Thứ Hai, 15 tháng 6, 2015

Về câu nói: " Quân sử thần tử..."

 Khi tôi còn ngồi trên ghế nhà trường, mỗi khi phê phán Nho giáo và chế độ phong kiến, thầy cô thường đem câu nói: “ Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung; Phụ sử tử vong, tử bất vong bất hiếu” (Vua khiến bề tôi chết mà bề tôi không chết là bất trung; Cha khiến con chết mà con không chết là bất hiếu) và cho rằng Nho giáo dạy con người những điều hết sức là phi nhân bản.( Đại đa số các bài viết trên sách báo cũng như trên google hiện nay đều ghi “ Quânxử…Phụ xử…”, đúng nguyên văn chữ Hán ghi là “Quânsử…Phụ sử…”. Khiến, sai khiến người gọi là Sử. Quân sửthần tử: Vua khiến bề tôi chết; Phụ sử tử vong: Cha khiến con chết).
Trong các vở tuồng, chèo … hiện nay khi phê phán, đả kích Nho giáo hay phong kiến, các nhà biên soạn thường đem câu: “ Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung…” để mà chế giễu.
Giai thoại văn chương Việt Nam có kể về tài ứng đối của Đinh Nhật Thận. Đinh Nhật Thận sinh năm Ất Hợi (1815) tại làng Thanh Lạo, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, đỗ cử nhân khoa Đinh Dậu (1837), đỗ tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1838) được bổ làm Tri phủ. Ông thường giao du với Cao Bá Quát và Nguyễn Hàm Ninh. Sau Cao Bá Quát dấy binh chống lại triều đình, Đinh Nhật Thận bị tình nghi, bắt giải về kinh giam, sau được thả ra (Quốc triều hương khoa lục chép về Đinh Nhật Thận: “ Vì là bạn cũ của tên giặc Cao bá Quát nên bị bắt giam, sau được thả” ( Cao Xuân Dục, Quốc triều hương khoa lục, Nxb TPHCM, trang 191). Vì mến tài ông, vua Tự Đức lưu ông lại ở kinh đô để dạy con em trong hoàng tộc và cũng là một kế để dễ bề kiềm tỏa ông. Ông mất năm Bính Dần (1866). Quốc triều đăng khoa lục chép về ông: “Ông đọc sách qua một lượt là nhớ. Làm văn, cất bút là xong, không cần phải nháp, í tứ mới lạ, phần nhiều không theo khuôn sáo lối văn thời bấy giờ. văn thơ ông làm xong là bỏ qua, không lưu lại bài nào” ( Cao Xuân Dục, Quốc triều đăng khoa lục, Nxb Văn học, trang 69).
Tục truyền khi ở kinh đô, một hôm Đinh Nhật Thận cùng các quan đại đại thần theo thuyền ngự đi ngoạn cảnh trên sông Hương. Nhân bàn luận về Nho giáo, ông nhắc đến câu:“Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung; Phụ sử tử vong, tử bất vong bất hiếu” và cho đó là một câu chí lí. Nghe xong vua Tự Đức phán: Vậy trẫm truyền cho khanh nhảy xuống sông này chết đi!
Nghe vua phán vậy, các quan trên thuyền đều lo sợ thay cho ông, vì không nhảy xuống sông thì không được, mà nhảy xuống thì bị chết một cách oan uổng. Ấy vậy mà ông vẫn bình tĩnh lạy nhà vua xong đâu vào đấy rồi lao mình xuống dòng sông. Mọi người tưởng đây là nơi an nghỉ ngàn thu của ông. Nhưng chỉ trong giây lát ,ông ngoi đầu lên khỏi mặt nước và tay bám vào thuyền ngự. Vua Tự Đức hỏi: Sao khanh không ở dưới đó luôn mà còn trở lên đây? Ông đáp: Thần định ở luôn dưới đó, nhưng khi vừa xuống đến đáy sông thì thần gặp ông Khuất Nguyên, ông ấy đuổi thần lên và mắng thần như sau: “Ngã phùng ám chúa hàm oan nhẫn/ Nhữ ngộ minh quân nịch tử hà?” (Ta gặp ám chúa phải chịu oan đã đành/ Còn ngươi gặp được minh quân sao lại trầm mình?), hạ thần nghe ông ấy mắng quá đúng cho nên phải ngoi lên tâu để bệ hạ rõ!
Vua Tự Đức cả cười, sai thị vệ kéo ông lên thuyền ngự, lấy quần áo cho ông thay rồi đích thân rót một chén rượu để khen thưởng cho cái tài ứng đối mẫn tiệp, mặc dù biết đó là một câu chuyện hoàn toàn bịa đặt.
Giai thoại nghe qua thì rất hay, nhưng giai thoại này chỉ dành cho những người không am tường Nho giáo kể cho nhau nghe lúc “trà dư tửu hậu” mà thôi!. Vì một người như Đinh Nhật Thận đã nhuần nhuyễn Tứ thư, Ngũ kinh, sách Bách gia chư tử…mà lại tán dương một câu hết sức là phi nhân bản như thế!
Nho giáo chỉ trung với ông vua có đủ tư cách, đáng cho mình thờ; nếu không thì có thể bỏ mà thờ ông vua khác, như Khổng tử đã bỏ vua nước Lỗ. Nghĩa Quân – Thần trong Nho giáo có định phận rõ ràng: Định công vấn: “ Quân sử thần, thần sự quân, như chi hà?” Khổng tử đối viết: “Quân sử thần dĩ lễ, thần sự quân dĩ trung” (Vua Định công nước Lỗ hỏi Khổng tử rằng: “Vua khiến bề tôi, bề tôi thờ vua, phải thế nào?” Khổng tử đáp rằng: “ Vua lấy lễ mà đãi bề tôi, bề tôi lấy trung mà thờ vua” – Luận ngữ : Bát dật ,19).Vua phải có đức độ, phải biết tu thân: “ Tự thiên tử dĩ chí ư thứ nhơn, nhứt thị giai dĩ tu thân vi bổn” (Trên từ bực thiên tử lần xuống cho đến hạng dân thường đều phải lấy sự tu thân làm gốc – Đại học). Bởi thế Mạnh tử bảo Tề Tuyên vương rằng:“Quân chi thị thần như thủ túc, tắc thần thi quân như phúc tâm. Quân chi thị thần như khuyển mã, tắc thần thị quân như quốc nhân. Quân chi thần thị như thổ giới, tắc thần thị quân như khấu thù”(Vua xem bề tôi như tay chân, thì bề tôi xem vua như bụng như lòng. Vua xem bề tôi như chó ngựa, thì bề tôi xem vua như người lạ trong nước. Vua xem bề tôi như đất như cỏ thì bề tôi xem vua như giặc như thù- Mạnh tử: Ly lâu ,Chương cú hạ,3).
Tề Tuyên vương hỏi Mạnh tử: “ Thần thí kỳ quân khả hồ?” Viết: “ Tặc nhân giả, vị chi tặc; tặc nghĩa , vị chi tàn; tàn tặc chi nhơn, vị chi nhứt phu. Văn tru nhứt phu Trụ hỹ, vị văn thí quân dã” ( “Bề tôi mà giết vua, có nên chăng?”. Mạnh tử đáp rằng: “ Kẻ làm hại đức nhân gọi là tặc; kẻ làm hại đức nghĩa gọi là tàn. Kẻ tàn, kẻ tặc chẳng qua là một người thường mà thôi. Tôi từng nghe vua Võ vương chỉ giết một người thường là Trụ mà thôi, chớ tôi chưa hề nghe giết vua”-  Mạnh tử, Lương Huệ vương, Chương cú hạ, 8). Tuân tử cũng nói : “ Tru bạo quốc chi quân, nhược tru độc phu” ( Giết một ông vua tàn bạo của một nước cũng như giết một kẻ độc phu –  Vua cũng chẳng phải thần thánh gì!)
Mạnh tử khẳng định: “ Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” ( dân là quí, thứ đến là xã tắc, vua là khinh – Mạnh tử ,Tận tâm, Chương cú hạ , 14)
Mối quan hệ Phụ – Tử trên tinh thần “ Phụ từ, tử hiếu”. Bổn phận làm con là phải hiếu với cha mẹ. Khổng tử giải thích: “ Sanh, sự chi dĩ lễ; tử, táng chi dĩ lễ; tế chi dĩ lễ” (Hễ làm con, khi cha mẹ còn sống, phải phụng sự cho có lễ, khi cha mẹ chết, phải chôn cất cho có lễ, rồi những khi cúng giỗ, cũng phải giữ đủ lễ –  Luận ngữ : Vi chính II, 5)
Lấy LỄ mà thờ cha mẹ không phải cha mẹ làm điều gì trái đạo cũng theo. Khổng tử nói: “ Sự phụ mẫu cơ gián,kiến chí bất tòng, hựu kính bất vi, lao nhi bất oán” ( làm con thờ cha mẹ, như thấy cha mẹ lầm lỗi thì nên can gián một cách dịu ngọt. Như thấy í tứ cha mẹ chẳng thuận theo lời khuyên của mình, thì mình vẫn một lòng cung kính và chẳng trái nghịch. Như cha mẹ giận mà khiến mình làm công việc cực khổ, chớ có đem dạ oán hờn – Luận ngữ: Lí nhân IV, 18)
Khổng tử khuyên người ta thờ cha mẹ một cách sáng suốt. Không phải bất kỳ điều gì cha mẹ sai khiến đều vâng theo, gọi là có hiếu. Người có hiếu nên biết phân biệt những điều lành của cha mẹ mà tuân theo, những điều dữ của cha mẹ mà can gián.
Vua Ai công nước Lỗ hỏi Khổng tử rằng: “ Con theo mệnh cha có phải là hiếu không? Tôi theo mệnh vua có phải là trung không?”. Hỏi ba lần mà Khổng tử không trả lời. Lúc Khổng tử ra ngoài, Khổng tử đem chuyện ấy nói với Tử Cống và hỏi í Tử Cống thế nào. Tử Cống thưa: “ Con theo mệnh cha là hiếu, tôi theo mệnh vua là trung, còn ngờ gì nữa?” – Khổng tử nói: “Ngươi không biết gì. Đời xưa đấng minh quân làm vua nước vạn thặng có tránh thần bảy người thì vua không làm điều lỗi; làm vua nước thiên thặng có tránh thần năm người, thì xã tắc không nguy; làm chủ một nhà, có tránh thần ba người thì lộc vị không suy. Cha có tránh tử, thì không hãm vào điều vô lễ; kẻ sĩ có tránh hữu, thì không làm điều bất nghĩa. Cho nên con theo mệnh cha há đã là hiếu, tôi theo mệnh vua há đã là trung. Chỉ có biết xét cái đáng theo mà theo, mới gọi là hiếu, là trung vậy” (Khổng tử gia ngữ: Tam thứ, IX). Xem thế làm điều hiếu, không phải cha làm thế nào cũng phải theo. Có khi cha làm điều gì trái lẽ, thì phải hết sức can ngăn, để cho cha khỏi bị những điều lầm lỗi. Nhưng chỉ cốt phải theo lễ mà can ngăn. Hiếu có hợp lễ mới thật là hiếu.( xem Trần Trọng Kim, Nho giáo,quyển thượng – in lần thứ tư, Nxb Tân Việt- Sài Gòn, trang 142-143).
Vì nghe qua trong câu: “Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung; Phụ sử tử vong tử bất vong bất hiếu” xuất hiện những từ “Quân”; “Thần”; “Phụ”; “Tử” có âm hưởng của Nho giáo nên quy nạp câu nói ấy là của Nho gia. Câu nói ấy chính là của Thái tử Phù Tô nói khi nhận lệnh vua cha là Tần Thủy Hoàng bắt phải chết do Lý Tư ngụy tạo di chiếu. Tướng Mông Điềm đề nghị đem quân về kinh đô xem có thực là di chiếu của Tần Thủy Hoàng nhưng Thái tử Phù Tô cản lại bằng câu nói: “Quân sử thần tử ,thần bất tử bất trung; Phụ sử tử vong,tử bất vong bất hiếu”
Như chúng ta biết nhà Tần theo chế độ Pháp gia chứ không phải Nho gia. Quản tử chủ trương: “ Tôn quân ti thần, dĩ thế thắng dã” (Tôn vua lên, hạ quan xuống, lấy cái uy thế mà thắng lướt), thế là đặt vua trên luật, mở đường cho hơn 2000 năm chuyên chế. Chính Pháp gia mới đưa ra quan niệm: “ Trung thần bất sự nhị quân” (tôi trung không thờ hai vua). Hơn nữa họ trọng cái “thế”(quyền thế) của vua khiến vua hóa ra độc tài, bắt bề tôi chết thì chẳng kể phải trái, bề tôi cũng phải chết, không chết thì không trung (Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung). Từ Hán Võ đế trở đi, quan niệm đó được các vua chấp nhận, và hình như không có nhà Nho nào phản đối, mà nền quân chủ của Trung Hoa hóa ra chuyên chế (Nguyễn Hiến Lê, Sử Trung Quốc tập 1. Nxb Văn hóa, trang 191)
Nhà nghiên cứu Kim Định nhắc nhở chúng ta: “…cái bổn gốc của Nho giáo là “chí  trung” mà trung là không cậy dựa = “ trung lập nhi bất ỷ cường tai kiểu”. Đó là cốt yếu những bài học dạy học của ông ( Khổng tử- TG). Đừng đem những câu Hán học như “trung thần bất sự nhị quân” hay “quân sử thần tử, thần bất tử bất trung” mà gán vào miệng ông. Làm thế là thiếu óc khoa học. Cha ông ta tuy về phê bình chưa đạt cao lắm nhưng không để cho những câu tầm gửi kiểu trên làm thui chột chí bất khuất” ( Kim Định , Căn bản trong triết lí văn hóa Việt Nam.https://www.catholic.org.tw/vntaiwan/kimdinh2/00kim.htm. Xem chương VI : Từ Văn tổ tới Văn miếu; mục 6e: Vạn thế sư biểu)
Một vấn đề mà được “ chúng khẩu đồng từ” (đông người cùng nói một lời) chưa hẳn là sự thật. Sự thật không hẳn thuộc về số đông cho dù trong số đông có cả Ban Tuyên giáo Trung ương !
Nguyễn Văn Nghệ
Tổ dân phố Phú Lộc Tây I , Thị trấn Diên Khánh-  Khánh Hòa.

Nguồn: khoahocnet.com


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...