Cháu nội Vua Mèo khẳng định, người H'Mông ở Việt Nam cũng như trên thế giới không có hủ tục 'bắt vợ' như một số thông tin nêu.
Mới đây, vụ việc cô gái bị "bắt vợ" tại Mèo Vạc (Hà Giang) thu hút đông sự quan tâm của dư luận. Trong clip được đăng tải trên mạng xã hội, mặc cho cô gái trẻ chống cự quyết liệt, chàng trai vẫn nhất quyết khống chế, ôm chặt, kéo cô gái đi theo mình.
Điều đáng nói là rất nhiều người xung quanh đứng xem nhưng không ai lên tiếng hoặc ngăn cản mà chỉ lấy điện thoại ra quay hình. Sự việc chỉ kết thúc khi có một cán bộ công an đến giải quyết.
Chia sẻ với PV Dân trí, ông Vương Duy Bảo (cháu nội Vua Mèo hay Vua H'Mông Vương Chí Sình, đồng thời là nguyên Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, rất bức xúc, xấu hổ khi xem clip trên.
"Đây không phải là lần đầu tiên những
clip như trên được chia sẻ. Năm ngoái, tôi cũng xem một clip thanh niên
trẻ bắt vợ ở Hà Giang được đăng tải. Nhiều người bức xúc nói đây là một
hủ tục của người H'Mông rồi lên án. Nhưng tôi khẳng định người H'Mông
chúng tôi không có tục lệ nào có tên là tục "bắt vợ"", ông Bảo nói.
"Người H'Mông ở Việt Nam cũng như trên thế giới không có hủ tục 'bắt vợ' như một số thông tin trên mạng nêu ra mà người H'Mông chỉ có phong tục kéo dâu mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc", ông Bảo nhấn mạnh.
Theo ông Bảo, phong tục kéo dâu là một hình thức rút ngắn giai đoạn tìm hiểu, cưới xin của đôi nam nữ để sớm trở thành vợ chồng.
Cụ thể, điều kiện để được kéo dâu là đôi nam nữ phải tìm hiểu, "ưng, kết" nhau rồi và tự nguyện, muốn sớm trở thành vợ chồng.
Tuy nhiên, theo phong tục của người H'Mông, để trở thành vợ chồng phải trải qua rất nhiều công đoạn như tìm hiểu, ăn hỏi, xin dâu, tổ chức cưới... chưa kể vấn đề sính lễ, thách cưới tốn kém, mất nhiều thời gian.
Do đó, để giảm đi các thủ tục cưới tốn kém, cậu con trai phải về báo cho bố mẹ, họ hàng biết, tôi đã ưng cô bé đó và chúng tôi quyết định sớm trở thành vợ chồng. Đồng thời, chúng tôi sẽ bỏ qua thủ tục ăn hỏi, đám cưới rườm rà, tốn kém để tổ chức kéo dâu.
Để kéo dâu, đôi nam nữ sẽ hẹn ở địa điểm nào đó và cậu con trai phải rủ thêm một vài người bạn đến cầm tay, kéo cô con gái người yêu về nhà mình.
Khi đón về nhà phải làm thủ tục qua cửa bằng cách bố chàng trai lấy con gà trống to đẹp (còn gọi là gà thần canh cửa, trừ tà ma dịp đầu năm của người H'Mông) quay trên đầu cô gái 3 vòng phải, 3 vòng trái.
Con gà này là tượng trưng cho thần trừ tà ma nên sau khi làm xong sẽ chính thức công nhận cô gái là con dâu của nhà người ta.
Tiếp đó, gia đình làm mâm cơm để báo với tổ tiên là hôm nay, đã kéo được cô gái này về làm dâu.
Khi xong rồi, nhà trai sẽ cử người đến nhà gái báo việc con gái nhà ông bà đã được chúng tôi kéo và đồng ý về làm dâu rồi. Nhà gái phải chấp nhận việc này và đây là phong tục được người H'Mông cho phép.
"Phong tục kéo dâu giúp giảm đi những thủ tục cưới xin tốn kém, mất thời gian và mang ý nghĩa nhân văn rất đẹp, được thừa nhận trong xã hội của người H'Mông.
Còn hiện nay, nhiều thanh niên mới lớn có thể hiểu hoặc không hiểu đã lợi dụng phong tục đẹp này để đi bắt con gái người ta về làm vợ.
Đây là việc làm hoàn toàn sai với các quy định của pháp luật khi bắt giữ người trái phép và xúc phạm thân thể người phụ nữ. Tôi cho rằng, chính quyền địa phương cần xử lý nghiêm bằng các biện pháp hành chính, thậm chí hình sự các trường hợp này để răn đe", ông Bảo nêu rõ.
Nguyên hàm Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cũng chỉ rõ, trong phong tục, cái đẹp được gọi là phong tục tốt đẹp, văn hóa còn cái xấu gọi là “hủ tục”.
"Đối với 'bắt vợ' không phải phải hủ tục của người H'Mông, bởi người H'Mông không có phong tục này. Nếu coi 'bắt vợ' là hủ tục thì vô hình chung anh thừa nhận đây là phong tục xấu của người H'Mông. Điều này không đúng, xúc phạm chúng tôi.
Đây là sự biến tướng, lợi dụng phong tục tốt đẹp, ý nghĩa của người H'Mông và các cơ quan chức năng cần tuyên truyền, xử lý nghiêm minh các trường hợp có hành vi vi phạm", ông Bảo nói thêm.
Theo Doanh nghiệp và tiếp thị
Thủ tục bắt vợ nên bỏ đi
Trả lờiXóa