Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2022

Giai Thoại văn Chương : Cũng Tại Cái Ông KHUẤT NGUYÊN của nước Sở.

Giai Thoại văn Chương :
                   
                    Cũng Tại Cái Ông KHUẤT NGUYÊN của nước Sở
                     

Mùng 5 tháng 5 là TIẾT ĐOAN NGỌ 端午節, theo Ngũ hành Bát quái, vì số 5 thuộc dương, nên Tiết Đoan Ngọ còn gọi là Tiết ĐOAN DƯƠNG 端陽. ĐOAN: là Đầu mối, là mở đầu; NGỌ: là giờ Ngọ, là giữa trưa; còn DƯƠNG là mặt trời, là khí dương, ĐOAN DƯƠNG có nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh. Còn ĐOAN NGỌ là bắt đầu lúc giữa trưa. Theo truyền thuyết Trung Hoa...

     KHUẤT NGUYÊN 屈原 (340-278 TCN) : Vào cuối thời Chiến Quốc, có một vị đại thần nước Sở là Khuất Nguyên. Ông chẳng những là vị trung thần của nước Sở mà còn là nhà thơ, nhà văn hoá nổi tiếng của Trung Hoa. Ông là tác giả hai bài thơ bất hủ là LY TAO 離騷 và SỞ TỪ 楚辭, nổi tiếng trong văn hóa Trung Hoa cổ đại, thể hiện tâm trạng buồn vì đất nước suy vong. Do can ngăn Sở Hoài Vương không được, lại bị gian thần hãm hại, ông đã uất ức gieo mình xuống sông Mịch La tự trầm ngày mùng 5 tháng 5. Dân chúng nơi đó đã mang thuyền đến giữa dòng sông để cố gắng cứu vớt nhưng không thành. Để cho các loại cá và linh hồn của các yêu ma quỷ quái không lại gần được thi thể của ông họ đã đánh trống và vẩy nước bằng các mái chèo của họ. Sau đó để tưởng nhớ, tiếc thương cho một người trung nghĩa, mỗi năm cứ đến ngày mùng 5 tháng 5, dân Trung Hoa xưa lại làm bánh ú gói nhân thịt mỡ, quấn chỉ ngũ sắc bên ngoài (ý làm cho cá sợ, khỏi đớp mất) rồi bơi thuyền ra giữa sông, ném bánh xuống để cúng Khuất Nguyên. Do đó, hình thành hai tập tục trong ngày lễ Đoan Ngọ cho đến hiên nay là : Đua thuyền rồng và Ăn bánh ú.
                             

     Trong văn học, tác phẩm LY TAO của Khuất Nguyên hình thành những từ như : Tao Nhân Mặc Khách, Tao Đàn ... Trong thơ ca Trung Hoa còn ghi nhận SỞ TỪ là nguồn gốc của thơ Thất ngôn sau nầy. Sau đây là hai bài thơ Thất ngôn Tứ tuyệt có liên quan đến Tết Đoan Ngọ ở đời Đường. 
 
        同州端午             ĐỒNG CHÂU ĐOAN NGỌ

     鶴髮垂肩尺許長,    Hạc phát thùy kiên xích hứa trường,
     離家三十五端陽。    Ly gia tam thập ngũ Đoan Dương.
     兒童見說深驚訝,    Nhi đồng kiến thuyết thâm kinh nhạ,
     卻問何方是故鄉。    Khước vấn hà phương thị cố hương ?
             殷堯藩                                         Ân Nghiêu Phồn

Có nghĩa :
              Tóc bạc qúa vai cả thước thường,
              Xa nhà ba mươi lăm Đoan Dương.
              Trẻ con nghe nói đều kinh ngạc,
              Cùng hỏi nơi nào là cố hương ?
 
        Tết giữa năm cũng khiến cho người lữ khách nhớ nhà như là Tết Nguyên Đán vậy ! Đọc bài thơ trên làm cho ta lại nhớ đến bài "Hồi Hương Ngẫu Thư" của Hạ Tri Chương... Ta đọc thêm một bài thơ về Đoan Ngọ nữa nhé !
 
         端午                  ĐOAN NGỌ

     節分端午自誰言,    Tiết phân Đoan Ngọ tự thùy ngôn,
     萬古傳聞為屈原。    Vạn cổ truyền văn vị Khuất Nguyên.
     堪笑楚江空渺渺,    Kham tiếu Sở giang không diểu diểu,
     不能洗得直臣冤。    Bất năng tẩy đắc trực thần oan !
                文秀                                                  Văn Tú
                
Có Nghĩa :
              Đoan Ngọ ai chia Tết tháng năm,
              Khuất Nguyên từ vạn cổ xa xăm.
              Nực cười sông Sở trôi trôi mãi...
              Rửa chẳng sạch oan đấng nghĩa thần !

      Sông Mịch La của nước Sở, nơi Khuất Nguyên nhảy xuống để tự trầm, mấy ngàn năm vẫn không thể rửa hết oan khiên cho đấng bề tôi trung nghĩa. Bài thơ nầy làm cho ta nhớ đến một "Giai thoại văn chương Việt Nam thời vua Tự Đức", ông vua rất giỏi văn thơ của Việt nam ta ...
              
      Trong "Giai thoại văn chương Việt Nam" của Thái Bạch có kể về tài ứng đối của Đinh Nhật Thận như sau : Đinh Nhật Thận sinh năm Ất Hợi (1815) tại làng Thanh Lạo, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, đỗ cử nhân khoa Đinh Dậu (1837), đỗ tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1838) được bổ làm Tri phủ. Ông thường giao du với Cao Bá Quát và Nguyễn Hàm Ninh. Sau Cao Bá Quát dấy binh chống lại triều đình, Đinh Nhật Thận bị tình nghi, bắt giải về kinh giam lại, sau lại được thả ra. ("Quốc Triều Hương Khoa Lục" chép về Đinh Nhật Thận: “ Vì là bạn cũ của tên giặc Cao Bá Quát nên bị bắt giam, sau được thả”.
                       

     Vì mến tài ông, vua Tự Đức lưu ông lại ở kinh đô để dạy cho con em trong hoàng tộc và cũng để dễ bề kiềm chế ông. Tục truyền khi ở kinh đô, một hôm Đinh Nhật Thận cùng các quan đại đại thần theo thuyền ngự đi ngoạn cảnh trên sông Hương. Nhân bàn luận về Nho giáo, ông nhắc đến câu: “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung; Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu” và cho đó là một câu chí lý. Nghe xong, vua Tự Đức phán :
     - Vậy trẫm truyền cho khanh nhảy xuống sông này chết đi, khanh có dám làm không ?
     Nghe vua phán vậy, các quan trên thuyền đều lo sợ thay cho ông, vì không nhảy xuống sông thì không trung với vua, mà nhảy xuống thì chết là cái chắc. Ấy vậy mà ông vẫn bình tĩnh lạy nhà vua ba lạy xong đâu vào đấy, rồi lao mình nhảy tỏm xuống dòng sông. Mọi người đều bàng hoàng, tưởng đây là nơi an nghỉ ngàn thu của ông rồi. Nhưng chỉ trong giây lát, ông ngoi đầu lên khỏi mặt nước và vói tay bám vào mạn thuyền ngự. Vua Tự Đức hỏi: 
    - Sao khanh không ở dưới đó luôn mà còn trở lên đây chi vậy ?
      Ông bình tĩnh đáp rằng :
    - Chỉ tại cái ông Khuất Nguyên của nước Sở. Nhà vua ngạc nhiên hỏi :
    - Tại sao lại Khuất Nguyên ?. Ông chậm rãi kể :
    - Thần định ở luôn dưới đó, nhưng khi vừa xuống đến đáy sông thì thần gặp ông Khuất Nguyên, ông ấy đuổi thần lên và mắng thần rằng : 

             Ngã phùng ám chúa hàm oan nhẫn,     我逢黯主含冤忍,
             Nhữ ngộ minh quân nịch tử hà ?          爾遇明君溺死何?
   Có nghĩa :
          Ta gặp phải chúa hắc ám, nên phải chịu oan đã đành,
          Còn ngươi gặp được minh quân sao lại phải nhảy xuống đây trầm mình tự tử vậy ?

  ... hạ thần nghe ông ấy mắng quá đúng cho nên phải ngoi lên đây để tâu cùng bệ hạ rõ!

      Vua Tự Đức cả cười, sai thị vệ kéo ông lên thuyền ngự, lấy quần áo cho ông thay rồi đích thân rót một chén rượu để khen thưởng cho cái tài ứng đối mẫn tiệp, mặc dù biết đó là một câu chuyện hoàn toàn bịa đặt.
 
       Giai thoại trên nghe thì rất lý thú, nhưng chỉ để kể cho nhau nghe chơi khi trà dư tửu hậu mà thôi. Nay nhân Tết Đoan Ngọ, ở nơi xứ lạ quê người nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn, nên kể hầu chư vị cho vui với một ngày Lễ chỉ có ở vùng của các nước Đông Nam Châu Á mà thôi.

       Hẹn bài viết tới !

                                                                            杜紹德
                                                                       Đỗ Chiêu Đức

 Mời Xem :

1 nhận xét:

Tâm Sự Từ Nguyên Và Bài "MẮT NHÒA QUÊ MẸ "

 Cùng quý thân hữu, Tình mẹ con vốn bất diệt và không có thơ nhạc nào đủ sức ca tụng. Trong khi người ta lao đầu vào các cuộc chiến bất tận,...