Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

Chuyện có thật: Bị tù oan 10 năm (từ ngoisao.net)

Sau 10 năm ngồi tù vì tội Giết người, ông Chấn bất ngờ được minh oan và thả tự do khi hung thủ thực sự ra đầu thú.
Đúng 9h ngày 4/11, tại trại giam Vĩnh Quang, Tổng cục VIII, Bộ Công an (xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc), Viện Kiểm sát tối cao đã công bố quyết định kháng nghị bản án phúc thẩm hình sự xử phạt Nguyễn Thanh Chấn (sinh năm 1961, trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện  Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) mức án tù chung thân về tội Giết người, đồng thời quyết định trả tự do ngay cho ông.
Theo hồ sơ vụ án, vào khoảng thời gian từ 19h đến 19h30 ngày 15/8/2003, chị Nguyễn Thị Hoa (ở gần nhà Nguyễn Thanh Chấn) bị giết chết. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Nguyễn Thanh Chấn bị cơ quan điều tra triệu tập và sau đó bị bắt giam để điều tra. Sau đó, các cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang kết luận rằng khi biết chị Nguyễn Thị Hoa là người phụ nữ đơn thân, Chấn vào nhà với mục đích cưỡng dâm. Khi không cưỡng dâm được, Chấn đã dùng dao đâm chết nạn nhân. 
Bản án phúc thẩm cho rằng chứng cứ của vụ án là tại hiện trường có những bước chân dính máu, bước chân này đo vừa với khổ bàn chân của Chấn và lưỡi dao gây án để lại tại hiện trường nên tòa đã tuyên phạt ông Chấn tù chung thân về tội Giết người, cho dù ông một mực kêu oan và khẳng định bị điều tra viên đánh đập bức cung
Ông Nguyễn Thanh Chấn được thả tự do sau 10 năm ngồi tù oan.
Ông Chấn cũng dẫn ra những chứng cứ ngoại phạm để chứng minh cho việc không phạm tội của mình như: vào thời điểm xảy ra vụ án, ông ở nhà để quay số điện thoại và theo dõi giờ gọi điện cho ông Thực là người cùng xóm gọi điện (vào thời điểm đó nhà ông Chấn kinh doanh điện thoại bàn), việc gọi điện này có bảng kê thanh toán điện thoại của nhà ông Chấn và có sự chứng kiến của các nhân chứng là chị Phạm Thị Nhâm, anh Quyền. 
Quá trình điều tra, cơ quan công an kết luận sau khi gây án xong Chấn cầm nửa chuôi dao về giấu trong nhà, nhưng cơ quan điều tra đã không tìm thấy hung khí gây án. Cơ quan tố tụng kết luận dấu chân để lại hiện trường có số đo trùng với số đo chân của Chấn, nhưng lại không tiến hành giám định hiện trường, giám định vết chân của Chấn.
Theo nhiều nhân chứng kể lại thì ngay sau khi xảy ra vụ án, bà mẹ chị Hoa đã đi sang tìm con, khi phát hiện con bị giết, bà đã vào ôm con và cũng giẫm phải vết máu và để lại dấu chân tại hiện trường.
Không chỉ có vậy, sau khi được thông báo, ông Đệ, là y sĩ kiêm trưởng thôn, cũng đến xem xét hiện trường và cũng giẫm phải vết máu và để lại dấu chân tại hiện trường. Tuy nhiên, toàn bộ những chứng cứ này đều đã bị cơ quan tố tụng bỏ qua và Nguyễn Thanh Chấn đã bị khép vào tội Giết người.
Ông Nguyễn Thanh Chấn là người con duy nhất của liệt sĩ đã hy sinh năm 1964 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhưng đã bị kết án oan trong đúng ngày thương binh liệt sĩ 27/7/2004 khiến ông và gia đình vô cùng đau đớn.
Sau 10 năm thụ án, hung thủ thực sự của vụ án đã ra đầu thú do không chịu được dằn vặt. Theo đó, vào thời điểm xảy ra vụ án, Lý Nguyên Trung (sinh năm 1988, người cùng thôn Me, cũng có tình ý với chị Hoa.
Tối 15/8/2003, Trung tới nhà chị Hoa để gạ tình, nhưng không được chị Hoa đáp ứng. Khi phát hiện chị Hoa có tài sản nên Trung đã dùng dao đâm chết để cướp tài sản. Sau khi gây án, Trung bỏ trốn vào Đắk Lắk rồi lấy vợ, sinh con.
Tuy nhiên, cái chết của chị Hoa đã khiến Trung bị giày vò, sống không yên nên cuối tháng 7, Trung đã trực tiếp đến Viện Kiểm sát tối cao đầu thú, thú nhận toàn bộ hành vi giết người của mình. Do đó, ông Chấn đã được minh oan và thả tự do.
Chánh án TAND Tối cao đã quyết định đưa vụ án ra Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao để xét xử tái thẩm, tại phiên tòa xét xử ngày 6/11 tới đây. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã chỉ đạo, cần xem xét giải quyết lại vụ án đúng pháp luật, nếu thực tế có oan thì phải khôi phục lại các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, xem xét xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân trong quá trình giải quyết vụ án nếu có vi phạm quy định của pháp luật. 
Theo Lao Động, Dân Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Quần Đảo KERGUELEN

  Hòn đảo xa xôi này là nơi sinh sống của một cộng đồng nhỏ, tạm thời gồm khoảng 45 đến 100 người, chủ yếu là các nhà khoa học, quân nhân và...