Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

Những kỷ thuật luyện thở làm hạ huyết áp

Những kỹ thuật tập luyện thở để làm hạ áp huyết


6 tháng vừa qua Hội Khí Công Y Đạo Việt Nam (Montreal,Canada) đã mở một đợt thực nghiệm tìm ra phương pháp thở có hiệu quả nhanh nhất để làm hạ áp huyết không dùng thuốc, thay vì phải tập khí công một thời gian lâu mới có thể kiểm soát được căn bệnh này.
Các học viên và các bệnh nhân đã được đo áp huyết trước và sau khi tập từng phương pháp từ 1 đến 6, mỗi phương pháp có giá trị riêng, tuỳ theo tuổi tác, sức khoẻ. Người có áp huyết cao nhất là 230/130mmHg, tập theo cách 1 đến cách 4 xuống chậm hơn những người khác, nhưng tổng kết các kết quả thực tập từng người, được ghi trên bảng, và có thu băng DVD đưa lên mạng doducngoc.com, thì phương pháp thổi đến cầy hay thổi bếp lửa và thổi chong chóng dễ áp dụng và có kết quả nhanh, mỗi lần thổi bếp lửa 20 hơi rồi đo lại áp huyết xuống được 20mmHg-40mmHg, tiếp tục thổi cho đến mức 120mmHg, rồi sau 20 phút đo lại, áp huyết ổn định khoảng 130 mmHg. Cách thổi này áp huyết xuống nhanh và giữ ổn định áp huyết được lâu, thường dùng trong cấp cứu những bệnh nhân mệt tim hoặc khi áp huyết tăng vọt bất thình lình mà trong người không đem theo thuốc.
Mời quý vị thực tập kiểm chứng từng phương pháp thở với máy đo áp huyết xem sao, và cho biết ý kiến :

A-NGUYÊN NHÂN VÀ HẬU QỦA CỦA BỆNH CAO ÁP HUYẾT
:
Bệnh cao áp huyết thường xảy ra nơi những vị cao niên tuổi từ 55 trở lên. Khi đã bị bệnh cao áp huyết, càng lớn tuổi áp huyết càng tăng cao có thể đưa đến bệnh tim mạch hoặc nhồi máu cơ tim, nếu bệnh áp huyết không được kiểm soát thường xuyên mỗi ngày bằng máy đo mà chỉ dùng thuốc suốt đời cũng dẫn đến tai biến mạch máu não (stroke) hay hôn mê bất tỉnh (coma) thuộc một trong hai loại biến chứng sung huyết não do áp huyết đột nhiên lên cao, nếu có chữa khỏi cũng bị bán thân bất toại gây tê liệt co cứng các chi, hoặc biến chứng thiếu máu não do áp huyết qúa thấp cũng bị bán thân bất toại gây tê liệt bại xụi các chi mềm yếu vô lực.

Để tránh xảy ra tai biến mạch máu não, ngoài việc uống thuốc thường xuyên, cũng cần phải có máy đo áp huyết mỗi ngày 2 lần, hoặc khi có cảm giác cơ thể thấy khó chịu như nhức đầu, chóng mặt, khó thở, đi lảo đảo, buồn nôn, ăn vào ói ra, lúc đó cũng cần phải đo xem có phải áp huyết bị xáo trộn bất thường do ảnh hưởng của ăn uống bất bình thường hay do bực tức nóng giận nhất thời là nguyên nhân thường bỏ sót của các bệnh nhân bị bệnh cao áp huyết, cho nên đã có nhiều người bị bệnh cao áp huyết, vẫn uống thuốc đều đặn, nhưng ỷ lại, không đo áp huyết thường xuyên, nên đã chết bất đắc kỳ tử sau khi ăn nguyên một trái sầu riêng, hay ăn hết một ký nhãn, hay sau khi la hét giận dữ với người thân…

Đối với đông y khí công, bất cứ mọi bệnh tật của cơ thể đều do sự mất quân bình của bộ ba tinh-khí-thần, nên bệnh cao áp huyết cũng không ngoại lệ.

TINH là tinh chất của thức ăn tạo thành chất bổ nuôi dưỡng cơ thể, có loại dương làm tăng khí giúp cơ thể khỏe mạnh rắn chắc, có loại âm làm tăng huyết giúp cơ thể mập mạp. Cho nên, nếu dư âm thiếu dương thì cơ thể béo phì nhưng yếu sức không khỏe mạnh. Đó là bệnh của những người ăn nhiều không vận động, dễ sinh bệnh tiểu đường, bệnh béo phì, bệnh cholesterol dư thừa chất béo đóng nghẹt vách thành động mạch tim…,còn ngược lại ăn những chất tăng dương như nhãn, xoài, chôm chôm, sầu riêng, cà rốt, rượu bia, cà phê, nước coke…làm tăng nhiệt, táo bón, tăng nồng độ men trong bao tử khiến áp lực khí của bao tử đẩy ngược lên làm ợ hơi kích thích tim đập mạch bất thường làm mệt cũng sẽ làm tăng áp huyết.

KHÍ là hơi thở đưa vào cơ thể giúp tuần hoàn máu đến các cơ quan nội tạng đi khắp cơ thể nuôi dưỡng các tế bào, biến máu đen thành máu đỏ, giúp cho chức năng sinh hóa và chuyển hóa của lục phủ ngũ tạng sản xuất đầy đủ các chất cần thiết để nuôi dưỡng và bảo vệ cơ thể được quân bình, cho nên khí cũng có âm có dương tùy theo cách thở, để tăng âm khí là tăng sự dinh dưỡng tạo thêm máu nuôi dưỡng các tế bào , hoặc tăng dương khí là tăng sự miễn nhiễm của cơ thể để phòng chống bệnh tật. Người ít vận động, hơi thở yếu không đủ làm chuyển hóa thức ăn tạo ra máu, thức ăn tiêu hóa chậm trở thành độc tố, lại còn làm trì trệ sự tuần hoàn máu, nghẽn tim mạch cũng làm cho áp huyết tăng cao.

THẦN là tư tưởng, tâm lý, tình cảm, do bẩm sinh và do ảnh hưởng bên ngoài như phong tục tập quán, địa dư, học đường, xã hội, nơi sở làm, nơi sinh sống tác động tạo ra những biến đổi thần kinh trong cơ thể, cũng có loại tác động làm tăng dương cho cơ thể như vui thích, hăng say, yêu đời, lạc quan, nếu dương qúa dư thừa trở thành kích động, lo nghĩ căng thẳng nhiều làm ra bệnh stress (căng thẳng thần kinh), ngược lại loại tác động làm tăng âm như buồn phiền, chán nản, thở dài, chán ăn mất ngủ, không thích sống đi đến bệnh depression, trầm cảm, chán đời. Mọi sự biến đổi tâm lý thần kinh như vui, buồn, lo, giận, sợ hãi… đều làm cho hơi thở không đều, bất bình thường, khí của hơi thở thay đổi, thì sự tuần hoàn máu cũng thay đổi, như buồn qúa chán đời ưa thở dài làm yếu sự tuần hoàn máu về tim khiến tim bị đau nhói, hoặc giận quá bầm gan tím ruột làm co thắt ống mạch máu không tuần hoàn được khiến mạch máu bị vỡ đứt gân máu, hoặc nghe nhạc kích động đinh tai nhức óc đau đầu cũng làm áp lực tuần hoàn máu tăng cao, công việc làm bị áp lực thúc ép qúa cũng làm căng thẵng thần kinh (stress) áp huyết cũng tăng cao.

Trong ba yếu tố tinh-khí-thần, xét về khí công thì yếu tố khí là quan trọng đối với cơ thể nhất, vì khí đầy đủ mới giúp cho cơ thể sinh hóa, chuyển hóa tạo ra những chất cần thiết cho cơ thể như nuôi dưỡng tế bào, trao đổi chất, duy trì và bảo vệ sự sống cho cơ thể, vì thế bất cứ sự thay đổi nào của ăn uống cũng tạo ra khí nhiều hay ít, sự thay đổi tâm lý thần kinh cũng làm cho khí mạnh hay yếu, và khí của hơi thở đều hay không đều cũng làm cho con người khỏe mạnh hay bệnh tật.

Khi chúng ta bị bệnh là do yếu tố tinh-khí-thần mất quân bình, có nghĩa là xáo trộn tuần hoàn khí là chính, khí ở đây nói chung là khí của tinh có từ thức ăn uống, khí của khí có từ hơi thở, và khí của thần có từ sự thay đổi tâm lý tình cảm. Như vậy, nếu chúng ta biết cách điều chỉnh khí cho cơ thể lúc nào cũng điều hòa đúng, đủ, đều đặn, nhẹ nhàng, tự nhiên, đến trạng thái điềm đạm hư vô thì thân nào mà bệnh tật, đó là câu nói có ý nghĩa nhất của các bậc danh y tiền bối thời cổ đại.

Khi chúng ta biết luyện thở, gọi là khí công, có nghĩa là bỏ ra công phu tập luyện cho khí được điều hòa thì cơ thể sẽ tránh được nhiều bệnh tật, vì đông y cho rằng, ý ở đâu thì ý dẫn khí đến đó, mà khí đến đâu thì huyết cũng đến đó, ý là thần, khí là hơi thở, huyết là tinh chất của thức ăn đã đuợc chuyển hóa. Khí công quan trọng là ý, là sự chú ý, là công phu tập luyện thở cho đúng cách. Cho nên muốn áp dụng khí công để điều chỉnh khí huyết trong cơ thể phòng chống bệnh tật có hiệu qủa, phải bỏ ra công sức tập luyện đều đặn mỗi ngày mới có hiệu qủa.

2-CÁCH TẬP THỞ LÀM HẠ ÁP HUYẾT CAO XUỐNG MỨC BÌNH THƯỜNG.

Nếu chúng ta là người bị bệnh cao áp huyết, ngoài việc uống thuốc, chúng ta nên có một máy đo áp huyết để theo dõi hơi thở khi tập thở để làm hạ áp huyết bằng hơi thở đúng cách.
Dùng khí công để điều chỉnh bệnh tật có hai loại, loại động công là các động tác tay chân theo hơi thở, gọi là thể dục khí công, và loại tĩnh công là tập thở và theo dõi hơi thở, có thể tập ở thế nằm, thế ngồi, thế đứng, thế đi đều được cả.
Để điều chỉnh bệnh cao áp huyết bằng hơi thở, chúng tôi đề nghị 6 cách thở khác nhau, chúng ta tập thở cả 4 cách, mỗi cách thở đều được kiểm chứng bằng máy đo áp huyết xem cách nào có hiệu qủa nhất với trường hợp bệnh của mình, thì sau này chuyên thở bằng cách đó.

a-Cách thứ nhất : Hà…ơi…hà

Ở tư thế đi, đứng, nằm, ngồi đều được cả . Chúng ta tập hà hơi ra nhiều hơn hít vào, khi hít vào không được nâng vai và đưa khí vào ngực, muốn tránh khí vào ngực, ở thì hít vào, chỉ cần há miệng hớp khí vừa đủ để hà hơi ra tiếp. Muốn tập hà hơi cho đúng cách, chúng ta tập phát âm chậm rãi, đều đặn, liên tục câu : Hà …ơi….hà…., hà….ơi….hà…., hà….ơi….hà….,

Tập nói bình thường, êm nhẹ, đều đặn, tự nhiên, tập làm sao mà sau khi ngưng tập, hơi thở vẫn đều, không bị ngộp thở, không bị thở dồn dập, hơi thở vẫn tự nhiên như người bình thường là đúng. Khi ngồi tập, cánh tay trái đặt trên bàn, để máy đo áp huyết vào cánh tay, đo trước khi tập, sau đó vẫn để máy đo ở tay, tập thở hà…ơi…hà… cho đều đặn, cứ mỗi 5-10 phút, rồi bấm máy đo lại, xem áp huyết có xuống từ từ không. Có nghĩa là lúc đầu chưa tập áp huyết cao, thí dụ là 200/110mmHg sẽ xuống dần 190/100, 180/90, 170/90,…130/80mmHg. Sau nhiều lần thở tiếp tục vẫn ổn định ở mức 130-135/80-90 là đã điều chỉnh được hơi thở đúng. Khi đã biết cách thở đúng, thì đi đứng nằm ngồi, ngay cả khi làm việc vẫn tiếp tục thở hà…ơi…hà… trở thành thói quen bình thường, áp huyết ổn định, nên yêu cầu bác sĩ điều chỉnh lại thuốc uống.

Tuy nhiên vẫn có những trường hợp ngoại lệ, có người nhận thấy áp huyết xuống từ 200/110 xuống đến 160/95mmHg thì ngưng không xuống nữa, dù có tập hoài cũng vẫn ở mức này, chứ không thể nào xuống thêm được như ý muốn, lúc đó chúng ta phải tập thử sang cách thứ hai hay cách thứ ba, hay cách thứ tư, để tìm xem cách nào có kết qủa nhất hợp với cơ thể mình.

b-Cách thứ hai : 1,2,3,4,5,6,7
.
Ở tư thế đi, đứng, nằm, ngồi đều được cả. Chúng ta tập thở ra nhiều hơn hít vào. Thở ra thời gian lâu 7 giây, hít vào thời gian lâu 3 giây, nghĩa là tập cho một hơi thở vào-ra lâu 10 giây, tần số thở mỗi phút sẽ được 6 lần, chậm gấp 3 lần hơn cả cách thở tự nhiên của một người bình thường không bệnh trung bình có tần số thở 18 hơi trong một phút. Con rùa sở dĩ sống lâu vì tần số thở của rùa là 2 hơi thở vào-ra trong một phút. Nếu tự nhiên, nhìn vào đồng hồ để theo dõi hơi thở giữ đúng tần số 6 hơi trong một phút, thì không ai có thể thở đúng, đều, và tập thở suốt ngày như thế mà không bị mệt sau khi tập thở. Điều đó rất khó đối với mọi người. Trong khi đó điều kiện tập thở của khí công là hơi thở phải tự nhiên, chậm, nhẹ, sâu, lâu, đều, bình thường. Chậm có nghĩa là tần số vẫn giữ 6 hơi thở trong một phút, sâu là hơi thở phải xuống đến bụng làm cho bụng chuyển động, mà ngực và vai không chuyển động, lâu là thời gian tập, bình thường là hơi thở lúc trước khi tập, trong khi tập, và sau khi tập vẫn tự nhiên không mệt mỏi, hụt hơi , hay bị thở dồn dập. Và cuối cùng khi tập thở, ý phải tập trung không sao nhãng, không bị ảnh hưởng tâm lý vui buồn làm xáo trộn hơi thở trong khi tập mới có kết qủa tốt. Muốn giữ được điều kiện đòi hỏi của cách tập thở này một cách dễ dàng không trở ngại, chúng ta phải đổi cách thở bằng cách hát có âm điệu vui nhẹ vô thưởng vô phạt không làm ảnh hưởng đến tâm lý qúa khích (cực dương) qúa buồn rên rỉ (cực âm) làm hại đến yếu tố Thần trong khí công, và bài hát phải có nhịp đều đặn, đủ chậm, mà hát lâu, hát suốt ngày không chán không mệt mỏi để điều hòa yếu tố Khí trong khí công. Khi Thần với Khí được hòa hợp thì sự sinh hóa và chuyển hóa thức ăn thành chất bổ, lúc đó Tinh hoa của thức ăn sẽ biến thành khí bảo vệ và nuôi dưỡng cơ thể thành một chu kỳ chuyển hóa tinh hóa khí, khí hóa thần.
Chúng ta tập hát bài hát như sau :
Nhớ rằng trong khi hát là thì đang thở ra, phải dùng ý kiểm soát cho bụng xẹp xuống, hát đến cuối câu phải cho hơi trong bụng ra hết để cơ bụng mềm ra, sau đó là thì hít vào lâu 3 giây để ý cho hơi vào sâu xuống bụng, bụng sẽ phồng lên nhẹ, mà vai và lồng ngực không nhúc nhích, mới là cách thở đúng. Cứ vừa hát đều đặn, vừa kiểm soát bụng phồng nhẹ ờ thì hít vào, bụng xẹp từ từ mềm ra khi đang hát cho hơi ra, là cách thở ra tự động bằng bài hát. Luyện hát cho nhẹ nhàng khoan thai, giúp bụng mền, phồng-xẹp đều đặn, hát nhiều lần, hát đi hát lại liên tục, khi ngưng không hát, hơi thở vẫn bình thường không hụt hơi dồn dập, đó là cách tập thở đúng.

Kiểm soát áp huyết trước khi tập bằng cách nằm đối với người già có vấn đề đi đứng cử động khó khăn, còn người khỏe cần ngồi trên ghế. Để máy đo áp huyết vào cánh tay trên bên trái, đo áp huyết trước khi tập hát, sau cứ để máy đo trên cánh tay, đừng gỡ máy ra, bắt đầu tập hát bài trên 1,2,3,4,5,6,7…chậm, nhẹ, sâu, lâu đều, tự nhiên, sau, 5-10 phút đo lại áp huyết xem xuống được bao nhiêu, đã có người áp huyết từ 202/117 mmHg xuống dần dần sau mỗi đợt đo lại còn 180/110, 170/100, 165/95, 160/90, 155/85mmHg…Những cuộc thử nghiệm các bệnh nhân cao áp huyết vẫn dùng thuốc, trung bình áp huyết trước khi tập là 186/110mmHg, sau khi tập 5-10 phút đo lại, áp huyết xuống dần. Sau nửa giờ tập hát đúng, cảm thấy cơ thể khỏe, không còn các triệu chứng nặng đầu, chóng mặt, đi lảo đảo, cứng mỏi cổ gáy vai, đầu trán nóng, bàn tay nóng…lúc đó đo lại áp huyết xuống đến mức bình thường 130-135/80-90mmHg, nếu có hát tiếp tục nữa áp huyết được ổn định không thay đổi.

Khi áp dụng cách hát này trong đời sống hàng ngày đối với tất cả mọi người có bệnh hay không có bệnh, vẫn có lợi cho sự tuần hoàn khí huyết, tâm tính cũng được thay đổi theo, để ba yếu tố Tinh-Khí-Thần hòa hợp, Tinh ở đây đã được khí chuyển thành huyết, khiến cho da thịt hồng hào, thần sắc vui tươi, thân thể khỏe mạnh, mọi bệnh tật sẽ được đẩy lùi, đó cũng là cách phòng ngừa bệnh hữu hiệu nhất.

c-Cách thứ ba : phồng-xẹp
.
Ở tư thế ngồi hoặc nằm. Để bàn tay phải dưới rốn, để máy đo áp huyết vào cánh tay trái trên, tập theo dõi bụng phình lên vừa phải, đếm thầm 1,2,3 khi hít vào, làm sao không để cho vai và lồng ngực nhúc nhích. Tập theo dõi bụng xẹp xuống cho thật mềm cơ bụng, bả vai và cánh tay cũng mềm,đếm thầm 1,2,3,4,5,6,7. khi thở ra. Như vậy thì thở ra lâu gấp 2 lần hít vào.

Nếu chúng ta quan sát hơi thở của một người đang tập thở, nếu thấy bụng thở, và bụng xẹp xuống nhiều hơn là bụng phình lên, một cách đều đặn, chắc chắn áp huyết đã xuống. Ngược lại, khi thấy một người khi thở, bụng không nhúc nhích, chỉ thấy vai và ngực nâng lên hạ xuống nhanh, là đang có bệnh áp huyết cao.

Cách thở này nếu tập đúng khiến bụng được mềm lại thì áp huyết được ổn định, còn làm hạ đường huyết trong bệnh tiểu đường. Vì người bị bệnh tiểu đường, cơ bụng thường cứng, ấn tay vào bụng cứng là thức ăn không được chuyển hóa thành máu mà thành mỡ, nên đường mới bị dư thừa, cho nên tập đến lúc cơ bụng mềm, ngoài công dụng làm hạ áp huyết, còn làm cho tiêu hóa tốt, giúp sinh hóa và chuyển hóa tốt, tăng hồng cầu, tan mỡ bụng.

d-Cách thứ tư : Xì lốp xe.(p..si…si…si…si…)

Có những bệnh nhân, mỗi lần thở có thói quen hít vào nhiều hơn thở ra, và mỗi lần hít vào phải nâng vai nâng ngực cho khí vào đầy phổi, nhất là các nhà thể tháo gia, các người tập võ, những người bệnh suyễn, và những người áp huyết cao, vẫn uống thuốc để cầm cho áp huyết đừng tăng cao thêm chứ thuốc cũng không thể nào làm cho áp huyết xuống được. Như vậy phải đổi cách thở, không chú ý đến thì hít vào, mà chỉ chú ý nhiều đến thì thở ra. Tưởng tượng bụng của mình chứa đầy hơi to căng như lốp xe, tự nhiên bị đâm lủng làm hơi bị xì ra mạnh rồi bụng bị xẹp mềm xuống từ từ. Ở thì hít vào, bụng phình nhẹ vừa phải, vừa đủ hơi để tiếp tục tập xì hơi ra bằng miệng thành tiếng kêu xì…xì…xì…..ở thì thở ra, như vậy thì thở ra chỉ chú trọng đến xì hơi ra cho bụng xẹp và mềm là đúng.

Thường những người bụng mập, đè tay vào cảm thấy cứng, nhìn vào cách thở, không thấy bụng nhúc nhích, mà chỉ có ngực nhúc nhích, chứng tỏ sự chuyển hóa yếu kém không biến thức ăn thành chất bổ mà biến thành mỡ, đó là nguyên nhân sẽ dẫn đến bệnh tim mạch, cao áp huyết, tiểu đường, suyễn…

Khi tập bài xì lốp xe, ở tư thế nằm, dễ tập theo dõi bụng xẹp hơn là ở thế đứng hay ngồi. Tập cho đến khi bụng chuyển động và cơ bụng mềm. Nhớ đo áp huyết trước khi tập, trong khi tập và sau khi tập để so sánh. Cách thở xì ..xì…xì… cũng có lợi ngăn ngừa áp huyết tăng bất thường đối với những người nóng tính sân giận xảy ra bất chợt, nhất là những người đang tu học hạnh nhẫn nhục, khi bực bội một điều gì không vừa ý hài lòng, bề ngoài không lộ ra cử chỉ sân giận như người thường nên khí thường bị nén bên trong cũng làm áp huyết tăng cao mà không ngờ, sẽ có triệu chứng chóng mặt nhức đầu, mệt tim, khó thở. Người tu tâm dưỡng tánh đúng là người biết điều hòa tánh khí đến trạng thái điềm đạm, nếu nhẫn nhục chịu đựng sẽ làm tăng khí, thì hỷ xả sẽ là thì thoát khí để luôn luôn giữ được trạng thái áp huyết ổn định. Những người bị bệnh suyễn là do khí thượng nghịch dội ra ngoài nên hít vào sâu không được, khiến hơi thở ngắn dồn dập, khi tập được bài này sẽ khắc phục được bệnh suyễn nhanh chóng trong thời gian ngắn nhất.

e-Cách thứ năm : Thổi đèn cầy hay Thổi bếp lửa

Nguồn gốc của phương pháp làm hạ áp huyết sau 5 phút, được rút ra từ kinh nghiệm văn hóa cổ truyền Việt Nam. Khi những người dân quê thổi bếp lửa để nấu cơm, họ nhóm lửa và thổi lửa làm sao cho ngọn lửa mau cháy nhanh, và thổi 20-30 hơi không bị mệt, đó chính là cách làm hạ áp huyết, cho nên họ không bao giờ bị bệnh cao áp huyết. Nếu qúy vị không biết tập thổi ngọn đèn cầy, qúy vị thử thổi mạnh 20-30 hơi như những người thổi bếp lửa thì áp huyết cũng xuống dưới mức bình thường ngay, nhưng sau đó nhịp tim sẽ đập rất mạnh trên 100, xuất mồ hôi trán và xây xẩm, còn tập thở khí công là một phương pháp luyện hơi thở nhẹ nhàng đều đặn, có lợi ích tăng cường sức khỏe, tăng hồng cầu và sức đề kháng của cơ thể hơn là những người không tập luyện.

f-Cách thứ 6 : Thổi chong chóng
Có thể ngồi đo áp huyết trước khi tập, giữ máy đo ở tay, rồi tập thổi chong chóng 20 hơi, rồi đo lại. Trường hợp những người bị áp huyết cao 180/120mmHg, thì mỗi lần thổi chong chóng 20 hơi, áp huyết xuống được 20mmHg, do đó phải thổi 3-4 đợt làm cho áp huyết hạ xuống 120/70mmHg, nếu tiếp tục thổi áp huyết có thể xuống 100/65 mmHg. Sau đo ngưng không thổi, nghỉ ngơi, rồi đo lại áp huyết thực sự do cơ thể đã tự điều chỉnh phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình sẽ ở trong khoảng 115-130mmHg là mức áp huyết an toàn nhất.

Có cái chong chóng là một vật dụng cụ thể để tập thổi cho đúng và dễ dàng thành thói quen, đến khi ra khỏi nhà đi chơi, ăn uống hay đi làm, thỉnh thoảng thổi vài hơi để luôn luôn kiểm soát được áp huyết của mình thì chúng tôi thiết tưởng căn bệnh cao áp huyết sẽ không bao giờ xảy đến cho chúng ta nữa.

Ngoài công dụng của cách thổi bếp lửa hay thổi chong chóng để làm hạ áp huyết, nếu tập thổi đều đặn thường xuyên, mỗi ngày thổi 5-10 lần, mỗi lần 20 hơi, nhãn áp và đường huyết cũng giảm theo, bệnh mờ mắt do tăng nhãn áp sẽ khỏi, kích thích cơ bụng hoạt động giúp tăng tính hấp thụ, chuyển hóa, thải ra khỏi cơ thể nhiều độc tố và thu vào nhiều oxy làm tăng hồng cầu, tăng cường hệ miễn nhiễm phòng chống bệnh tật rất hữu hiệu.

Ngoài 6 cách thở để điều chỉnh bệnh cao áp huyết, tiểu đường, suyễn. Khí Công Y Đạo còn có nhiều cách thở khác nhau cho riêng từng trường hợp của các loại bệnh.
Trung tâm Tập thở KHÍ CÔNG Y ĐẠO sẵn sàng mở rộng cửa đón nhận và hướng dẫn qúy vị đồng hương cách tập thở riêng cho từng căn bệnh, có máy đo kiểm soát khí huyết, áp huyết và đường trước và sau khi tập.

Nguyễn Vân Tùng chuyển

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chúa Giêsu – Thiên Chúa giáng sinh - Tác giả: Nguyễn Hữu Đổng

  Chúa Giêsu là gì? Vấn đề này chưa được giới học thuật hiểu rõ. Bằng tư duy lịch sử giới, tác giả lý giải làm sáng tỏ Chúa Giêsu; đồng thời...