Thứ Sáu, 4 tháng 2, 2022

NÓI VỀ THƠ - Lưu Nguyễn Đạt

 

LUU NGUYEN ĐAT Ph.D, LLB/JD, LLM

Michigan State University 

Nói về thơ gần như sống trong thơ một lần nữa.  Đó cũng là cảm nhận dây chuyền, khi tình cờ gần gũi với dòng thơ.  Thơ, vốn nội tâm, là niềm vui, nỗi buồn từ cuộc sống.  Thơ vào đời và đời cũng nhập thơ.  Như dòng nước với nụ cười; như hơi thở của sóng vơi.

Trong thơ, biển cả đã đổi màu, huyền biến vu vơ, trong tầm mắt và chiều sâu của hồn người thi sĩ.  Tình yêu cũng vậy, qua lời lẽ ẩn vùi nhiệt độ, đã hoá chất thơ thành thứ ánh sáng tuyệt mỹ, sau và trước cả mọi bình minh, như tia nắng cuối cùng giữa lòng đêm và ngọn lửa rừng vừa chợt tắt, khi vạn vật còn hoang mê, chìm đắm, và chữ nghĩa còn lang bạt, lạnh nguồn.

Thơ đôi khi cũng yêu sách, đòi hỏi.  Đòi hỏi mình và yêu sách cả cuộc đời. Đòi dòng sông nhập thành biển cả.  Hỏi sao nguồn cảm hứng ngược dòng khơi.  Yêu hạt sương tích tụ thành mây.  Và sách cả niềm tin từ giọt nước mắt loài người.  Từ nỗi đau triền miên quanh thế giới.  Từ giọng hát vào đời, bỗng chia đôi.  Còn yêu sách, đòi hỏi gắt gao hơn thế nữa, chẳng qua vì đáy lương tâm còn nguyên vẹn, hay đam mê chưa tắt hẳn mà thôi.

Thơ huyền biến, lúc hiền hoà, lúc độc ác.  Như vị cay, vị ngọt cuối làn môi.  Có lúc say đắm vô hạn.  Có lúc hạn hẹp, chua xót, cạn vơi.  Hư hư, thực thực.  Ngập tràn trong dấu tích, xa cách trong buộc ghép ngàn nơi.  Nhà thơ phải lòng chữ nghĩa.  Phải lòng cuộc đời trọn vẹn, dang dở – ngay trong bạt xiêu, tuyệt vời. 

 Thơ là cơ thể và sức sống.  Là đứa trẻ nghịch đùa với dòng sông như môi yêu với tình tứ.  Là giọt máu buốt đau và mảnh da quằn quại.  Thơ đấu tranh, đòi quyền sống trong nhu yếu vô thường, và bất lực trong đổi chác căn cơ.  Bất lực, dù vĩnh cửu từ vắng vợi đời người.

 Thơ vô hình, vô dạng.  Thơ ở ngoài sách vở, ngoài hiện thực, vu vơ, miệt mài, lạc lõng.  Thơ thất lạc ngay trong lòng thơ.  Thất lạc ngay trong tâm hồn người thi sĩ – ngoài tầm giao cảm với đối nhân.  Thơ đã trở thành đứa con tư sinh vô thừa nhận.  Xiêu vẹo, nghiêng ngửa ngay tại dòng chữ nghiệt ngã, keo kiệt.  Bị chèn ép trong nhịp bước trần gian, thơ cô đơn trong cảnh vọng trần tục, trong toang vỡ trần truồng.  Vì thế, thơ không ai dám nhận, dám tin, dám hỏi.  Và cũng ít ai đủ khả năng nuôi dưỡng, gả gấm, hoặc đủ bản lĩnh gạ gẫm nàng thơ.

 Nhưng cũng có lúc thơ là tặng dữ cuối cùng trong cuộc đời, là niềm vui còn sót lại đêm qua.  Những lúc tận cùng vời vợi đó, làm thơ tức là nhặt chữ nối nguồn, là đãi cát tìm vàng, là đào khởi lòng than âm u, tì tích, để tìm hạt kim cương tinh khiết, xuất chúng.  Thơ sẽ gạt bỏ bạc bẽo để sưởi ấm lòng đau.  Sẽ quét sạch đường đời và khởi sắc vạn nơi: thơ chiết xuất thơm tho từ ô uế, tiếp nhựa sống vào thân cây, và đặt niềm tin trong lòng người.

 Vì thế, thơ là con đường văn chương hoá dạng: nửa nọ, nửa kia; nửa sáng nửa tối; nửa vui, nửa buồn; nửa người, nửa vật.  Một thế giới bâng quơ, lơ lửng, ngược xuôi, xuôi ngược.  Liên tục trong trí nhớ, lại có lúc cách quãng trong u uẩn, trước sau muôn mặt, thiên hình, vạn trạng.  Có cũng như không, không rồi lại có.  Tất cả là khát vọng, hay thất vọng, trong bao dung, toàn bích.  Là hào hứng trong phân mảnh, tuyệt vời.

Thơ trong sạch hay bụi bậm là do lòng người tìm kiếm chất thơ. Thơ không mùi không vị, không tình không nghĩa, mà chỉ mượn mùi thơm ngọt từ cỏ cây, vị say từ hơi thở nồng nàn, và tình nghĩa từ ánh mắt cô liêu, đắm đuối.  Người thi sĩ nhìn và nhớ vạn vật chung quanh câm nín, hoang sơ.  Thơ nguyên vẹn, mong manh trong dấu vết xa gần.  Thơ bừng khởi trong tiềm thức sơ sinh, bao bọc.  Ta đã khoác lên vai, lên tóc và vết tích nó những bụi bậm, tanh hôi của thân phận làm người.  Thơ lạc lõng vì hồn người lạc lõng.  Thơ chảy máu vì tế bào người u uẩn, cắt, vùi.  Thơ tì ố, tàn tạ như chiếc áo kẻ tù đày.  Thơ cũng trong sáng như ánh mắt thơ ngây, trong bình minh vĩnh cửu của vạn vật luân lưu, muôn thuở tái thế.

 Thơ nổi chìm, sâu sắc.  Thuyên chuyển từ tế bào này sang tế bào nọ. Như giọt tình, giọt nước mắt ngấm lòng người, ngấm lòng vạn vật. Thơ cũng là những câu hỏi không để trực tiếp trả lời, hay trả lời để hỏi lại.  Trong vô hạn, mong manh, như những công án thiền định:

nếu mọi dòng sông đều ngọt ngào
biển cả lấy muối mặn từ đâu?

if all rivers are sweet
where does the sea get its salt?[
1]

Ý thơ và bóng chữ đã đôi lúc chung tình, giao hợp để cùng nhau thoả ước, khép mở, mật thiết lẫn nhau.  Thơ cố gắng trả lời sành sỏi.  Nhưng nhiều lúc thơ lại vụng về, giả định, vu vơ, vì tạm bợ, không chủ đích.  Tới nơi mà không biết.  Lạc lõng mà không hay.  Ngay lúc tuyệt độ trong cơ bản tâm tình. Ngay lúc phá thể trầm trọng để xây dựng lại một trật tự mới, khác với trật tự hiện hữu. Ngay trong cách sống vô vi, vô thường:

 sáng trăng vời vợi xa bao ngả
xa cách lòng tình xa nguyệt nga?

how far is the light of the moon
from the moon?[
2]

 Nhà thơ không chịu trả lời gọn gàng, minh bạch, chỉ tủm tỉm cười, rồi trì hoãn vu vơ, hay giải đáp trong hững hờ, cởi, mở.  Thành thử câu hỏi vẫn mãi mãi nguyên vẹn trong lòng người còn tìm, còn kiếm.  Nguyên vẹn từ đầu, bất tận về sau.

Thơ có lúc vắng dấu chân người, mà chỉ còn là vết tích của đá, của hoa, cỏ lạ, nguồn, khơi. Trong những lúc khô khan tuyệt tích, cạn hơi, cạn hứng, người thi sĩ đã tìm đường về một địa hạt xa xăm siêu thực, như tìm đường lên nơi thần linh hay đất cấm, nơi dư âm, hoài cảm hay huyền thoại, hư vô.  Thi sĩ đã thu ngắn lại, buộc nối lại con đường cũ đưa dẫn về nhà trời, xuyên qua hình dáng mong manh, mở đón của tạo hoá, của cỏ cây, của tảng đá dẫn lộ.  Đó không phải là những cảnh vật vô tri vô giác, những khối tảng ù lì, cục mịch, mà là những hồn đất, hồn cây, nhữnh tảng đá từ không gian lạc vào lòng đất, nhưng vẫn biết bay bổng, vẫn nhớ bay bổng, thu hút; biết gọi nắng từ mưa; biết nghe tiếng thì thầm của những tâm hồn kiệt quệ, khát khao.  Đó cũng là những hạt đá quý, những lệ đá xanh, những tâm linh ẩn náu cạnh thân thể người yêu:

khi em vuốt ve ngọc biếc
ngọc biếc vuốt ve em

when you touch topaz
topaz touches you
[3]

 Như vậy thơ có thế giới riêng biệt của nó, trong công cuộc tìm lại lòng người, tìm lại lòng nguyên thủy của đất trời, thiên nhiên, của tiếng nói đầu tiên từ trí nhớ nhân loại, từ huyền thoại của ý nghĩa ẩn vùi trong lãng quên tập thể.  Thơ dẫn đường vào toàn bích, hé mở thành tôn giáo bỏ ngỏ, hoang vu.  Thơ tìm nguồn để tạo lại cội nguồn, tạo lại tông tích siêu thoát. Thơ hy vọng cả trong nỗi tuyệt vọng.

Thơ là cuộc hành trình với con người vậy.

 🌵🌵🌵🌵🌵🌵

 1] Pablo Neruda, The Book of Questions, (El libro de las preguntas), Copper Canon Press: Port Townsend, 1991.  Câu hỏi có chiều sâu thách đố tuyệt đối như những công án (koan) xuất phát từ tâm thức các thiền sư.
[2] Pablo Neruda, The Book of Questions. Nhận định như trên.

[3] Pablo Neruda, Stones of The Sky, (Las pierdas del cielo), Copper Canon Press: Port Townsend, 1987.

1 nhận xét:

SINH NHẬT QUÊ NHÀ- Thơ Kiều Mộng Hà và Bài Họa Của Các Thi Hửu

  SINH NHẬT QUÊ NHÀ Nửa vòng trái đất ghé Sài gòn Danh sách tám người: cháu-rể-con… Lòng rộn niềm vui tim loạn nhịp Mắt xoe ngơ ngác “lip”qu...