Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2015

"Ngủ Không Mộng Mị" - DS.Nguyễn Hửu Đức

Một vụ giết người khá kỳ lạ đã xảy ra ở nước Anh. Brian Thomas, 59 tuổi đã bị bắt và đưa ra toà vì giết vợ trong tình trạng đặc biệt. Theo lời thú tội của Thomas, ông ta đã bóp cổ Christine 57 tuổi đến chết khi hai vợ chồng ông ngủ qua đêm tại một trạm đỗ xe tại Tây Wales vào tháng 7 năm 2008. Và theo lời ông, ông đã giết người vợ đã có 2 con gái đã lớn với mình trong tình trạng mộng du. Chi tiết hơn, hai vợ chồng Thomas đã dừng lại nghỉ qua đêm ở một trạm đỗ xe.

Tuy nhiên họ không được ngủ ngon do một số bạn trẻ tụ tập xe quanh đó, rồ máy và đua xe tạo nên những tiếng rú đinh tai nhức óc. Vì vậy, Thomas đã quyết định lái xe tới một điểm đỗ xe khác. Vao 3h49 sáng ngày hôm sau, ông đã gọi cho cảnh sát và cho biết ông đã giết người vợ của ông. Thomas cho biết ông đã mơ thấy ông đánh nhau với những “cậu bé đua xe” và ông nghĩ ông đã bóp cổ một trong số đó. Nhưng khi tỉnh dậy, ông nhận ra người bị bóp cổ đó chính là người vợ Christine của mình.

Đây là vụ án “khác thường” vì người gây tội thừa nhận giết vợ trong tình trạng đang mộng du và hoàn toàn không có ý thức được về hành động rồ dại này. Đây có thể là vụ ngộ sát và có thể có sự phán quyết của toà án: “người chồng không có tội giết vợ mình với lý do bị bệnh”. Mộng du là bệnh lý có thể giúp người ngay thoát tội nhưng cũng có thể là cái cớ để cho kẻ ác che lấp tội ác tày trời của hắn. Trong nhiều trường hợp người ta chỉ mong sao “trời sẽ luôn bất dung gian và luật nhân quả thể hiện rốt ráo”.

Ở ta, mộng du còn được gọi là miên hành. Tiếng nước ngoài thông dụng là “sleepwalking” (tức đi trong khi ngủ) để chỉ trạng thái đặc biệt này. Trong khi khoa học gọi đó là somnambulism (hay noctambulism). Mộng du được định nghĩa là một loại rối loạn giấc ngủ xảy ra khi người bệnh đi hoặc làm một hành động nào đó trong khi người đó đang ngủ. Người mộng du hoàn toàn không hay biết mình đã làm gì khi đang mộng du hoặc không thể nhớ lại khi tỉnh dậy. Vì vậy, chỉ phát hiện mộng du nhờ người khác chứng kiến kể lại.

Ta cần biết, giấc ngủ là một hiện tượng sinh lý có nhịp điệu gồm nhiều chu kỳ (mỗi chu kỳ kéo dài khoảng 90 phút). Mỗi chu kỳ gồm nhiều giai đoạn: bắt đầu ngủ, ngủ sâu, ngủ thật sâu, và sau cùng là ngủ nghịch thường (paradoxic sleep). Ngủ nghịch thường còn gọi là ngủ với chuyển động mắt nhanh hay giấc ngủ REM (rapid eyes movement sleep), chiếm 25% chu kỳ, và các giấc mơ thường xảy ra trong giai đoạn này. Các giai đoạn trước giai đoạn REM gọi là NON-REM, tức là ngủ với không chuyển động mắt nhanh. Giấc ngủ được cho là có chất lượng tốt khi có đầy đủ  NON-REM và REM, ít thức dậy ban đêm, ít buồn ngủ ban ngày, và sau khi ngủ thức dậy cảm thấy sảng khoái. Ngược lại các điều vừa kể, giấc ngủ được cho là có chất lượng xấu.

Mộng du được ghi nhận xảy ra trong giai đoạn sớm của các chu kỳ giấc ngủ, tức giấc ngủ NON-REM xảy ra vào đầu hôm khi ngủ. Nhưng nó cũng xảy ra giai đoạn REM của giấc ngủ khi có liên quan đến giấc mơ và xảy ra vào sáng hôm sau trước khi thức giấc. Mộng du có liên quan đến giấc mơ được gọi là rối lọan hành vi REM (REM behavior disorder).

Đa số các trường hợp mộng du chỉ là rối loạn nhẹ chứ không quá trầm trọng. Đối với trẻ em, mộng du thường giảm dần và có thể khỏi khi trẻ lớn. Đối với người lớn, hậu quả của mộng du là bị chấn thương do va chạm, té ngã. Người bị mộng du cần tránh uống rượu, không để cuộc sống gây stress, phiền muộn. Nếu mộng du quá thường xuyên hoặc có nguy cơ gây hại (như mộng du lái xe) nên đến khám ở bác sĩ chuyên khoa thần kinh – tâm thần. Một số thuốc an thần tác dụng ngắn có thể giảm bớt số lần mộng du.

Mộng du chỉ là một loại rối loạn giấc ngủ và rối loạn giấc ngủ còn nhiều loại khác: mất ngủ, ngủ nhiều, ác mộng, nói mớ, nghiến răng, hoảng sợ khi ngủ... Riêng mất ngủ là loại rối loạn giấc ngủ phổ biến và gây tác hại cho sức khỏe con người nhiều hơn cả.
Mất ngủ là triệu chứng của nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, có 3 loại:

     - Mất ngủ tạm thời: kéo dài chỉ trong 3 ngày do biến động (lạ chỗ, du lịch sang nước có múi giờ khác, do chỗ ngủ nóng, lạnh, ồn ào, quá sáng…). 

     - Mất ngủ ngắn hạn: kéo dài trên 3 ngày đến 3 tuần do stress, phiền muộn, do dùng thuốc.
- 
     - Mất ngủ kinh niên (hay mạn tính): kéo dài trên 3 tuần đến trong vài tháng, do có rối loạn trong cơ thể (bệnh nội khoa, trầm cảm…).
     Mất ngủ không biểu hiện bằng thời lượng ngủ mà bằng một trong ba biểu hiện sau: khó vào giấc ngủ (trên 30 phút đặt mình trên giường mà chưa ngủ được), thức giấc nhiều lần giữa đêm hoặc không ngủ được cả đêm, thức dậy quá sớm mà không ngủ lại được.

Mất ngủ có thể do rối loạn giấc ngủ NON-REM và thường không đạt được giấc ngủ REM tức không đạt được giấc ngủ sâu. Cần lưu ý, mất ngủ là triệu chứng của nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Có thể do ngoại cảnh như do: tiếng ồn, lạ nhà, sự phiền muộn, chất kích thích (trà, cà phê, rượu), thuốc (thuốc chống trầm cảm, thuốc kích thích hệ thần kinh trung ương…), sai lầm trong ăn uống( no quá, đói quá khi ngủ). Có thể do bệnh tiềm ẩn như bị bệnh: trào ngược dạ dày- thực quản, trầm cảm, hô hấp (hen suyễn), xương khớp (viêm xương khớp), tim mạch (suy tim), nội tiết (đái tháo đường, cường giáp).… Mất ngủ cũng có thể liên quan đến một số rối loạn giấc ngủ khác như: ngừng thở khi ngủ, hội chứng chân không yên khi ngủ.

Hiện nay ở ta, người ta thường dùng thuốc tây như diazepam (Seduxen, Valium) thuộc nhóm benzodiazepine để trị mất ngủ. Riêng ở Mỹ và Cục quản lý Thực Dược phẩm (FDA) Hoa kỳ chỉ chấp thuận năm loại thuốc cũng thuộc nhóm benzodiazepine dùng trong điều trị mất ngủ : flurazepam (Dalmane), estazolam (Prosom, Nucfalon), temazepam (Normison, Restoril), triazolam (Halcion), quazepam (Doral). Ngoài ra, còn có thuốc mới như zolpidem (Stilnox), zaleplon (Sonata), zopiclone (Imovane), buspirone (Buspa)…Thuốc an thần hóm benzodiazepine trị mất ngủ vừ kể có thể gây ra các tác dụng phụ có hại như: lú lẫn, ảnh hưởng đến trí nhớ, nhận thức, làm thay đổi thái độ, hành vi… Nhưng nguy hại nhất là gây nghiện cũng giống như ma túy.

 Cần đặc biệt lưu ý, thuốc an thần gây ngủ là thuốc hướng thần cần được dùng theo chỉ định của bác sĩ, không được tự ý mua dùng vì dùng sai sẽ bị nghiện rất nguy hiểm.

     Đối với người mới bị mất ngủ có lời khuyên, trước khi tính chuyện dùng thuốc, có thể thực hiện các “Biện pháp không dùng thuốc” giúp ngủ tốt như sau:

    - Nên ngủ và thức giấc vào một giờ nhất định.
    - Hạn chế việc ngủ trưa (nếu cần, ngủ thật ít hoặc chỉ nằm chứ không ngủ khi khó ngủ vào ban đêm).
    - Chuẩn bị giường ngủ thích hợp (thoáng, tối, yên tĩnh). Cần xem giường ngủ là nơi chỉ để ngủ.
    - Tránh uống cà phê, trà đậm vào tối trước khi ngủ.
    - Tránh đi ngủ với bụng no quá hoặc đói quá.
    - Thường xuyên tập thể dục  (không nên tập ít nhất 4 giờ trước khi ngủ).
    - Luyện tập phương pháp thư giãn, chống stress  (yoya, thở dưỡng sinh, thiền định).
Người mới bị mất ngủ có thể dùng thuốc là thảo dược theo kinh nghiệm dân gian có tác dụng an thần như: nhãn lồng, tâm sen, trinh nữ, lá vông nem… hoặc dùng thuốc từ dược thảo đã bào chế sẵn như Rotunda (củ Bình vôi), Mimosa (phối hợi nhiều dược thảo.

Khi nào thực hiện các biện pháp trên không cải thiện, thì nên đi khám bác sĩ để biết mất ngủ  do nguyên nhân từ đâu, để có thể sử dụng thuốc phù hợp với tình trạng bệnh. Bởi rối loạn lo âu đưa đến mất ngủ do trầm cảm mà lại dùng thuốc an thần thuộc nhóm benzodiazepine kể ở trên sẽ dẫn đến trầm cảm nặng hoặc có thể dẫn đến nguy cơ tự tử rất nguy hiểm.
Phần trên chỉ đề cập đến hai loại rối loạn giấc ngủ. Còn các rối loạn giấc ngủ khác cũng gây tác hại cho sức khỏe làm con người không sao được thân tâm an lạc

Để ngủ không mộng mị
 Trang Tử từ hơn ngàn năm trước, trong Nam Hoa kinh, đã đưa ra lời bàn giúp thân tâm an lạc: “Kỳ tẩm bất mộng, kỳ giác vô ưu, kỳ thực bất cam, kỳ tức cam cam”. Nói nôm na, lời bàn ấy có nghĩa: “Ngủ không mộng mị, thức chẳng lo âu, ăn không cầu kỳ, thở thật thâm sâu

Riêng “Ngủ không mộng mị” cho đến nay vẫn là một tiêu chí cho biết con người có sống khỏe hay không. Rõ ràng là muốn sống khỏe con người cần ngủ không mộng mị, tức cógiấc ngủ đủ, sâu vì đó là cách phục hồi sinh lực tốt nhất. Ngủ có đủ REM và không REM thì mới say giấc nồng. Nếu ngủ đủ và sâu thì dù có nằm mộng, khi thức dậy chẳng nhớ gì hết. Ngủ không sâu sẽ bị mộng mị và cơ thể không khỏe dễ bị ác mộng.

Như trên đã nói, một lý do và là lý do chủ yếu đưa đến rối loạn giấc ngủ nói chung là sức khỏe tinh thần của con người bị xâm phạm, con người thường xuyên bị rối loạn tâm lý. Người cứ luôn tức giận, buồn rầu, ganh tị, lo lắng quá mức về đời sống, thế nào cũng có lúc bị rối loạn giấc ngủ, đặc biệt là bị mất ngủ. Vì vậy, không chỉ có thuốc (thường gây tác dụng phụ có hại) mà chính những hoạt động thư giãn thể chất và buông xả tinh thần, những biện pháp “dưỡng sinh” trong mọi động tác sống của con người mới giúp điều trị hiệu quả các rối loạn giấc ngủ. Hơn nữa, chính những biện pháp vừa kể giúp con người phòng ngừa, không mắc phải các rối loạn giấc ngủ.

Đối với những ai thấm nhuần triết ly Phật Giáo đều có nhận thức, khi đời sống hằng ngày có chánh niệm tỉnh giác, người ta sẽ ngủ không mộng mị, nếu có mộng thì đó là những mộng êm dịu, thanh thoát. Ban ngày người ta cứ lo toan với quá nhiều suy nghĩ, suy nghĩ càng phức tạp thì khi ngủ càng tạo ra đủ loại mộng. Đó được xem là những “bất thiện pháp” gây lo lắng bận rộn, ham muốn tranh đoạt, hờn giận thù oán hay mặc cảm dồn nén lâu ngày sẽ tạo thành một nội tâm ô nhiễm bất an, làm gì mà chẳng có lúc bị rối loạn giấc ngủ.

Có chuyện kể vào thời Đức Phật còn tại thế, vua A-xà-thế phạm tội giết cha đã làm cho nhà vua này luôn cảm thấy bất an và hễ nằm ngủ là gặp ác mộng. Mỗi khi nằm xuống vừa chợp mắt, ông thấy mình bị đâm bởi hàng trăm lưỡi thương, khiến ông phải bật dậy. Sự việc này làm tâm thần ông khủng hoảng, mệt mỏi và sinh bệnh. Sau khi nghe đức Phật thuyết kinh Sa môn quả  và được sám hối, ông đã tìm được lẽ sống bằng thiện pháp, vượt qua mặc cảm, để từ đó có giấc ngủ bình an.

Để hóa giải các “bất thiện pháp” gây lo lắng bận rộn, ham muốn tranh đoạt, hờn giận thù oán hay mặc cảm dồn nén lâu ngày tạo thành một nội tâm ô nhiễm bất an một cách hữu hiệu, thế giới hiện nay quan tâm ngày càng nhiều đến phương thức kỳ diệu đã được các nhà tu học phương Đông thực hành từ ngàn xưa, đó là Thiền. Không chỉ hóa giải các “bất thiện pháp” mà người hốt nhiên ngộ Thiền nhờ “hành thâm bát nhã ba la mật” (Tâm kinh) sẽ đạt được an nhiên tự tại, thậm chí “thõng tay đi vào chợ” và tiếp nhận cái thâm diệu bất khả tri trong cuộc sống hằng này. Đã như thế, người ngộ Thiền chắc chắn “ngủ không mộng mị”.
(Gia Đình Phan Lê chuyển)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tạp Ghi và Phiếm Luận: Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ (Dỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :                Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ                                       Ăn x ổi  ở th ì,...