Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2013

Khi người đàn ông khóc -Danh Đức (Tuoitre.online)

Khi người đàn ông khóc...
(
(Xin xem bài phát biểu của ông Naderev Yeb Sano tại COP.19)
TT - Tại sao Naderev Yeb Sano, trưởng phái đoàn Philippines tại hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 19), đã phải mấy lần tuôn nước mắt? Tôi nghĩ ông đã khóc vì uất ức, do lẽ ông hiểu rõ rằng thảm họa mà dân chúng đất nước ông phải gánh chịu lẽ ra đã có thể tránh được.



Người đàn ông ấy không phải “tay mơ” trong vóc dáng thư sinh của mình.
Trước khi được bổ nhiệm làm trưởng phái đoàn thương thuyết về biến đổi khí hậu vào tháng 2-2010, ông đã kinh qua khá nhiều công tác thực địa trong lĩnh vực này từ năm 1997, sau khi học hành trong nước, rồi thì ở Hà Lan và Mỹ chuyên sâu về quản lý thảm họa biến đổi khí hậu.
 Ông được biết đến như là một người đấu tranh cho môi trường, muốn làm thay đổi hành vi của xã hội trước vấn nạn thay đổi khí hậu.
Ở một nước đứng đầu sóng ngọn gió trên Thái Bình Dương, ông luôn giải thích: “Biến đổi khí hậu là một vấn nạn vô cùng, song cũng có mặt tích cực của nó là có thể làm thay đổi cách thức chúng ta quản lý đất nước chúng ta... Hãy xem biến đổi khí hậu như là một cơ hội để cho chúng ta biến đất nước này tốt đẹp hơn. Đó là một cuộc chiến mà chúng ta sẽ phải sống sót do lẽ không còn lựa chọn nào khác”.
Và ông đã tập hợp các kinh nghiệm, ý tưởng thành một chương trình hành động cụ thể, mang tựa đề “Các cơn bão kinh hoàng: đất nước Philippines có thể làm gì trước biến đổi khí hậu?”. Nghĩa là ông thừa biết đất nước ông phải làm gì. Ấy thế mà...
Trong cương vị trưởng đoàn đàm phán từ ba năm nay, Yeb Sano đã đấu tranh kịch liệt ở các hội nghị quốc tế: “Cách đây gần 11 tháng tại (hội nghị) Doha, phái đoàn tôi đã kêu gọi thế giới hãy mở to mắt để nhìn thẳng vào thực tế khắc nghiệt mà chúng tôi đang phải đối mặt, đó là cơn bão thảm khốc mà lúc đó chúng tôi đang phải đương đầu... (Vậy mà) không đầy một năm sau, có ai ngờ được rằng một thảm họa tàn khốc hơn nhiều lại có thể ập tới!”.
Ông tức tối vì ông và nhiều người khác đã bao lần yêu cầu các nước thay đổi. “Nếu không quyết định bây giờ, ở đây thì bao giờ, ở hội nghị nào mới sẽ quyết định?”.
Tức tối, ông đòi hỏi phải nâng lên ngay lập tức các chỉ tiêu giảm phát khí thải của các nước phát triển vốn đang quá thấp và ông cảnh cáo: “Cho dù các nước đó có tuân thủ yêu cầu giảm 40-50% xuống dưới mức năm 1990 thì vẫn còn đó vấn nạn biến đổi khí hậu và vẫn sẽ cứ còn mất mát...”.
Thường thì người đàn ông chỉ khóc khi thấy mình bất lực bó tay, kèm theo phẫn nộ. Ông cũng thế, biết trước phải làm gì mà vẫn không làm gì hơn được: “Không tự nhiên chút nào khi (chính) loài người đã khiến cho khí hậu biến đổi một cách sâu sắc...
Khoa học cho chúng ta biết rằng khi Trái đất ấm lên thì các đại dương cũng ấm lên..., và xu hướng bão trở nên mạnh hơn”. Yeb Sano hét lên: “Tôi lên tiếng thay cho vô số những ai không còn có thể tự nói cho bản thân mình vì đã mất mạng trong cơn bão... Với tư cách là một quốc gia, chúng tôi không chấp nhận một tương lai trong đó hễ cứ siêu bão kiểu cơn bão Haiyan này ập tới là cứ phải sơ tán chạy trốn nó, chịu đựng nó tàn phá và gây đau khổ, đếm số người chết...”.
Thảm họa của dân Philippines, nước mắt của Yeb Sano cũng có thể là của người dân Việt. Chừng nào mà còn cứ phá rừng gọi là “làm thủy điện”, trồng cây này cây nọ thì ít nhưng thu hoạch cây, triệt hạ thì nhiều; khi cứ thi nhau sử dụng mọi chất đốt, nhiên liệu. Thậm chí văn phòng ngay trong công viên cây xanh bóng mát mà vẫn đóng cửa kính, bật máy lạnh... Lúc đó e rằng có muốn khóc như Yeb Sano, cũng không còn cơ hội!

DANH ĐỨC


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tạp Ghi và Phiếm Luận: Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ (Dỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :                Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ                                       Ăn x ổi  ở th ì,...