Nguồn nước sông của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào lượng nước sản sinh từ bên ngoài, tức từ các quốc gia khác ở thượng nguồn, chiếm đến 63%. Đây được đánh giá là một thách thức lớn, đáng lo ngại.
Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết thông tin vừa nêu tại Hội nghị Giải trình về Vấn đề An ninh Nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý hồ, đập; do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức vào sáng hôm 17/8, báo Tuổi trẻ trích dẫn.
Ông Cường nêu số liệu cụ thể Việt Nam có tổng cộng hơn 200 con sông. Tuy nhiên, có đến trên 50% con sông từ nước ngoài chảy vào, với khoảng 520 tỷ m3, tương ứng 63% tổng lượng nước mặt sản sinh ở bên ngoài lãnh thổ.
Vị này nhấn mạnh rằng “Lượng nước này hoàn toàn phụ thuộc vào hoạt động khai thác, sử dụng, và bảo vệ nguồn nước tại các quốc gia thượng nguồn lưu vực sông”. Do đó, số lượng và chất lượng nước của Việt Nam bị phụ thuộc vào các quốc gia thượng nguồn khi gia tăng các hoạt động thủy điện trên dòng chính sông Mekong, sông Hồng…
Theo nghiên cứu của Hội đồng Ủy hội sông Mekong quốc tế năm 2017 công bố, khi các công trình thủy điện của các quốc gia phía thượng nguồn hoàn thành xây dựng, đi vào vận hành sẽ có tác động bất lợi vô cùng lớn, được dự báo là gây hậu quả nghiêm trọng đến vùng hạ du tại Việt Nam, đặc biệt là ĐBSCL, ĐB Sông Hồng khi không thể đảo ngược đến chế độ dòng chảy, phù sa, chất dinh dưỡng, môi trường, sinh kế người dân vùng ĐBSCL và nhiều tác động tiêu cực khác.
Bộ NN&PTNT đưa ra dự báo rằng, dự kiến lượng phù sa về ĐBSCL có thể giảm 97% ở thời điểm năm 2040.
Bên cạnh đó, việc gia tăng dân số và quá trình đô thị hóa ở Việt Nam là các yếu tố góp phần tác động lớn đến chất lượng nước của các sông, hồ. Hiện, các hồ và kênh mương ở những khu vực đô thị đang trở thành nơi chứa và dẫn nước thải.
Truyền thông quốc tế cho biết, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới-World Bank, lượng nước bình quân đầu người Việt Nam hiện thấp hơn của Hội tài nguyên nước quốc tế khi chỉ đạt hơn 3.800 m3 so với 4000 m3/người/năm.
Ở một diễn biến khác, hôm thứ Sáu tuần trước, Uỷ ban sông Mekong đã kêu gọi Trung Quốc và các nước Đông Nam Á chia sẻ thêm dữ liệu về hoạt động đập thủy điện một cách minh bạch và nhanh chóng, theo Reuters.
Các quốc gia phía thượng nguồn khai thác, sử dụng nguồn nước gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nước hạ du sông Mekong khi hoạt động của 13 đập thủy điện ở thượng nguồn bao gồm – 2 đập của Lào và 11 đập của Trung Quốc đang làm giảm mực nước sông Mekong xuống thấp kỷ lục trong vòng 2 năm qua.
Uỷ ban còn nhắm đến Trung Quốc khi nói rằng sẽ yêu cầu quốc gia này xả nước từ các đập và hồ chứa, nếu tình trạng hiện tại vẫn tiếp diễn.
(Tâm Tuệ-ĐKN )