này, và là nơi rất vắng người Việt. Tôi tự nhủ, để rồi sẽ gửi email hỏi Sơn xem sao.
*
Tôi nhớ hồi đó, nhỏ út Diệu My cứ nói rằng bài Bát Nhã Tâm Kinh khó nhớ quá, học cả mấy tháng mà chưa thuộc, tuy hễ rãnh là tụng đọc hoài. Lúc đó, tôi nói đùa, tại vì giọng của nhỏ út hay quá, nên khi giọng cất lên, là chữ bay mất đâu rồi, không thấy bay vào trí nhớ. Mà giọng của nhỏ út hay lắm, nói chuyện bình thường cũng đã như nghe nhạc rồi, không thành ca sĩ mới lạ. Sinh ở Đà Nẵng, nhưng vào Bình Dương sống từ nhỏ, nên tiếng nói của nhỏ út pha giọng như hòa âm, như dường tiếng nhạc.
Rồi cũng tới lúc nhỏ út thuộc được bản kinh chỉ có một trang này. Tôi lại nói, thuộc mà không có hiểu hết đâu nhen. Lúc đó, nhỏ út lại cười, vuốt tóc che một bên mặt, và nép người vào một góc cột chùa, trong khi nhóm chúng tôi ngồi uống trà, nghe Thầy Thích Tịch Chiếu nói về giáo pháp.
Gọi Diệu My là nhỏ út là để cho tiện, riết thành quen. Cả nhóm đều gọi cô bé như thế, nhỏ nhất thì được gọi thế là phải. Lúc đó, nhỏ út chưa qua bậc trung học, trong khi nhóm bạn chúng tôi hoặc đã học xong đại học, hoặc đang ở năm cuối. Nhỏ út ưa lên ngôi chùa này, vì nhà ở khu chợ Thủ Dầu Một, đạp xe một chặp là tới. Còn nhóm chúng tôi là từ nhà ở Sài Gòn, nguyên nhóm đều là cựu sinh viên Đại Học Văn Khoa, hễ cuối tuần là đi xe đạp, hay xe gắn máy về Chùa Tây Tạng ở Bình Dương những ngày cuối tuần, và có khi cả những ngày trong tuần, khi được rãnh rang.
Nhỏ út cũng siêng lắm, khéo lắm… biết cách ủ tương, làm chao. Trong khi Sơn và tôi cũng có lúc về khu đất An Phú Đông ở hẳn cả tuần để làm ruộng giúp chùa. Tay chân đầy bùn đất, nhưng thời đó thật là vui. Nói vui, là vui khi ngồi ở rẫy, khi nghe Thầy nói về Thiền, hay khi ngồi thiền, tụng kinh… Chứ đất nước ngổn ngang, tâm sự chúng tôi đứa nào cũng bời bời. Mấy tên bạn trong Nhóm Triết, cũng là học trò của ngôi chùa này, còn đi tù cải tạo chưa về.
Vào những ngày chủ nhật, có những ông cụ, bà cụ cũng vào tụng kinh, niệm Phật, thăm hỏi Thầy. Tôi còn nhớ hình ảnh bác Diệu Quang thường ngồi nơi hàng thứ nhì. Bà cụ có lần giải thích với tôi rằng, ngồi hàng đầu thì kỳ quá, còn ở hàng thứ nhì thì gần Phật hơn là ngồi ở các hàng sau.
Lúc đó, tôi giả bộ quay qua nói với Sơn, tụi mình cứ ưa ngồi hàng chót, rủi tụng kinh Ông Phật không nghe thì sao. Bác Diệu Quang nghe được mới cười, rung rinh mái tóc trắng, nói thêm rằng bác đang lo vì có hai người con trai ở tù cải tạo xa, nên bác cần phải tụng kinh cho Đức Phật nghe không sót chữ nào, mới “hồi hướng công đức cho hai đứa nó về sớm,” theo bác giải thích. Lúc đó, Sơn khều tôi, ra dấu im lặng, đừng bàn nữa.
Bác Diệu Quang tụng kinh chậm, vì tuổi lớn rồi, có khi đọc vấp. Một lần tụng Phổ Môn của Kinh Pháp Hoa, chuyện Đức Bồ Tát Quan Thế Âm hóa hiện nhiều ứng thân để cứu chúng sinh, bác Diệu Quang nghẹn lời, cúi mái tóc trắng thấp hơn, nhưng tôi kịp nhận ra bác đưa tay áo lên chùi nước mắt.
Cũng chất phác như thế là bác Bảy Trụ, cô Diệu Tâm, và nhiều người khác. Một thời đầy những lo buồn, ai cũng thế. Chẳng hiểu sao nước mình nó như thế.
Tới chùa lúc đó, mỗi người là một thế giới đau thương, cứ những ngày sóc vọng, lễ kỵ, tới tụng kinh cũng chỉ mươi người, không đông bằng các chùa ở Sài Gòn. Còn ngày thường thì vắng bặt, có khi chẳng thấy bóng ai, chỉ còn Sơn với tôi ngồi thưa chuyện với Thầy. Không khí căng thẳng thời đó là như thế.
Thỉnh thoảng Thầy ra ngồi ở ghế đá trước sân. Nơi này hồi đó cũng có một vài kỷ niệm. Có những đàn chim sẻ thường sà xuống, bay quanh quẩn trong sân, bạo dạn tới mức có khi nhảy lóc cóc tới gần chân thầy. Một lần nhỏ út Diệu My thấy vậy mới lấy tay quơ quơ cho chim sẻ bay, làm sao lại vấp té, tôi kịp đưa tay đỡ dậy. Bàn tay tôi nắm lấy bàn tay Diệu My, kéo đứng dậy, cảm giác lạ thường nơi tay tôi kéo dài mấy ngày. Tay nhỏ út Diệu My tất nhiên mềm mại, con gái mới lớn thì thế, tôi nghĩ thế. Nhưng đó là lần đầu tiên tôi nắm tay một thiếu nữ, tuy rằng nhỏ út vẫn trông như con nít trân, có vẻ như không thấy khác thường khi tôi nắm tay cô bé. Lúc đó, trong đầu tôi chợt nghĩ ra vài câu thơ, bây giờ không nhớ hết, nhưng đại khái là hình ảnh một đàn chim sẻ bay lên, làm những nỗi buồn rơi lại và nhà thơ ngồi ôm mặt khóc vì nhớ những ngày qua đi… Đại khái là thế. Nhưng tôi không bao giờ viết xuống giấy các dòng như thế cho trọn một bài thơ. Sao mình lại nặng nghiệp như thế nhỉ.
Khoảng mươi phút sau, Thầy nói rằng chúng ta phải học như chim, cất cánh bay đi nhưng không để lại ảnh hình hay dấu chân chim nào trong không gian, cũng như trong tâm mình, những niệm khởi sinh và biến dạng đi. Tôi sực nghĩ, có vẻ như Thầy thấy được cảm giác của tôi khi chợt nắm tay cô bé.
Thầy nói, nếu còn để lại dấu vết, còn nắm giữ cảm thọ của những gì của hôm qua, những gì của quá khứ thì sẽ không giải thoát nổi. Tôi muốn hỏi rằng có phải Thầy nhận ra rằng tôi đang lưu giữ cảm giác nơi tay tôi, nơi vừa nắm tay Diệu My, nhưng rồi thôi. Mà như thế thì có phạm giới gì không, vì nguyên khởi cũng là tình cờ thôi. Ai biết. Nhưng mắt Thầy nhìn thẳng vào mắt tôi, khi nói về cánh chim bay không lưu lại dấu vết ở cõi này. Tôi phải thú nhận, cảm thọ nơi bàn tay tôi như có điện chạy, y hệt như cô bé làm ra điện giựt. Cảm giác đó nhiều thập niên sau vẫn còn nơi tay tôi, mỗi khi nhớ tới.
Một lần, sau khi mọi người tụng kinh xong hết và lui ra, nhỏ út Diệu My ngồi lại một mình trong chánh điện và tụng một mình bài Bát Nhã Tâm Kinh. Bấy giờ tôi mới ngân ngơ, đúng là giọng nhỏ út như tiếng hát rất lạ. Một đàn chim sẻ sà xuống trước sân, nhảy múa theo giọng nhỏ út tụng kinh. Không phải hình ảnh bình thường hằng ngày. Đúng là một điệu vũ lạ. Đàn chim sẻ, lung linh trong nắng mặt trời. Sắc bất dị không, không bất dị sắc… Và khi nhỏ út ngưng tiếng, đàn chim sẻ cũng ngừng lại một chặp, và rồi bay lên. Tôi nhìn qua Sơn, thấy hẳn cũng nhìn mình, cùng ngạc nhiên vì điệu vũ lạ của chim.
Buổi tụng kinh tuần sau, tôi và Sơn ngồi hàng sau cùng. Và cùng thấy rằng, khi tụng bài Bát Nhã Tâm Kinh, giọng của nhỏ út Diệu My nghe như tiếng nhạc trong âm vang hội chúng chỉ mươi người, và ngó ra sân thì thấy đàn chim sẻ sà xuống, nhảy múa hay tụng đọc gì theo kiểu riêng của loài chim. Tôi chợt nghĩ ra một câu thơ, kiểu như hẳn rằng kiếp trước em là chim, hát theo một câu kinh giữa sân chùa, nhưng rồi cũng không dám viết xuống cho thành trọn bài. Lúc nào tôi cũng sợ nghiệp. Nhất là cứ nhớ mãi lời Thầy dạy là hãy như chim bay, không để lại hình ảnh nào trên không.
*
Nhiều thập niên sau, tôi về sống lặng lẽ, bình thường ở khu phố Little Saigon, Quận Cam. Mãi nhớ câu thơ Nguyễn Du, “Hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên,” lòng tôi lúc nào cũng nghĩ tới quê nhà nhưng chuyện mưu sinh cứ mãi làm mình loay hoay cả đời. Trong căn chung cư hẹp, rất hẹp, nơi giành cho người cao niên, sống đơn độc với những trang sách cổ, tôi chỉ có niềm vui là dò tìm và viết lại những ẩn nghĩa của cuộc đời.
Những khi bước dọc theo phố Bolsa buổi trưa, dưới nắng ấm mặt trời, lòng tôi lại nhớ tới những tia nắng lung linh với đàn chim sẻ ở sân Chùa Tây Tạng Bình Dương.
Bạn thân ở quê nhà thì nhiều, nhưng thường liên lạc qua email vẫn là Sơn, người bây giờ chỉ còn niềm vui duy nhất là tu học và dịch kinh sách Tây Tạng. Thỉnh thoảng, Sơn gặp chữ khó, không dò được qua tự điển, lại email sang hỏi tôi. Hóa ra, hai thằng bạn năm xưa bây giờ lại là hai cư sĩ ưa dịch kinh sách.

*
Mới tuần trước, tôi nhận được một cú điện thoại lạ. Giọng nhỏ út Diệu My tôi nghe là nhận ra mang máng. Tôi bất ngờ, vì nhiều thập niên qua rồi, vẫn nghĩ là Diệu My còn ở Việt Nam, vẫn đang ngồi ở một góc núi nào đó. Tôi vẫn nhớ cách nhỏ út hất nghiêng mái tóc, cách ngồi thẳng lưng, với hai bờ vai nhỏ của một đứa con gái chưa lớn trộng.
Tôi đã từng nói với Sơn rằng giọng nhỏ út nói là pha giọng Đà Nẵng với Bình Dương, nhưng thực ra phảỉ nói là giọng pha tiếng nhạc trời, tụng bài Tâm Kinh là không có bản nhạc nào hay hơn. Những lần như thế, Sơn lại bảo rằng tôi nghiệp còn nặng. Vì, Sơn bảo, còn thấy có người nghe tụng kinh say mê giọng tụng kinh của người tụng, thì vẫn còn ở cõi này hoài thôi; lẽ ra, phải thấy ngay tất cả đều là vô ngã, thoắt hiện và thoắt mất, thì mới nhận ra ý kinh.
Diệu My nói rằng, nàng bay từ New York tới thăm Quận Cam một buổi, rồi hôm sau sẽ đi xe lửa về Santa Barbara nhận việc làm mới. Tôi nói, cho tôi mua vé đi theo, để tiễn nàng út vào nơi ở mới.
Tôi nói để sẽ đón ở phi trường John Wayne, cô nàng bảo thôi, vì nàng sẽ xách hành lý tới trước cửa căn chung cư của tôi vào buổi sáng Thứ Bảy. Không gì khó, giọng cười qua điện thoại của nàng già dặn, so với giọng tụng kinh thời thơ dại, nhưng vẫn là một thứ giọng pha cả Miền Trung và Miền Nam. Cũng vẫn như một tiếng nhạc năm xưa.
*
Diệu My tới bất ngờ, gõ cửa. Tôi nhìn kỹ. Cô nàng bây giờ tuổi lớn rồi, có một chút má hồng, môi son, nhưng vẫn là mái tóc nép bên cột chùa, mắt nhìn vẫn thơ trẻ. Và dĩ nhiên, không phải chiếc áo tràng màu lam, mà là một áo khoác xám.
Tôi bảo nàng để hành lý trong phòng, rồi đưa nàng ra phố Bolsa ăn trưa. Khu chung cư tôi ở là nơi chính phủ tài trợ. Tôi nhìn quanh mấy hành lang, ngó xuống phố, tự hào vì đi bên cạnh một người phụ nữ dễ thương như thế.
Ngay vừa suy nghĩ thế, tôi chợt nhớ tới câu Sơn nói năm xưa rằng nếu tôi thấy thật là có thì sẽ hỏng, mà nói thật là không thì sẽ đi lạc, lúc tôi nói rằng giọng tụng kinh của Diệu My thật tuyệt vời, nghe một lần là cả ngàn triệu kiếp không quên.
Tôi mơ hồ có ý nghĩ muốn giữ nàng ở lại Little Saigon luôn, nhưng để rồi xem sao. Tôi nghĩ, Santa Barbara thì gọi là khá gần, lái xe ba giờ rưỡi, lên thăm nàng là chuyện dễ mà. Tuy nhiên, tôi không dám hỏi về hoàn cảnh gia đình của nàng, như sợ nghe những chuyện buồn, vì đời người đâu dễ có được bao nhiêu niềm vui.
Khi đưa Diệu My tới trước thương xá Phước Lộc Thọ, một đàn chim bay sà xuống trước mặt nàng. Tôi thấy như dường cảnh này đã thấy lâu lắm rồi. Thời nào đó, mơ hồ, nhưng đã thấy rồi, kể cả khi khu phố Little Saigon chỉ là những vườn cam và rau.
Tôi đưa nàng đi trên các phố ngợp nắng Bolsa, vào một tiệm cơm chay trong góc Phước Lộc Thọ, lấy xe chở nàng ra Huntington Beach nhìn biển mươi phút, rồi lại quay về. Tôi chỉ cho nàng thấy chiếc bàn tôi ngồi làm việc hàng ngày, chiếc máy điện toán cổ lỗ và chậm rì nhưng cũng còn nối mạng được. Tôi chỉ cho nàng thấy chiếc giưỡng tôi nằm, nói mỗi đêm và rạng sáng tôi vẫn ngồi thiền trên giường, vì phòng này chật quá, không dư chỗ để làm thiền phòng hay gì hết, kể cả một bàn thờ. Kiến trúc căn chung cư này gọi là studio, nghĩa là hẹp lắm. Hẹp tới nỗi anh Vũ Huy Quang mỗi lần từ San Jose ghé thăm Quận Cam, nằm ngủ nơi sàn là tôi đi phảỉ nhón chân, vì sợ giẫm nhằm nhà văn khó tính này.
Tôi nói, tôi muốn thời gian ngừng hẳn lại, muốn điạ cầu đừng xoay nữa, muốn nắng chiều đừng tàn thêm.
Nàng cười và hỏi, sao vậy.
Trời ạ, tôi muốn ngất đi khi nhìn thấy nụ cười của nàng, y hệt như thời trẻ dại.
Tôi nói, vì tôi không muốn nàng bước ra khỏi căn phòng nãy nữa.
Nàng lại cười và nói, anh nói chuyện kiểu như thế, mà bảo là vẫn độc thân tới bây giờ là lạ đó.
Tôi nói, đời người ngắn quá, cứ ngồi dúi đầu vào đọc sách, viết sách, ngẩng đầu lên là thấy tóc trắng rồi, lòng chẳng còn nghĩ ngợi gì nữa.
Nàng bảo tôi, “Sư huynh ơi, bước ra hành lang giùm,” để chờ trong khi nàng tắm và thay trang phục để mời tôi đi ăn tối. Oh man, tôi lại nhớ rằng, nhóm bạn chúng tôi đôi khi gọi nhau là sư huynh và tiểu muội, chỉ vì có lúc gọi là anh hay em không tiện. Mà tại sao không tiện thì chẳng ai hiểu. Hay tại cái sân chùa Bình Dương này như thế.
Tôi mới nhớ, căn chung cư này hẹp quá, mà tấm bạt che phòng tắm lại là tấm nylon trắng, chẳng thơ mộng gì.
Tôi nói, thôi thì anh bước ra chờ. Tôi nghĩ, nếu ngồi trong nhà, chỉ nghe tiếng nước xối tắm, thế nào lòng mình cũng sẽ suy nghĩ tầm bậy, tầm bạ. Bước ra chờ là phảỉ rồi.
Thực ra thì không ăn tối. Nàng bảo là không ưa ăn chiều, ăn tối. Chúng tôi đêm đó, tới tiệm cà phê Starbucks trên đường Brookhurst, góc Edinger. Nàng mang theo một iPad, ngồi gõ và xem. Tôi nhà quê lắm, những thứ máy móc phức tạp là chịu thua.
Khi tôi nói thế, nàng ngẩng đầu lên cười, Trời ạ, đây là nụ cười thỉnh thoảng hiện về trong giấc mơ của tôi, mà tôi không bao giờ nhận ra là ai và từ đâu.
*
Về nhà, việc đầu tiên là tôi mở máy, vào mạng Amtrak để mua vé xe lửa cùng chuyến với nàng.
Lòng tôi vui như mở hội. Tôi biết rằng, đời mình sẽ không còn như cũ nữa. Những ngaỳ mai sẽ khác, khác hẳn với những ngày hôm qua. Tại sao, tôi cũng không rõ. Nhưng hiển nhiên là, có những niềm vui lớn tới mức khắp đất trời như rực sáng, và mọi chuyện không còn như cũ nữa.
Tôi bảo nàng nằm ngủ trên giường, để tôi nằm dưới đất.
Nàng bảo không được, huynh phải nằm giường.
Tôi không cãi. Tôi đưa một lô mền cho nàng đắp, bảo coi chừng cảm cúm, mệt dễ bệnh lắm.
Tôi ngủ không được. Trằn trọc mãi. Có đất trời làm chứng cho tôi rằng, cả đời tôi chưa bao giờ nằm ngủ chung một phòng với phụ nữ cả. Không hiểu tại sao, cái nghiệp mình nó thế. Có ai gọi thế là có căn tu, nhưng tôi không nghĩ thế.
Tôi nói, ngọn đèn nhỏ cắm dưới chân bàn có làm Diệu My ngủ được không.
Nàng nói, không hề gì, có 500 chiếc xe ngựa phóng trước mặt cũng không hề gì.
Tôi ngồi thiền như thường ngày, hít thở đều đặn. Nhưng quả nhiên là mọi chuyện không như cũ nữa. Mùi hương của tóc nàng như dường bay ngợp cả phòng. Mắt tôi mở nửa chừng, nhìn thấy chiếc mền nàng đắp phập phồng, nhìn thấy chiếc mền phủ lên hai chân nàng duỗi song song.
Trời ạ, tôi nhắm mắt. Chịu thôi, tôi lại nằm, tập hít thở, giả như đang chết, quán toàn thân mình nằm như xác chết. Nhưng giả chết thế nào được. Hình ảnh cô bé đuổi theo đàn chim bay ở sân chùa năm xưa. Rồi hình ảnh đàn chim sà xuống trước mặt nàng ở sân thương xá Phước Lộc Thọ. Rồi hình ảnh hai chân nàng duỗi song song.
Tôi ngồi dậy, mở đèn, hỏi nàng có ngủ được không.
Nàng bảo sắp ngủ.
Tôi bảo, rằng sư huynh muốn nghe nhỏ út tụng giùm một biến Tâm Kinh Bát Nhã. Tụng nhỏ thôi, không cần chuông mõ, vì khuya rồi, hàng xóm khu chưng cư này đa sự lắm.
Nàng hỏi, sao hai anh em mình không tụng kinh chung nhau.
Tôi tự nhủ, anh tụng thế nào được nữa. Nhưng tôi nói, rằng anh nhớ hồi xưa anh dò xem nhỏ út thuộc bài kinh này chưa. Bây giờ chỉ muốn nghe thôi.
Nàng ngồi dậy, bảo hễ tụng là ngồi, không dám nằm. Và nàng đọc nho nhỏ, rằng sắc bất dị không… Nàng ngưng laị một chút, hỏi tôi nhớ gì không.
Tôi nói là nhớ. Nhớ chứ, hồi đó, tên Sơn có một lần chận lại chỗ này, nói sắc đây không phảỉ nhan sắc, mà sắc chính là hình tướng. Thôi đọc tiếp đi, nhỏ ơi.
Nàng đọc lại, đọc trọn bài kinh, giọng như ca hát, giọng như mang theo sóng biển Đà Nẵng và gió rừng Bình Dương.
Tôi nằm xuống ngủ. Đêm đó, tôi nằm mơ thấy một đàn chim bay nương theo gió biển Huntington Beach.
Tỉnh dậy, tôi thấy nàng đã tỉnh dậy từ khi nào, hành lý đã sẵn sàng.
*
Trên xe lửa, tôi nói là tôi sẽ cần liên lạc với nàng.
Cô bé cười, bảo là nàng sẽ liên lạc. Tôi vẫn nhầm hoài, bé thế nào nữa nhỉ, vì tóc nàng có vài sợi bạc rồi.
Nàng nói thêm, như chim bay trên trời, không để lại dấu tích, giữa không gian vô định nhưng vẫn biết nơi cần đến.
Hiển nhiên, ngôn ngữ của nàng không còn là của cô bé ở sân chùa năm xưa nữa.
Tiếng xe lửa chạy âm vang, dĩ nhiên không ồn như xe lửa ở quê nhà. Tôi ngồi bên cạnh nàng, cùng nhìn ra cửa sổ về hướng biển xa.
Tôi không dám hỏi những chuyện đời, kiểu như nàng làm việc gì, lương bao nhiêu, và bà bạn đón về sở mới là ai, quen ra sao. Có vẻ như, tôi sợ những chuyện như thế làm rạn vỡ đi bầu không gian đầy sương khói giữa chúng tôi.
Tôi muốn nói một câu, nhưng rồi ghìm lại, rằng sẽ có lúc anh bật khóc vì nhớ em.
*
Xuống xe lửa, nàng bảo muốn đưa tôi ra nhìn biển Santa Barbara một chút, để rồi sẽ từ biệt. Nhà ga chỉ cách trăm bước là tới biển.
Đứng nhìn biển một chặp, nàng ho khúc khắc. Tôi bảo gió lạnh đó, coi chừng bệnh.
Nàng để mặc cho tóc bay theo chiều gió, mìm cười nhìn thẳng vào mắt tôi. Một chặp.
Và rồi nàng bảo tôi, hãy ôm em từ biệt đi.
Tôi ôm nàng, choàng tay vòng qua vai, bàn tay tôi kinh ngạc và run rẩy khi cảm nhận lằn dây nịt ngực qua lớp vải áo nơi lưng nàng. Một chặp. Và nàng đẩy nhẹ tôi ra, bước đi.
Tôi vẫn còn ngạc nhiên, tự hỏi tại sao mình không hôn nàng. Nhưng mùi hương tóc nàng vẫn còn theo tôi, về tới Little Saigon. Vào cả giấc ngủ đêm hôm đó. Bàn tay tôi run rẩy, cảm xúc khi ôm nàng nơi bờ biển Santa Barbara vẫn còn mãi, còn nơi hai bàn tay tôi kể cả khi tôi gõ email hỏi Sơn về chuyện các bạn ở quê nhà.
*
Sáng hôm sau, tôi đọc email trả lời từ Sơn, trong đó kể nhiều chuyện đổi dời dâu biển. Từ chuyện ngôi chùa Tây Tạng Bình Dương, tới chuyện đất ruộng An Phú Đông bây giờ đã giao cho Sư Đăng cất chùa. Sơn kể rằng bác Diệu Quang và bác Bảy Trụ đã từ trần cả rồi.
Còn nhỏ út Diệu My thì đã xuất gia từ lâu, bây giờ là một ni sư, trong hơn hai thập niên không hề bước xuống phố chợ.
Tôi kinh ngạc khi đọc như thế. Nhìn lại trên bàn, tôi thấy hai vé xe lửa, một của tôi, và một của nàng. Tôi còn nhớ, trên xe lửa, tôi đã nói với nàng là tôi sẽ giữ tờ vé đó để làm kỷ niệm.
Trong phòng vẫn còn thoảng hương tóc nàng, lẫn trong hương gió biển từ xa bay về.
Tôi vẫn nhớ như in rằng, nàng nói dịu dàng, “Sư huynh ơi, bước ra hành lang giùm,” khi nàng sửa soạn tắm.
Tôi nhìn hai tay mình, cảm giác như điện chạy vẫn còn, kể cả cảm xúc rất lạ khi ôm nàng và cảm nhận lằn dây nịt ngực dưới lưng áo nàng. Làm sao quên được, đó là lần đầu tiên trong đời, tôi được ôm một phụ nữ.
Bên tai tôi, vẫn còn âm vang bài Bát Nhã Tâm Kinh nàng tụng đêm qua…

Phan Tấn Hải (Từ trang T.Vấn và Bạn Hửu )

1 nhận xét:

Mời nghe một bài thánh ca của tác giả Hàn Thư Sinh

Hàn Thư Sinh là bút hiệu của Tiến Sĩ Trần An Bài , nguyên Dự Thẩm Tòa Thượng Thẩm Sài Gòn , cũng là Giảng Sư Thỉnh Giảng tại Học Viện CSQG...