Chủ Nhật, 13 tháng 2, 2022

Cục máu đông - thủ phạm gây đột quỵ hậu Covid-19

Di chứng cục máu đông là căn nguyên của đột quỵ, nhồi máu cơ tim và thuyên tắc phổi dù người bệnh đã điều trị khỏi Covid-19.

Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Kiều (Trưởng khoa Nội Tim mạch, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM), một nghiên cứu trên gần 48.000 bệnh nhân từ 17 đến 87 tuổi, được đăng tải trên Thư viện Y học Quốc gia Mỹ (National Library of Medicine) tháng 8/2021 cho thấy có 55 triệu chứng tồn tại lâu dài sau khi khỏi Covid-19.

Trong đó, 25% bệnh nhân xuất hiện tổn thương tim kéo dài, 20-60% bệnh nhân gặp bất thường về tim ở thời điểm hai tháng sau khi nhiễm Covid-19. Thậm chí, một số người bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim trong vòng vài tuần hoặc vài tháng sau khi khỏi Covid-19 do di chứng cục máu đông, dù trước đó họ không bị bệnh tim mạn tính hay có các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch như đái tháo đường, thừa cân béo phì, tăng huyết áp...

Mới đây, tại Mỹ, các bác sĩ buộc phải cắt cụt chân phải của một ngôi sao sân khấu Broadway vì chứng đông máu nghiêm trọng hậu Covid-19. Nếu không kịp thời đoạn chi, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với một loạt biến chứng nguy hiểm do cục máu đông, chẳng hạn như nhồi máu cơ tim và đột quỵ, bác sĩ Kiều cho biết thêm.

"Hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức là nguyên nhân góp phần làm tổn thương mạch máu, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông ở một số bệnh nhân thời kỳ hậu Covid-19", bác sĩ Kiều nói.

Cục máu đông làm tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ mạch máu, gây ra cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua, đột quỵ, nhồi máu cơ tim... Ảnh: Shutterstock

Cục máu đông làm tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ mạch máu, gây ra cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua, đột quỵ, nhồi máu cơ tim... Ảnh: Shutterstock

Ông dẫn chứng nghiên cứu được công bố trên eLife cho thấy, một số lượng lớn bệnh nhân hậu Covid-19 gặp phải di chứng hình thành cục máu đông. Khi tiến hành xét nghiệm máu của những người đã khỏi bệnh trong vòng một tháng, các chuyên gia phát hiện họ có số lượng tế bào mạch máu bị tổn thương (được gọi là tế bào nội mô tuần hoàn) trôi nổi trong máu nhiều gấp đôi người khỏe mạnh. Nhiều tế bào mạch máu bị hư hại cũng được tìm thấy ở những F0 khỏi bệnh mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp hoặc đái tháo đường.

Hậu quả, khi cục máu đông gây tắc nghẽn các mạch máu trong não sẽ gây đột quỵ. Trường hợp cục máu đông chỉ tạm thời làm giảm lưu lượng máu đến não và ngăn chặn nguồn cung cấp máu đến một phần của não, bệnh nhân sẽ gặp phải cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (đột quỵ nhẹ). Nếu cục máu đông làm tắc nghẽn mạch máu đến mô tim sẽ gây nên các cơn đau thắt ngực - nguyên nhân tiềm ẩn của nhồi máu cơ tim. Nếu cục máu đông di chuyển đến phổi, chặn dòng chảy của máu sẽ gây ra tình trạng thuyên tắc phổi dẫn đến tổn thương mô phổi.

Ngoài các biến chứng trên, cục máu đông còn có thể hạn chế lưu lượng máu đến các bộ phận khác của cơ thể, gây tổn thương tứ chi, thận, các cơ quan đường tiêu hóa...

Do đó, nếu xác định trong cơ thể có cục máu đông sau khi khỏi Covid-19, người bệnh thường được điều trị bằng thuốc làm loãng máu, giảm đông máu trong cơ thể, bác sĩ Kiều cho biết. Loại thuốc này giúp ngăn ngừa cục máu đông hiện có phát triển lớn hơn, đồng thời ngăn không cho cục máu đông mới hình thành.

Theo bác sĩ Kiều, mặc dù nguy cơ hình thành cục máu đông hậu Covid-19 ở các bệnh nhân có bệnh nền tim mạch cao hơn, nhưng những người khỏe mạnh cũng có khả năng gặp phải nguy cơ này. Vì vậy, việc chăm sóc sức khỏe sau khi khỏi Covid-19 đúng cách đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa nhồi máu cơ tim, đột quỵ và thuyên tắc phổi - những biến chứng do cục máu đông gây ra.

Để giảm nguy cơ hình thành cục máu đông cũng như các triệu chứng tim mạch khác, bác sĩ khuyến cáo F0 khỏi bệnh cần tuân thủ lối sống lành mạnh. Bao gồm: tuân thủ 5K; giảm cân để chỉ số BMI về trong khoảng 18,5 - 23 nếu thừa cân, béo phì; bỏ hút thuốc lá vì khói thuốc có thể làm hỏng lớp niêm mạc của mạch máu. Khi phải sử dụng các loại thuốc tránh thai, liệu pháp thay thế hormone hay một số loại thuốc điều trị ung thư, người dùng cần có chỉ định của bác sĩ vì các thuốc này có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.

Ngoài ra, mỗi người cần duy trì tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày. Nếu đặc thù công việc khiến bạn phải ngồi trong thời gian dài, hãy cố gắng đứng dậy và đi lại trong phòng sau mỗi 1-2 giờ làm việc. Các bài tập tại chỗ vào giờ giải lao cũng rất có ích trong việc tăng cường lưu thông máu.

Đặc biệt, khi có cơn đau thắt ngực, khó thở, hụt hơi... hay bất kỳ triệu chứng bất thường nào xuất hiện thời kỳ hậu Covid-19, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và có biện pháp can thiệp phù hợp, ngăn ngừa đột quỵ cũng như những biến chứng hậu Covid-19 nguy hiểm khác.

Thăm khám bác sĩ ngay khi xuất hiện các triệu chứng tim mạch bất thường để có biện pháp can thiệp kịp thời. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.

Đến bác sĩ khám khi xuất hiện các triệu chứng tim mạch bất thường để có biện pháp can thiệp kịp thời. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là nơi tiếp nhận, thăm khám và điều trị cho các bệnh nhân gặp di chứng tim mạch hậu Covid-19. Trung tâm được trang bị hệ thống trang thiết bị hiện đại, giúp chẩn đoán chính xác và phát hiện kịp thời các triệu chứng liên quan đến bệnh tim mạch. Dựa trên kết quả thăm khám, các bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhằm cải thiện tình trạng bệnh và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, thuyên tắc phổi, đau tim...

 Thu Hà (vn.express)

1 nhận xét:

21 sự thật bạn chưa biết về Nhật Bản:

  21 sự thật bạn chưa biết về Nhật Bản: (FB.PhuocHuynh 1. Nhật Bản bao gồm bốn đảo chính: Hokkaido, Honshu, Shikoku và Kyushu. Honshu chiếm ...