Thứ Hai, 14 tháng 9, 2015

Cũng Đành Về Với Biển - Thuyên Huy





   
    Đầu tháng tư, tháng của mùa hoa anh đào xứ Nhật, từ dưới  nhà ga xe lửa Sannomiya, ở trung tâm thành phố Kobe, nhìn ngược lên đồi về hướng Kitano, hoa nở rực một màu trắng và tím nhạt trên hàng cây chạy dọc hai bên đường Nagamayate, trời bắt đầu ấm lại sau những ngày đông lạnh kéo dài hơn mọi năm, buổi sáng, sương sớm vẫn còn lưa thưa, nấn ná đọng hờ đâu đó dưới hiên nhà, gió từ phía bên kia phố chính, ngoài biển thổi ngang mang theo chút dìu dịu mùi muối mặn. Trên đường về nhà, hình ảnh bà cụ già tóc bạc trắng, mặt hằn những nếp nhăn khắc khổ, quần áo cũ mèm, lưng còng, quảy hai cái giõ cây đựng một số rau trái gì đó, nặng nề chờ đèn băng qua ngã tư đường Tor và Nagamayate, đã làm Chinh nghĩ tới hoài, trên suốt một đoạn đường dài, anh cứ phải quay nhìn lại mấy lần, cho đến khi bà khuất hẳn sau dãy tường, bám đầy hoa leo dại, dưới chân cầu đường xe lửa, bỗng dưng Chinh nhớ tới ba tấm ngói nung màu nâu đậm, hai tấm có tên ba mẹ, còn tấm còn lại, anh chỉ đã viết vỏn vẹn được ba chữ “Bà Hai Thìn”, cúng dường để lợp mái, đặt tại ngôi chùa Todai-Ji ở Nara, ở đây chùa sẽ đọc câu kinh cầu nguyện bình an cực lạc cho bà, như những người Nhật khác đã làm cho thân nhân mãn phần của họ, mỗi lần đến thăm chùa, vào mùa hè năm ngoái.
    Chinh lên Chơn Thành, nhận chức vụ Phó quận trưởng, sau ngày xãy ra trận chiến An Lộc khốc liệt, với hai câu thơ để đời của một cô giáo trẻ “An Lộc địa sử lưu chiến tích, Biệt cách dù vị quốc vong thân” vào đầu năm 1974. Hôm lên trình diện trên tỉnh, có lẽ thương cho thằng “học trò thân trói gà không chặt”, mới ra trường, ông Đại tá Tỉnh Trưởng cho về Chơn Thành ngay với câu nói thòng đáng nhớ “ dưới đó, đường bộ về Sài Gòn gần và cũng dễ đi, tốt hơn, trên này phải chờ máy bay thì  ông không an tâm”, rồi ra lệnh sĩ quan trực tiểu khu, sắp xếp Chinh theo trực thăng đưa thương binh về Sài Gòn, ghé ngang bỏ anh xuống Chơn Thành sáng ngày mai, sau một đêm tâm tình với mấy anh khóa đàn anh đang ở đó. Đường từ An Lộc về Chơn Thành quân xa lính trận đi nhiều hơn khách thường, xe đò cả ngày mới có chuyến lên sớm mà cũng về sớm, quân cộng sản vẩn chực chờ đâu đó, nhứt là những đoạn ngang qua đoạn Bầu Bàng với mấy khu cây rừng rậm lá, không khí chiến cuộc vẫn âm ỉ ngột ngạt như từ ngày mất Lộc Ninh tới giờ.
    Gọi là chợ quận lỵ, chứ thật ra, gom lại, chắc chỉ lớn hơn một chợ xã nào đó, loanh quanh mấy con đường, nửa đá nửa đất, dài không dài, ngắn không ra ngắn, trừ đường chính dẫn ra giáp với quốc lộ 13, văn phòng quận nằm gọn bên trong hàng rào chi khu, cũng bao quanh bởi kẽm gai, bao cát và hố hầm giống như những quận hẻo lánh, nghèo nàn khác trên khắp đất nước. Gặp thiếu tá Trung, quận trưởng, người gốc Biên Hòa, tốt bụng, thương người, gọi mầy xưng tao, nên Chinh đở lo, chỗ ở thì, ở một gian nhà riêng, trên nóc có đà ngang che pháo kích, bên cạnh văn phòng chi khu của ông, vài ba anh lính gát, ăn thì có người lính nấu ăn của ông lo luôn giùm, có gì ăn nấy, cơm rau tạp nhạp qua bữa, thỉnh thoảng đôi ba ngày, rủ nhau ra, cái quán cơm độc nhất, đầu bến xe đò An Lộc, Bến Cát, Lai Khê ,Thủ Dầu Một đổi món. Văn phòng hành chánh quận ngó ra sân trường tiểu học, nhìn học trò chạy qua chạy lại, la hét hát hò cũng vui vui, thấy đời còn đáng sống, buổi sáng, đôi khi không có việc gì cần làm, Chinh bỏ ra chợ đi lên đi xuống, trước lạ sau quen với người mua kẻ bán, sạp thấp sạp cao, ngày nào ngày nấy chừng đó người, riết rồi ai cũng nhớ mặt, nói cười, “một ông phó hai ông phó”. Cuối chợ, ngày nào cũng vậy, cũng một thứ rau cải, khoai lang khoai mì, ở một cái sạp nhỏ, kê bằng gỗ thùng thông đựng đạn đại bác, bà bác già, tuổi chắc trên 70, tóc bạc trắng, mặt nhiều nếp nhăn dài, lúc nào cũng đứng lên chào Chinh từ đàng xa. Lần nào cũng vậy, Chinh nắm tay bà xoa xoa, nhắc “bà đừng làm vậy, cứ xem con như con cháu được rồi”, ngồi hỏi chuyện này chuyện nọ, bà không nói nhiều, giọng hơi khan khan nhưng vui tánh, hiền lành, nhìn kỹ mấy cái rỗ đan bằng tre rách bương nhiều lổ thì xem ra bà cũng khá nghèo, Chinh không buồn hỏi tên, cứ gọi bà là “bà hai Thìn” như người trong chợ thường gọi.
    Bà hai Thìn nghèo lắm, nhà bà là một căn chòi tranh nhỏ, cất tạm bợ trên một miếng đất công trống, sát tựa gốc cây xoài vô chủ cao lớn, vách che bằng những cọng rơm thưa ,có cái liếp cũng bằng rơm làm cửa, nằm cuối đường chợ quận, sau chòi có miếng đất vừa đủ trồng rau này rau nọ và dăm ba luống khoai lang, vài hàng khoai mì, phía trước có cái bàn thiêng, chân nhang cằm đầy trong một cái chén bể gần phân nửa. Bà hai sống một thân một mình, trước đây, bà là người Lộc Ninh, có đứa cháu gái, mồ côi cha mẹ, chết vì đạn pháo của quân cộng sản trong trận đánh chiếm Lộc Ninh, bà bỏ nơi đó xuôi xuống An Lộc rồi Chơn Thành, sống lây lất từ đó. Bà có nốt ruồi son trên mí mắt trái nhưng theo lời bà, tiếc là không phải nốt ruồi tài cho nên bà cứ vẫn nghèo rớt mồng tơi, tay bà có hai vết sẹo, sâu và dài vì bị mấy cây lồ ồ cao ngã, cắt khi bà còn đi làm nghề chặt tre đan lát, trên miệt rừng gần biên giới Miên, còn nhìn thấy rõ mồn một.  
    Chi khu Chơn Thành, nằm trên quốc lộ 13, cách Sài Gòn khoảng chừng trên dưới 80 cây số, sau khi mất Lộc Ninh, Chơn Thành được xem là tuyến phòng thủ quan trọng cho hướng đông bắc Sài Gòn. Hà Nội nhắm tới nó sau khi chiếm được vùng tây nguyên trong tháng 3 năm 1975, ngày 1 tháng tư, cộng sản tung quân tấn công chi khu Chơn Thành bằng tất cả lực lượng họ có, kẻ cả xe tăng đại pháo. Liên đoàn 31 Biệt Động quân, tiểu đoàn 336 và 36 địa phương quân, chiến đoàn 7, chiến đoàn 8 của sư đoàn 5 và chi đoàn thiết giáp 182 của quân VNCH chống trả ác liệt, một mất một còn nhưng cuối cùng đành rút lui, quân cộng sản giành quyền kiểm soát quận Chơn Thành đêm 2 tháng 4 năm 1975. Đêm trước ngày chi khu Chơn Thành thất thủ hoàn toàn, Chinh bị quân bộ đội CS miền Bắc, bắt cùng một số lính nghĩa quân và địa phương quân VNCH chống giữ chi khu, kẹt lại, chừng vài chục người, khi đang trên đường mon theo bờ hầm phòng thủ lấp xấp nước trốn ra phía sau chợ, dưới những trận mưa pháo tàn khốc, trong màn đêm thiếu trăng, đục màu sương muộn, thiếu tá Trung, quận trưởng chết trước đó không lâu, khi ông bỏ hố cá nhân bò lên, kéo người lính mang máy truyền tin theo mình, bị trúng đạn gục xuống.
    Quá nửa đêm, lửa rực trời, vẫn chưa ngưng tiếng súng, bộ đội chính quy cộng sản đông như kiến, nghẹt cả khu đất chợ, súng trong tay, ba lô trên lưng gọi nhau ồn ào tứ hướng, tên chỉ huy toán lính bắt Chinh, cầm súng lục K54, chỉ lên chỉ xuống, nói qua nói lại gì đó với đám du kích Việt Cộng địa phương, chừng năm sáu người, mặc đồ bà ba đen, quàng băng đỏ, rậm ra rậm rực với súng AK 47 đang cầm trên tay, một hồi lâu rồi gật đầu, hắn ra lệnh cho đám du kích, tách Chinh ra khỏi nhóm, rồi dẫn Chinh đi trước, tên bộ đội chỉ huy cùng hai ba tên lính khác theo sau, trên đường tới sân trường tiểu học, ở đó đã có mấy chiếc xe tăng T54 lù lù đen ngòm còn mùi khói súng và đám đông dân chúng lố nhố bao quanh, dùng dây thừng cột thúc ké Chinh vào cột cờ, không còn lá cờ vàng VNCH ngày hôm qua, đứng giữa trời, bộ đội cộng sản như rừng người, kéo nhau từ xa lại đứng chật cả sân trường, tên đầu đàn đám du kích, tay chỉ vào Chinh, nói lớn là “tên này, là phó huyện của ngụy quyền Thiệu, phản lại cách mạng, nên chính quyền cách mạng quyết định xử bắn hôm nay”, tên bộ đội chỉ huy, bước tới gần Chinh, nhìn nhưng không nói gì rồi lùi lại chỗ hắn đứng khi nãy, tên du kích cùng lúc cũng lùi lại, sửa tư thế đứng, loay hoay dơ cây súng AK 47 lên nhắm, chưa kịp làm gì thì trong đám đông, bà hai Thìn, đầu quấn cái khăn vải đen úa màu bạc rách đôi ba chỗ, chạy ùa ra, bò lết xuống, ôm chầm lấy chân của Chinh, khóc bù lu bù loa, quay về phía tên bộ độ chỉ huy, nước mắt ràng rụa, nức nở, thét to “ trời ơi, cháu ơi, ông ơi, đây là cháu tôi, nó mang bệnh điên khùng, lúc mê lúc tỉnh, nó đâu biết gì đâu, nó đâu phải là phó huyện phó tổng gì đâu, ông ơi, ông hỏi dân chúng ở đây đi, ông ơi tội nghiệp cho cháu tôi”, rồi bò tới dưới chân hắn khóc lớn hơn, “tôi lạy ông, cháu tôi, thằng điên mà, xin ông tha cho nó ông ơi, nó điên mà” trong cái mờ mờ của đám lửa cháy gần nửa nhà lồng chợ, mặt bà đầm đìa nước mắt, bà dập đầu xuống đất, trước mặt tên chỉ huy không biết bao nhiêu lần.
    Cuối cùng, tên chỉ huy ra dấu cho tên du kích lùi lại, hắn bước tới sát bên cột cờ, bà hai Thìn, cúi người vội vã theo sau, hắn nói gì đó với bà, bà gật đầu rồi cúi gập người xá xá như lạy trời lạy đất, hắn kéo sợi dây thừng, mở trói cho Chinh, Chinh ngất xỉu, ngã quỵ xuống đất, bà hai ôm chầm lấy anh, vuốt mặt vuốt đầu, miệng lầm thầm “tôi nghiệp ông phó quá”. Tên chỉ huy cùng lính theo hắn và đám du kích bỏ đi từ lâu, quân bộ đội cộng sản bao quanh từ lúc đầu đã tản lần, cũng như đám đông dân chúng không còn ai đó nữa, một vài người đàn bà, phụ bà hai Thìn dìu Chinh về cái chòi tranh, trên bàn Thiêng trước chòi, hai ba cây nhang, không biết bà đốt từ khi nào còn có khói và lửa ưng ửng đỏ. Rạng sáng sớm hôm sau, bà hai Thìn, đưa cho Chinh, cái áo sơ-mi màu nâu bạc thay cái ướt đẩm sương mà anh đang mặc, thúc giục Chinh tìm đường rời khỏi Chơn Thành đi, bà cho biết, “bà ở lại vì là người ở đây, vã lại, già cả “gần đất xa trời” rồi, đi lấy gì mà sống, còn ông phó, ông đâu ở đây được, bọn nó sẽ giết ông, ông đi càng sớm càng tốt”, Chinh ôm chặt tấm thân gầy guộc của bà, bật khóc như một đứa trẻ, bà hai Thìn bùi ngùi khóc theo, Chinh ra trước cái bàn thiêng, gở nửa cây nhang còn xót lại, lửa không còn cháy nữa, chấp tay xá lạy bốn hướng, thầm nguyện với đất trời “ơn cứu tử của bà, con nguyện cắn cỏ ngậm vành, không bao giờ quên và thề sẽ có ngày đền trả ”, bà hai không nghe Chinh nói gì nhưng miệng bà mĩm cười an lòng, một nụ cười ít khi thấy được. Chinh ôm bà lần nữa từ biệt, không nói được tiếng nào, lầm lũi rời cái chòi tranh, còn ướt sủng sương đêm, ươm mùi khói súng, cúi gầm đầu, len theo đám người, có già có trẻ, bồng bế nhau bỏ Chơn Thành giữa đoàn quân bộ đội cộng sản, xe người ùn ùn lên xuống, từ xa nhìn lại, bà hai Thìn vẫn còn đứng nhìn theo, nước mắt Chinh chảy dài xuống môi mằn mặn.
    Theo đoàn người dân di tản, bỏ An Lộc, Chơn Thành, Bàu Bàng, Xóm Rơi, hết đường bộ rồi quá giang xe, Chinh về được tới Sài Gòn sau hơn mười ngày rã rời mệt mỏi, những ngày gần cuối tháng tư 1975. Nhà Chinh, căn nhà gạch nhỏ nằm sâu trong cái hẽm sau lưng hồ tắm Nguyễn Văn Thoại, chạy sâu tới bên kia ngã ba chợ Ông Tạ, do ông bà cô, có cơ sở làm ăn ở Rạch Giá, mua để làm chỗ nghỉ ngơi khi có chuyện về Sài Gòn và Chinh đi học, không còn ai đó nữa, người quen bên cạnh chú thiếm Hải, tốt bụng, coi trong coi ngoài, cho biết ông bà cô đã theo ai đó rời khỏi Việt Nam mấy ngày trước rồi, có gởi lại cho Chinh, cái thơ ngắn dặn dò đôi ba thứ và một mớ giấy tờ, trong đó có tờ khai gia đình và tờ ủy quyền chủ căn nhà cùng bằng khoán đất. Láng giềng, bên cạnh, ngõ sau, hẽm trước, nhà nào nhà nấy cũng rục rịch, bước ở bước đi, cả thành phố Sài Gòn nghẹt thở, nhứt là sau ngày dinh Độc Lập bị tên phi công VNCH phản loạn dội bom. Ông bà cô đi rồi, như vậy Chinh không còn ai là người thân ở đây nữa, hai tiếng trả ơn mà Chinh giữ nó trong lòng, thầm mong có ngày đền đáp xem ra càng mù xa thăm thẳm, ba mẹ Chinh, chết đuối vì tàu chỡ dưa hấu bỏ mối của gia đình, từ Tây Ninh về, bị nước trôn xoáy cuốn chìm, trong một đêm mưa giông to gió lớn, ở khúc sông Vàm Cõ Tây Đông giao nhau miệt Đức Hòa Đức Huệ, năm Chinh vừa mười tuổi. Chinh được vợ chồng bà cô ruột, chị của ba, có hai người con, anh hai đi du học ở Hòa Lan, rồi ở lại làm việc bên đó, chị ba có chồng làm đồn điền trà trên tận Bảo Lộc, mang về Mỹ Tho nuôi dưỡng, cho đến ngày lên đại học. 30 tháng Tư, miền Nam thua cuộc, Sài gòn mất, người người bỏ đi, hàng hàng lớp lớp, cũng như họ, Chinh có mặt ở mọi nơi, từ bến tàu, cổng tòa đại sứ, tới cửa phi trường nhưng không được gì cả, cuối cùng đành làm người ở lại. Rốt cuộc, không muốn cũng không còn cách nào hơn, Chinh vào nhà tù cải tạo của chế độ mới, cùng chung số phận của hơn mấy trăm ngàn đồng nghiệp và quân nhân VNCH các cấp, không may, phải làm người ở lại.
   Được thả, về lại nhà, cũng còn may, trước khi vào tù, Chinh sắp xếp với gia đình chú thiếm Hải, cho mấy đứa con qua ở trông chừng, coi như nhà của họ luôn, nên cái nhà cũng còn đó, và công an phường Nghĩa Phát, nơi Chinh ở, chưa xóa tên trong cái sổ mới, gọi là sổ hộ khẩu, được phép mua nhu yếu phẩm hàng tháng, theo tiêu chuẩn quy định của chính quyền cách mạng, nên chưa phải “đầu đường xó chợ” như một số thằng bạn quen ở mấy phường khác. Sáng thứ hai, sau khi cầm cuốn sổ ra trụ sở công an trình diện đóng dấu như hàng tuần, Chinh lấy mấy thứ mua được hôm đầu tháng, hộp sửa, ký đường, kem đánh răng, đạp xe đạp ra chỗ người mua quen ở chợ Nguyễn Tri Phương bán lại, xong chuyện, trời vừa hâm hấp nóng, bóng nắng trải lưa thưa trên mặt đường Trần Quốc Toản, thấy còn sớm, dắt xe đạp tắt ngang qua chỗ bải rác to sừng sững trước chợ, định băng qua quán cà phê Năm Đường vì mới có chút tiền, kêu ly cà phê, ngồi tìm lại chút dư hương “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo”, hai ba người ăn xin ngồi đó, cúi gầm mặt, sau mấy cái nón, rách bương, cái lon thiếc rĩ sét đặt dưới đất, quanh đây, rác ứ bốc lên một mùi hôi khó ngữi. Chinh đứng khựng lại, bà cụ già, ngồi phía ngoài đường, đưa hai bàn tay khô đéc ra, dưới cái nón lá rách tả tơi, đã ngã màu đen đúa, gục gục đầu ba tiếng “xin làm ơn” đứt quảng. Chinh bỏ đại cái xe đạp xuống dựa bên đống rác, vết xẹo, phải rồi vết xẹo hai đường sâu đậm dài, trên cổ tay bà làm anh điếng hồn, kinh ngạc, một vài người đi chợ qua ngang hờ hững nhìn, Chinh ngồi bệt xuống bên cạnh, vừa nắm lấy hai bàn tay bà cụ, vừa cúi xuống thấp nhìn mặt, nốt ruồi son trên mắt trái đã không còn đỏ tươi như ngày đó nữa, bà rụt tay lại, không ngước lên, Chinh bàng hoàng kêu lên “trời ơi, bà hai, bà hai Thìn đây mà” rồi kéo cái nón lá của bà ra, chút sợi nắng sắp vào trưa, xuyên qua mấy chỗ rách, anh ôm chầm lấy bà bật khóc “bà ơi, con đây, thằng ông phó Chơn Thành đây, bà ơi”, bà hai Thìn, lúc bấy giờ mới đưa tay, run run, nhè nhẹ xoa đầu Chinh “ông phó đây sao, ông phó đây sao”, ràng rụa nước mắt.
   Chinh đưa bà hai Thìn về nhà mình ở vài hôm rồi qua bên phường, gặp ông chủ tịch Hà, làm giấy tờ xin phép cho bà tạm trú, để có đủ thời gian lo liệu cho bà về dưới quê, chủ tịch Hà, không lạ gì bà con ở đây, ông nằm vùng cho cộng sản, làm nghề y tá chích dạo, đi chiếc xe vết-pa cũ, nhà ở đâu trên miệt Bảy Hiền, gặp ai cũng vui vẻ tươi cười, ông bà cô Chinh cũng có nhiều lần gọi ông ta tới nhà chích thuốc ho thuốc suyển gì đó, cộng sản vô, bà con ai nấy điếng hồn, không ngờ ông giờ là chủ tịch phường, Chinh cũng nói chuyện, đùa giỡn với ông nhiều lần, khi ở quán cà phê, khi ở tại nhà, một “chú Hà hai chú Hà”. Chủ tịch Hà, kêu cô công an khu vực tên Hoàng, đóng dấu đỏ chói vào tờ giấy, ký tên rồi đưa lại cho Chinh, cười cười mà không nói gì hết. Chinh lang thang, nhập bọn với đám bạn quen, ở tù ra, làm đủ thứ nghề, lê lết khắp đường phố Sài Gòn, giờ đã đổi tên “thành phố HCM” kiếm sống, từ chuyện  buôn hàng lậu bến tàu, mua bán bàn ghế tủ giường, xăng nhớt tới bán thuốc tây chợ trời, tuy có vất vã nhưng cũng có chút tiền đủ để hai bà cháu sống qua ngày.
    Đầu thu, sau hôm xin được cái giấy phép đi đường do công an phường cấp, về lại Bến Tranh, thăm mộ ba mẹ, được ông bà cô hai chôn cất ở một khu gò đất trống cao cùng với vài chục ngôi mộ của bà con gần xa khác, tình cờ Chinh gặp lại Quân, khóa đàn anh, trước làm Trưởng trung tâm chuẩn chi tỉnh Bình Long, cùng bị nhốt ở trại tù cải tạo 15NV, được thả sau Chinh chừng hai ba tháng gì đó, tại khu chợ trời Hàm Nghi, lúc anh thử chạy mối tìm máy tàu “đầu bạc, đầu xanh hai ba lốc”, bán cho người Hoa, đóng tàu vượt biên, có tin công an cho phép họ đi theo kiểu “đăng ký bán chính thức”, vì lúc này, thiên hạ đâu đâu chuyện vượt biên đã thành câu nói đầu tiên bàn tới khi gặp nhau, ngoài đường hay trong quán tiệm, đã có rất nhiều người đi lọt, nhà cửa bỏ lại trống trơn, giờ cán bộ, bộ đội có quyền tha hồ giành giựt cái mầy cái tao, chẳng thèm “ông nhau thằm thiết tình đồng chí” chi cho mệt xác. Quân cho Chinh biết, đang tìm mua cái hải bàn, đã sắp xếp chuyến đi từ Hàm Tân, rủ Chinh theo, không cần tiền vì tàu đánh cá của bà con còn dư chỗ, “buồn ngủ gặp chiếu manh”, Chinh nhận lời ngay, hẹn sẽ phụ giúp chút tiền mua cái hải bàn mà anh đang kiếm, Quân không chịu nhận, hai người ghé cái quán cà phê gần nhà Quân, đầu đường Nguyễn Tri Phương- Trần Quốc Toản, ngồi nhớ lại chuyện đời và bàn thêm số việc cần làm cho chuyến đi trước khi anh đạp xe chỡ Chinh về Nguyễn Văn Thoại, dưới làn mưa lất phất bay như bụi, bất chợt về ngang từ hướng ngã tư Bảy Hiền.
 Chiếc tàu chỡ chừng hơn ba chục người, toàn là người của mấy gia đình bà con thân thuộc, rời Hàm Tân, ra khơi bình yên trong giữa đêm trăng tàn sớm và mưa nhè nhẹ, qua lời giới thiệu, người chú chủ tàu của Quân, tốt bụng cho Chinh được mang theo bà hai Thìn và đứa con trai lớn, thằng Ngân, vừa hơn 15 tuổi của chú thiếm Hải, khi Chinh cho chú thiếm biết chuyện sắp ra đi, một lần nữa, nhờ hai người trông giữ căn nhà, nếu lở có chuyện gì, còn trót lọt thì chú thiếm cứ lấy nó luôn như đã tính toán, Chinh đưa cho Quân hai cây vàng, coi như là phần của thằng con chú thiếm Hải, gọi là phụ tiền xăng nhớt, bà hai Thìn ban đầu nhất định không chịu đi, nhưng nhờ có chú thiếm Hải, vì thương cho tình cảnh đơn độc của bà, khuyên lơn đủ điều, nhất là gởi gấm thằng con, dầu sao có bà họ yên tâm hơn, nói lắm bà mới chịu, trước ngày đi, bà theo Chinh về lại Bến Tranh, đốt nhang trước mộ ba mẹ từ giã, bà hai Thìn tan nát lòng già, cầm nhang trên tay run run xá “xin chú thiếm linh thiêng phù hộ cho thằng Chinh ra đi được tai qua nạn khỏi” mà nước mắt lưng tròng, Chinh ngồi bệt xuống đất khóc theo, ở một phía trời xa cuối gò đất, mây xám xịch lửng thửng, chầm chậm xuống thấp, đâu đây chợt dưng có chút mưa và nước mắt mằn mặn.
    Êm xuôi trên biển hai ba ngày, máy chiếc tàu bị trục trặc, không nổ nữa, đàn ông con trai, xúm nhau mần mò cố làm hết cách nhưng chẳng làm được gì khá hơn, con tàu lặng lẽ thả trôi lênh đênh, nhấp nhô xuống lên giữa muôn ngàn cơn sóng dữ suốt mười ngày đêm, nước uống cạn dần, ai nấy nhìn nhau không biết nói gì và cũng không biết phải làm gì, chỉ còn cầu nguyện đất trời thương xót. Thằng Ngân bị say sóng, cũng như bà hai Thìn, ói mửa mấy ngày liền, hơn nửa số người trên tàu dần dần kiệt sức, cũng như mấy người đàn ông khác trong đó có Quân, Chinh để phần nước uống, đong chưa đầy cái nắp bình ni-lông đựng, phần của mình, cho bà hai uống, thùng khoai lang luộc chín, mang theo từ lúc ra khơi, tính quá dư cho bốn năm ngày, giờ còn không hơn một phần tư. Ông chú chủ tàu vẫn bình tỉnh, an ủi mọi người, số phần chưa sao đâu dù ngày đêm tháo ra gắn vào cái máy tàu quái ác, không chịu nổ. Rạng sáng ngày thứ mười lăm, mặt trời đỏ rực trên biển cả, bà hai Thìn, yếu quá, không còn nhúc nhích, mắt bà nhắm nghiền, Chinh lựa chút khoai nát, đem đến chỗ bà nằm, cố lấy sức nâng đầu bà lên, Chinh buông tay thét lớn, “bà ơi, bà ơi”, mọi người rã mệt nhưng cũng ráng lết tới, xúm lại lắc tay lắc chân, tay chân bà lạnh ngắt, môi khô  bầm, bà hai Thìn đã chết tự lúc nào rồi, Chinh thẩn thờ như kẻ mất hồn, nhìn ra ngoài xa, mắt chết trân, lầm thầm “con chưa đền trả được ơn sâu, sao bà bỏ đi sớm vậy, bà hai ơi”.  
Không còn cách nào hơn, trừ gần hai phần ba người mệt lã, yếu ớt, nằm thoi thóp dưới khoang tàu, mấy người khác, trong đó có Quân, có Chinh, còn có được chút ít sức lực, đồng quyết định, sắp xếp thi thể bà hai Thìn, sửa lại áo quần ngay ngắn, quấn bà trong một cái mền cũ, nặng mùi muối biển, mang xác bà lên sàn đầu mủi chiếc tàu, ngồi quanh, lầm thầm khấn vái, Chinh sướt mướt khóc, mân mê đôi bàn tay xám ngắt, lạnh cóng của bà, vuốt mặt lần cuối, thả dây buông nhẹ xuống, sóng từng đợt cao vót, nhịp từng nhịp, nhấp nhô cuốn xác bà hai trôi ra xa rồi mất hút, Chinh rươm rướm mắt, nhìn theo, ngậm ngùi nói thầm “bà tha lỗi cho con, thôi bà hảy yên lòng đi về với trời với đất, xin cho con được đền đáp ơn bà ở kiếp sau”. Xế chiều hôm đó, mây đen nghịt cả một trời trên biển, sóng im đôi chút, gió nổi như sắp có giông to, tàu của Chinh, được một chiếc thương thuyền Anh to lớn, cao hơn cả cái cao ốc, cả chục tầng lầu, đèn đuốc sáng trưng cứu rồi đưa họ đến cảng Kagosima của Nhật vài ngày sau, may kịp lúc, nếu không chắc thằng Ngân khó lòng sống sót, vì nó đã lấy hơi lên và không còn cử động nữa rồi.
     Lòng chùng xuống, buồn dâng lên trong hồn khó tả, Chinh ra khỏi nhà, nắng bỗng dưng xuống thấp phía dưới phố chính, đi dọc trở lại con đường cũ, đến ngã tư đường Nagayamte-Tor, trời nỗi gió mang theo dăm ba cụm mây xám xịch, xác hoa anh đào rụng tơi tả một màu trắng xóa hai bên lề đường, ngay chỗ bà cụ già người Nhật gánh giỏ rau hồi sáng sớm, Chinh lặng thinh, nhìn đăm đăm xuống đường, tiếng đèn báo hiệu qua đường kêu lên rồi tắt, đã nhiều lần, anh vẫn đứng ở đó, bất động như một thân tượng đá, đứa con gái đạp xe đạp, chỡ theo mấy cành hoa tím trong cái giỏ phía trước, chạy ngang qua, nhìn Chinh làm dấu chỉ đèn, cách đó khá xa rồi mà cũng còn quay lại, Chinh cúi đầu, nghèn nghẹn chào, ở dưới nhà ga Sannomiya, Chinh ray rứt nhìn theo chuyến xe lửa về ngang Nara, vừa rời nơi đó, bùi ngùi nói thầm “ngày mai mình đi Nara”.


Thuyên Huy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...