NẾU ANH CÒN TRẺ…
Nếu anh còn trẻ như năm ấy
Quyết đón em về sống với anh
Những khoảng chiều buồn phơ phất lại
Anh đàn, em hát níu xuân xanh
Nhưng thuyền em buộc sai duyên phận
Anh lụy đời quên bến khói sương
Năm tháng... năm cung mờ cách biệt
Bao giờ em hết nợ Tầm dương?
Nếu có ngày mai anh trở gót
Quay về lãng đãng bến sông xa
Thì em còn đấy hay đâu mất?
Cuối xóm buồn teo một tiếng gà...”
Trên đời này có bao nhiêu người gặp nhau, hay gặp lại nhau, yêu
nhau muộn màng lúc đã... già? Muộn màng!
Bài thơ lãng mạn do thi sĩ Hoàng Cầm viết năm 1941, diễn tả nỗi
buồn vì một cuộc tình dở dang của người không còn... trẻ nữa.
Có nhiều chữ, nhiều câu thật tuyệt vời. Lấy vài thí dụ giản dị
trong bài, để xem tài làm thơ của Hoàng Cầm.
Mở đầu bài thơ, chữ “Nếu” cho thấy đây một chuyện mong ước, giả
dụ. Đọc tiếp cho hết câu đầu, “anh còn trẻ như năm ấy”, sẽ thấy rõ đó chỉ là
một chuyện không thể có thực.
Nhưng, chữ “Quyết” ở đầu câu thứ hai cho thấy dù chỉ là chuyện
giả tưởng, ý tưởng người đàn ông vẫn mạnh mẽ, khi có ý “đón em về sống”.
Có một chữ hơi lạ là “khoảng” của câu thứ ba. Thường người ta sẽ
viết là “buổi”. Nhưng đọc “khoảng chiều” nghe thấm thía hơn là “buổi chiều”.
Cái cảm giác khi đọc “khoảng chiều” sẽ là những lúc hoàng hôn về, không trọn
vẹn được cả buổi chiều, mà chỉ có những khoảng thời gian của những buổi chiều
mà thôi. Kết quả làm cả câu thơ buồn hơn, hay hơn.
Chữ “níu” ở trong “níu xuân xanh” phải nói là rất hay, cho thấy
tình trạng gần như là tuyệt vọng của mối tình... già, dù đây vẫn chỉ là nói
chuyện giả tưởng. Mặc dù chuyện đón người yêu về chỉ là chuyện không có thực,
mà tình yêu đã mong manh như vậy rồi!
Đoạn cuối của bài thơ, câu đầu cũng bắt đầu bằng “Nếu”, do
đó cũng chỉ là chuyện giả dụ. Tuy vậy, khi đọc tiếp có “ngày mai anh trở gót”
thì thấy câu chuyện lại có thể xẩy ra trong tương lai, và không phải là chuyện
không thật như ở đoạn đầu bài thơ.
Nhưng, lúc đó người “lãng đãng” có thể hiểu là người đàn ông đã
mất hồn vì mất... tình đi lang thang khắp nơi, rồi tìm về “bến sông xa” vắng
với cái buồn cô đơn. Câu áp chót của bài thơ là một câu hỏi, “em còn đấy hay
đâu mất?” Và, chữ “Thì” đặt khéo léo ở đầu câu làm cả câu mạnh hẳn lên với ý
nghĩa thậm xưng hơn nhiều. Câu thơ, câu hỏi nhưng có vẻ đã biết câu trả lời
rồi, gần như thành một nỗi niềm trách móc, ai oán.
Câu cuối cùng của bài thơ, thật hay, đã làm bật ra được cái cảm
giác buồn cô độc của thi sĩ. Hai chữ “buồn teo” là buồn hoang vắng. “Cuối xóm
buồn teo một tiếng gà” nhấn mạnh đến sự vắng vẻ và buồn. Hoàng Cầm viết “một
tiếng gà”, một tiếng động chứ không phải tiếng gáy của gà. Chỉ có một tiếng
động nhỏ của một con gà, không có tiếng thứ hai. Thi sĩ Hoàng Cầm không viết là
một đàn gà, không viết là hai con gà. Đọc câu thơ sẽ có cảm giác chỉ có một con
gà mà thôi. Tiếng động nhỏ của một con gà từ cuối xóm còn vọng lên nghe thấy
được, cho thấy xóm buồn vắng vẻ như thế nào.
Mãi đến năm 1985, tức là 44 năm sau, nhạc sĩ Phạm Duy mới phổ
nhạc bài thơ. Chắc lúc đó, tuổi đã về chiều, Phạm Duy mới cảm được bài thơ? Ông
cho biết, bài thơ không có tựa đề và đặt tên bài hát là “Tình Cầm”. Thật ra,
bài thơ có tên “Nếu Anh Còn Trẻ” (99 Tình Khúc - Thơ Hoàng Cầm, trang 175). Có
lẽ, đề tựa bài thơ chỉ được đặt về sau này và Phạm Duy đã không hề biết đến.
Bài thơ tình “Nếu Anh Còn Trẻ” đã trở thành bài nhạc “Tình Cầm”. Sau khi được
phổ nhạc, âm giai chính là Sol Trưởng, lời bài hát trở thành như sau:
Nếu anh còn trẻ như năm cũ...
Quyết đón em về sống với anh!
Những khi chiều vàng phơ phất đến...
Anh đàn, em hát níu xuân xanh...”
Bốn câu khá hay trong đoạn thứ hai của bài hát, không có trong
bài thơ, do chính Phạm Duy “liều lĩnh phang” (chữ của Phạm Duy dùng khi viết về
bài hát này) thêm vào:
Có mây bàng bạc gây thương nhớ
Có ánh trăng vàng soi giấc mơ...
Có anh ngồi lại so phím cũ
Mong chờ em hát khúc xuân xưa!!!
Đoạn thứ ba, điệp khúc, lời khác hẳn bài thơ và nhạc chuyển chùng
hẳn xuống, buồn hơn, vì đổi qua âm giai Sol Thứ:
Nhưng thuyền em buộc trên sông hận...
Anh chẳng quay về với trúc tơ!
Ngày tháng tỳ bà vương ánh nguyệt
Mộng héo bên song vẫn đợi chờ!
Đoạn kết, nhạc trở về với Sol Trưởng, lại rộng rãi hơn, nhưng có
lời hát với ý tưởng khác đoạn thơ nguyên thủy:
Nếu có ngày nào em quay gót
Lui về thăm lại bến thu xa...
Thì đôi mái tóc không còn xanh nữa...
Mây bạc trăng vàng vẫn thướt tha”
(Tình Cầm / thơ Hoàng Cầm, nhạc Phạm Duy)
Có nhạc điệu uyển chuyển, thật hay, bài tình ca “Tình Cầm” là
một trong những bài nhạc được gọi là Hoàng Cầm Ca của Phạm Duy. Đó là chuyện
bài thơ nhạc “Nếu Anh Còn Trẻ-Tình Cầm”.
Để kết thúc, lại nói thêm một chút chuyện già trẻ ở ngoài đời.
Thế nào là già? Và như thế nào là trẻ? Vấn đề này chỉ tương đối và tùy theo cảm
quan của con người mà thôi. Thật ra, có nhiều người trông qua có vẻ trẻ nhưng
tình cảm, bên trong lại không trẻ chút nào hết, và có những người khác, bên
ngoài nhìn thấy là già, mà tâm hồn vẫn trẻ trung.
Những
“người thơ” có đầu óc, được tâm hồn như Hoàng Cầm hay Phạm Duy, có thể nói
không có tuổi và vẫn trẻ mãi mãi...
Phạm
Anh Dũng
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Nếu Anh Còn Trẻ (Tập thơ 99 Tình Khúc-Hoàng Cầm, trang
175-Văn Học xuất bản năm 1996 tại Việt Nam)
2. Tình Cầm (Tập nhạc Thấm Thoát Mười Năm-Phạm Duy, trang 75-Hội
Văn Hóa Việt Nam tại Bắc Mỹ, Tủ Sách Cành Nam và Tạp Chí Xác Định xuất bản năm
1985 tại Hoa Kỳ)
3. Về Những Bài Gọi Là Hoàng Cầm Ca (bài Phạm Duy viết trong Tập
San Hợp Lưu số 8 tháng Chạp, 1992 và tháng Giêng, 1993
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét