“Thomas Jefferson: Tác giả ‘Tuyên ngôn độc lập’ và Dự luật Tự do Tôn giáo Virginia, người sáng lập Đại học Virginia, an táng tại đây”. Vị Tổng thống Mỹ đời thứ 3 Thomas Jefferson yêu cầu viết một câu ngắn gọn duy nhất trên bia mộ của mình, một chữ không được thay đổi. Có lẽ ông muốn nhắc nhở đời sau, đó là ba việc ông xem trọng nhất.
“Tôi xin thề trước bàn thờ Chúa, sẽ mãi mãi chống lại mọi âm mưu độc quyền khống chế tự do tư tưởng của loài người”. – Thomas Jefferson (khắc trên Đài kỷ niệm Jefferson)
Trí tuệ sáng suốt và tầm nhìn xa trông rộng của vị Tổng thống Mỹ đời thứ 3 Thomas Jefferson ngày càng được nhiều người ghi nhớ. Ông từng là Nghị sĩ và Thống đốc bang Virginia, Nghị sĩ Quốc hội, Đặc phái viên trú tại Pháp, Quốc vụ khanh, Phó Tổng thống và hai khóa Tổng thống.
Rất nhiều người, cả tổng thống Kennedy, đều phải thừa nhận Thomas Jefferson là vị tổng thống thông tuệ nhất trong các đời tổng thống Mỹ. Một lần chiêu đãi tiệc 49 người đạt giải Nobel ngay tại Nhà Trắng ông đã nói hài hước, trong lịch sử những người từng dùng bữa ở đây có lẽ chỉ có trí tuệ của Jefferson là vượt qua tổng số tài năng của những người có mặt tại đây ngày hôm nay.
Monticello, một trang viên đặc biệt thuộc khu Charlottesville tươi đẹp nằm phía bắc Virginia, mỗi ngày đều tấp nập du khách đến từ các nơi, trong nước Mỹ cũng như trên thế giới. Họ là những người ngưỡng mộ vị tổng thống đời thứ 3 Thomas Jefferson của nước Mỹ. Trang viên Monticello là do đích thân tổng thống Jefferson thiết kế là một trang viên mang phong cách kiến trúc Rome cổ xưa. Thomas Jefferson đã sống tại đây 40 năm.
Ngày nay, trang viên Monticello vẫn giữ nguyên kiểu dáng như hai trăm năm về trước, chiếm một diện tích vùng đồi núi khoảng ba ngàn mẫu Anh (1 mẫu anh bằng 4.048,86 mét vuông), ngôi nhà của Thomas Jefferson ở được xây tại khu đất bằng trên đỉnh núi. Cứ khoảng 40 phút, hướng dẫn viên lại dẫn một nhóm du khách đi từ bảo tàng dưới chân núi lên đỉnh núi, trong khi đó bên trong ngôi nhà, trong những căn phòng khác nhau, các hướng dẫn viên vẫn đang kể lại những câu chuyện về Thomas Jefferson. Qua những câu chuyện, mọi người có thể thấy Thomas Jefferson không chỉ là một nhà chính trị: ông rất ham đọc sách, mê cuộc sống điền viên, mê thiết kế sáng tạo, là một thiên tài trên nhiều phương diện: kiến trúc, toán học, nông nghiệp, ngoại ngữ…
Mọi người bình đẳng vì đều do Chúa tạo ra
Dĩ nhiên, không ai có thể phủ nhận “Tuyên ngôn độc lập” của Thomas Jefferson là áng văn bất hủ trong lịch sử nhân loại.
“Chúng ta phải khẳng định một chân lý hiển nhiên: Con người do Chúa tạo ra nên mọi người đều bình đẳng; Chúa cũng trao cho họ những quyền không thể bị tước đoạt; những quyền này bao gồm quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” (Trích “Tuyên ngôn độc lập”)
(Nguyên văn: We hold these truths to be self-evident: that all men are created equal;that they are endowed by their Creator with certain unalienable right;that among these are life,liberty,and the pursuit of happiness).
Hơn hai trăm năm qua, áng văn giản dị mà sâu xa này đã cổ vũ tinh thần mạnh mẽ cho các nước trên thế giới, khắp nơi người ta không ngừng tranh đấu cho nhân quyền, dân chủ, độc lập, tự do.
Dĩ nhiên, có thể hiểu tại sao Thomas Jefferson muốn chúng ta nhớ đến Đại học Virginia do ông sáng lập. Cho đến ngày nay Đại học Virginia vẫn nằm trong tốp trường đại học công lập có chất lượng ưu việt nhất. Thomas Jefferson luôn mong muốn nước Mỹ có một ngôi trường thật sự biết cống hiến cổ vũ cho tinh thần tự do tư tưởng của loài người. Sau khi kết thúc hai nhiệm kỳ tổng thống, Thomas Jefferson đã nỗ lực dốc tâm sức trong mười năm cuối đời để xây dựng nên Đại học Virginia, ông đích thân làm tất cả mọi việc to nhỏ: thiết kế ngôi trường, mời giáo sư giảng dạy, xây dựng chương trình học tập…
Đạo luật tự do tôn giáo mới mẻ
Dĩ nhiên sẽ có nhiều người băn khoăn tại sao Thomas Jefferson không nhắc đến hai nhiệm kỳ tổng thống Mỹ, ký kết văn kiện mua vùng đất Louisiana giúp mở rộng gấp đôi diện tích lãnh thổ nước Mỹ; sao lại xem trọng Đạo luật Tự do Tôn giáo Virginia (the Virginia Statute for Religious Freedom), vốn chỉ là Đạo luật tại một bang của nước Mỹ, và chỉ có hiệu ứng pháp luật trong một kỳ Nghị viện. Chúng ta phải làm sao để hiểu được nỗi ưu tư trăn trở của con người tiên phong kiến tạo nên nước Mỹ hiện đại này?
Vào một ngày mùa thu năm 1776, sau khi hoàn thành tác phẩm “Tuyên ngôn độc lập”, Thomas Jefferson lại nhận chức Nghị sĩ bang Virginia, sẵn sàng cho việc đưa vào thực tiễn đời sống bang Virginia “Tuyên ngôn độc lập” của mình. Không lâu sau, ông lại khởi thảo Đạo luật Tự do Tôn giáo Virginia, vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay, theo đó tôn giáo tín ngưỡng phải độc lập với chính quyền Nhà nước. Năm 1979, lần đầu Dự thảo được đưa ra Nghị viện nhưng không được thông qua. Bảy năm sau, vào năm 1786, lúc đó Thomas Jefferson là Đặc phái viên tại Pháp, ông đã thuyết phục được bạn mình là James Madison, Nghị sĩ bang Virginia. Với nỗ lực của hai người, Đạo luật Tự do Tôn giáo Virginia lần thứ hai được đưa ra, cuối cùng đã được thông qua.
Xin dẫn một đoạn sâu sắc trong “Lời dẫn” của Đạo luật Tự do Tôn giáo Virginia:
Tư tưởng của con người không thuộc phạm vi quản lý của Nhà nước. Nếu chúng ta cho phép quan chức chính phủ kéo dài quyền lực của họ xen vào đời sống tín ngưỡng, cho phép họ quyết định tôn giáo nào là chính hay tà, nghĩa là sẽ khống chế những người tu hành truyền đạo, như vậy là vô cùng nguy hiểm, nghĩa là không còn quyền tự do tôn giáo. Vì quan chức lấy kiến giải cá nhân để đánh giá chuyện đúng hay sai của tôn giáo tín ngưỡng; họ lấy mình làm chuẩn để khen ngợi hay trách phạt đối với cách suy nghĩ của người khác… Lịch sử đã chứng minh, sự kết hợp giữa giáo hội và chính quyền luôn dẫn đến chuyên quyền và áp bức. Khi tôn giáo biến thành công cụ của quốc gia sẽ gây an nguy cho tự do, vì chỉ có sự sai trái mới cần dựa dẫm vào chính phủ nâng đỡ, còn chân lý luôn đứng hiên ngang, độc lập.
Sau phần lời dẫn là phần Chính văn của Dự luật: Nghị viện (Bang Virginia) không thể ép buộc bất cứ cá nhân nào tham gia hoặc ủng hộ cho một tôn giáo, cũng không thể vì cách nhìn của mình về một tôn giáo hay tín ngưỡng mà bị cưỡng chế, ép buộc, quấy rối, gây đau đớn về thân xác, mất mát tài sản hoặc những đau khổ khác; mọi người đều có quyền lên tiếng tranh luận bảo vệ cho quan niệm về tôn giáo của mình, không thể vì điều này mà địa vị xã hội được nâng cao hơn, bị hạ xuống hay chịu bất kỳ ảnh hưởng nào.
Phần thứ ba của Dự luật là Tuyên ngôn. Tuy Dự luật chỉ được một kỳ Nghị viện thông qua, nhưng Thomas Jefferson vẫn long trọng tuyên bố:
“Chúng tôi tuyên bố, Dự luật này chủ trương quyền tự do tôn giáo là quyền tự nhiên của con người, sau này nếu có bất kỳ pháp lệnh nào muốn hủy bỏ hoặc thu hẹp phạm vi của Dự luật này, tức là đã xâm phạm quyền tự nhiên!”
Sau khi Nghị viện bang Virginia cho thông qua dự luật này, nhiều bang khác cũng nhiệt liệt hưởng ứng theo. Văn kiện này cũng được lan truyền đến các nước châu Âu, được dịch ra tiếng Pháp và tiếng Ý, được truyền bá rộng rãi trong giới làm luật ở châu Âu.
Sau đó không lâu, Thomas Jefferson lại căn cứ vào Dự luật Tự do Tôn giáo để viết Tu chính án Hiến pháp (lần thứ nhất), còn gọi là “Dự luật về Quyền tự do”. Ngay đoạn mở đầu đã viết: “Quốc hội không được lập ra điều luật để khai lập một tôn giáo, ngăn cản quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng, hạn chế tự do ngôn luận và tự do xuất bản, ngăn cản người dân biểu tình ôn hòa ra yêu sách yêu cầu chính phủ sửa sai những bất công”. Tu chính án này đã được thông qua năm 1791.
Từ đây, nước Mỹ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới mà quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của nhân dân được bảo đảm bằng Hiến pháp, khởi đầu thời đại dân chủ đích thực với xã hội mở mang đậm tinh thần khoan dung. Nhà tư tưởng và sử gia nổi tiếng người Pháp là Alexis de Tocqueville vào thập niên 30 thế kỷ XIX đã đi tới nước Mỹ để theo dõi chế độ dân chủ của đất nước mới nổi vô cùng độc đáo này. Ông đã sửng sốt khi thấy “tinh thần tự do” đi cùng với “niềm tin tâm linh”, ở châu Âu, hai giá trị này là “thù địch” đối lập nhau, nhưng ở quốc gia này lại chung sống hòa bình với nhau!
Ngọn đèn tự do của thế giới
Trên đỉnh đồi Monticello trời xanh mây trắng, những ngày đầu hạ nhìn ra xa là một màu xanh thăm thẳm nhưng vẫn có thể lờ mờ trông thấy đỉnh vòm hình tròn kiểu kiến trúc Rome cổ xưa của tòa nhà chính khu trường Đại học Virginia, trang viên to rộng khoáng đạt. Cuộc sống điền viên yên tĩnh mới thật đáng giá, vậy mà cho đến tận những năm tháng cuối đời Thomas Jefferson mới có cơ hội được hưởng thụ cuộc sống hòa điệu cùng thiên nhiên.
Nếu như mọi người bình thường, có tài trí cao xa, họ thường sẽ mong muốn trở thành kiến trúc sư, nhà khoa học, nhà giáo dục, nhưng Jefferson hiểu rõ sứ mệnh lịch sử quan trọng, từ “Tuyên ngôn độc lập” đến “Dự luật Tự do Tôn giáo”, với trí tuệ vượt trước người đương thời, ông muốn nhắn nhủ cho người đời sau: Tự do, gồm tự do tinh thần, tự do tôn giáo tín ngưỡng, không phải do chính quyền trao cho chúng ta, mà là Chúa hoặc Thần linh tạo dựng ra nhân loại trao cho chúng ta, không ai có quyền tước đoạt hay xâm phạm.
Với trí tuệ cao xa, bản tuyên ngôn tài hoa của Thomas Jefferson không chỉ là hòn đá tảng của nền dân chủ Mỹ mà còn là ngọn đèn tự do soi sáng cho thế giới. Người Mỹ có trách nhiệm kế tục sự nghiệp của cha ông để bảo vệ quyền tự do tôn giáo trên toàn thế giới, vì đây chính là nguồn cội của những quyền tự do khác.
Năm 1988, Quốc hội Mỹ đã thông qua “Luật Tự do Tôn giáo Quốc tế”. Theo luật này, Quốc vụ viện Mỹ đã sáng lập Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế (United States Commission on International Religious Freedom). Ủy ban có trách nhiệm giám sát tình hình tự do tôn giáo trên toàn cầu, hàng năm đều có Báo cáo về tình hình tự do tôn giáo trên thế giới, đưa ra kiến nghị về tình hình tự do tôn giáo với Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ.
Ngày 4 tháng 7 năm 1826, vào lúc bản “Tuyên ngôn độc lập” tròn 50 năm, Thomas Jefferson đã hoàn thành sứ mệnh và lặng lẽ ra đi, chẳng lẽ đây chỉ là sự trùng hợp của lịch sử? Ông đã để lại những áng văn bất hủ cổ vũ cho chúng ta, đặc biệt đã có rất nhiều người sống trong chế độ chuyên chế không tiếc phải trả giá bằng cả tính mạng của mình để đi theo con đường khai sáng mà ông đã hiến dâng cả cuộc đời mình.
(Tác giả: Zhang Di (张迪), Tiến sĩ Đại học Illinois, hiện là Giáo sư Văn hóa và Ngôn ngữ Trung Quốc).
Đoàn Thanh biên dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét