Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

Thủy điện giết lần mòn các dòng sông (thanhnien.online)

Nhiều con sông ở Nam Trung bộ - Tây nguyên đang bị thủy điện giết dần giết mòn. Sông hấp hối còn con người thì điêu đứng.

Thủy điện giết sông: Những dòng sông chết dần mòn
Sông Ba đoạn qua thị xã An Khê trơ đáy vào mùa khô vì thủy điện tích nước - Ảnh: Trần Hiếu
“Mưa lũ thì nước sông dữ dội, nắng hạn thì dòng sông trơ đáy. Chuyện này trước đây đâu có. Từ khi thủy điện rộ lên, dòng sông hoàn toàn không còn như xưa nữa”, chú Tư Thừa, một người dân sống bên dòng sông Đăk Snghé (Kon Tum) trầm ngâm nói.
Phải trả nước về cho sông
Thủy điện Thượng Kon Tum là thủy điện bậc thang thứ 5 trên hệ thống sông Sê San. Theo kế hoạch, năm 2014 dự án sẽ đưa vào vận hành cả 2 tổ máy. Dự án này nằm ở đầu nguồn Đăk Snghé, thuộc hệ thống sông Sê San.
Ông Nguyễn Thanh Cao, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, hiện là Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Kon Tum, cho biết ông lo lắm về tác động của dự án thủy điện này. Khi mưa lớn, thủy điện xả lũ gây ngập úng, sạt lở ở khu hồ chứa và hạ lưu dòng Đăk Snghé. Tiếp theo, sau khi ngăn dòng Đăk Snghé, các dòng sông nằm ở hạ lưu trở nên thoi thóp. Theo thiết kế, nước trên sông Đăk Snghé khi qua Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum sẽ chảy về sông Trà Khúc (Quảng Ngãi). Trong khi Đăk Snghé là nhánh chính nuôi sông Đăk Bla và Sê San. Khi ngăn dòng xong, đoạn sông hạ nguồn tiếp giáp với dòng Đăk Bla dài gần 60 km sẽ bị giảm lưu lượng chảy, trơ đáy vào mùa khô.
Viện Tư vấn phát triển và Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Kon Tum nhận định, việc chuyển dòng sau ngăn đập thủy điện Thượng Kon Tum về sông Trà Khúc sẽ làm suy giảm dòng chảy Đăk Bla, giảm trên 7% lưu lượng nước sông Sê San. Trước tình hình này, UBND tỉnh Kon Tum đã yêu cầu chủ đầu tư có biện pháp khắc phục, thiết kế bổ sung để trả nước về cho các dòng sông.
Bà Nguyễn Thị Thanh, một giáo viên về hưu đang sinh sống ở P.Thống Nhất, TP.Kon Tum, băn khoăn: “Nếu sông Đăk Bla chảy qua TP.Kon Tum cạn nước, nhất là mùa khô, hàng trăm ngàn con người sinh sống nhờ vào nguồn nước sông này sẽ ra sao?”.
Không được “nắn dòng”
Sông Ba, một con sông lớn ở Nam Trung bộ - Tây nguyên, chảy qua nhiều huyện của 2 tỉnh Gia Lai, Phú Yên; có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của 2 tỉnh này. Sông Ba chủ yếu nằm trên địa bàn tỉnh Gia Lai với chiều dài hơn 300 km, đổ về địa phận tỉnh Phú Yên tạo nên một vùng đất màu mỡ với hàng ngàn héc ta. Từ khi thủy điện An Khê - Kanak với công suất 173 MW, do Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, đi vào hoạt động, một lượng lớn nước sông Ba lẽ ra là chảy qua các huyện, thị của tỉnh Gia Lai: An Khê, Ayun Pa, Kon Chro, Ia Pa và Krông Pa; qua một số huyện của tỉnh Phú Yên đã bị các nhà làm thủy điện nắn dòng cho chảy về sông Kôn (Bình Định). Con sông không còn tự nhiên như vốn có, cuộc sống của người dân vùng hạ sông Ba bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
UBND tỉnh Phú Yên đã nhiều lần có công văn gửi Bộ Công thương khẳng định tỉnh không thống nhất với việc chuyển nước từ sông Ba sang sông Kôn để phục vụ cho thủy điện An Khê, không thống nhất việc nắn dòng sông Ba bởi việc này đã gây ra nhiều hậu quả khó lường cho vùng hạ du.
Khi công trình thủy điện An Khê - Kanak tích nước vào mùa khô vừa qua, hàng ngàn héc ta cây trồng ở vùng hạ du Gia Lai, Phú Yên bị thiếu nước tưới và sinh hoạt. Và cũng kể từ khi thủy điện Sông Ba Hạ chặn dòng chính thức vào đầu năm 2006, cả dòng sông nằm dưới thủy điện Sông Ba Hạ dài hơn 100 km bị trơ đáy. Từ đây, nạn đào đãi vàng và khai thác cát trên sông Ba diễn ra ồ ạt.
Công ty TNHH thủy nông Đồng Cam (Phú Yên) cho biết, mực nước của đập Đồng Cam trên dòng sông Ba trong mùa khô này ở mức thấp nhất so với các năm, có lúc mực nước thấp dưới tràn 0,4 m, ảnh hưởng việc cung cấp nước tưới cho trên 15.000 ha đất nông nghiệp của các huyện: Phú Hòa, Tây Hòa, Đông Hòa và TP.Tuy Hòa. Theo công ty này, sở dĩ mực nước sông Ba xuống thấp nghiêm trọng trong mùa khô năm nay là do thượng nguồn sông Ba có nhiều hồ thủy điện tích nước, trong đó có thủy điện An Khê - Kanak lấy nước sông Ba nhưng lại đưa về sông Kôn làm cho mực nước hạ lưu sông Ba xuống thấp.
Đức Huy - Phạm Anh
 - Kỳ 1

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chúa Giêsu – Thiên Chúa giáng sinh - Tác giả: Nguyễn Hữu Đổng

  Chúa Giêsu là gì? Vấn đề này chưa được giới học thuật hiểu rõ. Bằng tư duy lịch sử giới, tác giả lý giải làm sáng tỏ Chúa Giêsu; đồng thời...