Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2021

France Culture: Nguồn gốc của vaccine, câu chuyện của Pasteur và cậu bé Joseph

Phan Thành Đạt, dịch

Lời người dịch: Trong khi cả thế giới đang nỗ lực và hy vọng tìm ra vaccinee chống virus corona, ta thử tìm hiểu câu chuyện về Louis Pasteur, là người đã sáng chế ra loại vaccine đầu tiên chống bệnh dại vào năm 1885, nhờ cậu bé Joseph như thế nào.
Ngày mùng 4 tháng 7 năm 1885
Vào lúc rạng đông, cậu bé Joseph Meister sống ở vùng Alsace, đi sang làng bên cạnh. Khi gần đến nơi, Joseph bị chó cắn, 14 vết cắn trên người. Con chó bị bắn hạ nhưng cảnh sát thông báo đó là chó dại. Cả làng hoảng sợ vì khi đó không có bất cứ một phương thuốc nào ngăn ngừa được bệnh dại. Người bị chó dại cắn không tránh được cái chết.
Người ta nói với mẹ của Joseph về một nhà hoá học ở Paris đang nghiên cứu một loại vaccine chống chó dại. Bà muốn đến gặp người này thật nhanh và cố thuyết phục ông chữa bệnh cho con trai mình. Bà gõ cửa nhiều bệnh viện ở thủ đô Paris và cuối cùng gặp được Louis Pasteur ở trường đại học sư phạm.
Năm 1939, Joseph Meister kể: "Ông Pasteur rất bối rối và xúc động vì ông chỉ thử nghiệm vaccine trên động vật chưa bao giờ thử nghiệm trên người, nhưng mẹ tôi van nài. Mẹ tôi cho rằng chắc chắn tôi sẽ chết và tôi không sợ gì hết, ông ấy có thể thử tiêm loại vaccine mà ông đang nghiên cứu cho tôi".
Joseph Meister, năm 1939
Louis Pasteur bắt đầu nghiên cứu một loại vaccine từ tám năm nay. Trước tiên, ông tiến hành thử nghiệm vaccine với gà bị bệnh dịch tả, rồi với cừu bị ốm vì bệnh than. Hai năm sau, ông phát triển phương pháp tiêm vaccine bằng cách đưa các loại virus yếu không gây chết, không gây ra bệnh không nguy hiểm vào cơ thể sống, để kháng thể với virus nguy hiểm.
Khi nghiên cứu về bệnh dại, Louis Pasteur tách rời virus, ông thử nghiệm bằng cách tiêm virus cho thỏ, virus được tách riêng, sau đó lại tiêm cho một con thỏ khác cho đến khi có một loại virus yếu dần. Phương pháp này được áp dụng cho cậu bé Joseph. Người ta đã tiêm tổng cộng hai mươi mốt mũi tiêm vào người cậu bé, mỗi lần tiêm là một lần đưa virus mạnh hơn vào cơ thể.
Sau mười ngày điều trị và mười ngày chờ đợi, kết quả thật bất ngờ, Joseph không còn bệnh dại nữa, vaccine đã có kết quả. Ngày 27 tháng 7 cậu bé rời Paris, lên đường về quê.
Trong giai đoạn tiêm vaccine, bác sĩ Grancher là người tiêm cho Joseph. Louis Pasteur là nhà hóa học không phải là bác sĩ. Trong thời gian chờ đợi kết quả, Louis Pasteur trở về vùng Jura, quê hương của mình. Ông bị dằn vặt khi có suy nghĩ rằng vaccine của mình có thể sẽ thất bại. Những nguy cơ đến từ vaccine không hề nhỏ. Mũi tiêm cuối cùng cho cậu bé Joseph mang virus chứa mầm bệnh dại.
Joseph được chữa khỏi hoàn toàn. Pasteur viết một bài báo về vaccine phòng bệnh dại. Câu chuyện được cả thế giới biết đến. Những khoản tiền tài trợ cho dự án khoa học được gửi đến. Một viện nghiên cứu về vaccine đầu tiên ra đời: Viện Pasteur. Năm sau, 350 người được tiêm vaccine phòng bệnh dại.
Joseph không phải là trường hợp đầu tiên được tiêm vaccine. Trước đó một thế kỷ, vào năm 1776, bác sĩ người Anh Edward Jenner đã tiêm cho một đứa trẻ bằng cách lấy mủ ở vết thương của một người phụ nữ bị bệnh đậu mùa, bệnh này xuất phát từ bò. Ông gọi phương pháp này là "vaccine". Đây chính là dấu mốc đầu tiên của tiêm vaccine. Tuy nhiên phương pháp của Edward Jenner chỉ dừng ở đó. Louis Pasteur dựa theo phương pháp này và phát triển những thí nghiệm của mình để tạo ra vaccine kháng bệnh hoàn chỉnh.
Edward Jenner tạo ra phương pháp gọi là vaccine, còn Louis Pasteur phát minh ra vaccine. Louis Pasteur đã chỉ ra rằng, con người có thể phòng chống dịch bệnh bằng cách sử dụng các loại vi khuẩn gây ra các mầm bệnh khác nhau, các hình thái thay đổi của vi khuẩn này sẽ giúp con người tạo ra vaccine để kháng các loại bệnh nguy hiểm.
Nhờ có vaccine, mỗi năm thế giới cứu được gần hai triệu người. Bệnh đậu mùa đã bị tiêu diệt tận gốc. Con người không còn chết vì bệnh ho gà, bệnh dại, bệnh uốn ván.
Phan Thành Đạt dịch từ France Culture

1 nhận xét:

Lá thư cuối cùng của nhà văn Albert Camus viết cho bà Maria Casares (văn Việt )

N  guyễn Vạn An   dịch Đây là lá thư ông Albert Camus (giải thưởng Nobel văn chương) viết cho bà Maria Casarès, ngày 30 tháng 12 năm 1959, đ...