Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2020

NÀNG DÂU NGƯỜI NAM KỲ- Nguyễn Thị Thanh Dương

Tôi coi lại va ly quần áo và túi xách tay của mẹ chồng một lần nữa, rồi lảnh lót gọi với lên lầu cho thằng con trai:
– Cu Tí ơi, cu Tí à, con sẵn sàng chưa?
Mẹ chồng tôi không hài lòng, trách tôi:
– Con trai lớn tướng mà cứ gọi Cu Tí như thằng bé lên ba ấy.
– Mẹ ơi, con biết rồi, chỉ gọi giỡn “anh chàng” một chút cho vui mà. Andrew ơi, xong chưa con, chúng ta đi thôi?
Con trai tôi đã đến bên tôi, anh chàng nhìn bà nội âu yếm:
– Cháu cám ơn bà đã nhắc nhở mẹ cháu.
Bà cũng âu yếm nhìn cháu, Andrew lớn giống bố như khuôn như đúc, lại hiền ngoan học giỏi, ra trường là xin ngay được công việc như ý nên bà thương nhiều.
Bà khéo léo giục cháu:
– Thì cháu lấy vợ đi, mẹ cháu sẽ không bao giờ gọi là “Cu Tí” đâu. Bà già rồi phải cho bà thấy mặt cháu dâu và cả chắt nữa như người anh họ của cháu ở Calif. thì bà mới yên lòng.
Andrew hứa hẹn:
– Vì chúng cháu phải tìm hiểu nhau lâu để thử thách tình yêu nên chưa cho gia đình biết. Vâng, bà cứ đi California chơi, khi bà về cháu sẽ mang cháu dâu tương lai đến trình diện bà và bố mẹ cháu.
Mẹ chồng tôi vui mừng:
– Cháu làm bà sốt ruột, bà chờ đợi mấy năm nay mới nghe cháu hứa một câu làm bà hài lòng đấy.
Tôi cũng vui mừng không kém, hai vợ chồng tôi có con muộn, Andrew là con trai duy nhất, từ ngày Andrew tốt nghiệp đại học, có việc làm vững chắc đã nhiều năm nay tôi giục con cưới vợ mà nó cứ nói chưa có ai, tình yêu chưa đến, nên tôi không nhắc nó nữa. Hôm nay bất ngờ lại có tin vui.
Chúng tôi đưa bà ra phi trường về California, thăm gia đình con trai trưởng. Bà sẽ ở chơi Cali một tháng. Bà chẳng ưa gì con dâu cả, nhưng bà thương con trai và cháu đích tôn nên về thăm họ.
Tiễn bà đi phải đầy đủ mặt con cháu, gồm vợ chồng tôi và Andrew. Tôi hiểu tính mẹ chồng lắm, bao giờ bà cũng muốn được con cháu quây quần chăm lo, quý mến, chứ không thể xuề xòa, lấy lệ cho xong.
Khi chồng con tôi đang check vé máy bay cho bà, thì bà chợt nhớ ra, dặn dò tôi:
– Chốc nữa về con nhớ đi gởi món tiền ấy về Việt Nam cho mẹ nhé. Lần này ngoài phần tiền của mẹ lại được con cho thêm vài trăm thì cậu Nụ tha hồ sửa nhà cửa. Cậu con già rồi, có căn nhà tử tế thì chết cũng yên lòng nhắm mắt con ạ.
Ngày tôi và anh Bông yêu nhau, anh dẫn tôi về “ra mắt” mẹ anh, bà mẹ người Bắc tóc vấn trần cài lược, đôi mắt sắc xảo nhìn tôi không chút thiện cảm.
Bà khéo léo hỏi thăm họ hàng tông môn nhà tôi, rồi phán:
– Hai đứa cứ tìm hiểu nhau cho kỹ, chứ Bắc Nam có nhiều điều không hợp nhau đâu.
Anh Bông quả quyết:
– Kỹ từ lâu rồi mẹ ơi, bây giờ chỉ đợi mẹ cho phép hỏi cưới thôi. Thí dụ… ngay ngày mai cũng được.
Bà nghiêm mặt lườm con trai:
– Anh đừng có nhanh nhẩu đoảng, chuyện hôn nhân hệ trọng cả đời.
Thế là mối tình nồng nàn của chúng tôi khựng lại vô hạn định vì mẹ anh chưa đồng ý. Thuở ấy anh Bông đang ở trong quân ngũ, một hôm anh mang về quả lựu đạn, đặt lù lù trên bàn, ngay trước mặt mẹ anh và thống thiết:
– Nếu mẹ không đồng ý cho chúng con cưới nhau thì quả lựu đạn này sẽ nổ tung chết cả con và cô ấy, và xin mẹ chôn chúng con chung một nấm mồ.
Mẹ anh hoảng hốt lên:
– Ối con ơi, bình tĩnh nào, việc gì phải mang vũ khí đạn dược ra thế!!
Anh ai oán:
– Sống mà không lấy được người mình yêu thì chết cho xong!
Mẹ anh năn nỉ:
– Đừng dại dột con nhé? Vậy con muốn cưới hỏi ngày nào thì mẹ sẽ làm ngày ấy.
Nhờ thế tôi mới sớm được làm dâu của bà, và vì thế bà càng ghét cay ghét đắng tôi.
Mãi sau này chồng tôi mới dám kể cho tôi nghe, mẹ anh đã chê tôi là con gái miền Nam quen ăn trắng mặc trơn, làm đồng nào “xào” đồng ấy, lấy cái “ngữ” này chỉ khổ vào thân, thằng chồng nai lưng đi làm nuôi con vợ ăn tiêu hoang phí.
Anh đành “khủng bố” mẹ bằng quả lựu đạn, nếu không thì mẹ anh cho tôi đợi tới già hay chán quá tôi đi lấy chồng khác mà thôi.
Tôi làm dâu nhà anh, cha anh mất trước đó vài năm. Anh cả đã lấy vợ và ở riêng một năm nay, vì anh cả thuyên chuyển công việc ra miền Trung nên vợ con cũng đi theo, chồng tôi là con thứ cũng là con út, đi lính đóng quân ngay Lái Thiêu, tiện đi về thành phố Sài Gòn mỗi ngày.
Mẹ chồng tôi nắm giữ quyền hành trong nhà, bà đảm đang trông coi cửa hàng bán vật liệu xây cất do chồng để lại, cửa hàng trước cửa nhà rất đông khách nên bận bịu cả ngày, nhưng bà vẫn đi chợ mỗi buổi sáng, quẳng cái giỏ chợ xuống bếp, vắn tắt ra mệnh lệnh cho tôi:
– Thịt bò thái xớ ngang, xào rau muống. Thịt lợn kho mặn, cua giã nhuyễn, nấu bát riêu cua cà chua…
Tôi hỏa mù trước những món ăn Bắc này, ở với má, tôi cà nhỏng ăn học và ăn chơi, má dễ dãi hiền lành thôi thì con gái ở với ba má sướng ngày nào thì cứ hưởng, chừng lấy chồng vất vả lo cho chồng con thì giờ đâu mà ăn chơi.
Hôm cuối tuần mẹ chồng tôi mua một con gà sống về ra một mệnh lệnh khác:
– Cắt tiết gà, luộc gà với hành gừng cho thơm, thịt gà phải vừa chín tới. Nước gà nấu bát miến, cho tiết luộc và lòng mề thái nhỏ lên trên.
Tôi rình lúc mẹ chồng không để ý, gọi chồng xuống bếp và than phiền:
– Mẹ anh đang chơi trò rượt đuổi em chạy trối chết luôn, bắt em nấu hết món này tới món kia, mà toàn là những món em chưa biết nấu bao giờ. Anh cứu em với.
– Mẹ đang dậy em nấu nướng đấy, trước lạ sau quen.
– Nhưng em không dám cắt cổ gà, nhìn nó đau em sợ lắm…
Má tôi Nam kỳ dễ tính, mua gà làm sẵn ngoài chợ cho lẹ, còn mẹ anh Bắc Kỳ tính toán chi li từng chút một, mua gà sống sẽ biết chắc con gà ngon vừa ý, và nhất là giá rẻ hơn gà làm sẵn.
Tôi cầm chân và hai cánh gà thật chặt còn mắt thì nhắm lại trong khi chồng tôi cắt tiết, đúng lúc ấy mẹ chồng tôi xuống bếp, giọng bà hùng dũng như một vị tướng mắng mỏ quân sĩ phạm luật:
– Giời ôi, hai vợ chồng mới cắt tiết được con gà cơ à? Này nhé, chị lấy hai chân kẹp cánh, kẹp chân gà và cầm cổ gà cắt vài nhát, dốc ngược gà lên cho chảy hết tiết là xong. Ngày xưa tôi làm dâu, nhà chồng có giỗ Tết một mình tôi cắt tiết một lúc mấy con gà nhanh như chớp.
Chồng tôi bênh tôi:
– Ngày nay khác rồi mẹ ơi, với lại vợ con chân yếu tay mềm…
Bà “mát mẻ”:
– À thì ra ý anh nói tôi vũ phu đấy, còn vợ anh thì yểu điệu thục nữ.
Để đáp lễ lại những món ăn Bắc mẹ chồng đã chỉ dạy, tôi về học cấp tốc má tôi mấy món miền Nam dễ nấu như canh khổ qua nhồi thịt và cá thu kho nước dừa, thì mẹ chồng tôi giẫy nẩy lên:
– Canh mướp đắng ư? Tôi chịu thôi, không ăn được.
– Cá thu kho nước dừa lợ lợ khó ăn lắm.
Tôi liền đổi sang món “canh rau tập tàng” cho lạ đời, thì bà mẹ chồng Bắc Kỳ vẫn không chấp nhận. Bà rên xiết:
– Canh gì mà lắm loại rau thế này? Nào mồng tơi, rau rền, mướp khía, bù ngót, bắp non. Chị nấu canh nào thì nấu một món rau thôi nhé, đừng hoang phí thế.
Trời ơi, món “canh rau tập tàng” của miền Nam dân dã hào phóng dùng nhiều loại rau chứ có phải tôi sáng chế ra đâu.
Tôi bất mãn lắm, chỉ muốn bữa nào… trả thù, làm món “Mắm kho quẹt” cho bà ăn, món này rẻ tiền, mặn mà ăn hoài không hết, đỡ tốn, hay cho bà uống nước mưa như ở dưới quê tôi thay cho uống nước trà, tiết kiệm được tiền mua trà, chắc bà sẽ không chê tôi hoang tàn nữa?
Những chuyện “mất lòng nhau” giữa mẹ chồng người miền Bắc và nàng dâu người miền Nam thường xuyên xảy ra.
Ngày giỗ tết gia đình anh cả về nhà, làm cỗ xong tôi cho hai con anh cả ăn trước thì bị mẹ chồng mắng cho một trận là không biết nề nếp gì cả, trẻ con không được phép ăn trước người lớn.
Trong khi trong gia đình miền Nam chúng tôi cứ thoải mái dọn đồ cho tụi nhỏ ăn trước cho rảnh để rồi người lớn ăn sau.
Vốn chẳng ưa tôi, bà thường mang tôi ra so sánh thẳng thừng với nàng dâu cả của bà, nàng dâu Bắc, ăn nói ý tứ lịch lãm, sống căn cơ tằn tiện, biết thu vén trước sau chồng con sẽ được nhờ và chê tôi tuệch toạc bạ đâu nói đó, thích gì làm đó, mua sắm thì bất kể tiền còn nhiều hay ít. Nói trắng ra là tôi đang “phá của” nhà chồng.
Vì yêu chồng nên tôi nhẫn nhịn chịu đựng mẹ chồng, cũng như tôi đã chịu hy sinh bỏ nghề dạy học chỉ để ở nhà phụ mẹ chồng buôn bán.
Tối về tôi chỉ biết khóc rấm rứt với chồng để cho anh vỗ về an ủi, thôi em cố chiều mẹ, sau này mẹ hiểu ra sẽ thương yêu em nhiều.
Trời chẳng phụ công, phụ lòng tử tế của ai bao giờ.
Được một năm thì biến cố 1975 xảy ra, cả đại gia đình chúng tôi đều vượt thoát đến Mỹ.
Đầu tiên mẹ chồng tôi ở với gia đình anh cả, có nàng dâu Bắc Kỳ mà mẹ từng đắc ý, tấm tắc khen ngoan, hơn nữa anh chị cả có con trai đầu lòng, là cháu đích tôn của bà.
Nhưng khi sống chung lâu dài thì bà và nàng dâu cả lại có sự xung khắc, càng ngày càng nhiều.
Mẹ chồng Bắc và nàng dâu Bắc, giống nhau cả tính ý, cả cách ăn ở mà vẫn không thể đi chung đường.
Một hôm chị Bích đã gọi phone cho tôi, thông báo khẩn cấp:
– Em chuẩn bị tinh thần đón mẹ về sống chung đi nhé, mẹ đang đòi về với vợ chồng em đấy.
– Có chuyện gì hả chị?
Chị Bích ấm ức kể:
– Bao nhiêu chuyện lặt vặt xưa nay chị kể em nghe nhiều rồi, chị không chấp, vì mẹ già rồi, tính nết lại khó khăn hơn người ta. Nhưng chuyện này thì không thể, “tiền già” mẹ lãnh hàng tháng mẹ cứ bo bo suốt bao nhiêu năm nay, ai đời ăn cây táo đi rào cây cam hở em!
Mẹ để dành tiền gởi hết về cho cậu Nụ và thân nhân ngoài Bắc. Mẹ có cho ai thì cũng chừa lại phần mình tí chứ, đến lúc cần gì ở Mỹ thì lại hỏi vợ chồng chị, ai mà chịu được?
Chưa hết, mỗi đầu năm bà lại hỏi chính phủ đã “tăng lương” cho mẹ chưa? Tiền trợ cấp tăng theo thời giá đắt đỏ ấy mà, mẹ lẩm bẩm nói:
“Đừng có tưởng tôi không đọc được tiếng Anh mà lờ đi nhé”. Thế có điên người không? Cứ làm như bà không hỏi, không nhắc nhở là chị sẽ ăn chặn, ăn bớt món tiền ấy không bằng. Chị bực mình gắt lên, thế là bà giận hờn, mắng mỏ chị và đùng đùng đòi về sống với vợ chồng em.
– Hay mẹ giận thì nói thế thôi, chứ mẹ vẫn theo đúng “tôn ti trật tự” là phải sống với con trai trưởng và cháu nội đích tôn mà?
– Không, lần này mẹ sai nguyên tắc rồi. Bằng cớ là mẹ còn… khen em nữa đó, khen nàng dâu miền Nam xởi lởi, dễ chịu và thoải mái hơn dâu Bắc.
Thật thế, mẹ chồng tôi “hy sinh”, thà về sống với gia đình tôi, tiền già lãnh ít hơn ở California nhưng bà bảo tinh thần bà thoải mái hơn nhiều, bà lôi chuyện nàng dâu cả ra kể nào là tính toán với bà từng món chi tiêu, nàng khá giả thế mà còn muốn bà bớt chút tiền già đóng góp hàng tháng v..v…
Tôi chẳng biết giữa mẹ chồng và nàng dâu này ai đúng ai sai, vì ai cũng cho là mình có lý cả.
Mẹ chồng sống với tôi, tình thế đảo ngược so với ngày tôi làm dâu bà. Nhà này là nhà của tôi, của cải tiền bạc mẹ chồng tôi mất hết sau khi bỏ nước ra đi. Hiện nay bà sống nhờ tiền xã hội, không biết tiếng Anh, không thể lái xe, muốn gì cũng phải nhờ con nhờ cháu.
Bản tính tôi hồi nào tới giờ vẫn thế, chi tiêu rộng rãi trong cuộc sống. Tôi đi shopping quần áo cho tôi, nhưng thấy quần áo nào đẹp và tốt thì… sắm luôn cho chồng con và bà mẹ chồng, bà vẫn xót xa như ngày xưa khi tôi chân ướt chân ráo làm dâu nhà bà:
– Con ơi, mua làm gì lắm quần áo thế? Một đời ta ba đời nó, quần áo trong tủ cả đống kia đã mặc hết đâu.
Bây giờ bà đã thân mật âu yếm gọi tôi là “con” không gọi bằng “chị” kiểu cách lịch sự như thuở tôi mới làm dâu nữa.
– Theo mùa, theo “mốt” mà mẹ, nhưng con cũng mua lúc đại hạ giá rồi.
Bà đành chịu thua:
– Ừ, con thích thì sắm cho mình con thôi, quần áo mẹ mặc tới chết chưa hết con đừng mua nữa.
Thế mà tôi vẫn cứ mua về vì tôi thấy thích hợp với bà không mua cũng… uổng, dù tôi biết mang về nhà bà lại vừa nhận vừa càm ràm mắng tôi hoang phí và lanh chanh, không ai khiến mà cũng mua.
Đi chợ tôi toàn mua những món đắt tiền, tôi quan niệm tiền nào của ấy, thường xuyên mua cá tuyết, cá salmon, cá bass hơn là cá catfish, cá đù, cá nục.
Thịt bò loại T-bone Steak, Ribeye Steak hay Sirloin Steak đương nhiên phải ngon hơn loại thịt vai dai nhách.
Trái cây đầu mùa đắt bao nhiêu nhưng tôi cũng mang cả thùng về cho cả nhà cùng hưởng món ngon đầu mùa, chẳng phải nhịn thèm đợi tới giữa mùa.
Mỗi lần mẹ chồng tôi mở tủ lạnh, lui cui dọn dẹp bà lại rên rỉ như khi mình mẩy lên cơn đau nhức:
– Giời ơi là giời! Đồ ăn thức uống mua ê hề thế này, ăn không hết bỏ đi, phí cả tiền và phí của giời.
Tôi đã quen nghe bà cằn nhằn, nên không buồn, mà còn vui đùa:
– Mẹ ơi là mẹ, con phải mua sắm cho chợ búa đắt hàng, kích thích nền kinh tế phát triển. Ăn ngon thì bổ vào thân và cũng là cách hưởng đời.
– Thế con không dành dụm tiền của cho thằng con của con à? Mẹ vì hoàn cảnh, vì biến cố nên trắng tay đã không lo được gì cho con cháu rồi…
– Mẹ nói thế là trả lời rồi đấy, nên con quan niệm có tiền cứ hưởng ngay trong hiện tại, chẳng cần nhịn thèm, nhịn mặc hay từ bỏ những niềm vui tốn tiền nào đó để dốc hết vốn để dành, chồng con của con đã được nếm đủ mùi sung sướng hơn người.
Tương lai, con của con sẽ làm ra tiền và tự lo cho nó cũng như vợ chồng con đã tự lo và gây dựng nên nhà cửa, vốn liếng ngày nay.
Tiền trợ cấp hàng tháng mẹ chồng tôi vẫn gởi về miền Bắc, cho người em út của bà là cậu Nụ, người đã kẹt lại không theo gia đình di cư vào Nam năm 1954.
Cả một đời cậu nghèo khổ, những năm đất nước chiến tranh, lương công nhân không nuôi nổi vợ và hai con, nên người vợ vốn đã ốm yếu lại càng ốm yếu quanh năm. Thậm chí cậu không đủ tiền mua cái vỏ xe đạp hiếm hoi lắm cơ quan mới có mà phân phối ưu tiên cho công nhân tiên tiến như cậu…
Ngày nay cậu Nụ đã già, vợ chết sớm vì bệnh tật, cậu sống bám vào đám con cháu cũng nghèo khổ, nên mẹ chồng tôi thương xót đã gởi tiền về hàng tháng cho em, mong em sung sướng được ngày nào hay ngày ấy.
Ngoài ra bà còn các họ hàng quyến thuộc khác ở quê hương miền Bắc của bà, nay giúp người này mai giúp người nọ, nên tiền bạc lúc nào cũng vơi, cũng không đủ.
Tôi hiểu mẹ chồng tôi và đồng tình với bà, giúp đỡ thân nhân nghèo khó bên Việt Nam vừa là tình thương vừa như làm điều phước thiện.
Thỉnh thoảng có những cảnh khổ làm tôi động lòng, đưa thêm tiền cho mẹ chồng gởi biếu họ, coi như tôi theo mẹ làm phước dù những thân nhân như cậu Nụ hay ông chú này, bà bác kia tôi đều chưa biết mặt bao giờ.
Mẹ chồng tôi đã trở về từ Calif., bà có vẻ hài lòng với chuyến viếng thăm này. Thật ra khi người ta không hợp nhau khi chung sống, thì hãy sống xa nhau và là khách của nhau sẽ hay hơn.
Vợ chồng tôi mừng vì mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu cả đã hàn gắn được phần nào.
Buổi tối đầu tiên ăn bữa cơm sum họp gia đình, mẹ chồng tôi vẫn nhớ và hỏi Andrew ngay:
– Sao, cháu của bà, hôm nào thì mang cháu dâu tương lai ra mắt cả nhà như cháu đã hứa?
Andrew thăm dò:
– Để cuối tuần sau được không bà?
Tôi nói:
– Dĩ nhiên là được, với lại mẹ cần chuẩn bị tinh thần cũng như một bữa cơm để chào đón cô khách qúy chứ.
Mẹ chồng tôi cẩn thận:
– Con chưa biết cô gái ấy ra sao mà đã vồ vập thế sao được.
– Ít ra cô gái là bạn của con mình cũng là quý rồi.
Bà lẩm bẩm:
– Thời buổi này mẹ chồng nàng dâu cứ như là bạn bè ấy, không có khoàng cách gì cả. Cháu ơi, thế cô gái ấy là người miền Nam hay Bắc hở cháu?
Andrew hơi bối rối:
– Sao bà lại hỏi phân biệt thế? Giống như ngày xưa bà đã hỏi bố cháu khi mang mẹ cháu về trình diện bà.
Chồng tôi mỉm cười trấn an con trai:
– Không sao đâu, bà chỉ hỏi cho biết mà thôi. Bây giờ khác xưa rồi.
Andrew ấp úng:
– Cô ấy… không là người miền Nam như mẹ, mà cũng… không là miền Bắc như bố.
Mẹ chồng tôi cởi mở:
– Ừ, bà không phân biệt Bắc Nam như bố mẹ cháu ngày xưa đâu. Bà biết rồi, cô ấy là người miền Trung chứ gì. Con gái Trung kỳ cũng chịu khó tần tảo làm ăn và thương chồng con hết lòng lắm.
Chồng tôi phản đối:
– Cứ gì gái Trung hay gái Bắc, gái Nam kỳ như vợ con cũng thương chồng chiều con không ai bằng, lại còn chiều cả mẹ chồng nữa, sẵn sàng bỏ nghề dạy học nhàn hạ, thôi làm cô giáo, ở nhà phụ mẹ chồng buôn bán, bận rộn mịt mù với gạch cát xi măng và tính toán tiền nong cả ngày như một mụ lái buôn chuyên nghiệp.
Mẹ chồng tôi cười hài lòng:
– Điều này thì mẹ công nhận, gái miền nào cũng tốt xấu tùy người. Cô gái cháu yêu và sẽ cưới làm vợ là người miền Trung bà cũng vui vẻ chấp nhận ngay vì cứ là con gái Việt Nam là nề nếp rồi.
Andrew lo lắng đáp:
– Nhưng cô ấy là… người Mỹ bà ơi. Tên là Jessica.
Mẹ chồng tôi buông đũa, ngạc nhiên và bất bình kêu lên:
– Con gái Mỹ? Giời ôi, nó người Mỹ làm sao thích hợp với nhà này?
Vợ chồng tôi nhìn nhau, chia sẻ cái nhìn cùng quan điểm. Tôi lên tiếng trước:
– Thưa mẹ, chuyện lấy vợ Mỹ hay chồng Mỹ là chuyện thường tình. Chúng ta sống ở Mỹ, đây là quê hương thứ hai của chúng ta, những người trẻ lớn lên ở Mỹ, hấp thụ nền văn hóa Mỹ, thì lấy Mỹ đâu có gì là xung đột.
– Nhưng cô gái Mỹ ấy sẽ tiêu xài kiểu Mỹ khổ thân cháu tôi. Sẽ tan nhà nát cửa…
– Sống ở Mỹ tiêu xài kiểu Mỹ là đúng rồi mẹ à… Chừng nào sống ở Việt Nam mà tiêu xài kiểu Mỹ thì mẹ hãy lo.
Chồng tôi tiếp lời tôi:
– Mẹ cứ yên tâm, phần đời ai nấy lo, ngày xưa mẹ cứ chê nhà con là gái Nam ăn tiêu hoang phí, mà bây giờ vẫn nên nhà nên cửa và chính mẹ lại hợp với nàng dâu Nam kỳ đấy, còn Andrew, chúng ta hãy tôn trọng quyết định của nó.
Andrew có vẻ buồn buồn vì bà nội không vui, anh chàng không ăn cơm nữa, đứng lên đi nhanh về phòng, làm mẹ chồng tôi hoảng lên:
– Nó đi đâu đấy? Hay là lại tìm quả lựu đạn như bố nó năm xưa ra hù dọa tôi?
Tôi trấn an bà:
– Nó có đi lính như bố nó đâu mà có sẵn lựu đạn.

Nguyễn Thi Thanh Dương

 (FB Lac Pham)

1 nhận xét:

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...